Tin tức
Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không và cách nhận biết
- 08/01/2022 | Trẻ bị vàng da có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?
- 19/11/2021 | Vàng da tắc mật: nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị
Vàng da là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh
1. Tìm hiểu chung về vàng da ở trẻ sơ sinh
Có thể nói rằng, bất kỳ ai cũng có thể xuất hiện tình trạng vàng da, tuy nhiên tình trạng này xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng. Theo thống kê có tới 25 - 30% trẻ sơ sinh đủ tháng bị vàng da, tỉ lệ này còn cao hơn đối với trẻ sinh thiếu tháng.
Giải thích cho hiện tượng trẻ sơ sinh thường bị vàng da là do khi bé đang còn là bào thai, mọi hoạt động, quá trình trao đổi chất đều phụ thuộc chủ yếu vào cơ thể người mẹ, cơ thể bé hoàn toàn không cần phải tự hô hấp, tự tuần hoàn. Nhưng sau khi ra đời, cơ thể bé tách rời với cơ thể mẹ, lúc này cơ thể bé là một cơ thể độc lập, em bé phải tự trao đổi chất, tự hô hấp, tự tuần hoàn.
Vì thế, hồng cầu trong máu lúc còn là bào thai không còn phù hợp với trẻ sơ sinh nữa, bắt buộc phải thay thế, quá trình này sẽ bắt đầu ngay trong tuần đầu tiên trong cuộc đời bé. Chính vì quá trình thay thế lượng hồng cầu ồ ạt như thế mà nồng độ Bilirubin tăng nhiều trong máu. Đồng thời việc quá trình vận chuyển và chuyển hóa Bilirubin tại gan của bé còn hạn chế nên rất dễ xuất hiện tình trạng vàng da.
Nồng độ bilirubin trong máu quá nhiều dẫn tới tình trạng vàng da
Thường gặp ở trẻ sơ sinh là vàng da sinh lý, tình trạng này sẽ kết thúc sau khi bé được 2 - 3 tuần tuổi. Lúc này, các hoạt động chức năng của gan đã được hoàn thiện, khả năng chuyển hóa Bilirubin trong máu cũng hiệu quả hơn vì thế hiện tượng vàng da sẽ biến mất.
Tuy nhiên, ngoài vàng da sinh lý thì có một tình trạng mà bố mẹ cần phải đặc biệt lưu ý đó là vàng da bệnh lý. Đây có thể là dấu hiệu cho việc cơ thể bé đang gặp vấn đề, lúc này bé cần được đưa đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị kịp thời.
2. Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Thông thường, nếu là vàng da sinh lý thì sau 2 - 3 tuần tình trạng này sẽ biến mất. Hơn nữa, tình trạng này là bình thường ở trẻ sơ sinh, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng mà bé gặp phải là vàng da bệnh lý thì rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Nếu tình trạng vàng da là do bệnh lý thì rất nguy hiểm
Sở dĩ nhiều bà mẹ lo lắng về tình trạng vàng da bệnh lý này bởi vì đây là hiện tượng bất thường. Điều này còn cho thấy chất bilirubin trong máu ở trẻ sơ sinh quá nhiều, nhiều đến mức vượt qua hàng rào máu não của trẻ, khi đó sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, người ta gọi đó là những biến chứng do tăng bilirubin.
3. Cách nhận biết vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Có thể thấy rằng vàng da bệnh lý ở trẻ là rất nguy hiểm, vì thế các mẹ nên cẩn thận theo dõi diễn tiến của tình trạng vàng da để kịp thời phát hiện và điều trị. Mẹ có thể nhận biết vàng da bệnh lý bằng những cách sau đây:
Tình trạng vàng da xuất hiện rất sớm
Thông thường nếu tình trạng vàng da xuất hiện sớm ở trẻ sơ sinh, cụ thể là trong 24 giờ sau khi sinh thì khả năng cao đây là vàng da bệnh lý. Vì thể, khi phát hiện tình trạng này, bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.
Tình trạng vàng da lan xuống dưới đùi
Nếu tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh lan xuống dưới đùi hoặc dưới mức đùi chứng tỏ lượng bilirubin trong máu rất cao, tuy nhiên, chức năng gan ở trẻ còn chưa hoàn thiện do đó nó không thể thải ra được. Vì thế, tình trạng vàng da ở xuất hiện ở đùi hoặc dưới mức đùi cũng là một dấu hiệu cho thấy bé cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Vàng da kèm theo một số dấu hiệu
Ngoài xuất hiện tình trạng vàng da nếu trẻ còn có một số dấu hiệu kèm theo như: lừ đừ, bỏ bú, sốt cao,... thì khả năng cao đây là vàng da bệnh lý. Vì thế nếu nhận thấy ở bé xuất hiện những dấu hiệu này bố mẹ nên đưa bé đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Đi kèm với vàng da là các dấu hiệu trẻ sốt cao, bỏ bú,... thì rất có thể là vàng da bệnh lý
Quan sát phân và nước tiểu
Ngoài việc phát hiện tình trạng vàng da bệnh lý bằng những dấu hiệu trên, mẹ còn có thể nhận biết bằng việc quan sát phân và nước tiểu của trẻ. Nếu phân của bé nhạt màu hoặc thậm chí là không có màu và nước tiểu sậm màu. Điều này cho thấy rằng, ngoài vàng da ra bé còn có thể bị tắc mật nữa. Vì thế, cho dù tình trạng này nhẹ hay là nặng thì tốt nhất vẫn nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra và điều trị kịp thời.
Sau 2 - 3 tuần tình trạng vàng da không mất đi
Nếu như một đứa trẻ sinh đủ tháng mà sau 2 tuần tình trạng vàng da này vẫn còn nhiều hoặc đối với trẻ sinh non tình trạng vàng da này vẫn còn nhiều thì việc cần làm nhất là đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời tránh để lại những biến chứng nguy hiểm.
Có thể thấy rằng, vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào việc nó là vàng da sinh lý hay vàng da bệnh lý. Nếu là vàng da sinh lý thì nó sẽ tự động biến mất sau 2 - 3 tuần, tuy nhiên, nếu là vàng da bệnh lý thì nó sẽ không tự khỏi được, cần phải can thiệp các biện pháp điều trị phù hợp.
Mong rằng với những kiến thức mà MEDLATEC chia sẻ sẽ giúp các mẹ dễ dàng hơn trong việc theo dõi tình trạng vàng da ở bé yêu, để kịp thời có hướng xử trí tốt nhất. Nếu quý vị vẫn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, xin vui lòng liên hệ đường dây nóng 1900 56 56 56 để được các bác sĩ đến từ Khoa Nhi của Bệnh viện tư vấn, hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!