Tin tức

Trẻ 1 tháng tuổi nằm võng được không và câu trả lời từ chuyên gia

Ngày 28/12/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Dân gian thường có câu: “trẻ nhỏ lớn lên nhờ giấc ngủ”, tức là giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Qua giai đoạn trăng mật (ngoài 1 tháng tuổi), có nhiều em bé gặp khó khăn trong việc tự ngủ nên cha mẹ đã cho trẻ nằm võng đung đưa để giúp trẻ dễ vào giấc hơn. Trẻ 1 tháng tuổi nằm võng được không cũng chính là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh. Để giải đáp cho thắc mắc này, hãy cùng MEDLATEC theo dõi bài viết sau nhé!

1. Trẻ 1 tháng tuổi nằm võng được không?

Nhiều người, nhất là thế hệ trước thường có quan niệm rằng nếu để trẻ sơ sinh nằm võng sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn và dễ dàng đi vào giấc ngủ. Đặc biệt khi nằm võng, nhờ kết cấu của võng mà em bé sẽ được bao bọc và ôm trọn đem lại cảm giác an toàn như trong vỏ kén, kết hợp với nhịp điệu đung đưa rung lắc thì bé sẽ thích thú và không còn cảm thấy lo lắng như khi nằm trên giường. 

Nhiều người quan niệm rằng trẻ sơ sinh nên được nằm võng để dễ ngủ hơn

Nhiều người quan niệm rằng trẻ sơ sinh nên được nằm võng để dễ ngủ hơn

Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế thì nếu cho trẻ nằm võng và đung đưa khi ngủ sẽ dễ tạo thành thói quen không tốt. Nhiều trẻ cứ phải được bế ru rung lắc như khi nằm võng thì mới chịu ngủ, lâu ngày tạo thói quen xấu cho trẻ. Chưa kể đến việc nằm võng sẽ gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ, cụ thể như sau:

Gây ra hội chứng rung lắc ở trẻ:

Thể chất của trẻ sơ sinh rất non nớt. Mặc dù nhìn bề ngoài thì trẻ có thể đã phát triển hoàn thiện các bộ phận như chân tay, mắt mũi miệng,... Tuy nhiên các tế bào và cơ quan trong cơ thể trẻ, trong đó có hệ thần kinh vẫn đang nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy những rung lắc, chấn động thường xuyên từ môi trường bên ngoài sẽ gây tác động không nhỏ tới sự phát triển não bộ của trẻ. Một trong những hội chứng nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh đó là hội chứng rung lắc rất nguy hiểm. Đây là một dạng chấn thương não có biến chứng nghiêm trọng khiến trẻ có thể bị động kinh, chậm phát triển trí tuệ, giảm thị lực, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nhận thức,... 

Trẻ sơ sinh thường xuyên nằm võng sẽ bị ức chế thần kinh: 

Khi đưa võng liên tục để cho trẻ ngủ, trẻ rất dễ bị suy nhược thần kinh. Có thể bạn đã thấy bé đang chìm sâu vào giấc ngủ nhưng tâm thức của trẻ vẫn bị rung lắc không ổn định. Có nhiều trường hợp khi đưa bé ra khỏi võng thì xảy ra tình trạng bé giật mình hoặc khóc thét. Nếu nhiều lần như vậy sẽ khiến thần kinh chịu nhiều áp lực đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực tới não bộ của bé. 

Nằm võng có thể gây biến dạng cột sống và ảnh hưởng đến lồng ngực: 

Cấu tạo của những chiếc võng thường có hình cung, võng xuống ở vùng trung tâm. Do đó nó không phải là một mặt phẳng nên không thích hợp cho việc nằm ngủ lâu dài. 

Cần phải lưu ý rằng đặc điểm xương của trẻ rất mềm không rắn chắc như người lớn nên rất dễ bị biến dạng theo độ lún của các loại võng khác nhau. Khi cho trẻ nằm lên võng trong thời gian dài sẽ làm gia tăng áp lực lên cột sống, dần dần dẫn tới cong vẹo cột sống và gây còng, gù lưng trẻ, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong lồng ngực như tim và phổi. Do đó nhiều trẻ có triệu chứng gù vẹo cột sống kèm theo khó thở do nằm võng lâu ngày. 

Cha mẹ không nên để trẻ sơ sinh nằm võng quá lâu vì sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bé

Cha mẹ không nên để trẻ sơ sinh nằm võng quá lâu vì sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bé

Kém phát triển hệ thần kinh vận động:

Cho trẻ nằm võng nhiều và ít để trẻ tập trườn bò, tập lẫy tập đi đứng và cầm nắm đồ vật sẽ làm cản trở sự phát triển của hệ thần kinh vận động. Từ đó trẻ sẽ kém linh hoạt hơn và giảm khả năng tiếp thu, nhận thức những sự vật, sự việc xung quanh. 

Kém phát triển cơ bắp: 

Khi hệ vận động không được tập luyện theo các mốc thời gian phát triển, cụ thể là tay chân thường xuyên bị chèn ép, vẹo cổ, vẹo đầu,... dễ làm tụ máu ở một vị trí cản trở tuần hoàn máu đến não bộ và cơ bắp.

Trẻ sẽ trở nên phụ thuộc vào việc nằm võng: 

Khi những lần đi ngủ nào trẻ cũng được nằm trong võng để đung đưa, rung lắc thì sẽ bị quen với điều này và phụ thuộc vào chiếc võng. Nếu không có võng thì trẻ sẽ khó ngủ, quấy khóc mất rất lâu mới có thể vào giấc khiến trẻ và cả cha mẹ đều cảm thấy mệt mỏi.

Trẻ nằm võng khi ngủ sẽ dễ bị khó thở và té ngã:

Trẻ sơ sinh ngủ trên võng thường sẽ ở trong tư thế cong lưng, gập cổ gây cản trở đường thở. Điều này khiến trẻ có nguy cơ cao bị đột tử khi ngủ.

Ngoài ra nếu trẻ lẫy lật người khi nằm trên võng thì sẽ dễ bị té ngã rất nguy hiểm.

Chính vì những lý do này nên đối với thắc mắc: trẻ 1 tháng tuổi nằm võng được không thì câu trả lời là không nên.

2. Phụ huynh khi cho trẻ sơ sinh nằm võng cần lưu ý điều gì?

Trên thực tế vẫn có thể để trẻ nằm võng nhưng các bậc cha mẹ cần chú ý những điều sau đây để đảm bảo an toàn cho trẻ:

  • Chỉ nên để trẻ nằm ngủ trên võng vào giấc ban ngày, cụ thể là buổi sáng. Không được để trẻ ngủ xuyên đêm trên võng;

  • Không cho trẻ dưới 3 tháng tuổi nằm võng vì lúc này trẻ vẫn còn rất non nớt và hệ thần kinh chưa hoàn thiện;

  • Nên lót đệm nhỏ hoặc tấm chiếu nhỏ ở võng để vùng lưng của bé được nâng đỡ, hạn chế nguy cơ biến dạng hay cong vẹo cột sống của trẻ;

  • Đối với chất liệu của võng: nên ưu tiên chọn loại may bằng vải thoáng mát, dễ tháo lắp để vệ sinh, giặt giũ. Mua võng từ nhãn hiệu uy tín để tránh trường hợp võng bị gãy hỏng khiến trẻ bị ngã. Ngoài ra không nên treo bất kỳ đồ vật gì trên võng vì trẻ có thể ngậm vào miệng, ghim vào lưng hoặc tay trẻ rất nguy hiểm;

  • Chỉ để trẻ nằm võng khi có sự trông nom, quan sát của người lớn;

  • Không đung đưa, rung lắc võng quá mạnh hoặc đưa võng trong thời gian dài sẽ khiến hệ thần kinh của trẻ bị tổn thương;

  • Thường xuyên kiểm tra võng: bao gồm các mối chốt, dây buộc,... để đảm bảo rằng võng luôn được treo cân bằng và chắc chắn;

  • Giường vẫn là một mặt phẳng an toàn và tiện nghi hơn so với võng. Vì vậy khuyến khích các bậc phụ huynh chỉ nên cho trẻ nằm võng trong chốc lát, còn phần lớn thời gian ngủ nghỉ của trẻ nên được diễn ra ở trên giường hoặc trong nôi cũi riêng.

Giường hoặc nôi cũi vẫn là mặt phẳng an toàn giúp trẻ ngủ ngon

Giường hoặc nôi cũi vẫn là mặt phẳng an toàn giúp trẻ ngủ ngon

Như vậy những thông tin trên đây chính là câu trả lời cho băn khoăn: Trẻ 1 tháng tuổi có nên nằm võng không? Cha mẹ nên cân nhắc về những nguy cơ tiềm ẩn khi để trẻ nằm võng khi ngủ. Tốt nhất các bậc phụ huynh nên để trẻ nằm ngủ trong nôi cũi hoặc trên giường có lắp đặt thanh chắn để đảm bảo trẻ được bảo vệ an toàn cà có một giấc ngủ trọn vẹn.

Để được tư vấn chi tiết hơn về các cách chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như những vấn đề sức khỏe của trẻ, cha mẹ hãy nhanh tay đặt lịch khám qua hotline  1900 56 56 56 để tổng đài viên của  MEDLATEC hỗ trợ ngay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ