Tin tức
Tinh hoàn ẩn - bệnh lý bẩm sinh có nguy cơ gây vô sinh cao
- 19/06/2021 | Viêm tinh hoàn do quai bị: cách điều trị và phòng ngừa
- 01/06/2021 | Chuyên gia tư vấn: Tinh hoàn nhỏ có ảnh hưởng gì không?
- 08/05/2021 | Sưng bìu tinh hoàn: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
1. Tinh hoàn ẩn là bệnh lý gì?
Tinh hoàn thai nhi phát triển qua 3 giai đoạn:
-
Giai đoạn ổ bụng: từ 1 - 7 tháng.
-
Giai đoạn ống bẹn: từ 7 - 8 tháng.
-
Giai đoạn bìu: 8 - 9 tháng.
Tinh hoàn ẩn có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn
Khi thành bụng của thai nhi phát triển, tinh hoàn sẽ gắn vào vị trí của các ống bẹn tương lai bằng dây kéo tinh hoàn và dây kéo tinh hoàn này sẽ kéo tinh hoàn xuống bìu từ ống bẹn trong tháng thứ 7.
Quá trình di chuyển xuống bìu của tinh hoàn có rất nhiều yếu tố tham gia như nội tiết, dây kéo tinh hoàn,... Nếu do một nguyên nhân nào đó mà tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm dọc đường đi của nó thì gọi là tinh hoàn ẩn.
Điều kiện hoạt động tốt nhất cho tinh hoàn là ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 1 - 2 độ C, được bảo vệ trong bìu. Do đó, nếu tinh hoàn tồn tại lâu trong môi trường nhiệt độ cao thì hoạt động của tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng. Quá trình này càng kéo dài thì nguy cơ giảm sản xuất tinh trùng, xơ hóa tinh hoàn hoặc ung thư tinh hoàn sẽ cao hơn.
Cần phát hiện tinh hoàn ẩn sớm ở trẻ sơ sinh
Vì thế khi trẻ sơ sinh phát hiện bị tinh hoàn ẩn, cần chẩn đoán vị trí của tinh hoàn và tiếp tục theo dõi. Có thể trong 3 tháng đầu sau khi sinh, tinh hoàn tiếp tục di chuyển xuống bìu và nằm cố định tại đây, chức năng của tinh hoàn vẫn bình thường. Nhưng thời gian kéo dài trên 6 tháng mà tinh hoàn vẫn không di chuyển thì có thể phải can thiệp di chuyển tinh hoàn.
Nếu phát hiện muộn, nguy cơ vô sinh do tinh hoàn ẩn là rất cao, đặc biệt ở trẻ lớn và người trưởng thành.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tinh hoàn ẩn?
Quá trình di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu là một quá trình phức tạp, cơ thể trẻ sẽ cần thực hiện nhiều phản ứng, tác động qua lại. Vì thế bất cứ rối loạn nhỏ nào trong cơ chế tác động, tinh hoàn đều có thể không di chuyển xuống bìu hoặc di chuyển chậm, dẫn đến tinh hoàn ẩn.
Những nguyên nhân thường gặp gây tinh hoàn ẩn bao gồm:
-
Rối loạn trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục: Tình trạng này gây thiếu hụt gonadotropin, dẫn đến tinh hoàn ẩn và hội chứng dương vật nhỏ.
-
Rối loạn tổng hợp testosteron: thiếu một số men quan trọng để tổng hợp testosterone thường khiến cho tinh hoàn không phát triển và di chuyển bình thường.
Tinh hoàn ẩn thường xảy ra do rối loạn từ thời gian thai kỳ
-
Thiếu hụt Estrogen do người mẹ khi mang thai sử dụng một số thuốc không phù hợp khiến quá trình di chuyển của tinh hoàn tới bìu bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ tinh hoàn ẩn.
-
Dây chằng tinh hoàn - bìu phát triển bất thường: Tinh hoàn bị cản trở trong quá trình di chuyển nên không xuống được đến bìu, thường nằm tắc lại tại vị trí dẫn nào đó.
-
Hội chứng giảm khả năng cảm nhận thụ thể androgen: Không chỉ gây tinh hoàn ẩn mà hội chứng này còn gây rối loạn trong quá trình phát triển chức năng sinh dục nam.
Ngoài ra, tinh hoàn ẩn còn do tác động cơ học cản trở quá trình di chuyển tự nhiên của tinh hoàn như: xơ hóa vùng ống bẹn, tinh hoàn có cuống mạch ngắn,… Không phải tất cả các trường hợp trẻ bị tinh hoàn ẩn đều tìm ra nguyên nhân. Điều quan trọng là xác định được vị trí của tinh hoàn và hỗ trợ di chuyển xuống bìu, khi đó chức năng và hoạt động của tinh hoàn mới đạt trạng thái tốt nhất.
3. Có nên phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn không?
Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nam sinh ra đều cần được kiểm tra tinh hoàn ẩn ngay. Khám lâm sàng có thể phát hiện được tinh hoàn đã di chuyển xuống bìu hay chưa. Bệnh hay gặp ở 1 bên tinh hoàn nên cần kiểm tra sự xuất hiện của cả hai tinh hoàn. THời điểm điều trị thích hợp nhất là trẻ dưới 2 tuổi, nếu điều trị muộn, nguy cơ suy giảm sinh sản, thậm chí là vô sinh sẽ ngày càng cao.
Điều trị tinh hoàn ẩn nên thực hiện dưới 2 tuổi
Khi trẻ sơ sinh được phát hiện tinh hoàn ẩn, sẽ cần theo dõi trong thời gian từ 3 - 6 tháng. Tinh hoàn có thể tiếp tục di chuyển để xuống đến bìu muộn hơn, song điều này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng nếu sau đó, tinh hoàn vẫn không tiếp tục di chuyển hoặc có yếu tố cơ học cản trở quá trình di chuyển thì bác sĩ sẽ xem xét biện pháp điều trị.
Điều trị nội khoa bằng hormon vẫn còn đang gây tranh cãi. Điều trị phẫu thuật can thiệp để di chuyển tinh hoàn ẩn về đúng vị trí tại bìu. Việc điều trị này là cần thiết nhằm giúp tinh hoàn về đúng vị trí phát triển tốt nhất, đảm bảo khả năng sinh sản cho nam giới. Theo nhiều nghiên cứu, thời điểm tốt nhất để phẫu thuật là 6 - 12 tháng.
Phát hiện và điều trị tinh hoàn ẩn càng muộn thì nguy cơ vô sinh, suy giảm chức năng sinh sản càng cao. Đặc biệt khi các ống sinh tinh xơ hóa hoặc xuất hiện tế bào ung thư trong tinh hoàn, cơ quan này không còn chức năng sản sinh tinh trùng và testosterone nên việc di chuyển sẽ không còn ý nghĩa.
Khả năng có con của bệnh nhân tinh hoàn ẩn khi điều trị phẫu thuật ở các độ tuổi như sau:
-
Điều trị giữa 1 - 2 tuổi: Tỉ lệ thành công đạt 90%.
-
Điều trị giữa 2 - 3 tuổi: Chỉ khoảng 50% bệnh nhân có thể sinh con.
-
Điều trị giữa 5 - 8 tuổi: Chỉ 40% bệnh nhân tinh hoàn ẩn có thể có con.
-
Điều trị sau 15 tuổi: Khả năng sinh con chỉ còn dưới 15%.
Điều trị tinh hoàn ẩn càng sớm thì khả năng sinh sản càng cao
Phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn là cần thiết khi tinh hoàn không tự di chuyển theo thời gian cũng như khi áp dụng điều trị nội khoa. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ chuyên khoa nếu bạn lo lắng về biến chứng phẫu thuật hoặc khả năng sinh sản sau phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã và đang điều trị tinh hoàn ẩn cho rất nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi, liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn thêm.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!