Tin tức

Trẻ sơ sinh hắt xì nhiều có đáng lo ngại không?

Ngày 30/11/2022
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Với các bé sơ sinh, ba mẹ có rất nhiều nỗi lo lắng và 1 trong số đó là trẻ hay bị hắt xì hơi. Vậy trẻ sơ sinh hắt xì nhiều có phải là dấu hiệu cảnh báo có bất ổn về vấn đề sức khỏe? Hãy cùng tìm hiểu thêm về nguyên nhân và biện pháp cải thiện tình trạng trẻ hay bị hắt xì qua bài viết sau. 

1. Trẻ sơ sinh hắt xì nhiều có phải là phản ứng bình thường?

Khi nhận thấy trẻ sơ sinh hắt xì nhiều cha mẹ không nên quá lo, bởi đây là hiện tượng bình thường, cho biết trẻ vẫn có các phản xạ tốt. Trên thực tế, trẻ sơ sinh hắt xì là một phản xạ được điều khiển bởi hệ thống thần kinh. Mục đích nhằm làm sạch các dị vật hay các hạt bụi trong đường thở, giúp đường hô hấp được khai thông, không còn tình trạng bị nghẽn.

Vì khí oxy chúng ta hít vào chứa đầy vi trùng, hạt bụi, chất gây ô nhiễm, hóa chất và nhiều tạp chất khác, do đó hắt hơi là cơ chế làm sạch tự nhiên của cơ thể.

Đường thở của trẻ sẽ thông thoáng hơn khi hắt hơi, giúp không khi đi ra - vào mũi một cách tự nhiên, không bị cản trở. Do đó, nếu trẻ sơ sinh hắt xì nhiều và bị ho nhưng không xuất hiện các biểu hiện khác như sốt, phát ban, thở khò khè,... thì cha mẹ không cần quá lo lắng về sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu trẻ liên tục hắt hơi và việc này diễn ra trong thời gian dài thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.

Trẻ nhỏ thường xuyên hắt hơi là chuyện bình thường

Trẻ nhỏ thường xuyên hắt hơi là chuyện bình thường

2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh hắt xì nhiều và phương pháp khắc phục

Ở trẻ nhỏ, hắt hơi là tình trạng vô cùng phổ biến, có thể xuất phát từ những nguyên do sau:

2.1. Đường thở cần được làm sạch

Trẻ sơ sinh thường thở bằng miệng cho đến khi 3 - 4 tháng tuổi thì bé mới biết thở bằng đường mũi. Vì vậy, mỗi khi đường thở bị cản trở bởi các dị vật như: dịch đờm nhầy, bụi, gỉ mũi,... trẻ thường hắt hơi liên tục để đường thở được làm sạch và giúp quá trình hô hấp diễn ra bình thường.

Phương pháp khắc phục: Cha mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi trẻ ngày 2 lần để vệ sinh mũi cho trẻ (sau khi tắm hoặc, sáng và tối). Đồng thời day mũi để làm sạch vi lông chuyển cho trẻ.

2.2. Lỗ mũi bị tắc

Trẻ sơ sinh thường dễ bị tắc lỗ mũi. Với những trẻ đang bú sữa mẹ thì khi được cho bú 1 bên mũi rất dễ bị tắt do mũi bị ép vào cơ thể mẹ. Điều này làm trẻ liên tục hắt xì ngay sau đó. Một số lý do khác là trẻ sơ sinh cần vệ sinh đường thở sạch sẽ do gỉ mũi, bụi,...

Phương pháp khắc phục: Mẹ nên quan sát trẻ khi cho bú, tránh để mũi và mặt bé áp quá sát vào bầu ngực của mẹ. Nếu lý do khiến trẻ bị tắc mũi do gỉ mũi, bụi thì cha mẹ thực hiện theo phương pháp vừa đề cập ở phần trên.

Trẻ nhỏ thường hắt hơi nhiều do lỗ mũi bị tắc

Trẻ nhỏ thường hắt hơi nhiều do lỗ mũi bị tắc

2.3. Lỗ mũi nhỏ

Vì lỗ mũi của trẻ sơ sinh hẹp hơn so với người trưởng thành nên trẻ có xu hướng hắt hơi nhiều. Vì có kích thước nhỏ nên mũi của trẻ dễ bị bám các hạt bụi trong không khí, làm trẻ phải nhiều lần hắt xì để loại bỏ bụi ra khỏi đường thở.

Phương pháp khắc phục: Cha mẹ sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi trẻ rồi dùng tăm bông đầu nhỏ để làm sạch lại. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên lưu ý không đưa trẻ đến những nơi có môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi,...

2.4. Thời tiết hanh khô

Một trong những lý do khiến trẻ nhỏ hay bị hắt xì là thời tiết quá hanh khô. Do trẻ còn nhỏ nên chất nhầy trong mũi khô nhanh chóng, nhất là khi thời tiết hanh khô, trở lạnh hoặc khi trẻ sống trong phòng máy lạnh. Vì vậy, trẻ thường xuyên có dấu hiệu hắt hơi.

Biện pháp khắc phục: Cha mẹ nên đặt trong phòng một máy tạo độ ẩm không khí để độ ẩm được cân bằng. Bên cạnh đó, hạn chế để bé sinh hoạt trong phòng máy lạnh liên tục.

2.5. Không khí bị ô nhiễm

Việc vô tình hít phải các chất kích thích như khói thuốc, hạt bụi, khói nhang, khói dầu mỡ, nước hoa, lông thú cưng,… trong không khí cũng là nguyên do làm trẻ sơ sinh hắt xì nhiều. Do trẻ chưa biết thở hắt hoặc khịt mũi như người lớn để loại bỏ các dị vật này nên trẻ chỉ có thể liên tục hắt xì hơi.

Bên cạnh đó, một số trẻ nhỏ sau khi nôn trớ còn bị hắt hơi, đó là vì sau khi nôn thức ăn hoặc sữa đi vào đường hô hấp của trẻ khiến trẻ phải hắt hơi.

Biện pháp khắc phục: Cha mẹ nên tạo không khí trong nhà luôn thông thoáng, trong lành. Đồng thời không để ai hút thuốc lá trong nhà, hạn chế đốt nhang, thường xuyên hút bụi nhà cửa, lắp hệ thống lọc không khí, mở cửa để lưu thông không khí,... Với lý do trẻ hắt xì sau khi nôn trớ, phụ huynh cần lưu ý không để trẻ nằm ngay sau khi ăn hoặc bú sữa.

Giảm không khí ô nhiễm trong nhà sẽ khắc phục được tình trạng trẻ nhiều lần hắt hơi

Giảm không khí ô nhiễm trong nhà sẽ khắc phục được tình trạng trẻ nhiều lần hắt hơi

2.6. Trẻ sốt hoặc mắc bệnh

Dấu hiệu hắt xì của trẻ sơ sinh cũng là triệu chứng cảnh báo trẻ đang bị bệnh cảm lạnh. Các biểu hiện điển hình gồm: ho, đường hô hấp trên bị nhiễm trùng, chảy nước mũi, hắt hơi. Vì trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị lây bệnh cảm lạnh từ những thành viên còn lại trong gia đình.

Phương pháp khắc phục: Phụ huynh cần bảo đảm rằng những ai khi tiếp xúc với trẻ đều đã vệ sinh tay sạch sẽ và đúng cách. Những bệnh nhân bị cảm, ho không nên tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh. Cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ bị cảm lạnh để hạn chế tình trạng đường hô hấp bị nhiễm trùng nặng hơn.

2.7. Trẻ bị dị ứng

Sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng là nguyên nhân khiến trẻ hay bị hắt xì. Hiện tượng hít phải các dị vật trong không khí khiến một vài trẻ sơ sinh xuất hiện phản ứng dị ứng, gây ra tình trạng sốt cỏ khô. Bên cạnh đó, trường hợp này cũng có thể phát sinh khi hít phải khói bụi ô nhiễm, hít phải lông thú cưng, bị côn trùng cắn hoặc hít phấn hoa,...

Biện pháp khắc phục: Phụ huynh trên thực tế không thể bảo vệ trẻ hoàn toàn khỏi những tác nhân gây ra tình trạng dị ứng. Do đó, khi trẻ liên tục hắt xì hơi do dị ứng, phụ huynh cần dẫn trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc giúp làm giảm các biểu hiện.

Viêm mũi dị ứng là một trong nguyên do làm trẻ hắt hơi nhiều

Viêm mũi dị ứng là một trong nguyên do làm trẻ hắt hơi nhiều

3. Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh hắt xì nhiều thăm khám bác sĩ?

Tình trạng trẻ sơ sinh liên tục và thường xuyên hắt hơi trong thời gian ngắn là chuyện vô cùng bình thường. Tuy nhiên, nếu biểu hiện hắt hơi nhiều kèm theo một số dấu hiệu như sổ mũi, sốt, ho,... thì phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán về sức khỏe của trẻ một cách chính xác.

Đặc biệt, cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám ngay nếu xuất hiện các biểu hiện sau đây:

  • Thở rên, thở mạnh hoặc thở nhanh: Biểu hiện cho thấy trẻ sơ sinh đang bị khó thở.

  • Trẻ mệt mỏi, ít ăn hơn trước, uể oải,...

  • Trẻ lừ đừ người, ngủ nhiều hơn,...

Trẻ bị hắt hơi nhiều lần các bậc phụ huynh nên đưa con đi khám bác sĩ

Trẻ bị hắt hơi nhiều lần các bậc phụ huynh nên đưa con đi khám bác sĩ

Như vậy, trẻ sơ sinh hắt xì nhiều có thể là phản xạ vô cùng bình thường của cơ thể hoặc là triệu chứng cho biết trẻ đang gặp vấn đề về đường hô hấp. Do đó, các bậc phụ huynh cần theo dõi và lưu ý các biểu hiện của trẻ để kịp thời dẫn trẻ khám bác sĩ và điều trị sớm những vấn đề về sức khỏe.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.