Tin tức

Trẻ bị nôn nhiều: Nguyên nhân do đâu và cha mẹ cần làm gì?

Ngày 17/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Nôn trớ ở trẻ nhỏ là tình trạng khiến bố mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng, đặc biệt là khi trẻ bị nôn nhiều lần trong ngày. Nôn trớ ở trẻ nhỏ tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan sức khỏe của trẻ. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân, cách xử trí và khi nào cần đưa trẻ đi khám sẽ giúp cha mẹ chăm sóc con tốt hơn và tránh được những biến chứng không mong muốn.

1. Những nguyên nhân phổ biến gây nôn ở trẻ

Nôn là một cơ chế tự bảo vệ tự nhiên của cơ thể giúp đẩy các chất kích thích hoặc độc hại ra khỏi dạ dày. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn nhiều, đặc biệt là tình trạng nôn liên tục, cha mẹ không nên chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe, từ những rối loạn tiêu hóa thông thường đến các bệnh lý nghiêm trọng.

Những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị nôn nhiều là:

  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị nôn nhiều, thường do virus (như rotavirus, norovirus) hoặc vi khuẩn gây ra. Khi bị nôn do nhiễm trùng đường tiêu hóa, trẻ có thể gặp thêm các biểu hiện khác như sốt, tiêu chảy, đau bụng.

Nhiễm trùng đường tiêu hóa là một trong những lý do phổ biến nhất khiến trẻ hay bị nôn ói

Nhiễm trùng đường tiêu hóa là một trong những lý do phổ biến nhất khiến trẻ hay bị nôn ói

  • Ngộ độc thực phẩm: Khi trẻ ăn trúng thức ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn hoặc chứa độc tố, cơ thể sẽ phản ứng lại gần như ngay lập tức. Bé có thể bị nôn, cảm thấy buồn nôn, đau bụng âm ỉ hoặc quặn từng cơn, thậm chí tiêu chảy.
  • Tắc ruột: Đây là một tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp, xảy ra khi ruột bị tắc nghẽn, khiến thức ăn và dịch tiêu hóa không thể di chuyển. Trẻ bị tắc ruột thường nôn nhiều, đau bụng dữ dội, chướng bụng, không đi ngoài được.
  • Lồng ruột: Khi một đoạn ruột trượt vào bên trong đoạn ruột khác, trẻ có thể bị đau bụng từng cơn, nôn mửa và đi ngoài ra máu. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản: Khi dịch vị và thức ăn từ dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, trẻ có thể bị nôn, ợ chua và khó chịu sau khi ăn.
  • Viêm màng não: Nếu trẻ nôn kèm theo sốt cao, đau đầu, cứng cổ, có thể là dấu hiệu của viêm màng não – một tình trạng nguy hiểm cần can thiệp sớm để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm.
  • Say tàu xe: Một số trẻ có cơ địa nhạy cảm, dễ bị say tàu xe, dẫn đến buồn nôn, nôn.
  • Các nguyên nhân khác: Viêm ruột thừa, viêm tụy, dị ứng thực phẩm, tác dụng phụ của thuốc hay chấn thương đầu cũng có thể gây nôn ở trẻ.

Nếu trẻ nôn liên tục hoặc kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại, cha mẹ cần theo dõi sát sao và xử trí kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho con.

2. Hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị nôn trớ nhiều

Khi trẻ bị nôn nhiều, việc chăm sóc đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là hướng dẫn giúp ba mẹ xử lý hiệu quả tình trạng trẻ bị nôn này: 

Bổ sung nước và điện giải đúng cách

Để bù đắp lượng nước đã mất, ba mẹ có thể cho trẻ uống dung dịch Oresol pha theo hướng dẫn. Nếu trẻ không chịu uống hoặc nôn ngay sau khi uống, hãy đợi khoảng 10 phút rồi thử lại với từng ngụm nhỏ. Theo dõi kỹ các dấu hiệu mất nước ở trẻ để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ba mẹ có thể cho trẻ uống dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn để giúp trẻ bù nước

Ba mẹ có thể cho trẻ uống dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn để giúp trẻ bù nước

Theo dõi biểu hiện cảnh báo tình trạng mất nước ở trẻ

Nôn ói liên tục có thể khiến trẻ bị mất nước nhanh chóng và điều này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ. Bố mẹ có thể phát hiện trẻ mất nước qua các dấu hiệu như: môi khô, khát nước, hoặc nghiêm trọng hơn là mắt trũng, không có nước mắt khi khóc, không đi tiểu trong suốt 6 tiếng. Nếu nhận thấy tình trạng này, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

Cho trẻ ăn chế độ ăn uống hợp lý

  • Đối với trẻ còn bú: Tiếp tục cho trẻ bú mẹ nhưng nên chia nhỏ các cữ bú để giảm áp lực lên dạ dày, giúp dạ dày dễ chịu hơn.
  • Đối với trẻ ăn dặm hoặc lớn hơn: Nên ưu tiên các món ăn dễ tiêu như cháo loãng, súp, tránh thức ăn dầu mỡ hoặc khó tiêu. Không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong một lần, thay vào đó, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Điều chỉnh tư thế ngồi sau khi ăn

Sau khi ăn, nên để trẻ nằm đầu cao nhằm hạn chế nguy cơ trào ngược. Tránh để trẻ vận động mạnh, khóc hay cười quá nhiều ngay sau khi ăn, vì điều này có thể kích thích cơn nôn trở lại.

3. Khi nào cần đưa trẻ bị nôn nhiều đến gặp bác sĩ ngay?

Nếu bé nôn ói liên tục và có những dấu hiệu sau, cha mẹ không nên chần chừ mà cần đưa con đi khám ngay:

  • Nôn liên tục, kéo dài nhiều giờ mà không thuyên giảm, bất kể đã uống thuốc hoặc thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà.
  • Nôn ra dịch màu xanh (dịch mật) hoặc màu đỏ (máu). Nếu trẻ nôn ra dịch màu xanh, có thể liên quan đến lồng ruột, rối loạn tiêu hóa, viêm đường ruột,.... Nếu trẻ nôn ra máu, có thể do tổn thương niêm mạc dạ dày, thực quản, là tình trạng nguy hiểm, cần được xử lý khẩn cấp.
  • Trẻ có biểu hiện mất nước nghiêm trọng như môi khô, khóc không nước mắt, giảm số lần đi tiểu.
  • Trẻ đau bụng dữ dội, bụng chướng căng bất thường có thể liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm như lồng ruột, viêm ruột thừa hoặc tắc ruột cần được cấp cứu ngay.

Khi trẻ có biểu hiện đau bụng dữ dội, bụng chướng, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện

Khi trẻ có biểu hiện đau bụng dữ dội, bụng chướng, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện

  • Trẻ mệt lả, lơ mơ, khó đánh thức. Đây là dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy trẻ có thể bị mất nước quá mức hoặc có vấn đề về hệ thần kinh, cha mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay lập tức.
  • Xuất hiện các triệu chứng bất thường khác như sốt cao liên tục, không hạ sốt dù đã dùng thuốc, co giật, cứng cổ. Đây có thể là triệu chứng cảnh báo tình trạng viêm màng não hoặc một số bệnh lý thần kinh nghiêm trọng khác, vì vậy không nên chủ quan.

Khi trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần hành động nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho con. 

Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị nôn nhiều sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và tránh những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn theo dõi sát sao và xử lý kịp thời! Nếu lo lắng về tình trạng của con, cha mẹ hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ