Tin tức

Thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh

Ngày 12/07/2014
BS. NGUYỄN THUẬN HẢI
Thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh là trường hợp phẫu thuật cấp cứu. Bệnh tuy hiếm gặp, nhưng tỉ lệ tử vong cao...

 

Tiến triển bệnh rất nhanh, gây biến chứng viêm phúc mạc toàn bộ và nhiễm trùng huyết. Vì vậy, việc chăm sóc sơ sinh ban đầu ở các bệnh viện có khoa sản hay các nhà bảo sinh cần phát hiện sớm và chẩn đoán ngay lập tức để có điều trị phẫu thuật cấp cứu mới có cơ may cải thiện tỉ lệ sống sót.

Xảy ra như thế nào?

Bệnh được mô tả từ những năm 1825 do nhà khoa học Siebold. Cơ chế phát bệnh, được đề cập ba nguyên nhân chính gây ra thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh: thiếu lớp cơ thành dạ dày bẩm sinh, thiếu máu cục bộ và chấn thương.

Bị khuyết do giải phẫu của thành cơ dạ dày bẩm sinh đã được đề xuất là nguyên nhân gây nên thủng ở dạ dày trong số trẻ sơ sinh, đặt biệt là sinh non. Lớp cơ vòng của dạ dày vừa hình thành, bình thường chứa đựng một vài lỗ hổng, đặc biệt là ở phần đáy vị, gần bờ cong lớn của dạ dày. Những lỗ hổng này xuất hiện nhiều ở trẻ sinh non. Lỗ thủng ở dạ dày tá tràng có liên quan với việc điều trị steroid sau khi sinh.

Thủng dạ dày do thiếu máu cục bộ đã được ghi nhận kết hợp với viêm ruột hoại tử. Bởi vì loét dạ dày do căng thẳng đã được báo cáo trong một loạt các trẻ sơ sinhcó diễn tiến nặng nên thủng dạ dày được đề xuất có thể là kết quả của những ổ loét. Cơ chế của thủng do thiếu máu cục bộ rất khó để làm rõ, bởi vì những trường hợp bị thủng có liên quan tới những yếu tố căng thẳng sinh lý nghiêm trọng, như là sinh non nhiều tháng, nhiễm trùng huyết và tình trạng sinh non trẻ bị ngạt.


Thủng dạ dày là do chấn thương khi điều trị bởi việc đặt ống thông dạ dày từ mũi hoặc miệng xuống quá nhanh. Sự thủng thường xảy ra ở dọc bờ cong lớn của dạ dày và xuất hiện như một lỗ thủng hay một vết rách ngắn. Chấn thương do thủng dạ dày có thể phát triển trong quá trình thông khí áp lực dương.


Các dấu hiệu xác định

Thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh, gặp ở những trẻ non tháng, trẻ đủ tháng, xảy ra vào ngày thứ 2 - 7 sau sinh. Dấu hiệu bụng bé trướng dần, thông dạ dày ra dịch vàng hoặc dịch xanh rêu, không nghe được âm ruột và dấu hiệu mất nước. Bệnh diễn tiến rất nhanh, sốt, thở nhanh nông, suy hô hấp, tím tái. Xét nghiệm máu bạch cầu tăng cao, tăng nhiều ở bạch cầu đa nhân trung tính, tiểu cầu giảm. X-quang bụng phát hiện có hơi tự do trong ổ bụng. Siêu âm có thể thấy hình ảnh hơi hoặc dịch tự do hoặc có cả hơi và dịch tự do trong ổ bụng.

Bệnh cảnh diễn tiến của viêm phúc mạc toàn bộ, đây là một cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp cần phẫu thuật ngay.

Điều trị phẫu thuật cấp cứu

Phẫu thuật cấp cứu sớm để xử trí nguyên nhân, lau rửa và dẫn lưu vùng thấp của ổ bụng, kết hợp hồi sức ngoại khoa trước, trong, sau phẫu thuật.


Hồi sức cấp cứu, truyền dung dịch mặn đẳng trương, cân bằng điện giải, hỗ trợ hô hấp, thở oxy ẩm qua mặt nạ hay qua nội khí quản, dùng thuốc kháng sinh phổ rộng trước và sau phẫu thuật, liều cao như: Ceftriaxon, Rocephin kết hợp Amikacin, Tobramycin. Thuốc kháng sinh dùng kết hợp từ 2 loại trở lên. Phẫu thuật sửa chữa lỗ thủng dạ dày thường dùng là mở ổ bụng và khâu đóng 2 hai lớp dạ dày. Rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu ổ bụng. Kết hợp chăm sóc toàn diện, đặc biệt sau phẫu thuật, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch, xoay trở cho trẻ tránh bội nhiễm phổi, và ủ ấm.

Chú ý phát hiện sớm

Mặc dù là một bệnh hiếm gặp, sinh lý bệnh và nguyên nhân hiện nay chưa được biết rõ ràng, nhưng tỉ lệ tử vong cao, điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Do đó trong chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh non tháng, trong 3 - 4 ngày đầu trẻ vẫn ở trong bệnh viện hoặc tại các cơ sở y tế có khoa sản. Các nữ hộ sinh và các bác sĩ cần hướng dẫn cho các bà mẹ hay người nhà chăm sóc trẻ chú ý và phát hiện ngay những dấu hiện bất thường của trẻ: bú kém, bỏ bú, trướng bụng, không đi tiêu phân su. Đồng thời phải báo cho các bác sĩ khám và tìm ra nguyên nhân. Không để trẻ bước sang giai đoạn muộn sốt cao, thở nhanh nông, bụng trướng căng, tím tái. Ở giai đoạn này, khả năng cứu chữa khó khăn và tỉ lệ tử vong thường xảy ra khi phát hiện quá trễ, trẻ đã rơi vào giai đoạn viêm phúc mạc toàn bộ và nhiễm trùng huyết.

Dự phòng đối với bệnh lý thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh: quá trình mang thai cần khám thai kỳ đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ sản khoa, không để xảy ra sinh non. Cho trẻ bú mẹ sớm ngay sau khi sinh trong vòng 1 - 2 giờ đầu, và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ngày đêm, vì sữa mẹ đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ phát triển, không cần phải hỗ trợ bất kỳ một loại dinh dưỡng nào khác. Chính điều đó giúp khả năng đề kháng của trẻ được tốt vì trong sữa mẹ đã có sẵn những chất kháng thể cần thiết mà trẻ đã được nhận từ nguồn sữa mẹ.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.