Tin tức
Viêm tủy xương: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 10/01/2020 | Xét nghiệm Beta 2 microglobulin, dấu ấn sinh học trong đa u tủy xương và suy thận
- 30/05/2020 | Điện di protein huyết thanh - Xét nghiệm quan trọng trong bệnh đa u tủy xương
1. Nguyên nhân gây viêm tủy xương
Đây là một dạng bệnh nhiễm trùng ở sâu trong tổ chức xương, nguyên nhân thường là vi khuẩn song vẫn có trường hợp do vi trùng hoặc nấm.
Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm tủy xương nhất
Một số nguyên nhân khiến vi khuẩn xâm nhập được và gây nhiễm trùng tủy xương gồm:
1.1. Nhiễm trùng thứ phát từ tổ chức quanh xương
Vi khuẩn có thể từ da, cơ, dây chằng bị nhiễm trùng lan vào trong xương, đặc biệt là các tổn thương sâu và hở.
1.2. Nhiễm trùng thứ phát từ cơ quan khác
Nhiễm trùng từ các cơ quan khác trong cơ thể có thể lây qua đường máu vào tủy xương và gây viêm tủy xương.
1.3. Nhiễm trùng sau phẫu thuật xương
Phẫu thuật thực hiện loại bỏ kim loại, vật lạ hoặc can thiệp sau chấn thương thì nguy cơ bị nhiễm trùng tủy xương cao hơn.
Đối tượng nguy cơ cao bị mắc viêm tủy xương và bệnh tiến triển nặng là: người bị rối loạn tuần hoàn máu, tiểu đường, chấn thương hoặc phẫu thuật chỉnh hình, người mắc bệnh tĩnh mạch, tiêm chích ma túy,…
2. Dấu hiệu viêm tủy xương
Đối tượng nguy cơ cao bị viêm tủy xương là trẻ em từ 6 - 16 tuổi, chiếm đến hơn 80% ca bệnh. Tùy theo thể bệnh và giai đoạn mà triệu chứng có thể rầm rộ hoặc kín đáo, cụ thể như sau:
Viêm tủy xương cấp tính thường có dấu hiệu bệnh rầm rộ như đau và hạn chế đi lại
2.1. Dấu hiệu viêm tủy xương cấp tính
Viêm nhiễm trùng có thể gặp ở bất cứ xương nào, trong đó phổ biến nhất là các đầu xương dài, xương mềm và có tủy đỏ,… viêm tủy xương cấp tính ở trẻ thường mang tính chất toàn thân, là biến chứng của viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm phế quản, viêm tai mũi họng,…
Người bệnh sẽ có các triệu chứng sau:
Triệu chứng nhiễm trùng toàn thân
Nếu viêm tủy xương tiến triển với nhiễm trùng toàn thân, người bệnh sẽ có các biểu hiện rầm rộ như: rét run, sốt cao, vị trí gần xương viêm bị nóng đỏ,… Nếu có ban đỏ kèm sưng phồng phần mềm gần xương thì viêm đã nặng, mủ tích tụ vượt qua vỏ xương lan sáng phần mềm và khớp lân cận.
Đau và hạn chế đi lại
Viêm sưng gây đau đớn tại khớp hoặc xương bị tổn thương. Triệu chứng đau sẽ nặng dần theo tiến triển bệnh, khiến người bệnh hạn chế hoạt động.
Sưng mủ
Nếu viêm nhiễm trùng kéo dài có thể hình thành ổ áp xe ở chi, tại vị trí đó bùng nhùng mủ sờ thấy rõ, xung quanh sưng nóng và đỏ. Một vài trường hợp còn có lỗ mủ và chảy dịch ra ngoài. Mủ có mùi hôi tanh đặc trưng.
Vùng xương viêm có thể tích mủ thành ổ áp xe
Đa phần triệu chứng viêm tủy xương cấp tính ở trẻ sẽ có triệu chứng đa dạng và rầm rộ hơn. Ở người lớn thường chỉ bị viêm đốt sống đĩa đệm gây đau âm ỉ, hạn chế vận động, khi ấn bị đau nhói, rối loạn đại tiểu tiện, liệt nếu viêm chèn ép thần kinh,… Ngoài ra, nếu viêm tủy xương tự phát do tổn thương thì triệu chứng dễ phát hiện, còn viêm tủy xương thứ phát thường chẩn đoán chậm khi bệnh đã tiến triển thành mạn tính.
2.2. Dấu hiệu viêm tủy xương mạn tính
Đa phần các trường hợp mạn tính triệu chứng bệnh không rầm rộ, nhất là triệu chứng toàn thân. Các giai đoạn triệu chứng khởi phát thường xen kẽ nhau, song đây là bệnh lý nguy hiểm nhưng thường phát hiện muộn.
Viêm tủy xương mạn tính thường có lỗ rò từ xương ra ngoài da, mủ sẽ chảy qua đường này, đôi khi có cả mảnh xương chết đi theo. Nếu lỗ rò bị tắc, dịch bị tụ lại thì nhiễm khuẩn sẽ tái phát.
2.3. Triệu chứng cận lâm sàng
Khi có dấu hiệu bệnh nghi ngờ, để chẩn đoán xác định cũng như đánh giá mức độ bệnh, vị trí tổn thương để can thiệp điều trị, bác sĩ sẽ dựa trên các dấu hiệu cận lâm sàng đặc trưng của bệnh như sau:
Xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm thấy bạch cầu tăng, máu lắng và có protein C phản ứng tăng.
X-quang
Chụp X-quang xương thấy có dấu hiệu phản ứng màng xương, phần mềm sưng nề. Giai đoạn muộn sẽ thấy dấu hiệu tiêu xương và cả hình mảnh xương chết.
X-quang là kỹ thuật thường dùng trong chẩn đoán viêm tủy xương
Siêu âm
Siêu âm giúp phát hiện và chẩn đoán sưng nề phần mềm tốt hơn chụp X-quang, nhất là khi có áp xe cơ kèm theo.
Chụp CT, MRI
Đây là hai kỹ thuật hình ảnh tiên tiến hơn có giá trị chẩn đoán tổn thương xương cao hơn và cả những tổn thương sưng viêm phần mềm.
Chọc dịch mủ
Dịch mủ trong ổ viêm được lấy làm mẫu bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm soi tươi, nuôi cấy, làm kháng sinh đồ,… phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh.
Chụp xạ hình xương
Phương pháp này cho phép chẩn đoán bệnh giai đoạn sớm, đồng thời cho phép phát hiện bệnh lý xương liên quan như: ung thư xương, u xương, hoại tử vô mạch, chấn thương kín trong xương,… Tuy có giá trị chẩn đoán cao song phương pháp này yêu cầu điều kiện thiết bị và trình độ kỹ thuật cao nên nếu thực hiện bệnh nhân hãy lựa chọn địa chỉ y tế uy tín.
3. Có thể điều trị viêm tủy xương không?
Điều trị sớm có vai trò quyết định trong hiệu quả và thời gian điều trị, tránh bệnh tiến triển thành biến chứng nặng. Người bệnh nếu điều trị tích cực, kiêng khem và chăm sóc tốt hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Bệnh nhân viêm tủy xương sẽ được dùng kháng sinh liều cao sớm
Nguyên tắc điều trị bệnh hiệu quả là:
-
Chẩn đoán và sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch sớm.
-
Dẫn lưu mủ và tổ chức hoại tử hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các mô - xương xung quanh.
-
Xác định vi khuẩn gây viêm bằng cấy máu, cấy dịch khớp, mủ,…
-
Dùng kháng sinh liều cao, nhóm diệt khuẩn qua đường tĩnh mạch ngay từ đầu.
-
Điều trị và liệu trình kháng sinh dựa trên kết quả kháng sinh đồ.
Thông thường, bệnh nhân sẽ dần phục hồi và khỏi bệnh sau 4 - 6 tuần điều trị tích cực. Chỉ các trường hợp tiến triển nặng hoặc có dấu hiệu chèn ép thần kinh bác sĩ mới phải phẫu thuật can thiệp.
Nhìn chung, viêm tủy xương là một bệnh lý nguy hiểm cấp tính, bệnh tiến triển nhanh và gây biến chứng nặng nề cho sức khỏe xương khớp và khả năng đi lại. Vì thế nếu có dấu hiệu bệnh, cần sớm đi thăm khám và điều trị.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!