Tin tức

Trực tuyến: Rối loạn chuyển hóa, 'cửa ngõ' nhiều bệnh hiểm

Ngày 17/10/2014
VietNamNet
Trong 2 giờ, các bác sĩ bệnh viện Medlatec giải đáp hàng trăm thắc mắc về hội chứng rối loạn chuyển hóa, mà biến chứng của nó là các "căn bệnh thời đại": tiểu đường, mỡ máu, gout...

Hội chứng Rối loạn chuyển hóa (hay Chuyển hóa) là một tập hợp các rối loạn, là nguyên nhân gây ra các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp, gout,...

 

Một người được chẩn đoán mắc hội chứng Rối loạn chuyển hóa cần dựa vào nhiều biểu hiện như có vòng bụng lớn, chất béo dư thừa tích tụ xung quanh ổ bụng và dạ dày,... Tuy nhiên, người dân chỉ có kết luận các biểu hiện này qua kỹ thuật thăm khám và xét nghiệm y tế.

 

Theo các chuyên gia nội tiết, đây chính là lý do khiến nhiều người bị Rối loạn chuyển hóa chỉ băn khoăn với sự béo và không thể tính đến việc chủ động phát hiện để quản lý, kiểm soát hội chứng này. Khiến nó tự do dắt nhanh "khổ chủ" đến với các bệnh hiểm.


Thống kê mới nhất của Hội Nội tiết - Đái Tháo đường Việt Nam cho thấy, hơn 5 triệu người Việt đang có vấn đề rối loạn chuyển hóa, trong đó đa phần rơi vào những người đang bị bệnh tiểu đường. 

Một thống kê khác cho thấy, khoảng 0,3% người trưởng thành ở Việt Nam mắc bệnh gout. Mức tuổi phổ biến đã nới rộng từ trên 40 xuống 20-60. Cá biệt đã xuất hiện những trường hợp dưới 20 tuổi đã bị gout.

Trong khi đó, số người bị mỡ máu cao ở nước ta cũng chiếm tới gần 1/3 dân số (29,1%), đang tăng nhanh ở lứa tuổi 35-44.

Tiểu đường, mỡ máu hay gout… đều là những ‘bệnh nhà giàu đốt túi người nghèo’ khi người bệnh phải sống chung suốt đời cùng thuốc. Đó là chưa kể nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh còn phải ‘chiến đấu’ khắc phục hàng loạt biến chứng nguy hiểm về tim mạch, não, thận… 

Vậy làm thế nào để biết mình bị Rối loạn chuyển hóa? Cách nào để giải quyết các rối loạn này, nhằm chặn từ sớm những căn bệnh và biến chứng "đốt tiền"?


Giải đáp băn khoăn của bạn đọc, báo VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến Rối loạn chuyển hóa, ‘cửa ngõ’ nhiều bệnh hiểm

Với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành:

- PGS. TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Chuyên gia Dinh dưỡng, BVĐK MEDLATEC - Nguyên Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng QG.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến - Chuyên gia Nội tiết, BVĐK MEDLATEC - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

ThS.BS Phan Thanh Sơn - Chuyên gia Nội tiết, BVĐK MEDLATEC - Phó Khoa Khám bệnh BVĐK MEDLATEC.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:


ss

Các bác sĩ khách mời tại báo VietNamNet 

 Ai có thể bị RLCH?

Hoàng Sỹ Nguyên , Nam - 41  Tuổi 

Xin các bác sĩ cho tôi hỏi: 1. Cách nhận biết rối loạn chuyển hóa?. 2. Cách phòng và trị rối loạn chuyển hóa?. Tôi xin chân thành cảm ơn

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Để nhận biết mình có bị rối loạn chuyển hóa hay không bạn cần xem xét: thứ nhất có bị thừa cân béo phì hay không, thứ hai có cao huyết áp hay không. thứ 3 bạn nên làm xét nghiệm xem có rối loạn chuyển hóa mỡ và tăng đường huyết hay không. 

Để phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường việc đầu tiên là bạn phải tới gặp bác sĩ tư vấn về căn bệnh này và phương pháp phòng ngừa, điều trị căn bệnh này. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là duy trì chế độ ăn uống hạn chế các chất bột đường, mỡ động vật, tăng cường hoạt động thể lực và đặc biệt hạn chế stress trong cuộc sống.

Khánh Hà , Nữ - 37  Tuổi 

Tôi nghe nói vòng bụng lớn là một trong những nguy cơ gây ra hội chứng Rối loạn chuyển hóa. Tôi cao 1m55 nặng 70kg, vòng bụng dao động 85-90 thì nguy cơ bị Rối loạn chuyển hóa như thế nào? Các rối loạn chuyển hóa có thể phát hiện qua việc khám sức khỏe thông thường hay phải đi khám chuyên biệt? Nhờ BS tư vấn phương pháp ăn kiêng để giảm nhanh số đo vùng bụng?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Với số đo vòng bụng của bạn như thế là dấu hiệu của hội chứng rối loạn chuyển hóa. Để xác định tình trạng bệnh lý của bạn, nên tới bác sĩ để khám và làm các xét nghiệm như mỡ máu, đường máu... vầ các xét nghiiệm cơ bản khác, kiểm tra tim mạch để xem xét bạn có bị mắc các dấu hiệu rối loạn chuyển hóa khác không.

Còn về chế độ ăn kiêng cụ thể bạn nên tư vấn chuyên gia về dinh dưỡng.

Thanh Hoàng Đức , Nam - 60  Tuổi 
Làm thế nào để phát hiện mình bị rối loạn chuyển hóa?

ThS.BS Phan Thanh Sơn:Rối loạn chuyển hóa là một hội chứng gồm: thừa cân hoặc béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn chuyển hóa glucose, tăng huyết áp… Bác có thể sơ bộ tự đánh giá dựa vào các chỉ số thể lực cơ bản của mình như: chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, chỉ số vòng bụng (số đo vòng bùng), vòng hông.

Để xác định chính xác bác cần được thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm phù hợp. Bệnh viện Medlatec có đội ngũ bác sĩ cùng phương pháp chẩn đoán hiện đại có thể giúp bác.

nguyễn thành đạt , Nam - 36  Tuổi 
Tôi bị rối loạn chuyển hóa lipid máu đã nhiều năm, xin cho hỏi cách điều trị, gần đây tôi đau đầu hoa mắt vậy có phải là triệu chứng của bệnh nêu trên? Cách nay 5 năm tôi có bệnh rối loạn lo âu, hiện tại tôi cao 1,7m, 80kg

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Với tình trạng thể lực của bạn hiện nay cho thấy bạn đang bị thừa cân, bạn bị rối loạn chuyển hóa lipid đã nhiều năm. Tuy nhiên chưa biết mức độ của bệnh như thế nào, bạn cần thực hiện một số xét nghiệm như: định lượng Triglycerid, Cholesterol, TP, HDL,LDL để xác định mức độ và type rối loạn chuyển hóa lipid. Bạn cũng cần thực hiện thăm khám lâm sàng và làm thêm các xét nghiệm để phục vụ cho mục đích điều trị. Do đó, bạn cần đến bệnh viện để được các bác sĩ có thể thăm khám và đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp mới có thể đưa ra biện pháp điều trị chính xác. 

Rối loạn chuyển hóa lipid là một phần của hội chứng rối loạn chuyển hóa, có thể gây ra nhiều biến chứng: biến chứng tim mạch, tăng huyết áp… Việc bạn bị đau đầu hoa mắt có thể là dấu hiệu của biến chứng do rối loạn chuyển hóa lipid. Bạn cần được khám lâm sàng để xác định chính xác.

Công Xuân Tiến , Nam - 30  Tuổi 

Chào bác sĩ! Tôi năm nay 30 tuổi cuộc sống cũng ở mức trung bình, gia đình tôi hiện tại có 3 người mắc tiểu đường tuýp 2 trong đó bà nội và bố tôi cũng đã mất vì căn bệnh này hiện tại cô tôi cũng bị mắc tiểu đường tuýp 2. Vậy cho tôi hỏi căn bệnh này có yếu tố di truyền không, làm gì để phòng tránh căn bệnh thời đại này?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Đái tháo đường có yếu tố di truyền tuy vậy ở VN chưa xác định được gen nào có yếu tố di truyền căn bệnh đái tháo đường. Tuy vậy để tránh nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường bạn cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, thường xuyên kiểm tra mỡ máu đường máu, huyết áp và cân nặng để tránh các nguy cơ của các bệnh hội chứng chuyển hóa.

Minh Chánh, Nam - 23 tuổi
Tôi có 1 người anh năm nay 29 tuổi, 3 năm trước anh ấy phát hiện bị đái tháo đường và được chẩn đoán là LADA, gia đình tôi không hiểu đái tháo đường LADA là gì, điều trị như thế nào.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: đái tháo đường LADA hay còn gọi là type 1,5 là viết tắt của từ: Latent Autoimmune Diabetes of Adults - đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn khởi phát muộn ở người lớn. Đây là type đái tháo đường thường xuất hiện ở người trẻ ngoài 25 tuổi, ban đầu dùng các thuốc uống vẫn có tác dụng nhưng sau đó thì hiệu quả kiểm soát giảm dần và bắt buộc phải chuyển sang dùng Insulin.

Bệnh ĐTĐ type 1.5 lúc khởi đầu chẩn đoán thường bị cho là bệnh ĐTĐ type 2 vì triệu chứng đặc trưng của ĐTĐ type 1 không thấy xuất hiện. Nguyên nhân chẩn đoán là type 2 bởi vì trong ĐTĐ type 1.5 thì tuyến tụy vẫn sản xuất insulin, cho nên cơ thể không thiếu hụt insulin một cách nghiêm trọng như trong bệnh ĐTĐ týp 1.

Sự khác biệt chính giữa ĐTĐ type 1.5 và type 2 là trong ĐTĐ type 1.5 có một đáp ứng miễn dịch tương tự như trong bệnh ĐTĐ type 1. Có nghĩa là hệ miễn dịch trong cơ thể chúng ta sẽ xem các tế bào beta ở tuyến tụy là những “phần tử lạ” và sẽ huy động lực lượng đến mà tiêu diệt những tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin này. Cuối cùng là đa số bị tiêu diệt, tuy nhiên quá trình này diễn ra rất chậm chạp chứ không như trong ĐTĐ type 1 là các tế bào beta bị tiêu diệt một cách nhanh chóng. Sự hiện diện của những protein vốn “ra lệnh” cho hệ miễn dịch tấn công các tế bào beta chỉ có ở ĐTĐ type 1 và type 1.5. Còn trong ĐTĐ type 2 thì không thấy những protein này.

Nếu bệnh ĐTĐ type 1.5 được chẩn đoán sớm thì kết quả sẽ khả quan. Có nhiều bằng chứng cho thấy trị liệu insulin ở giai đoạn sớm có thể bảo tồn tế bào beta trong một thời gian lâu hơn. Sự chẩn đoán nhầm lẫn là ĐTĐ type 2 sẽ khiến bệnh nhân type 1.5 dùng nhiều dược phẩm đường uống hơn vốn không hiệu quả hoặc không cần thiết. Biết sớm ĐTĐ type 1.5 sẽ giúp bệnh nhân ổn định đường huyết tốt hơn và hạn chế những rủi ro cho sức khỏe do hậu quả của bệnh ĐTĐ.

Trần Thị Huyền , Nữ - 40  Tuổi 
Mẹ em năm nay 75 tuổi; bị huyết áp cao đã 7 năm. Cách đây 1 tháng mẹ em có triệu chứng không muốn ăn, cảm thấy xót ruột, muốn ói, bà đi BV DDHYD Cần Thơ khám thì bác sĩ kết luận bà bị Tiểu đường tuýp II, huyết áp cao, cho thuốc uống và tái khám không nói gì đến bệnh tiêu hóa của bà. Đến hôm nay bà lại xuất hiện bệnh cũ, không muốn ăn, khó tiêu, xót ruột, muốn ói. Vậy bác sĩ cho em hỏi mẹ em bị bệnh gì và điều trị ra sao?

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Ở những người cao tuổi như mẹ của bạn, với nhiều dấu hiệu bệnh như vậy, cần phải đến bệnh viện để khám toàn diện. Qua lời bạn kể, chúng tôi thấy nổi bật Hội chứng rối loạn chuyển hóa : Đái đường, huyết áp cao, có thể kết hợp với hội chứng dạ dầy. Trường hợp như của mẹ bạn, cần bệnh viện khám xác định bệnh và tư vấn cụ thể.

Lê Thị Quỳnh Anh , Nữ - 27  Tuổi 
Chào bác sĩ, em hiện đang mang thai tuần 35, hôm 9/10/2014 e có đi khám và xét nghiệm nước tiểu, các chỉ số đều bình thường. ngày hôm sau 10/10 em xét nghiệm nước tiều lại thì chỉ số glucozo là 6 (thời gian xét nghiệm khoảng 3h chiều). Tiếp tục đến 11/10/2014 em lại xét nghiệm nước tiều vào buổi sáng (chưa ăn sáng) thì các chỉ số đều bình thường. Như vậy em có nguy cơ bị đái đường không ạ, và phải làm là những xét nghiệm gi để xác định chính xác bệnh.

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Việc xuất hiện đường trong nước tiểu không có giá trị chẩn đoán đái tháo đường thai kì. Để xác định nguy cơ đái tháo đường thai kì cần xác định trọng lượng thai, yếu tố gia đình, tiền sử có đái tháo đường thai kì hay không… Muốn xác định chính xác em có bị đái tháo đường thai kì hay không cần phải đi khám ở chuyên khoa sản - nội tiết. Có thể làm các xét nghiệm đường máu lúc đói, HbA1c, nghiệm pháp tăng đường huyết… sẽ giúp em đánh giá thêm về bệnh.

châu quang vinh , Nam - 52  Tuổi 
Tôi có người con mắc bệnh tiểu đường tuýp 2,đang điều trị. Nhưng tôi muốn cho uống thêm thuốc nam hỗ trợ điều trị. Nếu như cấy ghép tế bào gốc có lành hẳn không?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Con của bạn mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 đang được điều trị bằng các thuốc tiểu đường  có thể uống thêm thuốc Nam để hỗ trợ. Tuy vậy trước khi sử dụng thuốc bạn nên tư vấn bác sĩ về loại thuốc Nam này.

Việc cấy ghép tế bào gốc là lĩnh vực rất mới trong điều trị triệt để bệnh đái tháo đường, tuy vậy việc điều trị này mới được triển khai trong thời gian gần đây do vậy cần có thời gian để xem xét và hoàn thiện khi đó mới có các kết quả để trả lời cho bạn được.

Nguyễn Thị Hương , Nữ - 41  Tuổi 
Tôi đi khám biết lượng đường trong máu lúc đói là 7,1mmol/l. Sau 1 tuần tôi lại khám lại lượng đường là 5,13. Sau 1 tháng khám lại là 4.90. Vậy tôi có mắc bệnh tiểu đường không ? (Hiện tại nhà tôi có người thân đã bị bệnh)


ss
Toàn cảnh buổi giao lưu.

 

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Về nguyên tắc nếu 2 lần xét nghiệm đường huyết ở những thời điểm khác nhau mà đường huyết từ 7mmol/L trở lên thì mới gọi là đái tháo đường. Trong trường hợp của bạn chỉ có 1 lần đường huyết trên 7mmol/L bạn cần tới bác sĩ để tư vấn làm nghiệm pháp tăng đường huyết để xác định bạn có mắc bệnh hay không.

Sông Hương, Nữ - 37 tuổi
Xin bác sỹ cho biết: Có mấy type đái tháo đường, làm thế nào phân biệt đái đường type 1 và type 2, có phải chỉ người già mới bị đái tháo đường type 2 không ạ?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Có 2 type đái tháo đường chủ yếu đó là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 1: Đái tháo đường type 1 đặc trưng bởi sự hủy hoại tế bào bêta của đảo Langherhans tụy (tự miễn hoặc vô căn) và thiếu hụt gần như tuyệt đối insuline, vì thế dễ bị nhiễm toan ceton nếu không được điều trị.

Tuổi khởi bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên

Thường có yếu tố di truyền và có liên quan đến một số yếu tố môi trường (nhiễm virus trong thời kỳ bào thai, độc tố...).

Thường có phối hợp với một số bệnh tự miễn khác như bệnh Basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Addison.

Đái tháo đường type 2: Thường gặp nhất. Đặc trưng bởi rối loạn hoạt động hay tiết insulin: thay đổi từ đề kháng insulin chiếm ưu thế với thiếu insulin tương đối đến khiếm khuyết tiết insulin chiếm ưu thế kèm đề kháng insulin hay không.

Thường không được chẩn đoán trong nhiều năm vì mức độ tăng glucose máu không trầm trọng, nhiều trường hợp được chỉ phát hiện tình cờ. Thường xảy ra ở người lớn tuổi > 40 tuổi, nhưng đôi khi cũng xảy ra ở trẻ nhỏ, có tính gia đình. Đa số trường hợp có kèm béo phì và bản thân béo phì lại làm trầm trọng thêm tình trạng đề kháng insulin. Có yếu tố gia đình rõ (có lẽ do di truyền). Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 2 bao gồm: tuổi lớn, béo phì, ít hoạt động thể lực, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiền sử gia đình đái tháo đường, tiền sử bị đái tháo đường thai nghén và thuộc một số nhóm chủng tộc có nguy cơ cao mắc đái tháo đường.

Để chẩn đoán phân loại type đái tháo đường người ta có thể dựa vào tuổi phát hiện đái tháo đường, trọng lượng bệnh nhân, yếu tố gia đình, các xét nghiệm như: định lượng Insulin, Cpeptide, kháng thể kháng tiểu đảo tụy....

Hoàng Ngọc Nhi, Nữ - 28 Tuổi
Năm nay em 29 tuổi, khi em có bầu 31 tuần đã làm xét nghiệm đái tháo đường có các chỉ số như sau: lúc đói = 5,0; glucose sau 1 giờ = 11,3; glucose sau 2 giờ = 6,6 bác sỹ kết luận em bị đái tháo đường thai kỳ và hướng dẫn điều chỉnh ăn uống chứ ko uống thuốc điều trị. bây giờ thai em đã được 35 tuần em lại được bác sỹ ở bệnh viện phụ sản chỉ định kiểm tra lại đường máu và kết quả như sau: lúc đói = 4,8, glucose sau 1 giờ= 11,6; glucose sau 2 giờ =7, bác sỹ chỉ bảo em là kiêng ăn đường và hạn chế ăn chất bột chứ ko nói là em có bị đái tháo đường nữa hay ko. Vậy em có bị ĐTĐ thai kỳ nữa không ạ.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Để chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ cần có 2/3 tiêu chí: ĐH đói ≥5,1 mmol/l (đói), ĐH sau 1 giờ ≥10,0 mmol/l và ĐH sau 2 giờ ≥8,5 mmol/l.

Ở cả 2 lần kiểm tra đường huyết của em đều cho thấy, chỉ số đường huyết của bạn sau 1h test dung nạp glucose tăng cao, trong khi 2 chỉ số còn lại đều ở mức bình thường. Tuy nhiên nhiều quan điểm trên thế giới cho rằng, bất kỳ 1 rối loạn dung nạp đường nào xảy ra trong quá trình mang thai cũng đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. 

Vì vậy, mặc dù chưa thể kết luận bạn bị tiểu đường thai kỳ, nhưng đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự rối loạn dung nạp glucose, nên việc điều chỉnh chế độ ăn ngay từ thời điểm này là điều rất cần thiết.

Khuyến cáo phương pháp điều trị cho các bà mẹ bị ĐTĐ thai kỳ là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Năng lượng nhu cầu hàng ngày trung bình 1.800 - 2.500 calo, trong khẩu phần ăn giảm mỡ, giảm bột và tăng chất xơ. Các bữa ăn cần được chia làm nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng ăn no quá hay để đói quá. Thử đường huyết mỗi tuần 1 lần. Việc sử dụng thuốc cho bạn ở thời điểm này hoàn toàn không cần thiết. 

Nên làm nghiệm pháp tăng đường huyết lại sau khi điều chỉnh chế dộ ăn và vận động nên duy trì đường huyết lúc đói < 5,8mmol/l, đường huyết 1 giờ sau ăn 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2mmol/l. Cũng không nên để mức đường huyết lúc đói thấp 3,4 mmol

Chỉ khi được chẩn đoán thực sự bị ĐTĐ thai kỳ và những biện pháp điều chỉnh khác không có hiệu quả, thì mới cần điều trị bằng insulin có tác dụng kéo dài và theo dõi đường huyết khi đói mỗi ngày vào buổi sáng.

Đông Đức Phương , Nam - 41  Tuổi 

Tôi nặng 86 kg, đi kiểm tra sức khỏe có hiện tượng mỡ máu, tôi có dùng một số nước uống giảm mỡ như lá mơ trắng, râu ngô... Tôi ngủ thường hay gáy rất to. Hiện tượng gáy như vậy có ảnh hưởng gì đên hệ hô hấp, tim mạch không thưa bác sĩ?


ss
Các BS bệnh viện Medlatec trả lời câu hỏi bạn đọc

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Anh nặng 86kg nhưng không rõ chiều cao do đó không đánh giá được tình trạng thể lực cụ thể của anh hiện nay như thế nào. Tuy nhiên anh đi kiểm tra sức khỏe đã có hiện tượng rối loạn chuyển hóa lipid và đã dùng các biện pháp điều trị không dùng thuốc, anh cần tuân thủ chế độ ăn và chế độ tập thể dục chặt chẽ, kiểm tra lại để đánh giá hiệu quả điều trị, xác định các bước điều trị tiếp theo.

Hội chứng rối loạn chuyển hóa bao gồm có một số triệu chứng: rối loạn chuyển hóa lipid, tăng đường huyết lúc đói, tăng huyết áp, thừa cân hoặc béo phì, ngủ có ngáy… Hội chứng rối loạn chuyển hóa có thể gây ra rất nhiều biến chứng: biến chứng tim mạch, biến chứng thận… Do đó anh nên đi khám để đánh giá mình có bị mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa hay không, từ đó đưa ra biện pháp phòng và điều trị phù hợp.

Phan Linh , Nữ - 27  Tuổi 
Hôm trước tôi đi tiểu có nước màu vàng đậm, hôm sau vào nhà vệ sinh thì thấy có kiến ở quanh bồn cầu. Xin hỏi có phải tôi bị tiểu đường không?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Bạn nên cẩn thận và đi khám bác sĩ vì có thể đây là dấu hiệu trong nước tiểu có đường.

Phạm Đăng , Nam - 38  Tuổi 
Chào các bác sĩ, trên người em có một số u mỡ, rải rác ở hai cánh tay. Vậy đó có phải một dạng của rối loạn chuyển hóa? Em mong muốn được các bác sĩ tư vấn kỹ về cách xử lý đối với những u mỡ này. Chân thành cảm ơn và chúc các bác sĩ vui vẻ.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: U mỡ không phải là căn bệnh thuộc hội chứng chuyển hóa, bạn nên tới bác sĩ để khám và điều trị cụ thể.

Nguyễn Minh Dục , Nam - 43  Tuổi 
Có phải gout và tiểu đường là do Rối loạn chuyển hóa không. Để điều trị RLCH phải làm gì? Thực đơn nào tốt cho người bị RLCH. Xin cám ơn Tòa soạn và các BS.

PGS.TS.Bác sỹ Nguyễn Xuân Ninh: Gout và tiểu đường là 2 bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, tức là cơ thể bạn có những rối loạn chuyển hóa sinh ra là chủ yếu. Yếu tố ăn uống chỉ đóng góp 30 đến 50% vào cơ chế sinh bệnh. Để có thực đơn cụ thể, bạn cần đến gặp bác sỹ dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn phù hợp với bạn.

Vũ Hữu Thịnh , Nữ - 20  Tuổi 
Tôi đi khám sức khoẻ, chỉ số Trigly là 6.4. Xin bác sỹ cho biết: như vậy là tôi bị rối loạn chuyển hoá Lipit? cần phải điều trị như thế nào & chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp. Rất mong bác sỹ cho lời khuyên

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Mới tuổi 20, nếu lần đầu xét nhiệm có chỉ số Trigy là 6,4 thì chưa thể kết luận là rối loạn chuyển hóa Lipit. Có thể do thời gian qua, bạn ăn quá nhiều chất mỡ và đồ ngọt, nếu ăn giảm những thức ăn này cộng với chế độ tập luyện thể thao tích cực thì chỉ số Trigy sẽ trở về bình thường sau 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần xét nghiệm để kiểm tra lại sau 3 tháng thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện.

RLCH, khi nào nguy hiểm?

Phạm Thúy Ngọc , Nữ - 48  Tuổi
Xin hỏi mỡ máu ở mức nào thi coi là bệnh chuyển hóa hoặc là mức nguy hiểm?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Nếu HDL- cholestrol của nam giới nhỏ hơn 1,04 mmlol/L, nữ giới lớn hơn 1,3 mmlol/L và triglicerit lớn hơn 1,7 mmlol/L  được coi là dấu hiệu của rối loạn chuyển hóa. Nếu kết hợp với các dấu hiệu của rối loạn chuyển hóa khác như tăng đường máu, tăng huyết áp, hoặc có các biến chứng về tim mạch là mức báo động nguy hiểm.

Phan Diệu Lan , Nữ - 57  Tuổi 
Tôi bị rối loạn chuyển hóa lypid. HIện tại có 2 trị số cao hơn mức cho phép là: Cholesterol 7,3 và LDL 4,2. Tôi đã đi khám nhiều, được bác sỹ cho uống thuốc. Tôi thường xuyên thực hiện chế độ ăn kiêng của người bị rối loạn mỡ máu và đi bộ ngày 1 giờ nhưng 2 trị số nói trên vẫn không giảm. Bác sỹ cho hỏi: Mức độ rối loạn ấy có nguy hiểm không? Tôi cần phải làm gì thêm để hạ Cholesterl và LDL?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Việc ăn kiêng và duy trì chế độ vận động hợp lý rất tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy vậy để hạ được mỡ máu về giới hạn bình thường bạn phải tới bác sĩ để điều chỉnh lại thuốc cho phù hợp.

Mức độ mỡ máu cao trên có nguy hiểm hay không còn phù thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn, đặc biệt nếu kèm theo tăng huyết áp , đái tháo đường hay có các bệnh về tim mạch thì bạn cần phải điều trị kip thời để tránh nguy hiểm cho bản thân. Còn nếu chỉ tăng mỡ máu mà không có các dấu hiệu chuyển hóa khác thì mức độ nguy hiểm chưa cao.

Ngô Văn Độ , Nam - 59  Tuổi 
Tôi bị tiểu đường 4 tháng nay hiện nay uống thuốc Diamicron MR do bác sĩ viện Melatec chỉ định, hàng tháng kiểm tra đường là 5,1 thì có còn phải uống thuốc nữa không? Với chỉ số như vậy liệu có xảy ra biến chứng không?  

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Điều trị tiểu đường cần điều trị liên tục, không được tự ý ngừng thuốc. Chỉ số đường máu lúc đói 5,1 chỉ cho biết hiện tại, có thể kiểm soát đường máu lúc đói bằng Diamicron MR. Để đánh giá khả năng xảy ra biến chứng và tình trạng bệnh cụ thể cần khám lâm sàng và làm thêm các xét nghiệm khác. Do đó đường máu của bác là 5,1 vẫn chưa thể ngừng ngay Diamicron MR, cần phải điều chỉnh bậc thang điều trị theo kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm khác như HbA1c, Ure, Creatinin...
 

Biến chứng của tiểu đường có thể xảy ra rất thầm lặng đến lúc biểu hiện trên lâm sàng là đã muộn do đó bác cần phải đi khám định kì để phát hiện sớm biến chứng.

Lê Quang Dĩnh Thạnh , Nữ - 20  Tuổi 
Cách đây 5 tháng tôi có bị đau ngón chân cái bên phải (không tấy đỏ), đi làm xét nghiệm acid uric thì kết quả là 630. Bác sĩ xét nghiệm cho tôi uống thuốc - Colcixil: Ngày thứ nhất 3 viên, ngày thứ 2 2 viên, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mỗi ngày 1 viên - Allopurinol: 30 viên, mỗi ngày 1 viên Bên cạnh việc uống thuốc, tôi có thực hiện ăn kiêng (không ăn thịt đỏ, hải sản, không ăn cá nục, cá trích, đậu phụ, đậu cô ve, không uống bia rượu...). Mỗi ngày tôi uống khoảng 3 lít nước. Sau một tháng ăn kiêng và uống thuốc theo chỉ định, đi xét nghiệm acid uric thì chỉ số đã về dưới mức cao nhât (tôi không nhớ rõ cụ thể). Đến nay tôi có uống rượu bia, chế độ ăn thì không kiêng hoàn toàn những thực phẩm trên. Các khớp đầu tiên của bàn tay khi co lại thì bị đau. Vậy tôi có phải uống thuốc nữa không? Ăn uống như trên có quá ngặt không? Xin các bác sĩ tư vấn cụ thể cho tôi.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Với phác đồ điều trị như trên của bác sỹ là phù hợp (2 loại thuốc và ăn kiêng). Do vậy, nồng độ Acid uric của bạn đã trở về bình thường. Sau khoảng 3 tháng, bạn phải đến cơ sở y tế để kiểm tra, đánh giá lại tình trạng bệnh của bạn.

Về nguyên tắc, bạn cần giảm tối đa sử dụng rượu bia và vẫn phải sử dụng thuốc duy trì kết hợp cùng ăn uống hợp lý. Trong thời gian qua, bạn không dùng thuốc có thể Acid uric đã cao trở lại và các dấu hiệu của Gout lại xuất hiện trở lại.

Tuy hạn chế những thực phẩm trên đây, bạn có thể chọn lựa những thực phẩm khác để thay thế mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ các giá trị dinh dưỡng.

Vũ Thị Dung, Nữ - 60 tuổi
Tôi chưa bị tiểu đường lần nào, gần đây xuất hiện mệt, khát, tôi đi khám, phát hiện đường máu 15,6mmol/l, trong nước tiểu có glucose 500mg/dL, keton 80mg; bác sỹ yêu cầu tôi nhập viện, trong khi bạn tôi đường máu lên đến 17mmol/l thì lại được kê đơn thuốc về nhà, tại sao thế ạ.


ss
TS.BS Nguyễn Văn Tiến giao lưu trực tuyến với bạn đọc

 

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: chẩn đoán tiểu đường và các biến chứng của nó rất quan trọng trong tiên lượng điều trị. Có các biến chứng cấp tính và mạn tính. Toan ceton máu là 1 biến chứng cấp tính nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời có thể dẫn đến hôn mê. Trong xét nghiệm nước tiểu của bạn có thể ceton do đó mặc dù đường máu của bạn không cao như bạn của bạn nhưng bạn lại có nguy cơ bị toan ceton máu do đó bạn cần phải nhập viện theo dõi và điều trị.

Ngọc, Nam - 70 tuổi
Tôi bị đái tháo đường 11 năm hiện nay đã dùng 4 loại thuốc đái tháo đường: gliclazid, metformin, glucobay và novonorm, nhưng đường máu hiện nay vẫn ở ngưỡng 18,2; HbA1c: 11,3%. Xin bác sỹ tư vấn cho tôi hướng điều trị tiếp theo.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Bạn đã dùng phối hợp 4 loại thuốc tiểu đường, tuy nhiên đường huyết của bạn kiểm soát vẫn cực kỳ không tốt. cần phải thay đổi phác đồ điều trị. Trước khi thay đổi, bạn cần thăm khám lâm sàng để tìm nguyên nhân, (nhiều khi có những ổ nhiễm trùng tiềm tàng như nhiễm khuẩn răng lợi cũng làm cho kiểm soát đường huyết không tốt), làm thêm xét nghiệm để đánh giá chức năng tụy nội tiết như Insulin, Cpeptid trược khi quyết định biện pháp điều trị mới. Bạn cần đến viện để được thăm khám kỹ, làm các xét nghiệm càn thiết trước khi quyết định biện pháp điều trị.

Thu Vân, Nữ - 35 Tuổi
Tôi đi khám sức khỏe, thấy bác sĩ nói tôi bị rối loạn mỡ máu. Vậy bệnh rối loạn mỡ máu có nguy hiểm không?

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Rối loạn mỡ máu là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch, đặc biệt là nguy cơ nhồi máu cơ tim. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, rối loạn mỡ máu có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Hội phòng Chống tai Biến mạch Máu não Việt Nam, có 200.000 người Việt đột quỵ mỗi năm do rối loạn mỡ máu.

Mỡ trong máu chiếm một tỷ lệ nhất định và cần thiết cho cơ thể. Nhưng khi các thành phần mỡ máu bị mất cân bằng và cao thấp bất thường sẽ dẫn đến rối loạn mỡ máu. Lòng mạch trong máu tuần hoàn có nhiều loại mỡ, trong đó chiếm 60-70% là cholesterol, một thành phần quan trọng cấu tạo nên màng tế bào, tham gia sản xuất các hormone (đặc biệt các hormone tuyến thượng thận, sinh dục) và vitamin.

Cholesterol rất cần thiết cho cơ thể, đảm bảo chức năng sống còn và duy trì nòi giống. Chỉ khi thiếu hụt hay dư thừa cholesterol mới là nguy cơ gây ra nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu cho thấy, những người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 - 3 lần so với người có lượng cholesterol bình thường (bình thường cholesterol máu dưới 5,2 mmol/l).

Khi cholesterol trong máu cao, chúng sẽ lắng đọng ở bề mặt nội mô và lớp cơ trơn của thành mạch máu, tạo nên những mảng xơ vữa, từ đó hình thành cục máu đông, làm hẹp và tắc mạch máu. Ngoài ra, cục máu đông này có thể bị bong ra, trôi đi vướng vào mạch máu nhỏ hơn làm tắc nghẽn và gây ra nhồi máu cơ tim. Nếu mức cholesterol thấp hơn ngưỡng bình thường thì cơ thể cũng sẽ gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Nguy hiểm hơn, rối loạn mỡ máu diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhưng khi lộ diện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tăng tỷ lệ tử vong của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu trước đây rối loạn mỡ máu thường gặp ở tuổi từ 60 thì hiện nay ngay từ tuổi trên 20 đã có nhiều người mắc bệnh. Sự trẻ hóa này đang là tiềm ẩn của nhiều nguy cơ như biến chứng mạch máu, gây xơ vữa động mạch và các rối loạn chuyển hóa khác.

Rối loạn mỡ máu chỉ có 20% nguyên nhân từ lối sống và dinh dưỡng thiếu hợp lý, còn 80% là do bản thân cơ thể mỗi người. Khi hoạt động của receptor tế bào suy giảm, cơ thể không hấp thu được cholesterol sẽ làm dư thừa thành phần này trong máu. Do đó, tình trạng rối loạn mỡ máu sẽ xuất hiện ở cả người trẻ và người gầy, làm tăng tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch.

Vì thế, cơ thể cần được kiểm soát mỡ máu, điều hòa cholesterol ở mức cần thiết có lợi để duy trì sức khỏe, ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến tim mạch. Ngoài ra, các chuyên gia Y tế khuyên để phòng và điều trị rối loạn mỡ máu, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm lên tim mạch, cần phải thay đổi thói quen ăn uống, lối sống, tăng cường tập thể dục, cai thuốc lá, hạn chế rượu bia.

Minh Long, Nam - 46 Tuổi
Tôi năm nay 46 tuổi, mới phát hiện đái tháo đường được 1 tháng, đường máu hiện tại là 9,0mmol/l, chưa có biểu hiện biến chứng gì. Về lâu dài tôi có thể gặp các biến chứng gì ạ.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Ở người bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao kéo dài làm quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ, gây hủy hoại các mạch máu, khiến các mạch máu bị chít hẹp, dòng máu lưu thông đến nuôi dưỡng các cơ quan kém, kết quả là các cơ quan bị tổn thương, gây nên biến chứng.

Những biến chứng mạn tính người bệnh tiểu đường hay gặp đó là: biến chứng trên tim (nhồi máu cơ tim), trên não (tai biến mạch máu não), biến chứng trên mắt (bệnh võng mạc, đục thủy tinh thể, mù lòa), trên thận (suy thận), biến chứng thần kinh ngoại vi (gây tê bì, châm chích, bỏng rát hoặc mất cảm giác trên da, có thể dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi), biến chứng thần kinh tự chủ (gây khó nuốt, nuốt nghẹn, rối loạn đại tiểu tiện,…). Ngoài ra, còn có các biến chứng khác như rối loạn cương, ngứa da, nhiễm nấm, co cơ cứng khớp, viêm lợi, rụng răng….

Các biến chứng mạn tính của tiểu đường xảy ra sớm hay muộn, nặng hay nhẹ rất khác biệt ở từng bệnh nhân. Nhưng nhìn chung, nếu kiểm soát tốt đường huyết người bệnh có thể phòng ngừa hoặc làm chậm lại tiến trình sinh biến chứng của bệnh tiểu đường.

Đường huyết của anh hiện tại khá cao, anh cần phải kiểm soát tốt bằng cách sử dụng theo đúng thuốc của bác sĩ đã kê đơn kết hợp chặt chẽ với chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lí.

Trịnh Thu Hằng, Nữ - 39 Tuổi
Chào bác sĩ, năm nay tôi 53 tuổi và đã bị tiểu đường 5 năm nay, tôi vẫn sử dụng thuốc hạ đường huyết đều đặn (2 loại thuốc: Diamicron 30mg, Glucophage 1g), ăn cơm gạo sát và đi bộ mỗi ngày 40 phút, đường huyết lúc đói của tôi từ 5,4 - 6,5 mmol/l. Nhưng gần đây, thỉnh thoảng tôi lại thấy chóng mặt và bủn rủn chân tay, vã mồ hôi lạnh nhất là sau khi đi tập thể dục ...Xin bác sĩ tư vấn cho tôi cần phải điều chỉnh như thế nào.
ThS.BS Phan Thanh Sơn: Với mức đường huyết 5,4 - 6,5 mmol/l cho thấy đường huyết của bạn đang được kiểm soát rất tốt. Tuy nhiên, hiện tượng chóng mặt, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi lạnh mà bạn gặp phải có thể là bị hạ đường huyết biến chứng hạ đường huyết. Đây biến chứng hay thường gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường quên không nhớ ăn đúng bữa, đặc biệt những người hay dùng thuốc hạ đường huyết quá liều cao, người ăn uống kiêng khem quá mức hoặc bỏ bữa mà vẫn sử dụng insulin, hay những người luyện tập thể thao quá sức. 

Để phòng tránh tình trạng này diễn ra, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ kiểm tra lại chỉ số đường huyết, HbA1c để bác sĩ điều chỉnh hạ liều thuốc tiểu đường. Đồng thời, bạn nên tiếp tục duy trì chế độ ăn uống hợp lý, và chỉ nên luyện tập khoảng 30 phút trong ngày, lưu ý không nên ở nhà hoặc đi tập thể dục mà không có người đi cùng và phải luôn có kẹo ngọt trong túi để dùng mỗi khi có biểu hiện chóng mặt, bủn rủn chân tay.

Nhiều bệnh hiểm từ RLCH

ss

Ths.BS Phan Thanh Sơn đang trả lời câu hỏi

Nguyễn Văn Hải, Nam - 50 Tuổi
Thế nào là bệnh đái tháo đường? 

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Đái tháo đường còn gọi là Bệnh tiểu đường là một nhóm các bệnh chuyển hoá có đặc điểm là tăng glucose máu, (hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin); thường kết hợp với những bất thường về chuyển hoá các chất bột đường, mỡ, chất đạm và tổn thương chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu”.

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Bệnh đái tháo đường còn gọi là Bệnh tiểu đường hay Bệnh dư đường, là một nhóm các bệnh chuyển hóa được đặc trưng bởi tăng đường máu mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin hoặc cả hai trong cơ thể người bệnh. Đái tháo đường có thể gặp ở cả nam, nữ, già, trẻ. Nếu phát hiện muộn, không điều trị tích cực có thể gây các biến chứng cấp tính hoặc mạn tính có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc làm giảm sút chất lượng cuộc sống.

Nguyen Huy Minh, Nam - 29 Tuổi
Các triệu chứng thường gặp của bệnh ĐTĐ?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường thường thấy là tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhanh (4 nhiều) ở các giai đoạn từ nhẹ đến nặng? 

Các dấu hiệu thường gặp ở người mắc bệnh ĐTĐ là tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhanh (4 nhiều), tuy vậy những dấu hiệu này thường xuất hiện muộn khi người bệnh đã mắc bệnh từ lâu mà chưa được phát hiên.

Hiện nay khi sự hiểu biết của người dân về căn bệnh ĐTĐ ngày một cao hơn và thường xuyên được kiểm tra định kỳ nên bệnh ĐTĐ thường đươci phát hiện sớm khi chưa có các dấu hiệu trên và điều trị kịp thời. 

Vây chúng ta nên thường xuyên định kỳ kiểm tra đường máu, đặc biệt các đối tượng có những nguy cơ mắc bệnh cao, như trên 40 tuổi, mắc bệnh về tim mạch, có rối loạn về mỡ máu, thừa cân béo phì, tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ….. đê phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh này.

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường xuất hiện tùy theo loại đái tháo đường

+ Với đái tháo đường type 1: các triệu chứng thường thấy là tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhanh (4 nhiều). Lượng nước tiểu thường từ 3-4 lít hoặc hơn trong 24 giờ, nước trong, khi khô thường để lại vết bẩn hoặc mảng trắng, có thể thấy có kiến bò, ruồi bâu tại bãi nước tiểu. Tiểu dầm ban đêm do đa niệu có thể là dấu hiệu khởi phát của đái tháo đường ở trẻ nhỏ.

+ Với đái tháo đường type 2: chiếm khoảng 90-95% trong tổng số bệnh nhân bệnh đái tháo đường, thường gặp ở lứa tuổi trên 40, nhưng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi 30, thậm chí cả lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh nhân thường ít có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện bởi các triệu chứng của biến chứng, hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm máu hoặc khi có biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não; khi bị nhiễm trùng da kéo dài; bệnh nhân nữ hay bị ngứa vùng do nhiễm nấm âm hộ; bệnh nhân nam bị liệt dương.

Phạm Hoàng Dũng, Nam - 50 Tuổi
Cách tự nhận biết bệnh này? 

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Tiểu đường là một căn bệnh nghiêm trọng, việc nhận ra các biểu hiện này càng sớm càng tốt là rất quan trọng để giảm thiểu tối đa các vấn đề sức khỏe và các biến chứng phức nguy hiểm và phức tạp. Khi thấy các dấu hiệu sau:

- Mệt mỏi: Cơ thể mệt mỏi thường xuyên là một trong những biểu hiện tiểu đường điển hình rất dễ thấy.

- Tiểu nhiều, khát nhiều: Nếu đi tiểu thường xuyên - đặc biệt nếu bạn thường phải thức dậy giữa đêm để đi tiểu, đó có thể là biểu hiện tiểu đường

- Nhanh đói: Nếu bạn không tập thể dục nhiều hơn hoặc ăn ít, nhưng lại nhận thấy luôn luôn đói thì rất có thể là một biểu hiện bệnh tiểu đường. 

- Giảm cân không kiểm soát: Đây là một trong biểu hiện tiểu đường. 

- Vết thương lâu lành: Nhiễm trùng, vết xước và các chỗ thâm tím không lành nhanh là một biểu hiện bệnh tiểu đường. 

- Bệnh về da: Da ngứa - có lẽ là kết quả của việc da bị khô hoặc tuần hoàn kém - thường là biểu hiện tiểu đường, cùng với các bệnh về da khác như thâm da (quanh cổ hoặc hõm nách). Những người có các dấu hiệu này chắc chắn đã có hiện tượng kháng insulin, dù cho đường máu của họ có thể chưa cao. Vì thế, khi thấy biểu hiện tiểu đường này, bạn nên đi kiểm tra đường máu.

- Mờ mắt: Đây cũng là một biểu hiện khác của bệnh tiểu đường. Dư thừa glucose trong máu ảnh hưởng đến mắt.

- Nhiễm nấm: Tiểu đường khiến cho cơ thể rất nhạy cảm với các viêm nhiễm, phổ biến là nấm candida và các loại nấm khác. Nấm và vi khuẩn đều sinh sôi mạnh trong môi trường giàu đường. Đặc biệt, phụ nữ cần cảnh giác khi nhiễm nấm candida âm đạo thường xuyên, bởi đó có thể là biểu hiện tiểu đường.

- Dễ bị cảm lạnh và cúm: Các hệ thống miễn dịch suy yếu làm cho vết cắt và vết bầm tím lâu lành cũng có thể làm cho bạn dễ bị tổn thương và dễ bị cảm lạnh và cúm.

- Ngứa ran hoặc đau ở bàn chân hoặc bàn tay: Đây là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh ngoại vi, một điều kiện gây ra bởi tổn thương dây thần kinh của bạn. Không ai biết chính xác lý do tại sao bệnh tiểu đường gây ra bệnh lý thần kinh, hoặc cho dù đó là kết quả của quá nhiều đường, dư thừa insulin, hoặc một thay đổi chuyển hóa.

ss

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh trong buổi giao lưu

Thanh Thảo, Nữ - 35 tuổi
Cần làm gì khi thấy có các biểu hiện tiểu đường?

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Khi bạn phát hiện ra mình có các biểu hiện tiểu đường như đã nói ở trên thì bạn cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra và xét nghiệm tiểu đường. Bệnh viện MEDLATEC chúng tôi có đầy đủ đội ngũ bác sỹ chuyên khoa, các xét nghiệm, chẩn đoán hình ản, thăm dò chức năng để giúp bạn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường.

Đỗ Hữu Nhưng, Nam - 54 Tuổi
Các xét nghiệm cần làm để xác định rõ bệnh và giai đoạn của bệnh. (cần phải làm các xét nghiệm gì để đánh giá căn bệnh ĐTĐ)?

 ThS.BS Phan Thanh Sơn: - Việc đầu tiên để xác định có ĐTĐ hay không bạn cần làm xét nghiệm đường máu:

1. Nếu 2 lần xét nghiệm đường huyết tương lúc đói đều từ 7,0mmol/l trở lên, hoặc có các triệu chứng của ĐTĐ như khát uống nhiều, đói ăn nhiều sút cân và đường huyết từ 11,1 mmol/l tở lên thì được gọi là bị bệnh ĐTĐ. 

2. Trong trường hợp đường huyết cao không rõ ràng cần tới BS làm nghiệm pháp tăng đường máu để xác định bệnh.

3. Nếu đường huyết từ trên 6 mmol/l mà kèm theo béo thừa cân, trên 40 tuổi, có bệnh THA, rối loạn mỡ máu, hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh ĐTĐ thì được gọi là tiền hay nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ. Tình trạng này trong y học thường được gọi là mắc hội chúng rối loạn chuyển hóa và cũng cần được theo dõi và điểu trị.
 
- Khi đường huyết cao cần phải làm xét nghiệm Insulin và peptid-C để điều trị tiêm hay uống thuốc, vì:

1. Nếu tuyến tụy không đủ khả năng sản xuất Insulin, phải điều trị băng tiêm Insulin hay còn gọi là ĐTĐ typ I

2. Nếu Insulin và peptid-C không thấp hay còn gọi là ĐTĐ typ II có thể không nhất thiết phải tiêm Insulin

- Khi đường huyết cao nhiều, thường nếu trên 16mmol/l nhất thiết phải nhập viện, để điều trị

- Ngoài việc làm xét nghiệm đường máu cần phải làm xét nghiệm đường huyết trung bình và được gọi là xét nghiệm HbA1C, nếu HbA1C > 6,5 được chẩn đoán là ĐTĐ, thường xét nghiệm này được làm thường quy 2-3 tháng 1 lần.

- Đường máu được chuyển hóa trong gan và căn bệnh ĐTĐ đi kèm với các bệnh về rối loạn chuyển hóa như trên và thường gây tổn thương các mạch máu lớn và mạch máu nhỏ trong cơ thể kèm theo các biến chứng về tim mạch, thận, mắt, thần kinh, do vây ngoài việc thường xuyên kiểm tra đường máu, người bệnh mắc ĐTĐ cần kiểm tra các bệnh về thận, gan…như trên, để phối hợp điều trị

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Để chẩn đoán bệnh đái tháo đường cần làm các xét nghiệm: Glucose máu, HbA1c, nghiệm pháp dung nạp Glucose; 

Để đánh giá khả năng hoạt động của tuyến tụy nội tiết liên quan đến việc tiết Insulin cần làm các xét nghiệm định lượng: Insulin, C-peptide;

Để đánh giá giai đoạn của bệnh hay chính xác hơn là phát hiện các biến chứng của bệnh (bệnh nhân không kiểm soát được đường huyết, càng có nhiều biến chứng bệnh càng nặng- không phụ thuộc vào thời gian phát hiện bệnh) cần làm thêm các thăm khám và các xét nghiệm khác như: TPT máu, Triglycerid, cholesterol TP, HDL, LDL, Ure, creatinin máu, AST, ALT; TPT nước tiểu, Microalbumin niệu, điện tim, chụp phổi, ….Một số trường hợp cần làm thêm xét nghiệm kháng thể kháng tiểu đảo tụy.

Lô Hằng, Nữ - 30 Tuổi
Bố tôi bị bệnh tiểu đường type 2, vậy tiểu đường có những type nào, cách phân biệt và những điều cần lưu ý?

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Như trên tôi đã nói: Đái tháo đường được phân chia chủ yếu 2 type: type 1, type 2

Đái tháo đường type 1 đặc trưng bởi sự hủy hoại tế bào bêta của đảo Langherhans tụy (tự miễn hoặc vô căn) và thiếu hụt gần như tuyệt đối insuline, vì thế dễ bị nhiễm toan ceton nếu không được điều trị. Tuổi khởi bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên. Thường có yếu tố di truyền và có liên quan đến một số yếu tố môi trường (nhiễm virus trong thời kỳ bào thai, độc tố...).Thường có phối hợp với một số bệnh tự miễn khác như bệnh Basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Addison.

Đái tháo đường type 2 thường gặp nhất. Đặc trưng bởi rối loạn hoạt động hay tiết insulin: thay đổi từ đề kháng insulin chiếm ưu thế với thiếu insulin tương đối đến khiếm khuyết tiết insulin chiếm ưu thế kèm đề kháng insulin hay không. Bệnh thường không được chẩn đoán trong nhiều năm vì mức độ tăng glucose máu không trầm trọng, nhiều trường hợp được chỉ phát hiện tình cờ. Thường xảy ra ở người lớn tuổi > 40 tuổi, nhưng đôi khi cũng xảy ra ở trẻ nhỏ, có tính gia đình. Đa số trường hợp có kèm béo phì và bản thân béo phì lại làm trầm trọng thêm tình trạng đề kháng insulin. Có yếu tố gia đình rõ (có lẽ do di truyền). Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 2 bao gồm: tuổi lớn, béo phì, ít hoạt động thể lực, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiền sử gia đình đái tháo đường, tiền sử bị đái tháo đường thai nghén và thuộc một số nhóm chủng tộc có nguy cơ cao mắc đái tháo đường.

Ngoài ra còn có các type đặc biệt khác. 

Bố của bạn bị đái tháo đường type 2, như vậy cần được khám, theo dõi, điều trị để có thể kiểm soát tốt đường huyết, hạn chế biến chứng. Bản thân bạn cũng cần có sự theo dõi kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên ĐTĐ type 2 là sự tương tác giữa yếu tố gen và môi trường cho nên nếu phòng bệnh tốt - tức là không tạo ra các yếu tố thuận tiện về môi trường thì chưa chắc yếu tố gen đã phát triển lên được thành bệnh ĐTĐ.

Hồng Anh, Nữ - 46 tuổi
Thưa bác sỹ: Có phải chỉ bệnh nhân đái tháo đường type 1 mới phải dùng insulin để điều trị hay cả bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng phải dùng insuline điều trị a. Nếu bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng phải dùng insulin thì dùng khi nào ạ.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Đái tháo đường type 1 là đái tháo đường phụ thuộc insulin do đó bắt buộc phải điều trị insulin thay thế; đái tháo đường type 2 cũng có thể dùng insulin điều trị kết hợp khi: bệnh nhân có các bệnh cấp tính hoặc mạn tính, có biến chứng, khi các thuốc uống không hiệu quả hoặc có chống chỉ định. Phác đồ đồng thuận do hai tổ chức ADA (the American Diabetes Association – hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ) và EASD (the European Association for the Study of Diabetes – hiệp hội Nghiên cứu đái tháo đường châu Âu) đưa ra năm 2009 và sửa đổi 2013 cho thấy khi ngưỡng HbA1c từ 10% trở lên có thể kết hợp Insulin ngay khi bắt đầu điều trị.

Văn Chương- Nam - 47 tuổi
Bố tôi bị đái tháo đường type 2 đang dùng thuốc, trước đây đường máu của bố tôi thường chỉ 8,4 mmol/l HbA1c cũng chỉ ở ngưỡng 7,2%. Gần đây bố tôi có mổ u xơ tiền liệt tuyến, sau mổ có đi kiểm tra lại đường máu thấy đường máu 11,2 nhưng HbA1C lại chỉ có 6,4%, như vậy có phải đái tháo đường của bố tôi đã ổn định hơn chưa, xin TS giải thích giùm.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: 1. Thử lượng đường trong máu bằng phương pháp thông thường chỉ cho chúng ta biết trị số của đường huyết trong thời điểm đó mà thôi. Do đó, muốn biết đường huyết trung bình của bệnh nhân tiểu đường trong một thời gian nào đó, người ta phải dùng một thử nghiệm đặc biệt có tên là Glycated Hemoglobin Testing viết tắt là HbA1C. Vậy HbA1C là gi?

2. Chúng ta đều biết hemoglobin (Hb) là một protein nằm trong hồng cầu. Hb chuyên chở O2 từ phổi đến mọi tế bào trong cơ thể. Cũng như các protein khác, Hb có thể kết hợp với glucose và khi Hb kết hợp với glucose thì trở thành Glycohemoglobin hay Glycated hemoglobin.

3. Lượng glucose trong máu (đường huyết) càng cao thì lượng glycohemoglobin trong hồng cầu càng nhiều và cứ giữ nguyên như vậy suốt cả đời sống của hồng cầu nghĩa là trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng.

4. Thử nghiệm HbA1C đo lượng glycohemoglobin trong hồng cầu và được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Kết quả này không ảnh hưởng gì đến việc bạn đang bụng đói hay đã ăn rồi. 

5. Kết quả HbA1C cho ta biết những gì?

6. HbA1C cho biết đường huyết trung bình của bạn trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng vừa qua. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá kết quả điều trị trong khoảng thời gian này.

7. Giúp so sánh với kết quả thử đường huyết. Nếu có điểm không phù hợp, bạn có thể xem xét lại các kết quả thử máu hay các thời điểm thử máu.

8. Giúp bạn đánh giá kế hoạch kiểm soát tiểu đường của bạn. Nếu HbA1C vẫn ở mức cao, bác sĩ sẽ xem xét lại toàn bộ kế hoạch điều trị.

9. Cho bạn biết những sự thay đổi trong kế hoạch điều trị có tác dụng như thế nào trên kết quả điều trị bệnh tiểu đường.

10. Các trị số của HbA1C có ý nghĩa gì?

11. Có nhiều phương pháp để đo HbA1C. Phương pháp thường dùng nhất là cách tính phần trăm lượng glycohemoglobin trong toàn thể hemoglobin.

12. Thông thường, ở người bình thường HbA1C nhỏ hơn 6%, mục tiêu điều trị của bệnh nhân tiểu đường là dưới 7%, nếu lớn hơn 8% nên xét lại kế hoạch điều trị.

a. Bình thường HbA1c chiếm 4-6% trong toàn bộ hemoglobin.

b. Khi HbA1c tăng trên bình thường 1% tương ứng với giá trị đường huyết của bạn tăng lên 30mg/dl hay 1.7 Mmol/L.

- Khi HbA1c tăng > 10% cho thấy đường huyết của bạn trong thời gian qua kiểm soát kém.

- Khi HbA1c < 6.5% cho thấy đường huyết của bạn kiểm soát tốt.

Kết quả HbA1c có thể phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có Hemoglobin. Trong trường hợp Hemoglobin giảm do thiếu máu chẳng hạn có thể làm sai lac kết quả. 

Trường hợp của bố bạn có kết quả HbA1c và Glucose máu trước mổ là tương đương nhưng sau mổ HbA1c là 6,4%, mức đường là 11,2 mmol/l là không tương đương, cần đo đường máu lúc đói ít nhất 3 lần trong 3 ngày liên tiếp để đánh giá chính xác đường lúc đói, kiểm tra lại công thức máu để biết lượng Hemoglobin có bình thường hay không. Tốt nhất, lên đưa bố bạn đến khám tại viện để có đánh giá chính xác. 

Hồng Phương, Nam - 43 tuổi
Tôi mới bị ĐTĐ phát hiện được 1 tháng, kết quả xét nghiệm là Glucose máu 12,5; HbA1c là 14,6%, sau khi có kết quả xét nghiệm này bác sỹ yêu cầu phải làm thêm công thức máu và kết luận không thiếu máu, sau đó giải thích cho tôi tiêm insulin nhưng tôi chưa đồng ý. Bác sỹ kê đơn cho tôi 3 loại thuốc điều trị tiểu đường: diamicron, glucophage, januvia. Tôi thắc mắc là tại sao tôi mới phát hiện đái đường bệnh chắc còn nhẹ, sao bác sỹ đã định dùng insulin và lại cho tôi dùng những 3 loại thuốc tiểu đường, xin bác sỹ giải thích dùm

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: bạn mới phát hiện tiểu đường nhưng đường máu của bạn 12,5mmol/l, đặc biệt là HbA1c 14,6%. Theo phác đồ đồng thuận ADA - EASD năm 2009 sửa đổi năm 2013 thì tiểu đường của bạn ở mức độ nặng và có thể gây nhiều biến chứng, cần thiết phải dùng Insulin ngay từ đầu hoặc phối hợp đa trị liệu. Do đó, bác sỹ đã yêu cầu bạn dùng Insulin và kê đơn 3 loại thuốc.

Mai Lan, Nữ- 27 tuổi
Tôi có 1 ông bác bị viêm gan do rượu, đồng thời bác sỹ kết luận bị đái tháo đường type 2 nhưng vẫn cho dùng insulin để điều trị, tại sao thế ạ.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: ở bệnh nhân bị đái tháo đường, việc dùng insulin hay không tùy từng cá thể. Như bác của bạn bị đái tháo đường nhưng lại bị viêm gan kết hợp việc điều trị Insulin là cần thiết vì các thuốc uống có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan và không giúp kiểm soát đường huyết tốt.

Mỹ Trang, Nữ - 57 tuổi
Tôi bị đái tháo đường 2 năm, trước đây đi khám không thấy các bác sỹ yêu cầu kiểm tra điện tim, tại sao gần đây các bác sỹ yêu cầu cứ sau tháng lại phải kiểm tra điện tim 1 lần, HA của tôi cao, nhưng tôi không có đau ngực. Xin bác sỹ giải thích giùm.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Ở bệnh nhân đái tháo đường có 1 số xét nghiệm, thăm dò cần làm định kỳ như; men gan, chức năng thận, mỡ máu, điện tim, khám mắt, khám răng, khám bàn chân. Bạn có Đái tháo đường, có tăng huyết áp, do đó nguy cơ tim mạch khá cao; việc các bác sỹ yêu cầu làm điện tim là để phát hiện sớm các biên chứng của đái tháo đường trên mạch máu, đặc biệt là mạch vành, vì khác với các bệnh nhân không bị tiểu đường, tình trạng thiếu máu cơ tim do bệnh mạch vành ở bệnh nhân tiểu đường diễn ra rất âm thầm, lặng lẽ, không có cơn đau ngực điển hình, nếu không kiểm tra định kỳ sẽ khó phát hiện hoặc đến khi xuất hiện rầm rộ trên lâm sàng thì đã muôn, có thể có những hậu quả nặng nề.


Lữ Thế Liêm, Nam - 64 Tuổi
Tôi chưa bị tiểu đường nhưng hay đi kiểm tra đường máu và có làm ơ nhiều cơ sở khác nhau, nhưng mỗi lần lại cho kết quả khác nhau, tại sao vậy?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Nồng độ đường máu là một chỉ số hằng định mà sẽ khác nhau tại mỗi thời điểm, phụ thuộc vào chế độ ăn uống, tập luyện, tình trạng sức khỏe, thời điểm bạn đo là sau ăn hay trước ăn, cách bữa ăn bao nhiêu giờ, …

Tuy nhiên đường huyết khi đói ở người bình thường sẽ giao động trong khoảng từ 4 - 5,6 mmol/l. Vì vậy, nếu đường huyết của bạn được đo khi đói và dao động trong khoảng này thì đó là điều hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì cả.

Nếu sau nhiều lần đo, đường huyết dao động trong khoảng 5,6 - 6,9 mmol/l thì bạn đã bị rối loạn dung nạp glucose (tiền đái tháo đường) và cần làm thêm xét nghiệm Nghiệm pháp dung nạp Glucose để chẩn đoán. Và nếu trên 7 mmol/l thì bạn đã bị tiểu đường cần phải làm thêm các xét nghiệm khác như HbA1c, C peptide, Insulin….để bắt đầu điều trị.

Phan Thị Ngân Hà, Nữ - 48 Tuổi
Tôi được phát hiện tiểu đường và được điều trị được khoảng 10 tháng nay. Vừa rồi đến bệnh viện để khám lại, tôi thấy bác sỹ có cho tôi xét nghiệm chỉ số HbA1c, tôi không hiểu đây là chỉ số gì và có ý nghĩa như thế nào trong bệnh tiểu đường?

ThS.BS Phan Thanh Sơn
Hemoglobin (Hb) là một trong những thành phần cấu tạo nên tế bào hồng cầu của máu, có vai trò vận chuyển oxy trong máu. Bình thường luôn luôn có sự gắn kết của đường trong máu với Hb của hồng cầu. HbA1c chính là chỉ số đại diện cho tình trạng gắn kết của đường trên Hb hồng cầu. Chỉ số này tồn tại trong suốt đời sống hồng cầu - 120 ngày. 

Bình thường HbA1c chiếm 4-6% trong toàn bộ hemoglobin. Khi HbA1c tăng trên bình thường 1% tương ứng với giá trị đường huyết của bạn tăng lên 30mg/dl hay 1.7 mmol/L. Xét nghiệm HbA1c sẽ cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong 2 - 3 tháng vừa qua. Đây là xét nghiệm tốt nhất để theo dõi sự kiểm soát đường huyết, giúp bạn và bác sĩ điều trị đánh giá được đường huyết có được kiểm soát tốt trong thời gian vừa qua hay không. Khi HbA1c tăng > 10% cho thấy đường huyết của bạn trong thời gian qua kiểm soát kém. 

Khi HbA1c < 6.5% cho thấy đường huyết của bạn kiểm soát tốt. Tất cả các bệnh nhân đái tháo đường nên xét nghiệm HbA1c tối thiểu 2 lần trong 1 năm và tốt nhất là theo định kì 3 tháng/ 1 lần. 

Tại bệnh viện Medlatec chúng tôi đã sử dụng HbA1c trong chẩn đoán và điều trị ĐTĐ trong nhiều năm.

Bảo Khánh, Nam - 48 Tuổi
Tôi năm nay 48 tuổi, tôi bị đái tháo đường typ2 kèm theo cả bệnh tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Bác sĩ cho tôi hỏi, bên cạnh việc kiểm soát đường huyết, thì chỉ số huyết áp và mỡ máu tôi cần đạt được là bao nhiêu?

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Điều trị đái tháo đường là điều trị tổng thể, bên cạnh việc kiểm soát tốt đường huyết, còn cần kiểm soát tốt cả các yếu tố nguy cơ thúc đẩy nhanh sự tiến triển của biến chứng như mỡ máu, huyết áp…

Mục tiêu cần đạt được đối với việc kiểm soát mỡ máu và huyết áp trong bệnh đái tháo đường như sau:
- Mỡ máu: 
+ Cholesterol Tp ≤ 4,5 mmol/L
+ LDL-c ≤ 2,5 mmol/L
+ Triglycerid ≤ 1,5 mmol/L
+ HDL-c ≥ 1mmol/L
- Huyết áp: ≤ 130/80 mmHg. Riêng đối với bệnh nhân đã có biến chứng thận thì cần ≤ 125/75 mmHg.

Vũ Văn Sỹ, Nam - 57 tuổi
Tôi bị ĐTĐ type 2, cân nặng 75kg, nhưng cao có 165cm; như vậy cần tập thể dục để giảm cân, nhưng hiện nay tôi đang điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ theo đơn ngoại trú, vậy tôi phải tập thể duc thế nào, mong bác sỹ tư vấn.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: các nguy cơ khi tập thể dục ở người đái tháo đường là: hạ đường huyết, cơn đau thắt ngực, loạn nhịp tim, xuất huyết đáy măt, bong võng mạc, làm năng hơn bệnh lý thận do đái tháo đường, làm nặng các biến chứng bàn chân đái tháo đường, thoái hóa khớp....

Do đó trước khi bắt đầu tập luyện cần khám cẩn thận để dánh giá các nguy cơ xảy ra biến chứng, khám tim mạch để phát hiện thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp....

Cần chọn lựa biện pháp tập luyện phù hợp: có thể chon bất kỳ môn nào mà người bệnh yêu thích chỉ trừ các môn có thể gây ra biến chứng mạch máu, tổn thương bàn chân như cử tạ, chạy...

Thời gian tập thường khoảng 30 phút chia làm 3 giai đoạn: khởi động, tập nặng hơn, giai đoạn giảm khối lượng. Cường độ tập: không để HA tâm thu trên 180mmHg, và chỉ nên cố gắng ở mức 50-70% cường độ tối đa. 

Có thể dựa vào nhịp tim để xác định: Ðầu tiên phải đo nhịp tim lúc nghỉ (đo lúc sáng sớm khi chưa hoạt động) và đo nhịp tim đạt tối đa khi tập luyện (phải có sự giám sát của bác sĩ), sau đó tính cường độ cho phép trong giai đoạn tập nặng theo công thức, chẳng hạn như mức 50% = 0,5 x (nhịp tim tối đa - nhịp tim lúc nghỉ) + nhịp tim lúc nghỉ. Ví dụ một bệnh nhân đái tháo đường có nhịp tim lúc nghỉ là 80, nhịp tim tối đa lúc tập là 140 thì chỉ nên tập cho đến khi nhịp tim lên đến = 0,5 (đến 0,7) x (140 - 80) + 80 = 110 - 122 lần/phút.

Tần suất tập: Ðể có thể đạt được những lợi ích về tim mạch hoặc kiểm soát đường máu tốt hơn, bệnh nhân cần tập ít nhất 3 ngày/tuần hoặc tập cách nhật. Còn để đạt được mục đích giảm cân, cần tập ít nhất 5 ngày/tuần.

Như vậy: bạn lên đến gặp bác sỹ để có thể có được sự thăm khám đánh giá trước khi bắt đầu tập, xây dựng một chế độ tập luyện cho hợp lý.Hoàng Tho , Nam - 56  Tuổi 
Bác sỹ cho biết, mối quan hệ ảnh hưởng giữa 2 chỉ số : Triglyceride và cholesterol; giữa chỉ số axit Uric với Cretianin.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Trong các thành phần của mỡ máu cóTriglyceride, cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (cholesterol phân tử lượng thấp) và HDL-cholesterol (cholesterol phân tử lượng cao). Trong đó Triglyceride, cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol có phân tử lượng nhỏ nên dễ gây nên xơ vữa động mạch, do vậy tăng các thành phần mỡ máu này sẽ là nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, còn HDL-cholesterol là loại mỡ máu có phân tử lượng lớn do vậy thành phần mỡ máu này tăng sẽ giúp ngăn ngừa quá trì xơ vữa động mạch.

Cretianin máu là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chức năng thận. Mức độ Cretianin càng cao thì suy thận càng nặng.

Nồng độ axit Uric cao trong máu dễ làm ảnh hưởng đến chức năng thận, là một trong những yếu tố nguy cơ suy thận và tăng Cretianin máu. Ngược lại trong suy thận - tăng Cretianin máu làm giảm khả năng đào thải axit uric qua thận. Do vậy Cretianin càng cao càng làm tăng axit uric trong máu.

lý chính , Nam - 85  Tuổi 
Tôi bị Gút khoảng chục năm,đã dung colchicine+Diclofenac,rồi Allopurinol,rồi các loại đông y như Thống phong hoàn cua BV YHCT Quân đôi,Hoàng thống phong,Gút Tâm bình vv,đến nay tần suất phát bệnh ngày càng cao,khoảng 7--10 ngày 1 lần,lúc thì sưng ngón chân, khi thì cổ chân, lúc đầu gối, môi lần lại phải uống mỗi ngày 2 cặp Co+Di (uống Allo không tác dụng) trong 2 ngày thì ngừng vì rối loạn tiêu hóa, bệnh chỉ tạm khỏi. Có người bảo phải truyền dịch Nabica mới khỏi, nhưng tôi ngại truyền. Đề nghị BS cho tôi lời khuyên , Cảm ơn (acid uric 574, XN ngày 26/9/2014)

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Bác bị gout khoảng 10 năm là thời gian khá dài, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như biến chứng thận, khớp… Colchicine và Diclofenac là các thuốc kháng viêm giảm đau, Colchicine là thuốc đặc hiệu với bệnh gout. Nhưng cả 2 thuốc này đều có tác dụng phụ và có những chống chỉ định liên quan đến các bệnh toàn thân. Allopurinol là thuốc giúp bác giảm nồng độ acid uric trong máu chứ không có tác dụng giảm đau. Việc dùng Nabica cũng có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric trong máu. Có thể dùng Nabica bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, tuy nhiên tùy theo bệnh nhân cụ thể mới đưa ra biện pháp cụ thể có cần kết hợp thuốc hay không. Bác cần đến khám tại bệnh viện để đánh giá tình trạng bệnh mới có thể đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.

Hiện nay Bệnh viện Medlatec có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cùng các biện pháp thăm khám và xét nghiệm hiện đại có thể giúp bác chẩn đoán, đánh giá mức độ và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.

Vũ Tùng , Nam - 45  Tuổi 
Tôi bị gút đã 6 năm nay, đã điều trị nhiều nơi nhưng không dứt điểm được. Nhiều lần đau vẫn phải uống Colchicine, nhưng do đã uống nhiều lần nên hình như thuốc này cũng không còn hiệu nghiệm. Xin cho hỏi: - Nếu muốn cắt cơn đau thì ngoài Colchcine thì uống thuốc gì nữa? - Môn thể thao phù hợp với người bị gút mà đã sưng ở ngón chân là gì? Đi bộ buổi sáng có tốt không? - Hiện nay trên thị trường có rất nhiều quảng cáo chữa gút bằng thuốc Nam, thuốc Bắc, y học cổ truyền... Những thuốc đó có thật sự tốt hay không? - Gần đây nghe nói ăn cá không tốt cho người bị gút, như thế có chính xác không? Xin chân thành cảm ơn

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Với bệnh Gout mãn tính của bạn, điều trị khỏi hẳn là không thể. Mục đích của điều trị là giảm đau, giảm các biến chứng và kìm hãm sự tiến triển của bệnh.

Ngoài Colchcine là thuốc đặc hiệu chống viêm, giảm đau, các bác sỹ có thể kê thêm các thuốc khác như : Diclofenac....

Tất cả các môn thể dục nhẹ nhàng 30 đến 50 phút hàng ngày là phù hợp. Ví dụ : đi bộ, đi bộ nhanh, dưỡng sinh, khí công...

Các thuốc nam, thuốc bắc  được quảng cáo hiện nay chỉ có tác dụng hỗ trợ ổn định cho bệnh Gout. Ví dụ : khi điều trị bằng thuốc tây đã đến giai đoạn ổn định thì có thể duy trì bằng thuốc Nam, thuốc Bắc sẽ có thể ngăn ngừa cơn Gout cấp tính. Tuy nhiên bạn vẫn phải thường xuyên kiểm tra nồng độ Acid uric trong máu, chức năng gan, chức năng thận.... 3 đến 6 tháng 1 lần để đánh giá sự tiến triển của bệnh.

Quan niệm ăn cá không tốt cho bệnh Gout là không chính xác, chỉ một số loại như các lục, cá thu  (có màu đỏ, hàm lượng đạm cao), cua biển, thì cần hạn chế. Các loại cá khác, người bị bệnh Gout có thể ăn bình thường. 

Nguyễn Hữu Nhân , Nam - 41  Tuổi 
Em bị tiểu đường gần 2 năm, hiện nay khi ngủ dậy buổi sáng các khớp ngón tay thường bị đau.Theo BS đó là triệu chứng của bệnh gì, cách chữa trị?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Đái tháo đường có thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên, nhưng triệu chứng đau khớp ngón tay khi sáng dậy ít có khả năng là do đái tháo đường gây nên. Bạn nên tới bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để tư vấn, khám và hướng dẫn điều trị.

Dung_68 , Nữ - 20  Tuổi 
Tôi là dân văn phòng. Tôi bị tiểu đường tuyp 2 đã 10 năm. Trước đây tôi khám và điều trị bệnh tại Medic Hòa Hảo. Từ khi bị bênh đến nay tôi bị giảm trên 15 Kg (trước đây 76Kg giờ chỉ còn 61Kg) tôi cao 1,71m huyết áp dao động 11 đến 12,50 nhịp tim 80-90. Hiện nay tôi khám và kiểm tra tại Long An (gần nhà). Tôi tự lên phát đồ trị bênh bằng cách như sau: Mỗi ngày tôi thử đường huyết vào buổi sáng và tối nếu đường huyết trên 180 thì tôi chính isulin ( Mono Mix 30 ) 12dv , nếu dưới 180 (10dv ) và dưới 110 (8dv). Trước khi đi ngủ thì trên 180 (10dv) dưới 180 (8dv). Trung bình mỗi ngày tôi sử dụng 4 lần chính Isulin khoảng 8dv trước các bữa ăn . Riêng 2 bữa ăn chính trưa và chiều tôi có uống thêm thuốc Glucophar 1000 (mỗi lần 1 viên). Tôi có dùng thêm thuốc Normelip 10 (giảm cholestrol toàn phần) , glucosamin, thực phẩm chức năng, tỏi đen - sâm Ngọc Linh và thuốc tuần hoàn não và nhỏ mắt Kay Uni. Vừa qua khi kiểm tra định kỳ thì đường huyết lúc đói 85, chức năng gan, chức năng thận ổn chỉ có Cholestrol hơi cao (7,30) Xin hỏi tôi dùng Isulin như thế có quá nhiều hay không? Về lâu về dài thì sử dụng insulin như thế có hại hay không? Thực phẩm chức năng tỏi đen sử dụng nhiều có hại và gây biến chứng cho bệnh hay không?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Đái tháo đường tuýp 2 có thể dùng phối hợp với thuốc viên glucophage, khi chức năng gan thận của bạn bình thường, còn trong trường hợp mỡ máu cao bạn phải kết hợp dùng thuốc hạ mỡ máu với glucophage là hợp lý.

Bạn duy trì đường huyết lúc đói 85 là được, tuy vậy bạn nên tới bác sĩ để điều chỉnh liều Insulin phối hợp với thuốc uống cho hợp lý hơn.

Tôi không có nhiều kinh nghiệm về điều trị các thực phẩm chức năng, tuy vậy rất nhiều thực phẩm chức năng có  thể hỗ trợ cho điều trị bệnh đái tháo đường. Cụ thể tôi biết tỏi là 1 loại thực phẩm có thể điều trị làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và chống quá trình tắc mạch máu, tuy vậy bạn cũng nên tư vấn bác sĩ để chọn liều cho hợp lý vì nếu ăn nhiều tỏi có thể dẫn đến chảy máu dạ dày và tử vong do không cầm được máu.

Nguyễn Quốc Dũng , Nam - 56  Tuổi 
Tôi bị gút đã tròn 20 năm, nổi nhiều u cục tại các tứ chi, chưa có biến chứng sang thận tim ... đã điều trị tại bệnh viện tỉnh nhiều lần, Uric khoảng 540. Hiện khó đi lại ở khớp gối. Tôi đã uống nhiều loại thực phẩm chức năng trong nhiều năm nhưng không giảm uric. Mỗi khi đau, tôi uống cochicin và thuốc giảm đau. Tôi bị dị ứng bởi thuốc Allopurinol, tôi đang đi mua thuốc thay thế Probenecid để tăng đào thải uric nhưng tìm mãi mà không thấy ở đâu bán kể cả HàNnội. Vậy tôi rất cần hỏi các BS tôi có thể uống thuốc nào và điều trị ra sao để giảm uric về ngưỡng an toàn và duy trì, thuốc Probenecid mua ở đâu?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Bạn bị tăng axit uric máu mà lại bị ứng với Allopurinol thì đây là 1 vấn đề rất nan giải vì hiện nay chưa có thuốc khác thay thế được. Tuy vậy ở nước ngoài có  febuxostat (adenuric) là thuốc có thể hạ được axit uric máu. Ngoài ra bạn có thể uống nước khoáng có bicarbonat, có thể uống với 1 số thuốc hạ mỡ máu như  lipitor nếu bạn có mỡ máu cao, phần nào có thể giúp bạn hạ axit uric máu.

Nguyễn ĐÌnh Khanh , Nam - 40  Tuổi 
Tôi phát hiện bị rối loại mỡ máu cách đây hơn 1 năm (7,4) trong một lần đi xét nghiệm sinh hoá máu. Bác sỹ đã cho dùng thuốc trong 20 ngày khám lại thì mỡ máu trở về mức bình thường (4,6). Nhưng 3 tháng sau xét nghiệm lại mỡ máu lại tăng trên 7,0 và cứ lặp đi lặp lại như vậy đã nhiều lần. Tôi cũng đã thực hiện chế độ ăn kiêng (tuy chưa triệt để) và tập thể dục. Hiện tại thể trạng của tôi là cao 1,68cm nặng 58kg do ăn kiêng nên giảm hơn trước 6kg và bản thân tôi cũng bị axit uric cao 540. Kính mong các Bác sỹ tư vấn giúp cách điều trị và chế độ ăn uống hàng ngày. Công việc của tôi làm công tác văn phòng.

PGS.TS.Bác sỹ Nguyễn Xuân Ninh: Bệnh tăng mỡ máu của bạn (chắc là Triglycerid= 7,4?), đã được điều trị nhiều lần, giảm rồi lại tăng. Điều này là hết sức bình thường của bệnh rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu như bạn. Thuốc chỉ giúp giảm mỡ máu trong thời gian điều trị và ổn định 2 đến 3 tháng sau đó lại tăng lên do cơ thể bạn rối loạn chuyển hóa sinh ra. Một số trường hợp phải dùng thuốc kéo dài liên tục theo chỉ định của bác sỹ. 

Mỡ máu cao, Acid uric cao như vậy bạn cần ăn giảm các loại mỡ động vật, các chất ngọt và các loại thịt màu đỏ. Tăng cường ăn rau quả, đậu phụ và thực phẩm có nhiều chất xơ. Ngoài ra, bạn cần phải tập thể dục hàng này từ 30 đến 50 phút một ngày. Bạn cũng phải kiểm tra xét nghiệm định kỳ 3 tháng/lần để đánh giá tiến triển của bệnh.

Hoàng Đức Cường , Nam - 47 Tuổi
Xin hỏi nguyên nhân gây tăng acid uric máu là gì? 

Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng acid uric máu
- Nguyên nhân thường gặp là do chế độ ăn quá nhiều đạm chứa purin (có nhiều trong phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ như chó, bò, dê, cá biển., ...), uống nhiều rượu
- Do bệnh lý thận làm giảm đào thải acid uric qua nước tiểu: Viêm thận, suy thận...
- Rối loạn về men chuyển hóa (hiếm gặp, thường do bẩm sinh)
- Ngoài ra acid uric còn tăng trong một số bệnh: bệnh bạch cầu, đa u tủy xương, thiếu máu huyết tán, bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư, bệnh vẩy nến
- Do sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây tăng acid uric máu. 

Mai Văn, Nữ - 36 Tuổi
Hậu quả của tăng acid uric máu là gì? 

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Acid uric tăng có thể gây ra một số hậy quả sau:
- Đối với trường hợp tăng acid uric máu đơn thuần, không có triệu chứng tại khớp thì chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. 
- Nếu tăng acid uric máu kéo dài có thể lắng đọng tại khớp dưới dạng tinh thể urat gây ra bệnh gút với các cơn gút cấp (sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp). Bệnh gút tiến triển nhiều năm có thể trở thành mạn tính với các cục tôphi ở các khớp làm biến dạng khớp hoặc lắng đọng ở sụn vành tai. các cục này có thể vỡ gây bệnh cảnh nhiễm trùng hạt tôphi
- Tinh thể urat lắng đọng ở thận gây sỏi thận, nặng có thể gây suy thận. 

Hoàng Khánh Chung, Nam - 32 Tuổi
Acid uric của tôi là 589 µmol/l thì đã cần dùng thuốc làm giảm acid uric máu chưa ạ? 

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Với các chỉ số này anh chưa cần phải dùng thuốc điều trị nếu không có sưng đau các khớp phối hợp và không có bệnh gì kèm theo. Nếu có bệnh kèm theo anh cần đi khám để tìm nguyên nhân tăng acid uric và điều trị. 

Cần kết hợp chế độ ăn với luyện tập thể dục:
- Hạn chế uống rượu bia, ăn phủ tạng động vật, thịt màu đỏ (trâu, bò, bê, dê, chó, hải sản, cá béo...),...
- Uống nhiều nước 2-4l lít nước /ngày
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì
- Ăn nhiều rau, quả chín

Trương Văn Kiên, Nam - 59 Tuổi
Tôi bị tăng acid uric máu nhiều năm nay, có phải tôi bị bệnh gút không? 

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Nếu chỉ tăng acid uric máu đơn thuần không kèm theo đau khớp thì chưa phải bệnh gút. Cần khám định kỳ để điều chỉnh chế độ ăn uống, chế độ thuốc khi cần và tìm nguyên nhân gây tăng acid uric máu. 

Có nhiều trường hợp tăng acid uric máu nhiều năm sau mới gây bệnh gút với biểu hiện sưng nóng đỏ đau 1 hoặc vài khớp. Vậy trường hợp của anh chỉ là tăng acid uric máu đơn thuần chưa phải bệnh gút. 

Nguyễn Thị Lan Hương, Nữ - 32 Tuổi
Bệnh gút có điều trị khỏi hoàn toàn được không? Khi bị sưng đau khớp thì cần phải làm gì? 

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Bệnh gút có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên bệnh có thể bị tái phát do chế độ ăn, đi giầy dép chật, bị nhiễm khuẩn, u phẫu thuật hoặc do một số yếu tố khác.

Khi bị sưng đau khớp người bệnh cần đi khám tại chuyên khoa khớp để được xác định xem bệnh lý khớp cụ thể gây ra tình trạng sưng đau. Không nên tự ý mua thuốc để điều trị khi chưa có sự chỉ định của bác sỹ. Điều này có thể gây nên các tác dụng phụ hoặc biến chứng do dùng một số thuốc giảm đau, chống viêm không đúng chỉ định. Đặc biệt khi khớp bị sưng đau (gút cấp) không nên dùng thuốc giảm acid uric máu, tình trạng đau sẽ càng sẽ tăng lên. 

Đức Linh - Nam - 53 Tuổi
Tôi bị tăng acid uric máu nhiều năm, vậy khi nào thì tôi có thể chuyển thành bệnh gút,các dấu hiệu để nhận biết là gì?

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Tiêu biểu nhất là việc sưng tấy, đỏ ngón chân cái

Thường gặp ở nam giới (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp. Thường bắt đầu vào tuổi 35 đến 45. Khởi bệnh đột ngột, diễn biến từng đợt, giữa các đợt đau các khớp hoàn toàn khỏi (những năm đầu)

Vị trí bắt đầu thường là các khớp ở chi dưới, đặc biệt ngón I bàn chân (70%)

Tính chất của Bệnh Gút là bệnh nhân thấy sưng nóng đỏ đau dữ dội, đột ngột ở một khớp, không đối xứng và có thể tự khỏi sau 3 - 7 ngày. Ở giai đoạn muộn biểu hiện ở nhiều khớp, có thể đối xứng, xuất hiện những u cục (tophy) ở nhiều nơi đặc biệt quanh các khớp. Trong giai đoạn cấp có thể kèm các dấu hiệu toàn thân như: sốt cao, lạnh run, đôi khi có dấu màng não (cổ cứng, ói...

lê công thành , Nam - 59  Tuổi 
Tôi bị gout lâu nay, xin hỏi uống thuốc gì thì khỏi. Bệnh có chữa khỏi hẳn được không?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Cơn gout cấp chủ yếu do tăng cao axit uric trong máu, do vậy để hạn chế nguy cơ bị gout bạn phải uống allpurinol. Trong trường hợp bạn bị cơn gout cấp phải điều trị bằng colchicine để giảm đau, trong nhiều trường hợp phải phối hợp với các loại giảm đau khớp khác nhóm non-steroid như voltarel, mobic... Bệnh không chữa khỏi hẳn được nhưng nếu bạn duy trì chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, trứng, thịt non, tôm cua biển...và điều trị giảm axit uric bằng allpurinol thì có thể hạn chế nguy cơ tái phát cơn gout cấp.

Chủ động đối mặt bằng xét nghiệm sớm

Đào Hồng Khánh, Nữ - 39 Tuổi
Có cách nào kiểm soát lượng đường ở nhà không và sau bao lâu kiểm tra một lần? 

PGS. TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: để kiểm soát đường máu cần áp dụng chế độ ăn, tập thể dục và dùng thuốc điều trị. Còn để theo dõi đường huyết có thể dùng máy thử đường mao mạch làm 2- 3 lần / tuần vào các thời điểm khác nhau trong ngày, phương pháp này có thể khó áp dụng nếu bệnh nhân không chịu được đau và đường máu mao mạch cao hơn so với đường máu tĩnh mạch. (Nếu theo dõi đường máu tĩnh mạch bạn có thể sử dụng dịch vụ lấy mẫu tại nhà – BV Medlatec luôn sẵn sàng phục vụ bạn)

Phạm Anh Tuấn , Nam - 45  Tuổi 
Tôi đi khám sức khỏe định kỳ, Bác sĩ bảo bị rối loạn chuyển hóa Lipit mức độ nhẹ và cho đơn thuốc + Khuyên năng vận động thể dục; Vậy tôi có phải dùng thuốc này thường xuyên hay không ?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Việc điều trị phối hợp thuốc với tăng cường vận động thể lực là hợp lý. Tuy vậy việc có dùng thuốc thường xuyên hay không bạn phải tới gặp bác sĩ để kiểm tra lại mỡ máu và bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên chính xác và phù hợp nhất. 

Vũ Văn Xuyến , Nam - 68  Tuổi 
Tôi bị tiểu đường, mỡ máu đã 10 năm nay, đường huyết duy trì ờ mức 7-9. 2 năm trước tôi đã phẫu thuật đục thủy tinh thể và hiện tại đang phải điều trị biến chứng tiểu đường đáy mắt và có khả năng phải phẫu thuật 1 bên mắt. Xin hỏi tôi còn phải đối mặt với những nguy cơ biến chứng nào khác nữa? Có gói khám phát hiện sớm biến chứng tiểu đường mỡ máu hay không? Có loại thuốc nào để ép mức đường huyết xuống dưới 7? Ngoài ra, tôi còn phải lưu ý những gì khác nữa? Xin cảm ơn BS

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Thời gian bị bệnh của bác là khá dài. Tuy nhiên việc duy trì đường máu lúc đói ở ngưỡng 7-9 là tạm chấp nhận được, bác cần phải làm thêm các xét nghiệm khác như: HbA1c, Insulin, C-Peptide để đánh giá mức độ của bệnh, khả năng xảy ra biến chứng và khả năng hoạt động của tuyến tụy nội tiết.

Ngoài biến chứng mắt, tiểu đường còn có thể gây ra rất nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính khác như: biến chứng tim mạch, biến chứng thận đái tháo đường, biến chứng bàn chân đái tháo đường, biến chứng thần kinh…  

Để phát hiện sớm các biến chứng này, bác cần đi khám định kì để các bác sĩ có thể giúp bác tìm ra các nguy cơ biến chứng, tư vấn và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Hiện tại tại Bệnh viện Medlatec chúng tôi có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cùng các biện pháp thăm khám, xét nghiệm hiện đại có thể giúp bác phát hiện sớm các biến chứng của tiểu đường.

Không có phác đồ chung cho các bệnh nhân tiểu đường vì mỗi cá thể cần có sự lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp bằng chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, đơn trị liệu, đa trị liệu (kết hợp thuốc). Để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, bác cần đến khám lâm sàng, làm các xét nghiệm để lượng giá chính xác. Ngoài ra bác cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, kiểm tra định kì theo hẹn. 

Vũ Thị Xuân , Nữ - 60  Tuổi 

Tôi bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu, chỉ số Choresterol 15-20, chỉ số Trygriceride 10-12. Tôi điều trị bằng thuốc tây 3 năm nay nhưng có lúc xuống được gần ngưỡng bình thường xong thì lại tăng lên và không ổn định. Tôi cũng đã thực hiện chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Xin hỏi làm cách nào để ổn định chỉ số lâu dài? Tôi có thể khám ở đâu tại Hà Nội là tốt nhất

ThS.BS Phan Thanh Sơn:Với các chỉ số Choresterol và Trygriceride của bác cho thấy mức độ rối loạn chuyển hóa mỡ ở mức độ rất nặng, cần phải điều trị tích cực và theo dõi sát. Tuy nhiên, rối loạn chuyển hóa mỡ có thể là những triệu chứng trong một số bệnh toàn thân khác như: suy giáp, hội chứng thận hư…Bác cần khám cụ thể và làm thêm các xét nghiệm để có thể loại trừ các bệnh toàn thân đó.

Để ổn định chỉ số lâu dài, bác cần phải đi khám định kì, dùng thuốc theo chỉ định, tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn và chế độ sinh hoạt. Bác có thể khám và theo dõi điều trị tại nhiều bệnh viện chuyên khoa tại Hà Nội. Bác có thể đến khám tại Bệnh viện Medlatec để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi. 

Duong Thu Thuy, Nữ - 35 Tuổi
Tại sao bệnh tiểu đường lại ngày càng phổ biến như hiện nay? Con cái có thể bị mắc bệnh theo gen bố mẹ hay không? Có thể điều trị dứt điểm bệnh này hay không, hay phải sống chung với bệnh suốt đời?

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Bệnh ĐTĐ phát triển như ngày nay là hậu quả của sự thay đổi lối sống ví dụ: ít hoạt động thể lực; nhiều áp lực thần kinh hay còn gọi là strees; ăn nhiều thức ăn có năng lượng cao; hậu quả là mức cung vượt quá mức cầu gây ra sự dư thừa lượng đường và lượng mỡ trong cơ thể. Lúc này xảy ra hiện tượng nhiễm độc đường và nhiễm độc mỡ; lâu ngày gây ra bệnh ĐTĐ type 2.

Con cái hoàn toàn có thể mang gen bệnh ĐTĐ từ bố mẹ nhưng với tỷ lệ thấp, nếu ở các đối tượng có nguy cơ ĐTĐ có chế độ ăn uống, sinh hoạt và hoạt động hợp lý có thể tránh được căn bệnh ĐTĐ

Với trình độ hiện nay chưa có khả năng điều trị dứt điểm bệnh ĐTĐ, tuy vậy nếu có chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt và vận động phù hợp, kết hợp với, kiểm soát tốt đường huyết có thể làm chậm các biến chứng của tiểu đường và vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống

bach huu quyen , Nam - 43  Tuổi 

Tôi đi kiểm tra máu thì phát hiện bị gout và mỡ máu. Tôi đã uống nhiều loại thuốc mà vẫn không khỏi. Xin các chuyên gia tư vấn cho tôi nên dùng loại thuốc nào tốt nhất. Cảm ơn BS

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: bạn nên tới gặp các cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra axit uric, mỡ máu  làm các xét nghiệm cơ bản khác để bác sĩ có thể tư vấn cho bạn loại thuốc hợp lý nhất với bạn, không có loại thuốc nào là tốt nhất cả.

Đặng Mạnh Hà , Nam - 45  Tuổi 

Tôi bị sỏi thận đã 6 năm nay, hiện nay siêu âm kích thước đã 1 cm, gần đây thỉnh thoảng tôi hay bị đau gối và khớp ngón chân cái, tuy nhiên xoa dầu ít hôm thì thấy khỏi. Xin bác sỹ cho biết tôi có phải mắc chứng rối loạn chuyển hóa không? Xin cảm ơn.

ThS.BS Phan Thanh Sơn: Anh bị đau khớp gối và khớp ngón chân cái có thể là triệu chứng của bệnh gout, thêm vào đó anh đã phát hiện sỏi thận 6 năm, anh cần đi khám để xác định mình có bị rối loạn chuyển hóa nhân Purin là tác nhân dẫn đến bệnh gout và sỏi thận. Hội chứng rối loạn chuyển hóa bao gồm rất nhiều dấu hiệu như: tăng đường máu lúc đói, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp… Để xác định anh có mắc chứng rối loạn chuyển hóa không anh cần đi khám và làm thêm các xét nghiệm. Bệnh viện Medlatec với đội ngũ bác sĩ và phương pháp chẩn đoán hiện đại có thể giúp anh xác định bệnh và phương hướng điều trị.

Lối sống tích cực quyết định nhiều đến RLCH

nguyễn tân cương, Nam - 34 tuổi
Tôi đọc nhiều tài liệu nói về tình trạng tăng uric trong máu. Tuy nhiên có tài liệu nói người tăng uric trong máu không nên ăn trứng gia cầm, đậu phụ, cà chua. Nhưng cũng có tài liệu lại bảo không nguy hiểm. Vậy đâu là câu trả lời đúng?

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Về nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh tăng Acid Uric máu, cần kiêng giảm những thực phẩm có hàm lượng chất đạm cao (thịt bò, thịt bê, thịt chó, cá biển.....) và một số gây toan hóa máu (canh chua, quả sấu... ). Trứng gia cầm, thịt gia cầm, đậu phụ, cà chua, đặc biệt là rau quả có màu xanh, màu vàng hoặc đỏ sẫm, đỏ tím...bạn đều có thể ăn được.

Huyền My , Nữ - 30  Tuổi 
Tôi đang thực hiện chế độ ăn kiêng đường, tinh bột, chỉ ăn rau, củ quả không ngọt và thịt, cá, trứng. Xin hỏi BS nếu ăn lâu dài theo chế độ ăn kiêng này liệu có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa chất đạm và chất béo hay không?

PGS.TS.Bác sỹ. Nguyễn Xuân Ninh: Kiêng nhiều thứ như bạn sẽ dẫn đến thiếu các chất dinh dưỡng, hay gặp ở những người đang thực hiện chế độ giảm cân, bệnh tiểu đường....mà không có bác sỹ tư vấn dinh dưỡng hợp lý. Tuy có thể giảm được cân nặng, ổn định đường máu nhưng sẽ bị những bệnh khác liên quan đến suy dinh dưỡng: ví dụ như : loãng xương, mệt mỏi, đau đầu. hạ huyết áp...

đinh văn hùng , Nam - 34  Tuổi 
Cháu bị tiểu đường khoáng hơn 1 năm. chi số HBA1C của cháu trung bình là 7. còn gluco la khoảng 7.5. Cho cháu hỏi BS chỉ số này có ổn với bệnh nhân tiểu đường hay không? Phải thực hiện chế độ ăn như thế nào cho hợp lý và dùng loại thuốc nào hữu hiệu nhất. Cảm ơn BS

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Với tuổi của bạn, chỉ số HBA1C bằng 7, Gluco bằng 7,5 là bạn đã  bị bệnh tiểu đường.

Nếu đang điều trị thì kết quả này chưa thật tốt. Bạn cần xem xét lại chế độ ăn hàng ngày, chế độ tập luyện thể dục, sử dụng thuốc đã hợp lý chưa? Để 2 chỉ số trên phải giảm xuống dưới 7 hoặc về mức bình thường.

Chế độ ăn là một phần quan trọng của liệu pháp điều trị. Về nguyên tắc, bạn phải giảm hẳn các thức ăn nhiều bột, đường ngọt, đường tinh chế (đường trong bánh, mứt, kẹo, chè, kem....); Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều 5 đến 6 bữa trong ngày (3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ), để hạn chế tăng đường máu. Thay thế cơm, gạo, bánh mỳ trắng bằng gạo giã rối, gạo nứt, bánh mỳ toàn phần (là bánh mỳ màu sẫm, vẫn còn vỏ cám). Bạn có thể ăn hoa quả có vị chua hoặc chát (ổi, chuối), thậm chí dưa hấu (100g/ngày).

Phan Van Anh , Nam - 40  Tuổi 

Tôi bị mỡ máu cao (triglyceride = 5.2 ml). Xin hỏi BS cách chữa trị như thế nào. Có cần giảm chế độ ăn không ạ? Nếu đi khám và chữa thì ở bệnh viện nào chuyên về bệnh lý này. Cảm ơn BS

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Để đánh giá mỡ máu đầy đủ thì cần 4 chỉ số,  như vậy để tư vấn đầy đủ, bạn cần phải làm cả 4 chỉ số. Triglyceride chỉ là 1 trong 4 chỉ số, khi Triglyceride bằng 5,2 là đã cao hơn bình thường. Chỉ số này liên quan tới khẩu phần ăn chưa hợp lý cùng với có rối loạn chuyển hóa.. Khi chỉ số Triglyceride ở mức 5,2, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn là chính: giảm các đồ ngọt và tinh bột, tăng cường rau quả và chất xơ. Ngoài ra, bạn phải tập thể dục đều đặn hàng ngày. Với những hoạt động đó, sẽ cải thiện tình trang Triglyceride của bạn.

Đào Mai , Nữ - 60  Tuổi 

Tôi thấy trên facebook và các diễn đàn có truyền bá phương pháp ăn kiêng low-carb có khả năng chữa được bệnh tiểu đường. Phương pháp này kiêng tất cả đồ ăn có tinh bột, đường, chi ăn rau, củ, quả, không ngọt, thịt cá trứng, các loại hạt ít carb nhiều chất xơ. Vậy phương pháp này có cơ sở khoa học hay không? Nếu ăn lâu dài có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không, nhờ BS tư vấn giúp? Xin cảm ơn

PGS.TS.Bác sỹ. Nguyễn Xuân Ninh: Low - card là viết tắt của chế độ ăn Low Carbonhydrat tức là ít chất bột đường. Nghe bạn kể, có vẻ bạn đã đọc và hiểu tương đối kỹ về chế độ này tuy nhiên, số lượng bao nhiêu cũng rất quan trọng.

Đây là một phương pháp có cơ sở khoa học tốt cho người bị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, cần tính toán số lượng Calo và các chất dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi, mức tiêu hao năng lượng hàng ngày... để tránh những thiếu hụt dinh dưỡng.

Nguyễn Hằng Thư, Nữ - 43 Tuổi

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường có phải là do ăn quá nhiều chất đường và tinh bột không, có cần phải hạn chế hoặc dừng hoàn toàn việc ăn tinh bột, đường không?

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường tùy theo type đái tháo đường: đái tháo đường type 1 là do sự phá hủy của tiểu đảo tụy: typ 2 là sự tương tác giữa yếu tố gen (được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác) và yếu tố môi trường. Người ta chỉ có thể can thiệp vào yếu tố môi trường để dự phòng bệnh ĐTĐ. 

Còn yếu tố gen hiện tại chưa can thiệp được. Vì vậy việc ăn quá nhiều chất đường và tinh bột là yếu tố nguy cơ để xuất hiện bệnh. Để phòng tránh bệnh ĐTĐ bạn cần có một chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, tránh các stress; phát hiện kịp thời các yếu tố nguy cơ để can thiệp. 

Hoàng Hải Phương, Nam - 28 Tuổi

Với những người bị tiểu đường thì nên ăn những gì để đảm bảo sức khỏe?

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Quan trọng là bữa ăn của người tiểu đường cần đảm bảo cân đối và đủ dinh dưỡng. Người bệnh ĐTĐ cần chú ý:

- Không ăn bữa no quá, cũng không để đói quá.
- Không ăn quá nhiều thịt, nên thay thịt bằng cá, tránh các thực phẩm phủ tạng động vật. Tránh các loại mỡ động vật, nên dùng dầu thực vật, vừng lạc thì tốt hơn.
- Không ăn quá nhiều các loại đường ngọt, bánh kẹo ngọt mà nên sử dụng đường isomalt và các sản phẩm chế biến có đường này thì sẽ không làm tăng đường glucose máu sau ăn.
- Không ăn các loại gạo sát trắng quá.
- Nên ăn rau xanh (300-500g/1 ngày) và ăn thêm hoa quả (ít nhất 100g/ngày)
- Vẫn phải đảm bảo chế độ ăn cân đối, đủ dinh dưỡng.
- Có thể uống thêm chất xơ hòa tan có bán ở các siêu thị khoảng 10-20g/ngày cũng giúp kiểm soát glucose máu tốt hơn.
Cần có chế độ luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý.

Nguyễn Thị Hồng Hoa, Nữ - 39 Tuổi

Việc ăn thực phẩm nhiều chất xơ có ích gì cho việc giảm cholesterol máu và ổn định đường huyết ở người bị đái tháo đường và tăng mỡ máu không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Ăn thực phẩm nhiều chất xơ rất tốt cho sức khỏe đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị tiểu đường. Có hai loại chất xơ là chất xơ không hòa tan (có nhiều trong các loại rau xanh, quả, măng...) và chất xơ hòa tan (có nhiều trong vỏ cám của hạt gạo, hạt đại mạch, ngô, hạt lạc, các loại đậu, cùi trắng của quả bưởi, cam, vỏ táo, vỏ nho...).

Đối với việc giảm cholesterol máu, khi chất xơ không hòa tan hút nước chúng sẽ giữ luôn một phần muối mật, nên kích thích cơ thể tăng cường sản xuất muối mật để bù vào lượng thiếu hụt, vì thế mà tăng sử dụng cholesterol. Lượng cholesterol tích lũy sẽ giảm đi kéo theo lượng cholesterol trong máu cũng giảm. Còn các chất xơ hòa tan tác động lên quá trình chuyển hóa lipid nên giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Các chuyên gia khuyên rằng những người bị tăng cholesterol máu nên tăng lượng chất xơ trong khẩu phần hằng ngày.

Đối với việc ổn định đường huyết, chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn, nhất là các chất xơ hòa tan do có khả năng tăng tính nhạy cảm của insulin. Đồng thời, nó tham gia chuyển hóa triglycerid nên giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu một cách hiệu quả. Đường sẽ được giải phóng từ từ vào máu, từ đó duy trì được nồng độ đường máu một cách ổn định.

Nguyen Hoang Phuong, Nam - 50 Tuổi

Tôi đi khám sức khỏe định kỳ thấy bác sỹ nói bị tăng mỡ máu nhưng chưa cần uống thuốc. Vậy tăng mỡ máu là gì, tôi phải có chế độ ăn như thế nào ạ.

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Tăng mỡ máu hay từ chuyên môn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau: tăng Cholesterol trong máu, tăng Triglycerid máu, tăng LDL-Cholesterol hoặc giảm HDL-Cholesterol máu. Hiện tượng này nếu kéo dài gây xơ vữa động mạch, làm hẹp mạch máu và là nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch. Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid không có một biểu hiện bất thường nào, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm máu và xơ vữa động mạch cũng xảy ra một cách từ từ đến nỗi chúng ta có thể không hay biết gì về nó.

Đa số các trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid máu là do dinh dưỡng, chế độ ăn quá nhiều mỡ động vật, quá nhiều thức ăn chứa nhiều Cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần...), chế độ ăn dư thừa năng lượng (béo phì), uống nhiều rượu, hút thuốc lá...Một số trường hợp có thể do di truyền, hoặc thứ phát sau một số bệnh như hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, bệnh gan mật...

Trong điều trị các rối loạn chuyển hóa lipid máu, để giúp giảm Cholesterol máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành chế đọ ăn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày để giảm cân theo chỉ số khối cơ thể BMI nếu có thừa cân, béo phì, một số trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid nhẹ, bệnh có thể ổn định chỉ bằng chế độ ăn giảm cân. Giảm năng lượng của khẩu phần ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300Kcal so với khẩu phần ăn của bệnh nhân cho đến khi đạt được năng lượng tương ứng với mức BMI. Cần theo dõi cân nặng và BMI để điều chỉnh tổng lượng calo hàng tháng hoặc hàng để đạt hiệu quả giảm cân cũng như duy trì cân nặng sau khi đạt BMI ở mức bình thường.

- Giảm lượng chất béo (lipid) tùy theo BMI, chất béo chỉ nên chiếm 15-20% tổng năng lượng. Hạn chế không nên dùng các chất béo chứa nhiều acid béo no (mỡ, bơ, nước luộc thịt), tăng cường các acid béo không no như dầu lạc, dầu olive, dầu đỗ tương thay cho mỡ và nên ăn các hạt có dầu như: vừng, lạc, hạt dẻ, hạt bí ngô để cung cấp acid béo không no có nhiều nối đôi omega 3, omega 6. Nếu có điều kiện nên bổ sung dầu cá thiên nhiên vì chứa nhiều acid béo không no.

- Giảm lượng cholesterol ăn vào bằng cách không ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: mỡ, da, phủ tạng động vật, óc, lòng đỏ trứng, hải sản nhất là gạch cua, gạch tôm...

- Tăng lượng đạm (protein) bằng cách ăn thịt ít béo như thịt bò nạc, thịt gà nạc bỏ da, thịt lợn thăn, cá, đậu đỗ. Nên ăn các sản phẩm được chế biến từ đậu nành: sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ, bột đậu tương, sữa chua đậu tương... vì chúng chứa nhiều estrogen thực vật và isoflavon làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và triglycerid. Hạn chế đạm giàu mỡ như thịt ba rọi, thịt chân giò... Lượng protein nên chiếm khoảng 12-20% tổng năng lượng, bao gồm đạm động vật và đạm thực vật.

- Sử dụng ngũ cốc kết hợp với khoai củ. Các loại ngũ cốc với lượng tinh bột chiếm khoảng 55 - 60% năng lượng khẩu phần. Nên ăn gạo lứt, hạt nguyên vỏ, để cung cấp thêm chất xơ góp phần đào thải cholesterol nội sinh ra ngoài. Hạn chế đường, mật, tối đa chỉ nên 10-20 g/ngày.

- Ăn nhiều rau quả, khoảng 500g/ngày để cung cấp đủ các vitamin, chất khoáng và chất xơ. Nên sử dụng các thực phẩm giàu chất chống ôxy hoá giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Các thực phẩm giàu chất chống ôxy hoá giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại như thức ăn giàu vitamin E: giá đỗ, dầu thực vật, dầu gấc, các sản phẩm chế biến từ gấc; thức ăn giàu beta-caroten: Cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ chín, xoài, cá loại rau có màu xanh thẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau mồng tơi, cải soong...; thức ăn giàu vitamin C: các loại rau quả nói chung; thức ăn giàu selen: rau ngót, rau muống, rau cải bắp...

- Khẩu phần ăn hàng ngày nên chia làm nhiều bữa, ít nhất 5 bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau ít nhất 3 giờ và cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính, nhưng giảm tối đa lượng chất béo, tăng rau và trái cây ít ngọt.

Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, việc luyện tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày cũng là một yếu tố quan trọng có tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Tập thể dục có thể giúp làm giảm được LDL-C và tăng HDL-C. Tập thể dục còn làm giảm cân nặng, giảm huyết áp, và giảm nguy cơ bệnh mạch vành.

Cuối cùng, nếu việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt không làm giảm lượng cholesterol máu thì bạn phải đi khám lại để được hướng dẫn dùng thuốc hạ cholesterol máu. Cũng như không nên chủ quan bỏ qua việc thăm khám theo dõi định kỳ, vì bệnh này hoàn toàn không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm máu và điều chỉnh bằng chế độ ăn, chế độ vận động hoặc phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tran Ke Thuan, Nam - 41 Tuổi

Tôi đi khám bệnh bác sỹ nói bị tăng mỡ máu vậy ăn thực phẩm gì sẽ giúp giảm mỡ máu, xin GS cho tôi biết?

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Lượng mỡ trong máu tăng cao liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống của chính bạn. Cách điều trị đơn giản và hiệu quả nhất là điều chỉnh ngay trong bữa ăn hàng ngày của gia đình.

Để giảm cholesterol trong máu, chế độ ăn chỉ được cung cấp dưới 30% calo từ chất béo

- Tránh ăn mỡ động vật (mỡ lợn, bơ, mỡ bò...) và kem sữa bò: Những thực phẩm này chứa nhiều chất béo no, những chất rất dễ làm tắc động mạch. Cách tốt nhất là chọn toàn thịt nạc, nếu ăn thịt gia cầm thì nên bỏ da. Nếu dùng các thức ăn từ sữa thì nên chọn loại đã tách kem (còn gọi là sữa gầy). Ngay cả sữa chua hay pho mát cũng nên chọn loại làm từ sữa gầy hoặc sữa có hàm lượng chất béo chỉ 1-2%.

- Tránh dùng dầu cọ hay dầu dừa. Không chỉ tồn tại riêng lẻ, các loại dầu này có mặt trong kem thực vật để uống với cà phê (coffee creamers, coffee mate), bánh kem, kẹo chocolate…

- Tránh các thức ăn như bơ thực vật dạng thỏi và bánh, bánh nướng lò, sản phẩm dạng rán như khoai tây rán, mì ăn liền và nhiều thức ăn công nghiệp chế biến sẵn khác. Trong những thức ăn này có axit béo dạng trans, có thể làm tăng lượng cholesterol máu. Để tránh axit này, nếu muốn phết bơ lên bánh mì hãy chọn loại bơ thực vật mềm.

- Nên dùng dầu ô liu, dầu cải, dầu ngô, dầu hạt rum, dầu đậu nành và dầu hướng dương. Đây là những loại dầu có tác dụng làm hạ mức cholesterol. Điều cần lưu ý là tổng tất cả các loại chất béo nói trên đều không được vượt quá 30% lượng calo cho phép.

Ít ăn thịt đỏ, ăn nhiều cá, rau quả

- Giới hạn lượng thịt đỏ (bò, ngựa, trâu, cừu) tiêu thụ dưới 255 g/tuần.

- Ăn nhiều cá (mỗi tuần vài ba lần) để thu nhận axit béo hệ Omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch. Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu có nhiều axit béo loại này.

- Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn, đặc biệt là dưới dạng hòa tan. Những thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan là gạo lức, các hạt họ đậu, đậu lăng, lúa mạch, rau, trái cây (táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi). Các thức ăn này làm giảm lượng chất béo và cholesterol được hấp thụ vào cơ thể, giúp "trục xuất" các muối mật ra ngoài.

- Nạp đủ axit folic: Nếu hàm lượng axit này trong máu quá thấp thì hàm lượng homocystein sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ bị bệnh tim. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên nạp mỗi ngày 400 microgram axit folic qua các thực phẩm như rau chân vịt, nước ép trái cam, bánh mì, lạc, đậu trắng và mầm lúa mì.

mai thi nguyet thanh, Nữ - 44  Tuổi 

Chị tôi năm nay 70 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường hơn 10 năm, hiện giờ vẫn tiêm thuốc hàng ngày. Gần đây có hiện tượng ngất lịm và đường huyết giảm (khoảng 3 - 4 mg/l), huyết áp tăng và phải cấp cứu. Xin quý vị cho biết, đối với trường hợp này, những thứ gì phải kiêng tuyệt đối không được ăn? Sức khỏe chị tôi thấy giảm sút nghiêm trọng nên gia đình muốn bồi dưỡng mà ăn gì bổ cũng sợ. Xin chân thành cám ơn

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Ở tuổi 70, bị đái tháo đường từ 10 năm nay như bác có thể có nhiều bệnh khác, biến chứng kèm theo. Bác cần đến trung tâm y tế để khám định kỳ xác định tiến triển của bệnh. Hiện tượng ngất lịm và đường huyết giảm có thể do liều thuốc sử dụng và chế độ ăn chưa hợp lý. Với tình trạng của chị bạn, cần đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt để có chế độ điều trị và tư vấn dinh dưỡng hợp lý.

Phan Thanh Hưng , Nam - 44  Tuổi 

Xin bác sĩ cho biết: Bị bệnh tiểu đường uống càfe có bị ảnh hưởng gì không? Đàn ông bị tiểu đường còn có con được không, sau này đứa bé có bị ảnh hưởng gì không? Ngoài uống thuốc tây thì người tiểu đường nấu nước cây mật nhân uống hàng ngày có ảnh hưởng gì không?

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Người bị bệnh tiểu đường vẫn có thể uống cafe 2 đến 3 tách/ngày tuy nhiên cần chú ý không cho đường hoặc thay thế bằng đường hóa học để tránh tăng đường máu.

Đàn ông bị tiểu đường vẫn có thể lấy vợ, có con như bình thường.

Ngoài sử dụng thuốc tây, bạn có thể dùng một số loại cây để nấu lấy nước như nhân trần, mướp đắng, diệp hạ châu hoặc mật nhân để uống hàng ngày.

fms.id duong quoc huy , Nam - 43  Tuổi 

Tôi vừa đi khám tổng quát, BS kết luận tôi bị men gan tăng, máu mỡ. Vậy cho tôi hỏi cách điều trị ra sao. Cảm ơn BS

TS.BS Nguyễn Văn Tiến: Bạn bị rối loạn mỡ máu, đồng thời tăng men gan, vậy bạn trước tiên cần đi tìm nguyên nhân tăng men gan... và điều trị hạ men gan, còn lại nếu bạn có rối loạn mỡ máu mà không bị các bệnh khác trong hội chứng chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì thì không nhất thiết phải can thiệp thuốc mà trước tiên phải điều chỉnh chế độ ăn và vận động hợp lý hạ mỡ máu.

Trần Quang Kính, Nam - 48 Tuổi

Chế độ ăn uống như thế nào để hạn chế tăng acid uric máu? 

ThS.BS Phan Thanh Sơn: - Cần hạn chế uống rượu bia, ăn phủ tạng động vật, thịt màu đỏ (trâu, bò, bê, dê, chó, hải sản, cá béo, nấm, đậu...), chè đặc, ớt, hồ tiêu ….
- Uống nhiều nước 2 – 4 l lít nước /ngày
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì
- Ăn nhiều rau xanh, quả chín.

Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho người bệnh gút:

Rau cần: Có thể dùng cả hai loại, đặc biệt tốt trong giai đoạn gút cấp tính. Rau cần giàu các sinh tố, khoáng chất và hầu như không chứa nhân purin. Có thể ăn sống, ép lấy nước uống hoặc nấu canh ăn hằng ngày.

Súp lơ: là một trong những loại rau chứa ít nhân purin thích hợp cho người có acid uric máu cao. 

Dưa chuột (Dưa leo): có khả năng bài tiết tích acid uric qua đường tiết niệu. 

Cải xanh: cũng là loại rau kiềm tính, và hầu như không chứa nhân purin thích hợp với người bị bệnh gút. 

Cà: cà pháo, cà bát, cà tím... đây cũng là loại thực phẩm kiềm tính và hầu như không chứa nhân purin. Nghiên cứu hiện đại cho thấy cà còn có tác dụng lợi niệu ở một mức độ nhất định. 

Cải bắp: là loại rau hầu như không có nhân purin, là thực phẩm rất tốt cho người có acid uric trong máu cao. 

Củ cải: Kiềm tính, giàu sinh tố, nhiều nước và hầu như không có nhân purin.

Khoai tây: là một thực phẩm kiềm tính, giàu muối kali. Trong thành phần hóa học hầu như không có nhân purin. 

Bí đỏ: tác dụng giảm mỡ máu và hạ đường huyết, là loại thực phẩm kiềm tính và hầu như không chứa nhân purin, lý tưởng cho người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì và tăng acid uric trong máu. 

Bí xanh: Là loại thực phẩm kiềm tính, nhiều nước và chứa rất ít nhân purin, có khả năng thanh thải acid uric qua đường tiết niệu khá tốt. 

Dưa hấu: Thành phần có chứa nhiều muối kali, nước và hầu như không có nhân purin. Đây là loại quả đặc biệt tốt cho những người bị gút giai đoạn cấp tính. 

Đậu đỏ: Trong thành phần hóa học của đậu đỏ hầu như không có nhân purin, là thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân bị bệnh gút. 

Lê và táo: Trong thành phần có chứa nhiều nước, sinh tố, muối kali và hầu như không có nhân purin. Là loại quả kiềm tính, dùng rất tốt cho bệnh nhân bị bệnh gút cấp tính và mạn tính. 

Nho: Đây cũng là loại quả kiềm tính, nhiều nước, giàu sinh tố và hầu như không có nhân purin. 

Sữa bò: là loại thực phẩm bổ dưỡng giàu chất đạm, nhiều nước và chứa rất ít nhân purin. Là thứ nước uống lý tưởng cho bệnh nhân bị bệnh gút cả cấp tính và mãn tính.

Vũ Hoài , Nữ - 35  Tuổi 
Bố tôi bị đái tháo đường Typ 2. Xin hỏi BS bệnh này có phải kiêng đường hoàn toàn hay có thể dùng một lượng nhỏ được ạ? Có những loại đường thay thế nào bố tôi có thể dùng được. Tôi thấy có một cô hàng xóm quê tôi cũng bị đái tháo đường nhưng cô khăng khăng bảo mình không bị và ngày nào cũng uống một lon nước tăng lực để có sức khỏe. Nhưng cô mất vì biến chứng tim mạch rất nhanh sau đó. Xin BS cho biết tác hại của nước tăng lực với người ĐTĐ

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Với bệnh đái tháo đường typ 2, chế độ ăn cần hạn chế đường, bột chứ không phải kiêng hoàn toàn. Vì cơ thể, đặc biệt là não vẫn cần chất đường để hoạt động.

Hiện nay, có 1 số loại đường hóa học (Maltoza...), có vị ngọt nhân tạo nhưng không làm tăng lượng đường trong máu, chuyên dùng cho người bị tiểu đường.  Bạn có thể mua ở hiệu thuốc để sử dụng.

Các loại nước tăng lực đều có lượng đường cao và chất bảo quản, người bị bệnh tiểu đường không nên sử dụng. 

Giản Mạnh Hợp , Nam - 28  Tuổi 

Xin chào bác sĩ. Khoảng 1 năm trở lại đây, tôi thường có biểu hiện ăn uống không ngon, không cảm thấy đói dù cả ngày không cần ăn gì. Có thể ăn một bữa cho khoảng 2 - 3 ngày sau đó vẫn hoạt động bình thường. Vậy đây có phải là biểu hiện của rối loạn chuyển hóa trong cơ thể không? Và nếu có thì phải điều trị như thế nào. Tôi không uống rượu bia, không hút thuốc và chỉ làm việc văn phòng. Có chơi một vài môn thể thao nhưng không thường xuyên. 
 

PGS.TS.Bác sỹ Nguyễn Xuân Ninh: Ăn ngủ không ngon có thể do nhiều nguyên nhân: về tư tưởng, tinh thần, bệnh lý. Nếu kéo dài, sẽ nguy hiểm cho tình trạng sức khỏe của bạn.  Bạn cần xem lại bản thân có vướng phải các vấn đề về tâm lý này không? Đồng thời đến gặp bác sỹ để được khám và xác định chi tiết. Không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc và chơi thể thao là một lối sống lành mạnh mà bạn cần phát huy.

Trần Quang Sinh , Nam - 58  Tuổi 

Tôi được bác sỹ khuyên nên dùng hạt Methy để giúp ổn định đường huyết. Tôi đã dùng khoảng 6 tháng, cảm thấy có tác dụng. Tuy nhiên, hạt này có nhược điểm là có mùi ở mồ hôi, không tiện trong giao tiếp hàng ngày. Tôi lại được khuyên là dùng Giảo cổ lam, dạng để nguyên, phơi khô, pha như trà để uống. tác dụng cũng như hạt Methy. Dạng trà Giảo cổ lam này mua ở một cửa hàng ở phố Chùa Bộc, Hà Nội. Xin hỏi: lời khuyên trên có đúng không? Uống trà dạng trên với uống gói trà túi Giảo cổ lam do Công ty Tuệ Linh sản xuất thì tác dụng có như nhau không?. Trân trọng cảm ơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh: Có rất nhiều loại cây quả thuốc nam, đông y có tác dụng hạ và ổn định đường máu. Tuy nhiên các bằng chứng khoa học về cơ chế, tác dụng thì chưa được rõ ràng. Bạn có thể sử dụng các loại dược liệu theo kinh nghiệm dân gian nhưng cần phải kiểm tra bàng xét nghiệm đường máu, HBA1C để đánh giá tác dụng.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số câu hỏi chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến các bác sĩ bệnh viện Medlatec.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.