Tin tức
Nữ giới cần biết: khám phụ khoa là khám những gì
- 01/12/2023 | Phụ nữ có nên đi khám phụ khoa tiền hôn nhân không?
- 01/03/2024 | Các bệnh phụ khoa thường gặp: triệu chứng nhận diện
- 31/08/2024 | Có nên dùng thuốc đặt phụ khoa cho bà bầu 3 tháng đầu không?
1. Vì sao nữ giới cần khám phụ khoa?
Khám phụ khoa định kỳ giúp nữ giới biết được các mối nguy tiềm ẩn đối với bệnh viêm nhiễm đường sinh dục (như: bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm âm đạo do nấm. viêm cổ tử cung), các bệnh lý phụ khoa như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung,... Việc phát hiện sớm này rất quan trọng trong việc điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nữ giới cũng sẽ biết được sức khỏe sinh sản của mình qua quá trình khám phụ khoa. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng đối với những phụ nữ đang có kế hoạch sinh con.
Ngoài việc kiểm tra, nữ giới cũng sẽ được bác sĩ phụ khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, biện pháp tránh thai, tình trạng rối loạn kinh nguyệt,... để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình.
Người bệnh được bác sĩ giải thích khám phụ khoa là khám những gì trước khi thực hiện
2. Khám phụ khoa là khám những gì và thực hiện ra sao?
Khám phụ khoa là một quy trình y tế nhằm kiểm tra và đánh giá sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Quy trình khám phụ khoa bao gồm nhiều bước cụ thể như sau:
2.1. Thu thập thông tin bệnh sử
Trước khi bắt đầu kiểm tra lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh thông tin cá nhân, tiền sử bệnh lý và tình trạng sức khỏe hiện tại. Đây là một bước rất quan trọng để bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe và đưa ra các chỉ định phù hợp.
Các thông tin thường được bác sĩ chú ý gồm:
- Tiền sử chu kỳ kinh nguyệt: thời gian diễn ra, tần suất, độ dài và bất kỳ triệu chứng bất thường nào như đau bụng kinh, ra máu nhiều hoặc không đều.
- Tiền sử sinh sản: số lần mang thai, sảy thai, phá thai, các biến chứng sinh sản,...
- Tiền sử bệnh lý phụ khoa.
2.2. Khám bên ngoài bộ phận sinh dục
Sau khi thu thập đầy đủ thông tin bệnh sử, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra bên ngoài bộ phận sinh dục để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Nội dung thăm khám bao gồm:
- Kiểm tra tầng sinh môn, âm hộ để phát hiện các dấu hiệu bất thường như sưng, đỏ, vết loét, viêm nhiễm, mụn rộp sinh dục, u bướu,...
Bác sĩ hướng dẫn tư thế nằm thuận tiện cho quá trình khám phụ khoa
2.3. Khám cơ quan sinh dục trong
Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ là mỏ vịt để mở rộng âm đạo đồng thời giúp bộc lộ được cổ tử cung, giúp kiểm tra bên trong âm đạo và cổ tử cung. Quá trình này có thể gây nên cảm giác khó chịu, cần thả lỏng cơ thể và hít thở sâu để giảm bớt căng thẳng.
Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ quan sát thành âm đạo, ống âm đạo, cổ tử cung để phát hiện các dấu hiệu bất thường như vết loét, tính chất dịch âm đạo, tổn thương ở cổ tử cung, các khối u bất thường,... Bước này giúp phát hiện các bệnh lý cơ quan sinh sản như viêm âm đạo, polyp cổ tử cung, viêm cổ tử cung, ung thư cổ tử cung,... Bác sĩ cũng sẽ giải thích các bước kiểm tra cần thực hiện khi khám phụ khoa là khám những gì để người bệnh hiểu và hợp tác thực hiện lấy mẫu dịch từ cổ tử cung để tiến hành các xét nghiệm cần thiết.
2.4. Tiến hành các kiểm tra cần thiết
- Siêu âm
+ Siêu âm đầu dò: quan sát tình trạng tử cung, buồng trứng và các cấu trúc khác trong vùng chậu.
+ Siêu âm bụng: kiểm tra các cơ quan lân cận xung quanh tử cung, buồng trứng.
- Xét nghiệm Pap Smear
Bác sĩ sẽ sử dụng một que nhỏ để lấy một lượng mẫu tế bào từ cổ tử cung. Mẫu bệnh phẩm sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để tìm kiếm tế bào bất thường. Xét nghiệm này có thể gây cảm giác khó chịu trong quá trình lấy mẫu.
Kết quả từ xét nghiệm Pap smear giúp phát hiện sớm các thay đổi tiền ung thư ở cổ tử cung, cho phép can thiệp kịp thời trước khi ung thư phát triển. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
- Các xét nghiệm khác:
+ Xét nghiệm HPV
+ Xét nghiệm soi dịch âm đạo
+ Xét nghiệm nước tiểu (nếu cần thiết)
2.5. Tư vấn kết quả khám phụ khoa và đưa phác đồ điều trị
Sau khi hoàn tất các bước kiểm tra và xét nghiệm, bác sĩ sẽ giải thích về kết quả nhận được và đưa ra những lời khuyên phù hợp. Nếu phát hiện bất kỳ vấn đề bất thường nào, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị hoặc tư vấn về các biện pháp phòng ngừa.
Kết thúc quá trình khám phụ khoa, bác sĩ sẽ giải thích chi tiết để người bệnh biết về hiện trạng sức khỏe của mình
3. Khi nào nữ giới nên đi khám phụ khoa?
Bên cạnh mối quan tâm về vấn đề khám phụ khoa là khám những gì, nữ giới cũng cần lưu ý đến thời điểm nên thực hiện quy trình này. Chuyên gia sản phụ khoa khuyến nghị, nữ giới nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm một lần, ngay cả khi không có triệu chứng bất thường.
Trường hợp gặp phải các triệu chứng bất thường như đau bụng dưới, kinh nguyệt không đều, chảy máu ngoài kỳ kinh, đau khi quan hệ tình dục, ra khí hư bất thường,... nữ giới không nên đợi đến kỳ thăm khám mà cần đến cơ sở y tế kiểm tra ngay.
Ngoài ra, với các trường hợp đang có kế hoạch kết hôn hoặc mang thai, việc khám phụ khoa cũng giúp nữ giới đánh giá được tình trạng sức khỏe sinh sản và chuẩn bị tốt cho quá trình mang thai, sinh con sau đó.
Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đây đã giúp bạn có được hình dung cụ thể khám phụ khoa là khám những gì và quan trọng như thế nào để chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám phụ khoa cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn xác nhận lịch hẹn nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!