Tin tức

Thuốc điều trị suy tim và các vấn đề cần chú ý khi sử dụng

Ngày 16/02/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Suy tim không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người bệnh mà còn khiến họ phải đối mặt với nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe và tính mạng. Để hạn chế diễn tiến của bệnh thì việc duy trì dùng thuốc là vô cùng cần thiết. Vậy thuốc điều trị suy tim gồm những loại nào và cần lưu ý gì khi sử dụng, bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về vấn đề ấy.

1. Bệnh suy tim - những vấn đề cơ bản

1.1. Như thế nào là suy tim?

Bệnh suy tim khiến cho khả năng bơm máu của cơ tim không được như bình thường

Bệnh suy tim khiến cho khả năng bơm máu của cơ tim không được như bình thường

Suy tim là bệnh lý suy yếu ở tim do rối loạn chức năng hoặc tổn thương thực thể ở tim làm cho tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu. Do máu không đủ cung cấp cho tế bào nên người bị suy tim rất dễ khó thở và mệt mỏi từ đó gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động hàng ngày. Nếu gắng sức, người bệnh dễ bị ứ dịch khiến cho phổi bị phù và xung huyết ngoại vi.

1.2. Do đâu mà bị suy tim?

Hiện nay, các chuyên gia y tế cho rằng bệnh suy tim xuất phát từ các yếu tố sau:

- Bị cao huyết áp.

- Mắc bệnh mạch vành.

- Bệnh van tim, tim bẩm sinh.

- Giãn cơ tim không liên quan tới thiếu máu cục bộ.

- Mắc bệnh lý chuyển hóa.

- Yếu tố rối loạn di truyền hoặc tiền sử với bệnh tim.

- Nhiễm độc hoặc thuốc gây tổn thương tim.

- Tần số và nhịp tim bị rối loạn.

- Nhiễm khuẩn.

- Sử dụng một số loại thuốc như: thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc kháng viêm không chứa steroid, thuốc chẹn bêta,...

1.3. Bị suy tim có triệu chứng như thế nào?

Tùy từng trường hợp cụ thể mà triệu chứng suy tim có thể khác nhau, tiến triển dần dần hoặc đột ngột. Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm:

- Bị khó thở sau khi nghỉ ngơi hoặc hoạt động, khi nằm đầu thấp, thường khó thở về đêm.

- Mệt mỏi, yếu sức ở mọi thời điểm.

- Chân và mắt cá chân bị sưng to.

- Ho kéo dài, nặng hơn khi về đêm, có thể ra bọt hồng hoặc máu khi ho.

- Đầy hơi.

- Thở bị khò khè.

- Cảm giác ăn không ngon miệng.

- Thường xuyên choáng, chóng mặt, ngất.

- Tăng hoặc giảm cân.

- Nhịp tim bị nhanh, loạn nhịp, đánh trống ngực.

- Mất ngủ, lo lắng, trầm cảm.

2. Các loại thuốc điều trị suy tim và các vấn đề cần chú ý khi dùng thuốc

2.1. Các loại thuốc được dùng để điều trị suy tim

- Thuốc tăng sức bóp cho tim

Khi bị suy tim tức là chức năng tim bị suy yếu. Vì thế thuốc điều trị suy tim không thể thiếu là nhóm thuốc giúp làm tăng khả năng bóp của tim. Điển hình nhất là thuốc trợ tim DiGOXIN. Loại thuốc này có khả năng cải thiện sức bơm máu của tim, nhờ đó khiến người bệnh cảm thấy dễ thở hơn. Bên cạnh đó, thuốc còn giữ cho nhịp tim trở nên ổn định hơn với những người bị rung nhĩ khiến tim đập nhanh hoặc không đều.

Việc dùng thuốc điều trị suy tim cần có và phải thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ

Việc dùng thuốc điều trị suy tim cần có và phải thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ

- Thuốc giảm gánh nặng cho tim

Do khả năng co bóp của tim suy giảm đi rất nhiều dẫn đến tình trạng ứ trệ tuần hoàn và tăng gánh nặng cho tim. Việc dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch sẽ làm giảm gánh nặng cho tim.

+ Thuốc giãn mạch 

Nhóm thuốc điều trị suy tim này có khả năng làm giãn động mạch, tiểu động mạch, giảm áp lực cho thất trái, giảm huyết áp đồng thời giảm gánh nặng bơm máu của tim qua động mạch. Nhờ đó mà nó giảm mức độ của các yếu tố nguy cơ gây trầm trọng hơn cho bệnh suy tim. 

Tiêu biểu cho nhóm thuốc giãn mạch được dùng để điều trị suy tim có thể kể đến: thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II,  thuốc chẹn canxi, thuốc nitrat, Apresoline, thuốc chẹn beta,... Những loại thuốc này có khá nhiều tác dụng phụ nên người bệnh cần thường xuyên kiểm tra chức năng của thận và theo dõi chỉ số huyết áp khi dùng thuốc.

+ Thuốc lợi tiểu

Bằng cách loại bỏ chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể, thuốc lợi tiểu giúp người bị suy tim giảm được hiện tượng phù và hít thở dễ dàng hơn. Loại thuốc này không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến số lượng hồng cầu và bạch cầu ở trong máu.

Có một số loại thuốc lợi tiểu khiến cho nồng độ kali trong cơ thể bị giảm đi thì bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc bổ sung kali. Nếu thuốc lợi tiểu khiến cho nồng độ kali bị giảm đi thì người bệnh sẽ phải theo dõi chặt chẽ về lượng kali trong máu.

- Thuốc ngăn sự hình thành huyết khối

Chức năng tim bị suy giảm gây ra tình trạng ứ trệ máu tạo điều kiện cho cục máu đông xuất hiện ở lòng mạch và buồng tim. Hệ lụy của nó chính là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. 

Muốn giảm nguy cơ hình thành huyết khối, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc chống tập kết tiểu cầu và chống đông máu. Trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh cần theo dõi các biểu hiện chảy máu, bầm tím bất thường,... để điều chỉnh kịp thời vì thuốc có tác dụng phụ là gây chảy máu.

2.2. Một số vấn đề cần chú ý trong quá trình dùng thuốc trị suy tim

Việc dùng thuốc điều trị suy tim cần phải được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, loại thuốc để tránh gặp phải những tác dụng phụ không đáng có. Ngoài ra, người bệnh cũng cần nhớ:

Bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ ăn giảm muối cũng góp phần kiểm soát tốt triệu chứng suy tim

Bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ ăn giảm muối cũng góp phần kiểm soát tốt triệu chứng suy tim

- Dùng thuốc vào một giờ cố định trong ngày để không bị quên uống thuốc.

- Cất giữ toa thuốc cẩn thận để khi cần thiết dễ dàng tra cứu lại cách dùng, thời điểm sử dụng, liều dùng,...

- Không dùng thuốc điều trị suy tim chung được bác sĩ kê với thuốc của người bệnh khác cho dù người đó cũng mắc bệnh suy tim.

- Khi quên uống thuốc, tuyệt đối không tự ý uống bù.

- Không dùng thuốc đột ngột hoặc tự ý tăng/giảm liều dùng thuốc khi chưa được bác sĩ đồng ý. Nếu trong quá trình dùng thuốc có biểu hiện bất thường hoặc triệu chứng của bệnh không thuyên giảm cần trao đổi ngay với bác sĩ.

- Kết hợp dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ với:

+ Duy trì chế độ ăn giảm muối, tăng rau củ quả, kiểm soát tốt lượng nước dung nạp vào cơ thể, bỏ da khi ăn thịt nạc.

+ Duy trì bài tập thể dục phù hợp thể trạng để giúp tăng cường lưu thông máu và không khiến cho triệu chứng suy tim trở nên nặng thêm.

+ Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng cho tim để cải thiện triệu chứng của bệnh, giúp kéo dài tuổi thọ và giảm thời gian nhập viện.

Thuốc điều trị suy tim của mỗi bệnh nhân không giống nhau hoàn toàn vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do đó, tuyệt đối không dùng chung đơn thuốc của người này cho người khác. Muốn biết chính xác tình trạng bệnh của mình nên sử dụng loại thuốc nào cho hiệu quả, người bệnh có thể đến trực tiếp Khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể.

Ngoài ra, mọi thắc mắc có liên quan đến bệnh suy tim, bạn đọc có thể trao đổi qua Tổng đài 1900 56 56 56. Tại đây, đội ngũ chuyên gia y tế của bệnh viện sẽ cung cấp những thông tin chính xác và cần thiết nhất về vấn đề sức khỏe mà bạn đang quan tâm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.