Tin tức

Những thuốc gây hại trên tiêu hóa

Ngày 05/09/2011
BS. Nguyễn Hưng Phúc
Uống thuốc trị bệnh là một trong những con đường đưa thuốc vào cơ thể thông dụng nhất. Tuy nhiên có một số thuốc gây tổn thương đường tiêu hóa ở nhiều mức độ khác nhau, thậm chí có thể gây chảy máu và ung thư. Vì vậy cần sử dụng thuốc hợp lý, an toàn...

Hệ tiêu hoá “làm ơn mắc oán”

Hệ tiêu hoá là một hệ cơ quan có chức năng tiêu hoá và hấp thu thức ăn. Trong điều trị bệnh, hệ tiêu hoá là một trong những con đường đưa thuốc vào cơ thể. Đây là con đường đưa thuốc vào cơ thể thông dụng và tiện lợi nhất. Chúng ta chỉ việc uống thuốc và thuốc sẽ được hấp thu dần vào trong máu. Trong nhiệm vụ này, nó đã “làm ơn” cho cơ thể. Thế nhưng, hệ tiêu hóa lại thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác dụng phụ của thuốc (biến chứng tiêu hóa do thuốc) theo đường uống. Lúc này, hệ tiêu hoá lại bị “mắc oán”.

Số các trường hợp bị tác hại trên tiêu hoá do thuốc là không hề nhỏ. Tính trên toàn thế giới, tỷ lệ bị tác dụng phụ nghiêm trọng trên hệ tiêu hoá trong điều trị bệnh vào khoảng 17-20%. Tức là cứ có khoảng 100 người uống thuốc điều trị bệnh thì có tới 20 người bị tác dụng phụ trên hệ cơ quan này. Điều tra trên những người phải nhập viện do tác dụng phụ nghiêm trọng người ta cũng thấy mức độ tương tự. Có khoảng 20% ca nhập viện do tai biến điều trị là từ những tổn thương tiêu hoá.

Các tổn thương tiêu hoá do thuốc là rất đa dạng. Chúng bao gồm: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, rối loạn hấp thu, rối loạn nhu động, co thắt, chít hẹp, viêm loét, chảy máu, thủng và ung thư… Tuy nhiên, có thuốc gây hại nhẹ, có thuốc gây hại nặng. Chúng ta cần biết một số thuốc thường gây hại trên hệ cơ quan này để có những phương án dự phòng.

Những thuốc nào cần chú ý?

Thuốc chống viêm không steroid: Trong danh mục các thuốc gây hại nghiêm trọng trên hệ tiêu hoá, đầu bảng phải là các thuốc chống viêm không steroid:  Có thể kể ra đây những ví dụ điển hình như diclofenac, indomethacin, phenybutazol, ibuprofen, entodolac, meloxicam, tenoxicam..

Các thuốc này có công dụng là chống tạo ra các chất trung gian hoá học của viêm nên có tác dụng chống viêm mạnh. Nó có tác dụng đặc hiệu trong bệnh viêm xương khớp: chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Đây là những thuốc được sử dụng khá thông thường. Ước tính trung bình, người ta thấy có khoảng 30 triệu người sử dụng thuốc này hàng ngày. Có tới trên 50% người sử dụng thuốc này là những người cao tuổi thế nên những người này cũng đóng góp một phần nhiều nhất vào số lượng người bị hỏng hệ tiêu hoá do thuốc.

Các tác dụng phụ trầm trọng trên đường tiêu hóa mà nó gây ra là: viêm, loét, chảy máu, và thậm chí là thủng dạ dày, ruột. Tỷ lệ bị biến chứng do thuốc này theo một con số thống kê chưa đầy đủ là khoảng 11-13% (cứ 100 người bị thấp khớp phải sử dụng chúng thì có khoảng 13 người bị thêm một căn bệnh là viêm loét và chảy máu tiêu hoá). Trong các thuốc sử dụng ibuprofen và diclofenac là những thuốc ít gây ra nguy cơ nhất với đường tiêu hoá trên. Trong khi đó piroxicam, azapropazone, tolmetin và ketoprofen thì lại hay gây ra những nguy hại cho đường tiêu hoá dưới như ruột non, ruột già. Biến chứng trên hệ tiêu hoá còn phụ thuộc vào nồng độ, thời gian và sự kết hợp thuốc. Càng sử dụng thuốc liều cao, phối hợp nhiều thuốc thì càng tai hại. Những công thức phối hợp thuốc vô cùng tác hại đã được biết đến là sự kết hợp giữa thuốc chống viêm không steroid và thuốc corticoid, hoặc thuốc chống viêm với thuốc chống phân hủy serotonin, hoặc thuốc đó với thuốc chống đông máu…

Thuốc thuộc nhóm bisphosphat: Bisphosphat là những thuốc chống loãng xương chuyên dùng để điều trị các bệnh có giảm mật độ xương như bệnh loãng xương, bệnh Paget. Các ví dụ điển hình của bisphosphat là alendrolate, pamidronate. Người ta đã ghi nhận thấy alendrolate có thể gây ra viêm loét thực quản và viêm loét dạ dày trong khi đó pamidronate thì lại gây ra viêm thực quản là chủ yếu. Sử dụng thuốc này một thời gian thì người ta thấy xuất hiện các rối loạn như bỏng rát sau xương ức, đau rát khi nuốt. Kèm theo đó là những dấu hiệu rối loạn tiêu hoá, hay ợ hơi, ợ chua, hay bị đầy bụng. Những người già hay có giảm mật độ xương thì chuyện viêm loét thực quản do các bisphosphat là chuyện có thể gặp.

Các thuốc ức chế phân hủy serotonin: Thuốc ức chế phân hủy serotonin là các thuốc điều trị bệnh trầm cảm. Những thuốc này ức chế các enzym phân hủy serotonin và do đó gián tiếp làm tăng nồng độ serotonin trong máu. Tuy nhiên, thuốc không chỉ tác động vào quá trình phân hủy serotonin mà còn tác động vào hệ tiêu hoá nữa. Mặc dù cơ chế gây ra biến chứng chưa được chỉ rõ nhưng qua quan sát người ta thấy có một mức độ liên quan nhất định tới tai biến chảy máu tiêu hoá. Dựa vào những nghiên cứu thống kê, người ta thấy rằng có khoảng 16% người uống thuốc này bị chảy máu dạ dày. Đây là một biến chứng thuộc hàng nặng với hệ cơ quan này.

Thuốc kích thích tiêu hoá mang bản chất là men tiêu hoá của dạ dày, tụy: chúng cũng gây ra những tai hại nhất định. Các thuốc kích thích tiêu hoá chiết xuất từ các men dạ dày, tụy tạng thực chất là những enzym đông khô, enzym chưa hoạt động được bổ sung vào chế độ điều trị nhằm làm tăng khả năng phân giải thực phẩm. Phần nhiều những thuốc này là những men phân hủy chất đạm động vật như protease, pepsin. Những thuốc này rất có ý nghĩa khi người bệnh bị các chứng bệnh như viêm dạ dày mạn tính, viêm tụy mạn tính không còn đủ khả năng chế tiết đủ pepsin và protease nữa. Nhưng nó lại là kẻ thù của những người có lớp niêm mạc nhạy cảm. Khi dùng quá liều, nó có thể làm tăng nguy cơ viêm loét vì nó làm tiêu hủy lớp niêm mạc che phủ trong cùng của cơ quan tiêu hoá. Phần bị nặng nhất là dạ dày và lớp niêm mạc. Nếu đối tượng có nguy cơ bị viêm loét thì thuốc này sẽ gây ra viêm loét điển hình. Còn nếu thuốc này được dùng sai chỉ định, tức là dùng cho người đang có viêm loét dạ dày thì sẽ gây ra viêm loét nặng và có thể chảy máu hoặc thủng.

Kháng sinh đường uống: Điển hình như các kháng sinh như metronidazol, erythromycin, cephalosporin, spiramycin, tetracyclin... Những thuốc này có tác dụng diệt các vi khuẩn gây bệnh như H. pylori trong dạ dày, salmonella, klebshiella. Nhưng nó cũng tiêu diệt luôn cả những vi khuẩn có lợi. Đó là những vi khuẩn phân hủy gluxit trong đại tràng, vi khuẩn lên men.. Sự tiêu diệt những vi khuẩn có lợi đã dẫn đến những rối loạn tiêu hoá mà thường là tình trạng đi lỏng do thức ăn không được tiêu hoá đầy đủ. Hiện trạng này hay gặp ở trẻ em và người già, độ tuổi mà men tiêu hoá có sự thiếu hụt và không hoàn chỉnh. Quá trình tiêu hoá phụ thuộc nhiều vào việc phối hợp của các vi khuẩn có ích trong đường ruột.

 Một số thuốc khác cần lưu ý là các thuốc ức chế tiết dịch tiêu hoá, ức chế hoạt động của gan, tụy sẽ làm thiếu hụt những men tiêu hoá và sẽ gây ra hiện tượng rối loạn hấp thu, cũng là một tác hại trên tiêu hoá. Song có lẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng nhất phải kể tới năm nhóm thuốc trên. Vì vậy, các thầy thuốc cần cẩn thận nếu có lựa chọn những thuốc này kê sử dụng cho bệnh nhân. Đồng thời, mỗi người chúng ta cũng cần hết sức chú ý khi đang uống những thuốc này và phát hiện sớm khi có hiện tượng bất thường tiêu hoá xảy ra.



Thuốc có thể gây hại cho đường tiêu hóa

Làm gì để giảm tác hại?


Giảm tác hại trên đường tiêu hóa của thuốc nhằm hai mục tiêu: bảo tồn chức năng bình thường cho hệ tiêu hoá đồng thời tránh những tổn thương bề mặt.

Với những thuốc có thể gây viêm và loét như các thuốc chống viêm không steroid, thuốc trị loãng xương bisphosphat thì cần phải có các chất che phủ niêm mạc để gia cố thêm lớp bảo vệ do thuốc làm mỏng bớt đi. Mỗi khi chúng ta kê đơn thuốc, cần thiết phải có thêm những thuốc chứa các chất này. Ví dụ, như thuốc chứa nhôm dạng keo phosphalugel có tác dụng bao phủ và bảo vệ niêm mạc tránh sự tấn công của axit.

Khi kê đơn thuốc, cần lựa chọn những thuốc an toàn nhất trong cùng một nhóm. Cần thiết phải hỏi tiền sử bệnh tiêu hoá trước khi kê đơn, đặc biệt là những người mà có tiền sử loét dạ dày, tá tràng. Ví dụ, nhóm thuốc chống viêm thì nên lựa chọn những thế hệ chống viêm ức chế COX2 để tránh những tác dụng phụ trên dạ dày. Những thuốc trong nhóm điều trị loãng xương thì chỉ có alendrolate là gây loét dạ dày. Do đó để tránh tác hại này nên lựa chọn một thuốc khác cùng nhóm để thay thế như pamidronate.

Cần lưu ý thời điểm uống thuốc với những người bị viêm loét dạ dày tá tràng. Nếu bắt buộc phải sử dụng các thuốc trên thì tốt nhất nên uống trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn. Điều này sẽ làm giảm sự kích ứng với niêm mạc. Bởi lẽ uống ngay sau ăn hay trong ăn sẽ làm thuốc hòa trộn vào với thức ăn và do đó ít có cơ hội gây hại trên bề mặt. Ví như thuốc kích thích tiêu hoá có nguồn gốc là men thì nên uống ngay sau ăn. Mọi trường hợp uống trước ăn cần tránh.

Khi có rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh thì nên bổ sung men tiêu hoá dưới dạng là các vi khuẩn đông khô như các lactobacillus. Những vi khuẩn sống này sẽ giúp hỗ trợ tiêu hoá khi mà cộng đồng vi sinh vật có lợi đang bị thiếu hụt.

Trong thời gian uống thuốc, mọi thực phẩm làm tăng nồng độ axit trong dạ dày sẽ làm nặng thêm mức độ tai biến. Do đó những thực phẩm giàu axit lactic, axit axetic, vitamin C thì cần tránh. Ví dụ, dưa muối, cam, chanh, quất, bưởi, ổi, măng, khế, sấu... Việc dùng những thực phẩm này thực chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”. Tránh những thực phẩm này sẽ làm tăng mức an toàn hóa trong điều trị.


Theo Sức khỏe và đời sống

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ