Ngày 14/10, tại TP HCM, Bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Dự thảo Nghị định này được Chính phủ giao cho Bộ Y tế, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
Bộ Y tế tổ chức hội thảo góp ý về thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, dự kiến sẽ chỉ đề xuất 3 đơn vị là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và bệnh viện Từ Dũ TP HCM được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Sau một năm triển khai thực hiện, Bộ Y tế sẽ đánh giá và đưa ra quyết định về việc giữ nguyên hoặc bổ sung thêm danh sách bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.
Phương án này được sự đồng tình cao của các chuyên gia y tế trong ngành sản phụ khoa vì làm như vậy sẽ kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Đây là giai đoạn thí điểm, nên việc quản lý được đặt lên hàng đầu nhằm thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ khi cho phép mang thai hộ là vì mục đích nhân đạo.
Các chuyên gia y tế cũng dự đoán sẽ không có nhiều trường hợp yêu cầu thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, vì phải “vạn bất đắc dĩ” các cặp vợ chồng mới phải quyết định làm việc này. Tại Australia, mỗi năm cũng chỉ thực hiện 10 ca mang thai hộ.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP HCM cho rằng, cần nâng cấp hệ thống quản lý từ cấp Bộ, Vụ đến từng cơ sở y tế, để đảm bảo đảm các cơ sở y tế làm việc nghiêm túc với trách nhiệm đạo đức cao nhất đối với các trường hợp mang thai hộ nói riêng và các hoạt động y tế khác nói chung. Trên cơ sở đó, tạo cơ sở dữ liệu tin cậy cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong ngành y.
Nhiều băn khoăn!
Do vấn đề mang thai hộ là vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người: đứa trẻ, người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ. Đặc biệt, liên quan trực tiếp đến số phận đứa trẻ được sinh ra, có thể có các hệ lụy về sau đối với các bên liên quan về mặt huyết thống, quan hệ tình cảm... nên tiến tới thực hiện kỹ thuật này, các y bác sĩ cũng còn không ít băn khoăn.
Theo PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, cần quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong giải quyết hậu quả khi xảy ra tai biến sản khoa, để đảm bảo quyền lợi cho người mang thai hộ. Vì tai biến không lường trước là nguy cơ thường trực trong ngành sản phụ khoa.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, nên dự liệu biện pháp xử lý trong các trường hợp tranh chấp, rủi ro... xảy ra khi thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Cụ thể, gần đây một cặp vợ chồng ở Australia nhờ một phụ nữ Thái Lan mang thai hộ. Trong quá trình mang thai, qua tầm soát thai sản phát hiện đứa trẻ bị hội chứng Down. Cặp vợ chồng người Australia đề nghị người mang thai hộ bỏ thai, nhưng người phụ nữ mang thai hộ không đồng ý vì lý do tôn giáo. Đến khi đứa trẻ ra đời thì cặp vợ chồng người Australia không nhận con và sau đó xảy ra tranh chấp giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ. Trong những trường hợp như thế này, pháp luật cũng cần phải dự liệu để đưa ra phương án giải quyết.
Trong dự thảo Nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Bộ Y tế cũng đã tính đến các sự cố như: Nếu bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.
Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ hoặc đứa trẻ sẽ được giám hộ, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành;...
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trình Chính phủ.
Nghị định này dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Nguồn: petrotimes.vn