Tin tức

Phòng chống tăng huyết áp: Căn bản là điều chỉnh lối sống

Ngày 21/12/2010
Medlatec
(SK&ĐS) - Tại Mỹ và đa số các nước đã phát triển, tăng huyết áp (THA) là nguyên nhân thường gặp nhất khiến bệnh nhân phải đi khám và điều trị. Tại các nước đang phát triển cũng đang xuất hiện hàng loạt các yếu tố nguy cơ gây THA như: béo phì, ăn mặn, stress… đồng thời tuổi thọ ngày càng tăng, nên tỷ lệ người già mắc bệnh THA cũng ngày càng cao hơn.


Tỷ lệ người bị bệnh THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện đang ở mức rất cao, đặc biệt ở các nước phát triển. Tỷ lệ người bị bệnh THA trên thế giới nói chung là trên 20% dân số người lớn. Tỷ lệ mắc bệnh ở một số nước như: Anh (38,8%, 1998); Thụy Điển (38,4%, 1999); Hoa Kỳ (28,7%, 2000); Trung Quốc (27,2%, 2001); Singapore (26,6%, 1998); Ai Cập (26,3%, 1991); Canada (22%, 1992); Thái Lan (20,5%, 2001); Cameroon (15,4%, 1995)...

Ở Việt Nam, tỷ lệ người bị bệnh THA cũng ngày một tăng. Nếu như năm 1960, tỷ lệ người bị bệnh THA ở người lớn phía Bắc Việt Nam chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (1992) thì tỷ lệ này đã là 11,7%, tăng lên hơn 11 lần (mỗi năm tăng trung bình 0,33%). Năm 2002, tỷ lệ người bị bệnh THA tăng lên 16,3% (trung bình mỗi năm tăng 0,46%) và đến năm 2009 thì tỷ lệ này đã  lên đến 25,1% với người trên 25 tuổi. Như vậy, với dân số 84 triệu người Việt Nam (tính đến năm 2007), ước tính có khoảng 6,85 triệu người bị bệnh THA thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 triệu người bị THA, nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời.

Các biến chứng của THA là rất nặng nề như: tai biến mạch máu não (TBMMN), nhồi máu cơ tim (NMCT), suy tim, suy thận, mù lòa, bệnh động mạch ngoại vi... Những biến chứng này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, gây tàn phế thậm chí là tử vong và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất cho gia đình bệnh nhân cũng như toàn xã hội.  Bệnh THA là nguyên nhân chính (chiếm 59,3% các nguyên nhân) gây ra TBMMN, nhồi máu cơ tim, suy tim... Như vậy, hằng năm chúng ta phải chi một khoản kinh  phí rất lớn, tới cả ngàn tỷ đồng để trực tiếp điều trị bệnh và phục vụ những người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do TBMMN, nhồi máu cơ tim, suy tim...

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh THA trong cộng đồng như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị THA... Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh. Hiện nay, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam (năm 2008-2009), đa số người dân (77%) hiểu sai về bệnh THA và các yếu tố nguy cơ của bệnh. Đây cũng là một trong các nguyên nhân để tỷ lệ bệnh THA ngày càng gia tăng ở nước ta.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh: Thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học là một trong các biện pháp chính để phòng ngừa THA cũng như góp phần điều trị bệnh THA, nhờ đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh THA trong cộng đồng.

Điều chỉnh lối sống bao gồm các vấn đề:

Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi: Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm 5g muối tức là một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ.

Một nghiên cứu của Viện Tim - Phổi và Huyết học Quốc gia ở Mỹ, liên quan đến những chế độ ăn uống ngăn chặn bệnh THA đã cho thấy, chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1,5g/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp ở cả 2 nhóm người (nhóm ăn theo chế độ thông thường cũng như nhóm ăn theo chế độ kiểm soát huyết áp). Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp. Trong khi đó, một khảo sát gần đây đã cho biết, người Việt Nam chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 - 22g mỗi ngày, trong khi lượng khuyến cáo không quá 5g. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3 - 4 lần so với khuyến cáo. Vì vậy, đây cũng là một trong các yếu tố gây THA ở nước ta. Để làm giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh THA, ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, thì cũng cần hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn. Chú ý với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao. Muối thường được đề cập trong chế độ ăn hằng ngày là muối ăn sodium chloride (NaCl). Tuy nhiên, có nhiều loại muối khác có cùng gốc sodium (natri) tồn tại trong các loại thức ăn, thức uống công nghiệp như: monosodium glutamate (mì chính), sodium citrate, sodium bicarbonate... cũng có tác hại tương tự NaCl khi dùng nhiều. Theo Drug Bulletin, FDA, Cục Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ cho biết: những loại nước ngọt có ga, các loại bia có hàm lượng natri còn cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác. Ngoài ra,  bột nở - loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc natri.       

TS. Phạm Thị Hồng Thi

(Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia)

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ