Tin tức

Trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý, cha mẹ nên biết để tránh hoang mang

Ngày 14/10/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Sau khi sinh, cân nặng của trẻ ít nhiều sẽ có sự thay đổi, thậm chí theo chiều hướng sụt giảm. Khi con gặp hiện tượng này, nhiều bậc cha mẹ sẽ hoang mang. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh bị sụt cân một thời gian đầu sau chào đời chỉ là sụt cân sinh lý, nếu biết rõ nguyên nhân và cách xử trí thì cha mẹ có thể chủ động giúp con có được sự phát triển thể chất một cách tốt nhất.

1. Trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý là như thế nào?

Trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý là hiện tượng trẻ bị giảm khoảng 10% cân nặng trong những ngày đầu sau sinh nhưng vẫn ăn ngủ bình thường. Có 2 loại sụt cân sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh là:

Thời gian đầu sau khi chào đời có thể xảy ra hiện tượng trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý

Thời gian đầu sau khi chào đời có thể xảy ra hiện tượng trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý

- Cân nặng sụt nhanh nhưng cũng khôi phục nhanh: khoảng 2 - 4 ngày sau sinh trẻ bị giảm cân trung bình 20 - 50g/ngày nhưng sau đó trẻ sẽ nhanh chóng trở lại cân nặng như ban đầu. Tình trạng này chủ yếu xảy ra với khoảng 25% trường hợp trẻ khỏe mạnh, bú tốt, mẹ nhiều sữa.

- Cân nặng sụt chậm và khôi phục chậm: 2 - 3 ngày sau sinh trẻ bị sụt cân đến tận ngày thứ 7 - 8 thì tình trạng sụt cân mới dừng. Những thời gian sau, trẻ sẽ dần dần khôi phục lại cân nặng như ban đầu.

2. Tại sao trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý?

Hiện tượng trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý thường xuất phát từ các nguyên nhân:

- Trẻ bú không đủ no: sữa mẹ không đủ cung cấp cho nhu cầu ăn của trẻ có thể là lý do khiến trẻ sụt cân. Để tránh tình trạng này mẹ nên cho con bú nhiều lần để kích thích vú tạo ra sữa đáp ứng nhu cầu ăn của trẻ.

- Trẻ bú không đúng khớp ngậm: do trẻ không ngậm đúng khớp khi bú nên không lấy đủ lượng sữa cần thiết so với nhu cầu ăn của mình.

- Trẻ sơ sinh ngủ quá nhiều và không được đánh thức dậy ăn đúng giờ: tháng đầu sau sinh trẻ thường ngủ rất nhiều, nếu không đánh thức dậy để cho trẻ bú cách khoảng 3 giờ thì trẻ vừa dễ bị đói mẹ vừa thiếu kích thích phản xạ tăng tiết sữa nên trẻ không được cung cấp đủ lượng sữa theo nhu cầu ăn hàng ngày.

- Sữa mẹ về quá trễ: yếu tố căng thẳng về tâm lý, cơ thể mệt mỏi, nhau thai bị sót,... dễ tác động khiến cho việc sản xuất sữa của cơ thể người mẹ trở nên khó khăn, vì thế sữa về quá muộn và không đáp ứng được nhu cầu ăn của trẻ.

- Mẹ ít sữa: mẹ mắc bệnh lý tuyến giáp, từng phẫu thuật vú, bị buồng trứng đa nang,... khiến cho nguồn sữa không dồi dào và khiến trẻ bị thiếu sữa.

Bú mẹ không đúng khớp ngậm có thể là yếu tố khiến trẻ sơ sinh bị sụt cân

Bú mẹ không đúng khớp ngậm có thể là yếu tố khiến trẻ sơ sinh bị sụt cân

3. Trẻ sơ sinh bị sụt cân khi nào cần khám và xử trí thế nào?

3.1. Trẻ sơ sinh bị sụt cân như thế nào là bất thường?

Nếu hiện tượng trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý sớm được khôi phục sau 1 - 2 tuần thì không đáng lo ngại. Trường hợp trẻ gặp các vấn đề sau thì cần khám bác sĩ Nhi khoa ngay:

- Bị sụt cân nhưng không xác định được căn nguyên.

- Trẻ tăng cân rất chậm và ít.

- Tháng đầu sau sinh trẻ không tăng cân.

- Sau khi thức giấc thường xuyên lờ đờ.

3.2. Xử trí khi nhận thấy trẻ sơ sinh bị sụt cân bất thường

Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị sụt cân bất thường các bậc cha mẹ nên:

- Kiểm tra cân nặng của trẻ đều đặn để theo dõi và ghi lại chỉ số cân nặng. Điều này sẽ giúp cha mẹ nhận biết sớm các bất thường về phát triển của trẻ để tìm cách can thiệp kịp thời.

- Theo dõi số lượng tã thay cho trẻ hàng ngày xem trẻ có hiện tượng tiểu ít không. Đôi khi hiện tượng sụt cân ở trẻ sơ sinh còn là dấu hiệu cho thấy trẻ chưa được chăm sóc đúng cách hoặc ăn chưa đủ nên thông qua số lần thay tã cho trẻ để đánh giá lượng sữa, tình trạng phân cũng là điều cần thiết.

- Cho trẻ bú thường xuyên và cần đánh thức trẻ sau mỗi 3 giờ ngủ để trẻ được ăn đúng giờ. Nếu đã đến giờ bú mà trẻ vẫn say giấy thì hãy nhẹ nhàng lau mặt, lau các đầu ngón chân ngón tay của trẻ bằng khăn thấm nước để kích thích trẻ tình dậy.

- Tăng số lần bú và thời gian bú của trẻ dài hơn so với bình thường. 

- Kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của mẹ vì đôi khi mẹ bị nhiễm trùng có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi bú, tăng nguy cơ sụt cân sinh lý và thậm chí còn khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.

- Đưa trẻ đến khám bác sĩ Nhi khoa để kiểm tra xem sức khỏe trẻ có bất thường hay không, trẻ có gặp yếu tố trở ngại nào cho quá trình bú hay không. 

Nếu phát hiện trẻ sơ sinh bị sụt cân bất thường cha mẹ nên cho con đến khám bác sĩ Nhi khoa

Nếu phát hiện trẻ sơ sinh bị sụt cân bất thường cha mẹ nên cho con đến khám bác sĩ Nhi khoa

Trường hợp nguyên nhân trẻ sơ sinh bị sụt cân xuất phát từ khả năng tạo sữa của mẹ thì mẹ có thể tìm đến bác sĩ để được tư vấn cách kích sữa hiệu quả.

Mặc dù trẻ sơ sinh bị sụt cân hầu hết chỉ là hiện tượng sinh lý không đáng lo ngại nhưng vẫn có một số ít trường hợp có nguyên do bệnh lý tiềm ẩn. Vì thế các bậc cha mẹ nên theo dõi cẩn thận tình trạng sức khỏe của trẻ trong những tháng đầu đời để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Tăng cân đều đặn là dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh đang phát triển tốt nên nếu trẻ vẫn đảm bảo chu kỳ ăn ngủ bình thường mà cân nặng của trẻ không có chiều hướng tăng lên hay trẻ bị sụt cân sinh lý thì cha mẹ cần cho trẻ đến bác sĩ Nhi khoa để có biện pháp khắc phục.

Những vấn đề liên quan đến hiện tượng trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý trên đây hy vọng sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích đối với quá trình chăm sóc trẻ của các bậc cha mẹ. Theo dõi để phát hiện kịp thời các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của con là cách cha mẹ có thể giúp con mình được chủ động tìm ra phương án bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.