Tin tức

Tác dụng của thuốc Tylenol và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng

Ngày 08/07/2022
Trong đợt dịch COVID-19 nhiều người đã tích trữ thuốc Tylenol phòng trường hợp cần phải dùng để điều trị bệnh hoặc dùng Tylenol như một phương án dự phòng các tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19. Vậy đây là thuốc gì và có tác dụng như thế nào? Nếu dùng sai mục đích sẽ gây ra những phản ứng ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua những thông tin dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Tylenol

Tylenol là tên thương hiệu của dược chất acetaminophen - thành phần chính của Tylenol. Acetaminophen còn được biết đến với tên gọi phổ biến hơn là Paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt từ mức độ nhẹ đến trung bình.

Ngoài 2 công dụng chính nêu trên, Acetaminophen còn đặc biệt giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau lưng, viêm khớp, đau họng, đau răng, cúm, sốt và cảm lạnh,... Cụ thể đối với đau, thuốc chỉ có tác dụng khắc phục những cơn đau với cường độ thấp. Còn đối với sốt thì sẽ giúp hạ thân nhiệt trong những trường hợp sốt gây hại, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên có một thực tế là thuốc chỉ hỗ trợ điều trị triệu chứng sốt, không tác động nhiều đến tiến triển của bệnh và đôi khi còn làm che lấp đi tình trạng bệnh.

Một dạng bao bì của thuốc Tylenol

Một dạng bao bì của thuốc Tylenol

Acetaminophen được dùng theo dạng uống và có thể được hấp thu hoàn toàn, nhanh chóng qua đường tiêu hóa. Ở dạng viên nén, nếu dùng trong bữa ăn thì thức ăn sẽ gây cản trở quá trình giải phóng thuốc, nhất là thực phẩm giàu carbohydrate khiến hiệu quả hấp thụ thuốc bị giảm.

2. Thuốc Tylenol và những tác dụng phụ không mong muốn

Acetaminophen có thể gây nên một số tác dụng phụ ít và hiếm gặp, cụ thể như sau:

  • Triệu chứng buồn nôn và nôn mửa;

  • Phát ban trên da (mề đay hoặc ban đỏ) nhưng đôi khi tình trạng này còn nghiêm trọng hơn, kèm theo tổn thương niêm mạc và sốt;

  • Ngộ độc thận nếu dùng lâu ngày;

  • Thiếu máu, giảm tiểu cầu và bạch cầu;

  • Đau và phản ứng tại chỗ tiêm đối với Thuốc Tylenol tiêm theo đường tĩnh mạch;

  • Phản ứng quá mẫn: phù mạch, phù thanh quản, sốc phản vệ thường hiếm khi gặp phải.

3. Liều dùng và hướng dẫn cách sử dụng thuốc Tylenol

3.1. Liều dùng

Các dạng bào chế của Acetaminophen bao gồm: viên nang, viên nén, viên sủi, bột pha dung dịch, hỗn dịch,... Trong trường hợp người bệnh không thể uống, hay uống vào bị nôn thì có thể được chỉ định dùng sang thuốc đặt trực tràng thay thế (dạng viên đạn) hoặc tiêm truyền trực tiếp đường tĩnh mạch.

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc chỉ định của bác sĩ, dược sĩ, liều dùng Acetaminophen sẽ là như sau:

  • Trẻ em: dùng thuốc dựa trên cân nặng và độ tuổi của trẻ (thường là từ 10 - 15 mg/kg cân nặng). Nên tham khảo tư vấn của bác sĩ nếu dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi;

  • Người lớn: dùng khoảng 1 - 2 viên/lần (1 viên = 500 mg). Khi cần thiết, mỗi liều sử dụng cách nhau từ 4 - 6 giờ.

Đối với liều dùng theo khuyến cáo trên, Acetaminophen có thể không gây ngộ độc nhưng nếu bệnh nhân lỡ dùng quá liều (ví dụ trên 10g) thì có thể gây nên những phản ứng như tổn thương gan dẫn tới tử vong.

Nếu người bệnh có những biểu hiện như dưới đây thì cần ngưng dùng thuốc và đi khám ngay:

  • Sau 3 ngày sử dụng Tylenol vẫn bị sốt, hoặc sốt cao trên 39,5 độ C, sốt tái phát nhiều lần. Bởi vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nặng cần được kiểm tra và điều trị đúng cách;

  • Liên tục bị nhức đầu, phát ban trên da, mẩn đỏ, buồn nôn, nôn, sưng tấy,...;

  • Sau 7 ngày (người lớn) và 5 ngày (trẻ em) dùng thuốc mà vẫn còn đau thì nên đi khám để biết chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng này;

  • Triệu chứng của bệnh không thuyên giảm mà còn trở nên nghiêm trọng hơn hoặc xuất hiện các dấu hiệu mới.

Tylenol có thể được bào chế theo dạng viên nén

Tylenol có thể được bào chế theo dạng viên nén

Hiện nay có hàng trăm loại thuốc được bày bán trên thị trường có chứa thành phần là Acetaminophen nhưng được ghi theo các tên gọi khác nhau. Do đó trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, bảng thành phần để tránh nhầm lẫn. Vì nếu dùng sai cách, sai thuốc có thể gây nên biến chứng nghiêm trọng như ngộ độc, quá liều và tử vong.

3.2. Cách sử dụng các dạng bào chế của thuốc Tylenol

  • Ở dạng viên nang, viên nén thông thường: uống thuốc kèm 150 - 200ml nước đun sôi để nguội;

  • Đối với dạng hỗn dịch: trước khi dùng sản phẩm cần lắc thật kỹ và sử dụng theo các hướng dẫn ghi trên bao bì;

  • Ở dạng viên sủi: thả viên thuốc vào cốc nước để thuốc được hòa tan hoàn toàn;

  • Đối với dạng viên giải phóng kéo dài: không được nhai, nghiền nát hay hòa tan thuốc trong chất lỏng mà phải uống nguyên vẹn viên thuốc với nước.

Lưu ý: người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc với rượu, bia vì đồ uống có cồn sẽ làm gia tăng rủi ro tổn thương gan khi kết hợp cùng Acetaminophen.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có thể sử dụng thuốc Tylenol nhưng cần đong thuốc theo liều lượng quy định. Nếu dùng dụng cụ đong không đạt chuẩn có thể dẫn đến quá liều, vì vậy các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý chỉ sử dụng dụng cụ đo chuyên dụng được bán kèm với thuốc để đo liều lượng cho trẻ.

Thuốc Tylenol đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra tình trạng quá liều. Một số dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang bị quá liều sử dụng đó là: buồn nôn, nôn ói, chán ăn, đổ nhiều mồ hôi, đau dạ dày, suy nhược hoặc lú lẫn. Tiếp theo là biểu hiện vàng da, đau bụng trên, lòng mắt trắng, nước tiểu sẫm màu và nặng nhất là tử vong.

4. Những tình trạng y tế nào ảnh hưởng đến bệnh nhân khi dùng Tylenol?

  • Người đang mắc bệnh về gan: Acetaminophen chỉ được chuyển hóa một phần ở gan thành dạng không hoạt động nhưng phần còn lại sẽ trở thành chất độc gây hại cho gan. Do đó người bị suy gan không nên dùng Tylenol vì sẽ khiến bệnh tình trở nên tồi tệ hơn, đã có những trường hợp bệnh nhân tổn thương gan nghiêm trọng bao gồm suy gan cấp phải ghép gan, tử vong vì suy gan là do dùng Acetaminophen. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc thì bệnh nhân cần phải được theo dõi kỹ lưỡng và kiểm tra chức năng gan thường xuyên;

  • Bệnh nhân nghiện rượu mạn tính: như đã đề cập thì rượu là loại đồ uống không tốt cho sức khỏe của gan, nhất là khi còn dùng kết hợp thêm với Acetaminophen;

  • Bệnh nhân tiểu đường: Acetaminophen có thể làm sai lệch các chỉ số đo đường huyết. Do vậy nên người bị tiểu đường cần tham khảo tư vấn từ bác sĩ để có phương án theo dõi đường huyết hợp lý trong quá trình sử dụng Acetaminophen;

  • Phụ nữ mang thai: nên hỏi ý kiến từ bác sĩ trước khi dùng thuốc Tylenol.

Nên dùng dụng cụ đong của nhà sản xuất thuốc Tylenol kèm theo sản phẩm

Nên dùng dụng cụ đong của nhà sản xuất thuốc Tylenol kèm theo sản phẩm

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về thuốc Tylenol và cách sử dụng thuốc hợp lý.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.