Tin tức

Những điều nên biết về bệnh nấm tai

Ngày 08/09/2022
Bệnh nấm tai có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng thường gặp hơn ở những người giữ vệ sinh tai không sạch sẽ, dùng dụng cụ lấy ráy tai chung với người khác,... Mặc dù bệnh không quá nguy hiểm nhưng có một thực tế là nhiều bệnh nhân hay chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu bệnh nên dễ gặp biến chứng và việc điều trị sau đó gặp nhiều khó khăn.

1. Bệnh nấm tai - nguyên nhân và triệu chứng

1.1. Nguyên nhân nào gây ra nấm tai?

Nấm tai là dạng nhiễm trùng gây nên bởi các vi nấm ở trong tai, đôi khi có trường hợp nấm ở vành và ngoài tai còn gọi là nấm vành tai và nấm tai ngoài. Có đến 60 loại nấm có thể gây nấm tai nhưng phổ biến hơn cả là Candida và Aspergillus. 

Candida là một trong số tác nhân gây ra bệnh nấm tai

Candida là một trong số tác nhân gây ra bệnh nấm tai

Các loại nấm này cần có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để phát triển nên thường xuất hiện nhiều vào mùa hè, ở vùng khí hậu ấm áp. Có một số trường hợp nấm kết hợp vi khuẩn khiến cho tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng.

Những đối tượng sau được xem là có nguy cơ bị nấm tai cao hơn:

- Thường xuyên bơi trong môi trường nước bẩn.

- Hệ miễn dịch yếu.

- Tai đã từng bị chấn thương.

- Bị bệnh chàm hoặc các bệnh lý mạn tính về da.

- Mắc bệnh đái tháo đường.

- Hay đến hiệu cắt tóc để lấy ráy tai.

1.2. Triệu chứng bệnh nấm tai là gì?

Tai chảy dịch là triệu chứng thường gặp nhất ở người mắc bệnh lý này. Tùy mức độ bệnh mà màu sắc của dịch có thể là trắng, xám, xanh, vàng hoặc đen. Ngoài ra, bệnh nấm tai còn gây nên các triệu chứng khác như: đau ngứa tai, đỏ, viêm sưng tai, có cảm giác bị ù tai, tai bong tróc da, thính giác suy giảm,...

2. Chẩn đoán và điều trị nấm tai như thế nào?

2.1. Chẩn đoán nấm tai

Bị nấm tai sẽ gây nên những triệu chứng rất rõ ràng như đã nói ở trên, đặc biệt là tình trạng ngứa tai tăng dần về mức độ và sự suy giảm khả năng nghe. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh dễ thấy căng và đau nhức tai, kể cả lúc nhai nuốt. Đến lúc có dịch mủ chảy ra từ tai thì bệnh đã thực sự trở nên nghiêm trọng.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ nấm tai nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay

Khi có dấu hiệu nghi ngờ nấm tai nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay

Để chẩn đoán nấm tai bác sĩ thường căn cứ dựa trên bệnh sử và một số kiểm tra cần thiết. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ dùng ống soi tai để kiểm tra ống tai và màng nhĩ để tìm kiếm dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể lấy dịch tụ ở trong tai để xét nghiệm dưới kính hiển vi nhằm có căn cứ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng của bệnh nhân. 

2.2. Điều trị nấm tai

Nấm tai là bệnh cần được điều trị dứt điểm từ sớm bởi nếu điều này không xảy ra người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: khả năng nghe suy giảm, viêm ống tai, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa,...

Khi đã có kết quả từ việc thăm khám, kiểm tra, bác sĩ sẽ chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp với từng bệnh nhân như:

- Vệ sinh tai: dùng dung dịch để làm sạch và loại bỏ dịch trong tai. Quá trình này người bệnh không nên tự thực hiện tại nhà để tránh gây tổn thương cho tai hoặc làm bệnh thêm trầm trọng.

- Nhỏ thuốc trị nấm: một số thuốc thường được dùng sẽ chứa các hoạt chất như: clotrimazole, fluconazole, axit axetic,... với liều lượng và thời gian phù hợp. Việc dùng thuốc sẽ giúp làm thuyên giảm dần dần các triệu chứng nấm tai.

- Dùng thuốc uống: tùy từng trường hợp khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc phù hợp như: itraconazole, acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid,...

- Dùng thuốc bôi: áp dụng với các trường hợp bị nấm tai ngoài. Thuốc có thể là dạng kem hoặc dạng mỡ để điều trị nấm vành tai, nấm ngoài tai.

Hầu hết các trường hợp bị nấm tai đều có thể được chữa khỏi bằng thuốc trị nấm. Một số ít trường hợp không đáp ứng được với phương pháp điều trị này nên bệnh tiến triển sang mạn tính và cần được theo dõi, điều trị tại bệnh viện chuyên khoa.

Dùng thuốc bôi là một trong các biện pháp được áp dụng để điều trị nấm tai

Dùng thuốc bôi là một trong các biện pháp được áp dụng để điều trị nấm tai

Bệnh nhân đang có các bệnh lý mạn tính, suy yếu hệ miễn dịch hay mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát tốt bệnh nấm tai. Bên cạnh đó, điều trị các bệnh lý mạn tính về da cũng là vấn đề không nên bỏ qua bởi nó chính là yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát nấm tai.

Nếu đang trong quá trình điều trị nấm tai người bệnh cần giữ cho tai luôn được khô ráo, không để nước lọt vào tai trong tai vì những điều này làm tăng độ ẩm, tạo môi trường tốt cho vi nấm tái hoạt động. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên bơi lội và tự ý dùng vật dụng gì để làm sạch tai. Sau khi đã điều trị khỏi nấm tai, tốt nhất hãy tránh tiếp xúc với nơi có môi trường ô nhiễm để bệnh không tái phát.

Muốn phòng tránh bệnh nấm tai cần:

- Chú ý vệ sinh tai đúng cách và không dùng dụng cụ thiếu sạch sẽ để ngoáy tai.

- Không sử dụng chung dụng cụ vệ sinh tai với người khác.

- Giữ cho ống tai thường xuyên được khô ráo và sạch sẽ.

- Không tự ý dùng thuốc điều trị các bệnh lý về tai.

Nói tóm lại, nấm tai không nguy hiểm mà điều cần thận trọng là nguy cơ biến chứng do nấm tai không được điều trị gây ra. Nếu bỏ qua hoặc điều trị nấm tai ở giai đoạn muộn thì không những thính lực bị giảm sút nghiêm trọng mà người bệnh còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Vì thế, khi có cảm giác đau hoặc có dịch chảy ra từ tai, người bệnh nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng ngay.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám nấm tai hoặc các bệnh lý khác về tai có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch khám nhanh chóng, thuận tiện. Ngoài ra, qua số điện thoại này. quý khách cũng có thể trao đổi các băn khoăn có liên quan đến bệnh lý tai mũi họng để được Tổng đài viên giải đáp chi tiết về vấn đề mà quý khách quan tâm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ