Tin tức
Polyp mũi ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán
- 05/08/2024 | Phẫu thuật nội soi cắt polyp mũi - phương pháp ưu việt được bác sĩ khuyên dùng
- 11/11/2024 | Viêm mũi xuất tiết xuất hiện do nguyên nhân nào và điều trị có phức tạp?
- 03/02/2025 | Tại sao sổ mũi hoài không hết và top 7 nguyên nhân phổ biến
1. Nguyên nhân nào khiến trẻ bị polyp mũi?
Polyp mũi là khối u nhỏ, mềm, phát triển trên niêm mạc mũi hoặc xoang. Ở trẻ em, polyp mũi thường do:
1.1. Viêm xoang mạn
Viêm xoang kéo dài có thể gây nên polyp mũi. Khi xoang bị viêm, niêm mạc trong mũi và xoang sung huyết và tạo ra dịch nhầy liên tục. Quá trình viêm tái diễn nhiều lần sẽ khiến các mạch máu tăng tính thấm gây nên việc nước tích tụ trong các mô. Các mô ứ nước này theo thời gian sẽ bị tác động của trọng lực kéo xuống dưới , dồn lại và hình thành polyp.
Viêm xoang mạn có thể gây nên polyp mũi ở trẻ em
1.2. Dị ứng kéo dài
Dị ứng với các yếu tố như phấn hoa, bụi mịn, lông thú hoặc hóa chất có thể khiến niêm mạc mũi của trẻ bị kích thích liên tục. Khi tiếp xúc thường xuyên với các chất gây dị ứng, niêm mạc mũi phản ứng quá mức, dẫn đến sưng viêm mạn tính ở niêm mạc và hình thành khối polyp.
1.3. Bệnh lý di truyền
Một số bệnh lý di truyền sau có thể làm tăng nguy cơ polyp mũi ở trẻ em:
- Xơ nang: Đây là rối loạn di truyền ảnh hưởng đến hệ thống tiết nhầy, làm chất nhầy trong xoang mũi dày và dễ gây viêm, từ đó hình thành polyp.
- Hội chứng Kartagener: Gây rối loạn chức năng lông chuyển trong xoang mũi, làm cản trở quá trình làm sạch dịch nhầy.
- Hội chứng Churg-Strauss: Bệnh liên quan đến viêm mạch máu, gây viêm xoang mạn tính và hình thành polyp.
1.4. Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát
Trẻ em thường xuyên bị viêm mũi hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên có nguy cơ cao bị polyp mũi. Nguyên nhân là do các đợt viêm tái phát làm tổn thương niêm mạc mũi, dẫn đến tích tụ dịch nhầy trong xoang và kích thích niêm mạc phát triển bất thường từ đó hình thành polyp mũi ở trẻ em.
1.5. Môi trường ô nhiễm hoặc dùng thuốc kéo dài
Trẻ sống trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá cũng dễ bị polyp mũi. Nguyên nhân là do các tác nhân này gây kích ứng niêm mạc mũi liên tục, dẫn đến viêm mạn tính và hình thành polyp.
Ngoài ra, khi dùng thuốc xịt mũi hoặc các loại thuốc không phù hợp trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc mũi và làm tăng nguy cơ polyp mũi ở trẻ em.
2. Triệu chứng polyp mũi thường xuất hiện ở trẻ
Polyp mũi ở trẻ em có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào kích thước, vị trí của polyp và mức độ ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp:
Trẻ bị polyp mũi thường có dấu hiệu ngạt mũi, sổ mũi kéo dài, không đáp ứng với thuốc thông thường
2.1. Ngạt mũi kéo dài
Trẻ bị polyp mũi thường xuyên gặp tình trạng ngạt mũi gây khó thở đường mũi. Hiện tượng này là kết quả của polyp chèn ép và làm hẹp đường thở. Trẻ thường phải thở bằng miệng, nhất là vào ban đêm. Ngạt mũi do polyp không thể thuyên giảm khi trẻ đã được dùng thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi thông thường.
2.2. Chảy nước mũi liên tục
Trẻ bị polyp mũi thường xuyên chảy nước mũi trong suốt. Trường hợp có viêm nhiễm, nước mũi sẽ chuyển sang màu vàng hoặc xanh. Trẻ thường xuyên phải lau mũi nên rất khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
2.3. Thở khò khè
Polyp mũi ở trẻ em phát triển càng lớn càng gây cản trở nghiêm trọng đến luồng không khí vào mũi. Điều này khiến cho trẻ có hiện tượng thở khò khè, nhất là khi ngủ buổi đêm. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị ngừng thở khi ngủ, khiến giấc ngủ không sâu, trẻ dễ bị mệt mỏi.
2.4. Giảm hoặc mất khả năng ngửi
Polyp mũi chèn ép vào các dây thần kinh khứu giác, khiến trẻ bị giảm hoặc mất khả năng ngửi mùi. Trẻ em thường khó nhận biết triệu chứng này, nhưng cha mẹ có thể quan sát qua việc trẻ kém nhận diện các mùi quen thuộc, ăn không ngon miệng hoặc cảm thấy thức ăn không có mùi vị như bình thường.
2.5. Đau nặng đầu
Khi polyp chèn ép các xoang, trẻ sẽ cảm thấy đau nặng đầu ở vùng trán, gò má hoặc mắt. Trẻ có thể hay kêu đau đầu, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh. Nếu polyp gây tắc nghẽn xoang sẽ có nguy cơ gây viêm xoang mạn tính.
2.6. Ngủ ngáy
Ngáy khi ngủ là dấu hiệu phổ biến ở trẻ bị polyp mũi. Trẻ ngáy lớn hơn bình thường, đôi khi tiếng ngáy đứt quãng do đường thở bị tắc nghẽn. Ngủ ngáy kèm theo thở bằng miệng làm tăng nguy cơ khô họng và viêm họng ở trẻ.
2.7. Ho và thay đổi giọng nói
Ho là triệu chứng phụ, xảy ra khi dịch nhầy từ polyp chảy xuống họng, kích thích vùng hầu họng. Trẻ thường ho nhiều vào ban đêm hoặc sáng sớm, không cải thiện khi dùng thuốc trị ho thông thường.
Polyp mũi ở trẻ em còn khiến trẻ nói giọng mũi, do sự cản trở luồng khí qua mũi. Giọng nói của trẻ sẽ nặng hơn và có âm sắc khác thường.
3. Chẩn đoán polyp mũi ở trẻ em như thế nào?
Để chẩn đoán polyp mũi ở trẻ em, các bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, khám mũi và thực hiện một số kiểm tra giúp thu thập thông tin cung cấp căn cứ cho việc đưa ra kết luận cuối cùng:
3.1. Hỏi bệnh sử và triệu chứng
Bác sĩ sẽ bắt đầu quá trình thăm khám bằng việc hỏi bố mẹ thông tin chi tiết về bệnh sử của trẻ để nắm rõ:
- Các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, giảm khả năng ngửi hoặc đau nhức vùng mặt,... kéo dài bao lâu.
- Tiền sử dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các bệnh lý di truyền.
- Điều kiện môi trường sống của trẻ: ô nhiễm không khí, khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất,...
Thông qua thông tin này, bác sĩ có thể đánh giá sơ bộ và xác định nguy cơ polyp mũi.
3.2. Kiểm tra cận lâm sàng
- Nội soi tai mũi họng
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ nội soi vùng mũi, họng và tai của trẻ bằng ống nội soi có gắn camera chuyên dụng để phát hiện các dấu hiệu bất thường:
+ Kiểm tra hốc mũi: Tìm kiếm khối polyp xuất hiện trong hốc mũi. Nội soi mũi còn giúp phát hiện các bệnh lý khác như viêm xoang, lệch vách ngăn hoặc dị vật trong mũi.
+ Kiểm tra họng: Đánh giá xem trẻ có bị viêm họng, viêm amidan do dịch nhầy chảy xuống họng hay không.
- Nghe nhịp thở
Bác sĩ dùng ống nghe chuyên dụng để kiểm tra tiếng thở khò khè hoặc các dấu hiệu khó thở khác.
- Chụp CT-Scanner
Trong trường hợp nghi ngờ hoặc cần đánh giá chi tiết hơn, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT-Scanner để đánh giá chi tiết cấu trúc xoang và mũi, xác định mức độ lan rộng của polyp.
- Xét nghiệm dị ứng
Nếu trẻ có tiền sử dị ứng hoặc các triệu chứng liên quan, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm dị ứng để xác định chất gây dị ứng là nguyên nhân dẫn đến viêm mũi mạn tính và hình thành polyp.
- Xét nghiệm sinh hóa
Nếu bác sĩ nghi ngờ polyp mũi có liên quan đến bệnh lý di truyền, các xét nghiệm sau có thể được thực hiện:
+ Xét nghiệm chức năng miễn dịch.
Trẻ cần được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ polyp mũi
Polyp mũi ở trẻ em gây nên nhiều triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe của trẻ. Nhận diện sớm bệnh lý này và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh và tránh được các hệ lụy nguy hại cho đường hô hấp.
Nếu nghi ngờ con có dấu hiệu polyp mũi ở trẻ em, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám cho trẻ cùng bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
![bác sĩ lựa chọn dịch vụ](/media/35762/file/image_2024-10-25_15-20-17.png)