Tin tức
Táo bón lâu ngày có nguy hiểm không và cách phòng ngừa
- 17/02/2021 | Để táo bón không còn là nỗi ám ảnh của trẻ nhỏ, cha mẹ nhớ bỏ túi thông tin này
- 30/03/2021 | Làm cách nào để giảm táo bón sau khi sinh mổ
- 13/04/2021 | Táo bón mãn tính - nguyên nhân và cách xử trí tại nhà
1. Bác sĩ giải đáp: Táo bón lâu ngày có nguy hiểm không?
Táo bón là tình trạng phân rắn, vón cục, không chứa hoặc chứa rất ít nước, khi đi ngoài gây đau đớn, có thể gây chảy máu hậu môn hoặc thậm chí không thể đẩy ra ngoài. Đi kèm với tình trạng khó khăn khi đi đại tiện này, táo bón còn gây ra những cơn đau quặn bụng, khó chịu hàng ngày.
Nhiều người gặp phải tình trạng táo bón thường xuyên lâu ngày
Người bị táo bón lâu ngày thường đi đại tiện dưới 3 lần mỗi tuần. Phân tích tụ quá lâu trong đại tràng nên bị hút hết nước, kết hợp với cơ thể nạp thiếu chất xơ, thiếu nước là những nguyên nhân gây tình trạng này. Vậy táo bón lâu ngày có nguy hiểm không? Câu trả lời là Có.
Nhiều người bệnh còn chủ quan với táo bón lâu ngày, song tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
1.1. Táo bón lâu ngày dẫn tới bệnh trĩ
Khi bị táo bón, việc đi ngoài trở nên khó khăn hơn, bạn phải rặn nhiều hơn mới có thể tống phân ra ngoài. Việc rặn quá mức này dần khiến cho các tĩnh mạch hậu môn và quanh trực tràng giãn ra, đôi khi bật cả máu tươi. Đến mức độ nào đó, các tĩnh mạch này sẽ sưng lên hình thành các búi trĩ.
Búi trĩ có thể hình thành ở bất cứ đâu, bên trong hoặc da bên ngoài hậu môn hoặc sâu trong trực tràng. Người bệnh sẽ có cảm giác đau, ngứa, chảy máu khi đi vệ sinh. Hậu môn trực tràng lại là nơi có độ ẩm cao, điều kiện vệ sinh không tốt kết hợp với tổn thương búi trĩ có thể dẫn tới nhiễm trùng, dính da, cục máu đông.
Táo bón là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh trĩ
Trĩ nhẹ có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với biện pháp chăm sóc, nhưng các trường hợp nặng phải can thiệp phẫu thuật để thu nhỏ hoặc cắt bỏ búi trĩ. Vì thế, ngăn ngừa táo bón lâu ngày giúp hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh trĩ.
1.2. Biến chứng của táo bón lâu ngày - nứt hậu môn
Đi ngoài phân cứng kết hợp việc bạn cố rặn là những nguyên nhân dẫn tới tổn thương, xuất hiện các vết rách trên mô lót hậu môn. Tổn thương này sẽ gây đau, ngứa, chảy máu, khiến người bệnh càng khó khăn và đau đớn khi đi vệ sinh, tình trạng táo bón càng trầm trọng hơn.
Trẻ nhỏ bị táo bón dễ gặp phải biến chứng nứt hậu môn này do niêm mạc da mỏng, dễ tổn thương. Khi nứt hậu môn xảy ra, đau đớn lại khiến trẻ không dám đi vệ sinh, táo bón càng nặng hơn. Có thể quan sát được vết nứt hậu môn với một đường rách nhìn thấy, xung quanh sưng tấy, cảm giác đau khi sờ vào, xuất hiện máu tươi trong giấy vệ sinh hoặc lẫn trong phân.
Để ngăn ngừa biến chứng này, cần điều trị giảm tình trạng táo bón kéo dài, cũng như hạn chế rặn quá mức khi đi tiêu. Muốn giảm triệu chứng đau, bệnh nhân có thể tìm đến bác sĩ để được kê thuốc uống hoặc thuốc ngâm làm dịu tổn thương hậu môn.
1.3. Táo bón lâu ngày dẫn đến ứ phân
Ứ phân là hậu quả của tình trạng táo bón lâu ngày, khi cơ thể không thể tống phân ra ngoài khiến nó ngày càng tích tụ nhiều trong ruột, dính vào nhau tạo thành khối tắc nghẽn lớn. Ruột kết bắt đầu không thể co bóp đẩy phân ra ngoài khi phân cứng và quá lớn.
Ứ phân là biến chứng cấp cứu nguy hiểm cho sức khỏe
Ứ phân là tình trạng cấp cứu, gây đau đớn, nhiễm trùng, nôn mửa, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Có thể nhận biết ứ phân qua các triệu chứng: đau bụng, chuột rút bụng sau khi ăn, cảm giác khó chịu, chướng bụng, ăn mất ngon, nôn mửa, buồn nôn, đau đầu,… Đặc biệt khi dấu hiệu này xuất hiện sau một thời gian dài bạn bị táo bón, không thể đi ngoài hoặc đi ngoài với lượng rất nhỏ.
Khi xác định tình trạng ứ phân, bác sĩ sẽ điều trị bằng một trong các phương pháp như:
-
Xử lý bằng tay: Sử dụng ngón tay đưa vào trực tràng để loại bỏ phân cứng ra ngoài.
-
Dùng thuốc xổ để tăng cường co bóp ruột, làm mềm phân.
-
Tưới nước vào trực tràng để xả phân ra ngoài.
1.4. Biến chứng sa trực tràng do táo bón lâu ngày
Trực tràng là phần cuối cùng của ruột già, nơi chứa phân để nối đến hậu môn. Táo bón khiến người bệnh thường xuyên rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài, dần có thể khiến một phần hoặc toàn bộ trực tràng bị sa xuống, trượt ra khỏi vị trí bình thường và có thể ra cả ngoài cơ thể.
Sa trực tràng gây triệu chứng khá giống với bệnh trĩ khi đều gây phình lớn vùng ngoài hậu môn, tuy nhiên biến chứng thường nguy hiểm hơn, đau đớn cũng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng nhận biết sa trực tràng gồm: cảm giác ngứa, kích ứng và đau thường xuyên xung quanh hậu môn, chảy máu tươi lẫn với phân, rò rỉ phân,…
Sa trực tràng là biến chứng của táo bón lâu ngày
Trong điều trị sa trực tràng, nếu tình trạng nhẹ người bệnh được hướng dẫn các phương pháp điều trị tại nhà, bài tập kegel để phục hồi cơ trực tràng. Nhưng nếu sa trực tràng nặng, cần thiết phải phẫu thuật khắc phục tình trạng này.
2. Thói quen lành mạnh để phòng ngừa táo bón?
Táo bón gây ra rất nhiều khó chịu, bất tiện cho cuộc sống cũng như các biến chứng sức khỏe nguy hiểm khác, vì thế phòng ngừa và chủ động điều trị sớm táo bón là điều quan trọng. Bạn có thể phòng ngừa hiệu quả chứng táo bón bằng các biện pháp sau:
-
Tăng cường ăn thực phẩm nhiều chất xơ như: rau, đậu, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt,…
-
Tạo thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm nhất định trong ngày, tốt nhất là 15 - 45 phút sau khi ăn sáng.
-
Chủ động đi vệ sinh khi có cảm giác muốn đi, không nên cố nín nhịn cảm giác này và khiến phân bị ứ lâu trong trực tràng, hậu môn.
-
Tăng cường vận động, dành thời gian để tập thể dục thường xuyên.
-
Uống đủ nước hàng ngày cùng các chất lỏng khác, nên duy trì 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
-
Hạn chế căng thẳng tinh thần, lo lắng quá mức.
Ăn nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón
Như vậy qua bài viết này, MEDLATEC đã cùng bạn đọc tìm hiểu táo bón lâu ngày có nguy hiểm không? Hãy chủ động phòng ngừa táo bón bằng các thói quen lành mạnh, tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!