Tin tức
Những thuốc không được sử dụng trong bệnh “giời leo”
Ở người trẻ, bệnh thường lành tính, ít khi để lại di chứng. Ở người già, bệnh dễ trầm trọng, thường để lại di chứng. Riêng di chứng đau thần kinh sau zona, người trên 50 tuổi thường có tỷ lệ xuất hiện cao gấp 15-25 lần người dưới 30 tuổi.
Một số thuốc thường dùng
Nhóm kháng virut
Dùng trong giai đoạn cấp tính, thường dùng acyclovir, valacylovir, famcilovir. Cả ba đều có tính năng tương tự: rút ngắn thời gian bài xuất virut, ngăn chặn sự hình thành tổn thương mới, đẩy nhanh tốc độ liền sẹo, giảm độ nặng của cơn đau cấp. Cần dùng thuốc sớm trong vòng 24 - 48 giờ khi có triệu chứng và dùng với liều cao. Không dùng dạng thuốc bôi vì không có hiệu quả. Thuốc không gây tác dụng bất lợi nào, tuy nhiên, với người suy thận cần giảm liều.
Nhóm giảm đau
Đau thần kinh sau zona là những triệu chứng đau xuất hiện sau 30 hay 60 ngày sau khi nổi phát ban hay sau khi liền sẹo. Cảm giác đau rất khó chịu: nhức nhối, rát bỏng như dao đâm, điện giật. Đau có thể kéo dài nhiều tháng nhiều năm kèm theo một số rối loạn cảm giác khác nhau, đặc trưng nhất là loạn cảm giác đau (chỉ sờ chạm nhẹ như áo quần bị tiếp xúc với vùng da bị ảnh hưởng cũng có thể gây đau dữ dội). Ngoài ra, có thể dị cảm (cảm giác như kim châm xảy ra tự phát), loạn cảm (cảm giác bất thường với các kích thích lên da), có thể kèm triệu chứng trầm cảm. Thuốc có thể dùng riêng hay phối hợp, gồm:
Lidocain: dùng dưới dạng thuốc dán 5%, có thể dùng tới 3 miếng dán trong vòng 12 giờ. Thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, ít khi gây độc hại toàn thân. Chỉ được bôi lên vùng da nguyên vẹn.
Kem capsaicin (hoạt chất lấy từ quả ớt) 0,025 - 0,075%: bôi thuốc có nồng độ capsaicin lúc đầu thấp, sau đó dùng thuốc có nồng độ cao. Thuốc gây rát bỏng. Chỉ được bôi lên vùng da nguyên vẹn. Một số người bệnh bỏ dở điều trị vì không chịu nổi rát bỏng.
Amtriptylin, nortripylin: là thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Bắt đầu dùng với liều thấp sau tăng cao, chia thành 3 lần uống trong ngày. Thuốc có thể gây an thần, gây lú lẫn, bí tiểu tiện, hạ huyết áp tư thế, khô miệng, loạn nhịp tim (nên hạn chế dùng cho người già).
Gabapentin: bắt đầu bằng liều thấp và tăng dần liều cao, chia ra 3 lần dùng trong ngày. Thuốc dung nạp tốt nhưng có thể gây chóng mặt, nhức đầu, u ám, mất ý thức.
Một số thuốc không nên dùng
Thuốc chống dị ứng: Zona có biểu hiện giống dị ứng nhưng không phải là hiện tượng dị ứng, không dùng thuốc chống dị ứng (chlopheniramin, corticoid) trong trường hợp này.
Thuốc kháng sinh: Zona khi ở giai đoạn hóa mủ, loét, trông giống như nhiễm khuẩn nhưng là bệnh do virut nên dùng thuốc kháng virut chứ không dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn thông thường.
Thuốc giảm đau thông thường: Đau sau zona là đau có nguồn gốc thần kinh. Dùng các thuốc giảm đau thông thường (giảm đau không steroid) sẽ không có hiệu quả.
Không dùng thảo dược: Không có loại thảo dược nào chống lại được virut. Không dùng thảo dược đắp lên tổn thương do zona (dễ gây nhiễm khuẩn nguy hiểm).
Khi bị zona cần điều trị tích cực bằng thuốc kháng virut nhằm tránh bệnh diễn biến xấu. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn đau thần kinh sau zona cần phải nhớ kỹ việc đã từng bị bệnh zona trước đó để trình bày với thầy thuốc (nếu đến nơi khám mới) nhằm tránh dùng thuốc giảm đau không thích hợp. Khi có dấu hiệu bệnh lý về mắt (thường đến muộn) cần đến với thầy thuốc chuyên khoa mắt.
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!