Tin tức

Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm?

Ngày 09/10/2014
BS. VIỆT ANH
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chủ yếu gặp ở người trên 30 tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới và hay gặp nhất là suy giãn tĩnh mạch chân.


Bệnh suy giãn tĩnh mạch
 chủ yếu gặp ở người trên 30 tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới và hay gặp nhất là suy giãn tĩnh mạch chân.

Bệnh tuy lành tính nhưng sẽ có biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Vì sao bị suy giãn tĩnh mạch?

Tĩnh mạch là một bộ phận của hệ thống tuần hoàn, trong lòng của tĩnh mạch được cấu tạo bởi một hệ thống van một chiều, do đó máu trở về tim từ tĩnh mạch cũng theo một chiều nhất định, không có hiện tượng máu chảy trở lại. Do đặc điểm cấu tạo đó nên các cơ quan ở xa tim nhưng máu vẫn hồi trở lại tim một cách nhịp nhàng, đều đặn. Suy giãn tĩnh mạch (chủ yếu gặp ở tĩnh mạch nông) là tình trạng tĩnh mạch bị giãn, chạy quanh co và có dòng máu chảy theo chiều trái ngược nhau. Bệnh xuất hiện khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van một chiều bên trong lòng mạch bị tổn thương.

Khi tĩnh mạch bị giãn ra sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của máu về tim, lúc đó được gọi là bệnh giãn tĩnh mạch. Trong suy giãn tĩnh mạch thì tĩnh mạch chân thường bị suy giãn nhiều hơn cả, bởi vì nó có những đặc thù riêng. Giãn tĩnh mạch chân do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng khi chức năng của thành mạch và các van của tĩnh mạch bị suy yếu đóng vai trò đáng kể, trong khi áp lực máu trong lòng tĩnh mạch lại tăng. Sự lặp lại càng nhiều lần và thời gian càng lâu thì tĩnh mạch sẽ bị giãn ra. Trong một số trường hợp, giãn tĩnh mạch có thể là do hiện tượng rò động mạch - tĩnh mạch làm áp lực tĩnh mạch tăng cao đột biến gây nên giãn tĩnh mạch (tỷ lệ gặp thấp). Giãn tĩnh mạch còn gặp ở người béo phì, ít vận động, ăn ít chất xơ, vitamin và lão hóa do tuổi tác.

Biểu hiện thế nào?

Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường thấy những đám tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới (khoeo chân, cẳng chân, bắp chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi). Màu da của vùng tĩnh mạch bị giãn thường có màu xanh. Giãn tĩnh mạch nặng hay nhẹ không liên quan nhiều đến kích thước cũng như số lượng tĩnh mạch bị giãn. Nếu ở chân thì những biểu hiện hay gặp nhất đầu tiên là có cảm giác nặng chân, mỏi chân kèm theo đứng lên hoặc ngồi xuống rất khó khăn. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy rát, đau âm ỉ ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn. Một số người bị chuột rút (vọp bẻ) về đêm. Các triệu chứng này sẽ giảm hoặc mất đi khi ngủ kê hai chân cao bằng một chiếc gối có độ dày vừa phải để máu lưu thông được dễ dàng. Chuột rút là một triệu chứng có thể gặp trong bệnh giãn tĩnh mạch nhưng không phải hễ chuột rút là bị suy giãn tĩnh mạch, bởi vì, chuột rút còn do nhiều nguyên nhân khác như cơ thể thiếu nước, thiếu chất điện giải (natri, magiê, canxi, kali...), hoặc do đái tháo đường,...

Rất dễ bị lở loét, nhiễm khuẩn

Suy giãn tĩnh mạch nói chung và suy giãn tĩnh mạch chân nói riêng, lâu ngày và không được điều trị sẽ có nguy cơ để lại một số hậu quả xấu. Hậu quả đầu tiên, ở những vùng bị giãn tĩnh mạch, chức năng dinh dưỡng của tĩnh mạch sẽ bị giảm sút nặng nề. Do đó, những vùng da mỏng và tĩnh mạch giãn nhiều có thể gây nên hiện tượng loét và nếu không được điều trị, chăm sóc cẩn thận thì rất dễ bị nhiễm khuẩn da, lở loét da diện rộng. Nhiễm khuẩn da bởi loét do giãn tĩnh mạch nếu gặp phải một số vi khuẩn như tụ cầu vàng (S.aureus) hoặc trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa) thì rất nguy hiểm, vì chúng kháng lại nhiều loại kháng sinh rất khó khăn cho điều trị. Và nguy hiểm hơn nữa là nguy cơ gây nhiễm khuẩn máu, một bệnh cực kỳ nguy hiểm. Hậu quả nặng nề nhất trong giãn tĩnh mạch chân là do máu bị ứ đọng trong lòng mạch lâu ngày dễ tạo nên cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Nếu phát hiện muộn và xử lý không tốt thì cục máu đông này sẽ trôi đi theo dòng máu, chảy về tim, từ tim, cục máu sẽ di chuyển theo dòng máu đến các cơ quan, nếu gặp phải nơi mạch máu nhỏ, lòng động mạch hẹp (động mạch bị xơ vữa) thì rất dễ gây tắc nghẽn (qua mạch máu não gây thiếu máu não gây nhũn não hoặc xảy ra ở động mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim). Cục máu đông đi về phổi và gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong trong vài phút nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tránh đứng lâu, tránh đứng nhiều một chỗ, không để tăng cân hoặc đa tăng cân thì cần giảm béo. Nên tạo thói quen tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn. Cần ăn các loại thức ăn có nhiều sinh tố, nhất là các loại quả, rau để có đủ một số vi chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch. Khi nghi ngờ mắc bệnh giãn tĩnh mạch, điều đầu tiên là phải đi khám bệnh để được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị thích hợp. Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân (theo xu hướng vuốt dọc từ mu bàn chân lên cẳng chân) đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông một cách dễ dàng.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.