Tin tức
Rượu - Kẻ thù của đường tiêu hóa
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TM
Uống rượu nhiều còn gây ra hội chứng ruột kích thích. Hội chứng này thường xuất hiện sau những buổi nhậu nhẹt với tình trạng điển hình là tiêu chảy cấp hoặc đại tiện sệt, lỏng ngày 3 - 4 lần, nhất là buổi sáng ngày hôm sau của những cuộc nhậu. Đi lỏng thường kèm theo với đau bụng hoặc không. Trước khi đại tiện thấy đau ê ẩm hoặc đau quặn, đại tiện xong thường thấy dễ chịu. Có người còn cảm thấy đau tức, khó chịu ở hậu môn, mót đi ngoài hoặc có cảm giác như đi chưa hết phân, có khi phải ngồi lâu mặc dù phân lỏng. Phân lỏng, nát nhưng có thể đoạn đầu cứng mà đoạn sau nát. Trong ngày, phân lần đầu nát nhưng các lần sau lẫn nhầy hoặc toàn nhầy. Nhiều khi bệnh nhân còn có cảm giác ậm ạch, khó tiêu, no hơi, nặng bụng, trướng bụng, có khi buồn nôn và nôn. Các biểu hiện trên có thể kéo dài vài ngày, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng trên lại tiếp tục xảy ra sau khi uống rượu, bia nhiều và theo thời gian, nó có thể làm cho bệnh lý trở nên trầm trọng hơn, gây ra những tổn thương thực thể ở cơ quan tiêu hóa nếu không điều trị kịp thời.
Nguyên nhân do đâu?
Có thể kể đến 2 nguyên nhân chính như do thực phẩm bao gồm: ăn uống quá nhiều chất béo, gia vị, ăn quá nhanh, nhai không kỹ... Thực phẩm sử dụng tại bàn nhậu như rau quả, các loại thịt, cá, hải sản... không bảo đảm vệ sinh trong chế biến, sử dụng phẩm màu độc hại để bảo quản hoặc tái sử dụng thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Nguồn gốc rượu, bia không rõ ràng; sử dụng rượu, bia kém chất lượng hoặc tự nấu, tự ngâm không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng nước đá không bảo đảm vệ sinh; do rối loạn nhu động ruột: là do việc sử dụng quá nhiều rượu, bia làm mẫn cảm hệ thần kinh trung ương nói chung và thay đổi hoạt động của hệ thần kinh giao cảm chi phối hệ tiêu hóa, dẫn đến rối loạn nhu động của ống tiêu hóa.
Lời khuyên của thầy thuốc
Không lạm dụng rượu, bia. Nên chọn quán ăn có uy tín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc. Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp, hạn chế các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi (như khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường, đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích), những thức ăn để lâu hoặc bảo quản không tốt...
Tuy các biểu hiện của bệnh này không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân nhưng lại làm bệnh nhân khó chịu, đau đớn, thậm chí để lâu không điều trị sẽ dẫn đến khả năng ung thư đường tiêu hóa. Chính vì thế, nên hạn chế bia rượu mọi lúc mọi nơi, nếu đã có triệu chứng bệnh, cần đến ngay bác sĩ tiêu hóa để được tư vấn và điều trị.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!