Tin tức

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao? Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục

Ngày 05/06/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ sơ sinh thường rất dễ mắc bệnh cảm lạnh. Và các mẹ thường có chung câu hỏi là “trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao” Tuy nhiên, để phòng ngừa và chữa trị nếu trẻ nhiễm bệnh là không khó. Việc này đòi hỏi bạn cần có kiến thức về bệnh cảm lạnh. Cùng MEDLATEC tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa bệnh và cách phòng bệnh.

1. Cảm lạnh là bệnh gì?

Cảm lạnh là bệnh liên quan đến đường hô hấp trên (mũi và họng). Vì bệnh không quá nguy hiểm nên ít gây biến chứng. Tuy vậy, bệnh cũng gây ra những triệu chứng khó chịu. Các loại virus là nguyên nhân chính gây bệnh cảm lạnh, thường gặp nhất là virus rhinovirus. Bệnh có thể tự khỏi chỉ sau 1 tuần.

Trẻ sơ sinh thuộc nhóm dễ mắc bệnh cảm lạnh. Bởi khi trẻ mới chào đời, hệ thống miễn dịch cần thời gian để hoàn thiện và thích nghi với môi trường mới. Vì vậy, lúc này sức đề kháng của trẻ yếu và dễ bị virus xâm nhiễm, gây cảm lạnh. Tuy nhiên, trẻ bị bệnh này không hẳn là hoàn toàn không tốt, loại virus cảm lạnh sẽ giúp cải thiện và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Bệnh cảm lạnh thường xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp và gây bệnh viêm phổi, viêm thanh khí phế quản cấp,… Vậy, khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao?

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao

Bé sẽ bị mệt, khó chịu, hay khóc khi bị bệnh cảm lạnh

2. Các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh rất dễ bị bệnh cảm lạnh nếu thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường xung quanh không tốt. Vì vậy, các mẹ cần chú ý đến trẻ nhiều hơn và đặc biệt là khi trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Triệu chứng đầu tiên khi trẻ mắc bệnh cảm lạnh là chảy nước mũi. Những ngày đầu, nước mũi, chất tiết từ niêm mạc xoang mũi sẽ loãng, có màu trong nhưng những ngày sau đó nước mũi sẽ đặc hơn và có màu vàng xanh. Lúc này, trẻ sẽ dễ bị nghẹt mũi và khó chịu.

  • Ho là triệu chứng tiếp theo của cảm lạnh ở trẻ sơ sinh, trẻ ho nhiều hơn vào buổi tối.

  • Trẻ bị hắt xì hơi và ăn uống kém hơn bình thường.

  • Bé không muốn bú sữa mẹ.

  • Trẻ không ngủ ngon giấc, dễ quấy khóc.

Trẻ không ngủ được, hay quấy khóc

Trẻ không ngủ được, hay quấy khóc

  • Bé không hoạt bát như thường ngày và cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

  • Nếu bệnh nặng hơn sẽ dẫn đến sốt.

3. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị cảm lạnh

Có rất nhiều nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ sơ sinh. Vì vậy bạn cần quan tâm và bảo vệ bé để tránh khỏi các nguyên nhân sau:

  • Bé tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người bệnh đó chạm vào trẻ mà không rửa tay.

  • Virus, nguyên nhân gây bệnh thường có ở trong không khí, hay trên các đồ vật trong một thời gian ngắn. Vì vậy, dù không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh nhưng vẫn dễ dàng mắc bệnh.

  • Dị ứng bởi thời tiết hay trong môi trường không khí có khói thuốc, bụi nhiều cũng là nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh.

  • Bé ở ngoài trời lâu khi có gió nhiều.

  • Những em bé bú sữa mẹ sẽ có hệ miễn dịch cao hơn nhiều so với các bé uống sữa công thức. Vì trong sữa mẹ có các dưỡng chất thiết yếu giúp bé phát triển hoàn thiện như enzym, kháng thể, tế bào bạch cầu,… Nhưng điều đó hoàn toàn không thể ngăn chặn hết các tác nhân gây bệnh ở trẻ.

Trên đây là những nguyên nhân phổ biến gây cảm lạnh. Tiếp theo là các thông tin liên quan đến trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao?

4. Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị bệnh cảm lạnh đến bác sĩ ?

Trẻ sơ sinh với độ tuổi từ 2 đến 3 tháng, khi có các dấu hiệu bất thường trên, để tránh các biến chứng nặng nề về sau nên đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị sớm.

Ở trẻ khi bị sốt cao như sau cần đến bệnh viện ngay: trẻ từ 2 đến 3 tháng tuổi sốt 38 độ C trở lên, trẻ lớn hơn sốt trên 39 độ C và ở bất kì độ tuổi nào nếu sốt cao, kéo dài nên đến ngay trung tâm y tế gần nhất.

Trẻ sơ sinh sốt trên 38 độ C cần đến bác sĩ

Trẻ sơ sinh sốt trên 38 độ C cần đến bác sĩ

Ngoài ra, bệnh cảm lạnh nên đi bác sĩ còn có một số dấu hiệu bất thường sau:

  • Trên da trẻ xuất hiện các ban đỏ.

  • Trẻ ăn không ngon và nôn mửa.

  • Có thể dẫn đến tiêu chảy.

  • Tình trạng ho kéo dài và có nhiều đờm.

  • Đờm của trẻ có màu vàng xanh và đặc hoặc đờm có máu.

  • Trẻ bị khò khè, khó thở.

  • Trẻ bị sốt trong nhiều ngày liên tục.

  • Trẻ bị mất nước, nhận biết bằng việc môi khô, ti mẹ háo hức, nếp véo da mất chậm,...

  • Bé mệt mỏi, khó chịu nên bú kém hoặc không bú.

  • Các đầu ngón tay hoặc môi của bé có dấu hiệu bị tím tái.

Khi mắc bệnh cảm lạnh thông thường các mẹ cần chú ý và điều trị ngay để bệnh cảm lạnh không chuyển biến xấu và gây ra các bệnh khác nặng hơn.

5. Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao?

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao? Có một số các phương pháp tại nhà có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu và mau khỏi bệnh hơn. Tuy nhiên chỉ áp dụng hiệu quả với bệnh cảm lạnh thông thường.

  • Các mẹ cần cho bé uống nhiều sữa mẹ hoặc sữa công thức.

  • Rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý, có thể dùng bầu hút chuyên dụng hút sạch dịch tiết từ mũi ra sẽ giúp bé dễ chịu hơn nhiều.

  • Tạo môi trường giữ ẩm cho không khí bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc để khăn ẩm trong phòng của bé.

  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của mẹ.

Hút dịch tiết từ mũi bé giúp bé dễ chịu hơn

Hút dịch tiết từ mũi bé giúp bé dễ chịu hơn

Và nếu sử dụng các cách trên không hiệu quả và xuất hiện các triệu chứng xấu cần đến ngay chuyên khoa nhi ở bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, có một số việc không nên thực hiện khi bé nhà bị cảm lạnh :

  • Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cảm lạnh, vì thuốc kháng sinh, nó không có tác dụng đối với việc diệt virus.

  • Các trẻ sơ sinh nên dùng thuốc hạ sốt chỉ khi có sự cho phép của bác sĩ.

  • Không sử dụng Aspirin để hạ sốt cho trẻ nhỏ.

  • Ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, không khuyến cáo dùng thuốc giảm ho.

  • Không để trẻ nằm sấp khi ngủ, dù trẻ có đang bị nghẹt mũi.

6. Cách bảo vệ trẻ sinh không bị bệnh cảm lạnh

Để phòng tránh bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh, bạn cần lưu ý những điều sau :

  • Trẻ được bú sữa mẹ sẽ có sức đề kháng cao.

  • Không để bé gần hay tiếp xúc với người bị cảm lạnh.

  • Rửa tay kĩ trước khi chạm vào bé, bế bé.

  • Rửa tay, vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ.

  • Tránh đến những nơi tập trung đông người, trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Trên đây là những thông tin hữu ích và cần thiết để trả lời cho câu hỏi ‘Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao. Nếu các mẹ thấy các con có các dấu hiệu bất thường hãy áp dụng và nếu bệnh kéo dài và không khỏi, cần đưa bé đến bệnh viện gần nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.