Tin tức
Viêm mũi dị ứng là gì? Làm cách nào để tránh mắc phải?
- 31/05/2023 | Điều trị và phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ em
- 15/10/2024 | Những điều cần lưu ý khi điều trị viêm mũi dị ứng với Desloratadine
- 18/03/2025 | Viêm mũi dị ứng có di truyền không và những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh
1. Viêm mũi dị ứng là gì? Tác nhân nào gây nên bệnh?
1.1. Viêm mũi dị ứng là bệnh gì?
Viêm mũi dị ứng là bệnh miễn dịch hình thành qua trung gian kháng thể IgE, xảy ra khi niêm mạc mũi phản ứng quá mẫn trước những tác nhân gây dị ứng ở bên ngoài môi trường. Thường gặp nhất có thể kể đến các tác nhân như phấn hoa, bụi bẩn, lông thú cưng, hóa chất. Khi tiếp xúc với những tác nhân này, hệ thống miễn dịch sẽ tự sản xuất ra histamin và làm xuất hiện các khó chịu như hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi.
Dựa vào tính chất xuất hiện, bệnh Viêm mũi dị ứng được phân loại gồm:
- Viêm mũi dị ứng có chu kỳ (viêm mũi dị ứng theo mùa)
Đây là tình trạng viêm mũi dị ứng xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong năm, thường là vào mùa xuân, mùa hè hoặc mùa thu khi nồng độ phấn hoa trong không khí cao hoặc sự thay đổi thất thường của thời tiết.
- Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ (viêm mũi dị ứng quanh năm)
Trường hợp viêm mũi dị ứng kéo dài liên tục do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng có mặt trong môi trường sống hàng ngày được gọi là Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ.
1.2. Nguyên nhân nào gây nên triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng?
Việc xác định đúng nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là gì có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phòng ngừa tái phát và điều trị hiệu quả bệnh lý này. Các yếu tố sau thường kích thích sự xuất hiện của bệnh viêm mũi dị ứng:
- Môi trường
Sự phát tán của phấn hoa vào không khí, sự xuất hiện của lông thú cưng, mạt bụi, nấm mốc, khói thuốc, khí thải xe cộ, mùi sơn, nước hoa,... đều là những tác nhân dễ gây kích ứng mũi.
- Di truyền hoặc cơ địa
Nếu trong gia đình có người bị Viêm mũi dị ứng thì thế hệ sau cũng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này. Mặt khác, viêm mũi dị ứng cũng dễ gặp ở người có cơ địa nhạy cảm cũng bởi sự phản ứng quá mức của niêm mạc mũi trước tác nhân bên ngoài.
- Thay đổi thời tiết và nhiệt độ
Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, thời tiết khiến niêm mạc mũi phản ứng mạnh, dễ bị kích ứng, dẫn đến viêm mũi dị ứng với các biểu hiện ngạt mũi, hắt hơi, sổ mũi,...
Các tác nhân thường gây nên triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng
2. Triệu chứng gặp phải ở người bị bệnh viêm mũi dị ứng
Nếu bạn chưa biết triệu chứng của viêm mũi dị ứng là gì thì hãy lưu tâm đến một số tình trạng sau:
- Hắt hơi liên tục, thường vào buổi sáng hoặc ngay sau khi niêm mạc mũi tiếp xúc với tác nhân dị ứng.
- Chảy nước mũi trong và không có mủ.
- Nghẹt mũi gây khó thở, mất khứu giác tạm thời.
- Ngứa họng, ngứa mũi, ngứa mắt.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi.
- Ngủ không sâu giấc.
3. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh?
Viêm mũi dị ứng tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng các triệu chứng do bệnh gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả học tập, làm việc của người bệnh. Người bị viêm mũi dị ứng cũng có thể ngủ không ngon giấc dẫn đến mất ngủ trong thời gian dài.
Ngoài ra, sự kéo dài, lây lan viêm nhiễm do bệnh viêm mũi dị ứng không được điều trị hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tai mũi họng như:
- Viêm xoang mạn tính.
- Polyp mũi.
- Viêm tai giữa.
- Hen suyễn.
Viêm mũi dị ứng kéo dài không điều trị hiệu quả có thể gây viêm xoang mạn
4. Phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh viêm mũi dị ứng bằng cách nào?
Viêm mũi dị ứng không thể chữa khỏi hoàn toàn và rất dễ tái phát. Thực hiện một số biện pháp sau có thể giảm thiểu nguy cơ đó:
4.1. Giảm thiểu tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng
Sự tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng rất dễ kích thích tái phát bệnh viêm mũi dị ứng. Nếu đã xác định được nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là gì thì người bệnh nên:
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là vào mùa phấn hoa hoặc khi không khí bị ô nhiễm.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để giảm thiểu bụi và nấm mốc.
- Nếu bị dị ứng với lông động vật, tốt nhất không nên nuôi thú cưng.
- Tránh dùng nước hoa hay hóa chất có hương mạnh vì chúng rất dễ kích thích niêm mạc mũi.
4.2. Thực hiện biện pháp nâng cao khả năng miễn dịch
Thực hiện các biện pháp sau có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng khả năng chống lại tác nhân gây viêm mũi dị ứng:
- Tăng cường bổ sung các loại trái cây giàu vitamin như cam, bưởi, kiwi,... vào bữa ăn hàng ngày.
- Uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày để niêm mạc mũi được giữ ẩm, nhờ đó nguy cơ kích ứng được giảm thiểu.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện hệ miễn dịch.
4.3. Điều chỉnh môi trường sống
Điều kiện môi trường sống cũng là yếu tố góp phần kích thích sự phát triển triệu chứng viêm mũi dị ứng. Muốn tránh tác nhân từ môi trường sống làm tái phát bệnh lý này, hãy:
- Sử dụng máy lọc không khí trong nhà để loại bỏ tối đa phấn hoa và bụi bẩn ở môi trường sống.
- Luôn đảm bảo độ ẩm cần thiết trong không gian sống để niêm mạc mũi không bị khô.
- Hạn chế mở cửa sổ vào mùa phấn hoa, nhất là buổi sáng sớm.
Bệnh nhân thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân viêm mũi dị ứng là gì
4.4. Điều trị sớm ngay khi có triệu chứng
Ngay khi tái phát triệu chứng viêm mũi dị ứng, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám và thực hiện điều trị theo đúng phác đồ. Ngoài ra, hàng ngày, người bệnh cũng nên dùng nước muối sinh lý 0.9% để rửa mũi, làm sạch mũi trước sự xâm nhập của bụi bẩn và vi khuẩn. Việc điều trị sớm vừa có tác dụng ngăn ngừa diễn tiến bệnh kéo dài, tăng nguy cơ biến chứng viêm xoang, viêm tai giữa,...
Hy vọng sau những thông tin từ bài viết trên đây, bạn đã hiểu được cơ bản bệnh viêm mũi dị ứng là gì và biết cách phòng ngừa để tránh tái diễn các triệu chứng của bệnh.
Nếu có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ viêm mũi dị ứng nhưng chưa biết xử trí ra sao, quý khách hàng có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tốt nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
