Tin tức

Xét nghiệm tổng phân tích máu

Ngày 09/10/2015
Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Thông qua các thông số của xét nghiệm tổng phân tích máu cung cấp cho thầy thuốc những thông tin hữu ích về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Từ đó gợi ý theo dõi, định hướng nguyên nhân gây bệnh, phát hiện ra các hiện tượng bất thường của cơ thể và đưa ra hướng điều trị kịp thời.

1. Máu gồm những thành phần nào? Có chức năng  gì?

Máu gồm hai phần: các tế bào và huyết tương.


Hình ảnh các loại tế bào máu.


- Các tế bào máu bao gồm:


+ Hồng cầu
: chiếm số lượng nhiều nhất, chứa huyết sắc tố, đây là thành phần giúp cho máu có màu đỏ. Hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển ôxy từ phổi đến các mô và nhận CO2 từ các mô lên đào thải ở phổi. Đời sống trung bình của hồng cầu khoảng 90 - 120 ngày. Mỗi ngày có khoảng 200 - 400 tỷ hồng cầu chết và được thay thế bằng những hồng cầu mới sinh ra từ tủy xương. 


+ Bạch cầu: có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các “vật lạ” gây bệnh. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, với đời sống trung bình từ 1 tuần đến vài tháng.


+ Tiểu cầu: là những mảnh tế bào rất nhỏ. Tiểu cầu tham gia vào chức năng cầm máu, tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch. Đời sống của tiểu cầu khoảng 5-7 ngày.

Huyết tương: Là phần vô hình, có màu vàng, chứa chủ yếu là nước; ngoài ra còn nhiều chất rất quan trọng đối với sự phát triển, chuyển hóa của cơ thể như: Albumin, các yếu tố đông máu, các kháng thể, đường, vitamin, muối khoáng, hormon, các men,...

2. Xét nghiệm tổng phân tích máu là gì?

 


Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Nguồn: Internet


- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (Complete blood count) là một trong những xét nghiệm cơ bản nhất trong xét nghiệm lâm sàng được thực hiện thường quy, sử dụng để đánh giá sức khỏe tổng thể và phát hiện một loạt các rối loạn, bao gồm nhiễm trùng, thiếu máu và bệnh máu, …

- Mẫu máu sau khi lấy ra sẽ được cho ngay vào ống nghiệm có chứa chất chống đông để ngăn máu đông lại, sau đó được cho vào máy phân tích tự động nhằm:


+ Đếm số lượng các loại tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong mỗi ml máu;


+ Đo kích thước tế bào hồng cầu và tính kích thước trung bình của chúng;


+ Tính thể tích khối hồng cầu chiếm chỗ trong một lít máu toàn phần;


+ Định lượng hemoglobin trong các tế bào hồng cầu;


+ Xác định tỷ lệ phần trăm từng loại tế bào bạch cầu trong mẫu máu, …


3. Giá trị bình thường của các dòng tế bào máu

Giá trị bình thường

Nữ giới

Nam giới

RBC (Hồng cầu)

3.87 - 4.91

5.64 -5.80

Hb (Hemoglobin) (g/l)

117.5 - 143.9

132.0 - 153.6

Hct (Hematocrit) (%)

34 - 44

37 - 48

MCV (fl)

92.57 - 98.29

92.54 - 98.52

MCH (pg)

30.65 - 32.80

31.25 - 33.7

MCHC (g/dl)

33.04 - 35

32.99 - 34.79

 (Lâm Sàng Huyết Học - PGS Trần Văn Bé - NXB  Y Học Tp. HCM 1999)

Các loại bạch cầu

Giá trị tuyệt đối
(trong 1mm³)

Tỷ lệ %

Đa nhân trung tính – NEUTROPHIL

1700 - 7000

60 - 66%

Đa nhân ái toan – EOSINOPHIL

50 - 500

2 - 11%

Đa nhân ái kiềm – BASOPHIL

Oct-50

0.5 - 1%

Mono bào – MONOCYTE

100 - 1000

2 - 2.5%

Bạch cầu Lymphô – LYMPHOCYTE

1000 - 4000

20 - 25%

 (Lâm Sàng Huyết Học - PGS Trần Văn Bé - NXB  Y Học Tp. HCM 1999)

4. Xét nghiệm tổng phân tích máu mang lại ý nghĩa gì?

Xét nghiệm tổng phân tích máu cung cấp cho thầy thuốc những thông tin hữu ích về tình trạng của bệnh nhân hoặc của người được xét nghiệm, gợi ý định hướng nguyên nhân gây bệnh, phát hiện ra các hiện tượng bất thường của cơ thể như:

- Hiện tượng thiếu máu: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu được thực hiện chủ yếu để kiểm tra có bị thiếu máu hay không.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu. Một trong những căn cứ để xác định nguyên nhân của tình trạng này là dựa vào kích thước trung bình của các tế bào hồng cầu - chỉ số MCV (xét nghiệm MCV). Ví dụ: một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thiếu máu là do thiếu sắt hoặc bệnh Thalassemia, dẫn đến kích thước trung bình của các tế bào hồng cầu nhỏ hơn bình thường,  ngoải ra, MCV tăng trong thiếu acid foclic, vitamin B12...

- Hiện tượng có quá nhiều hồng cầu (đa hồng cầu)­: gây ra bởi nhiều nguyên nhân.

- Hiện tượng có quá ít bạch cầu (giảm bạch cầu), do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tùy thuộc vào loại bạch cầu bị giảm mà được chia ra nhiều loại và gọi tên khác nhau như giảm bạch cầu đa nhân trung tính (giảm neutrophil), giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu ưa axit (giảm eosinophil).


-
Hiện tượng có quá nhiều bạch cầu (tăng bạch cầu), được phân loại và gọi tên cụ thể tùy thuộc vào loại bạch cầu bị tăng như tăng bạch cầu đa nhân trung tính, tăng bạch cầu lympho, tăng bạch cầu ưa axit, tăng bạch cầu đơn nhân, tăng bạch cầu ưa kiềm. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, ví dụ:


+ Các loại nhiễm trùng có thể gây ra hiện tượng tăng bạch cầu;


+ Một số bệnh dị ứng có thể gây ra hiện tượng tăng bạch cầu ưa axit;


+ Bệnh ung thư máu gây ra sự tăng đột ngột số lượng của nhiều loại bạch cầu.


- Hiện tượng có quá ít tiểu cầu (giảm tiểu cầu). Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, hậu quả là gây ra tình trạng cơ thể dễ bị bầm tím và máu chảy kéo dài.


-
Hiện tượng có quá nhiều tiểu cầu (tăng tiểu cầu), gây ra do sự rối loạn ảnh hưởng đến các tế bào tủy xương làm nhiệm vụ sản xuất tiểu cầu.

5. Cần làm gì sau khi có xét nghiệm tổng phân tích máu bất thường?


- Hiện tượng bất thường phát hiện được trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bởi vậy, khi phát hiện thấy kết quả xét nghiệm bất thường cần thực hiện thêm những xét nghiệm khác nhằm làm rõ nguyên nhân.

Ví dụ: khi phát hiện thiếu máu, người bệnh cần được tư vấn để làm thêm xét nghiệm máu khác nhằm kiểm tra lượng sắt hoặc một số loại vitamin trong máu.Nếu kết quả xét nghiệm này vẫn không làm rõ được nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu, có thể người bệnh sẽ cần làm thêm các xét nghiệm khác như huyết đồ, tủy đồ, sinh thiết tủy xương, …

- Nói chung, trong trường hợp cần thiết, bác sỹ sẽ tư vấn cho người bệnh làm thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra các hiện tượng bất thường nếu có trong kết quả xét nghiệm xác định tổng phân tích tế bào máu.


Tài liệu tham khảo

1. Kỹ thuật xét nghiệm Huyết học-Truyền máu. Chủ biên: GS. Bạch Quốc Tuyên. Nhà xuất bản Y học. 1984.
2. Bài giảng Huyết học-Truyền máu. Chủ biên: GS. TSKH. Đỗ Trung Phấn. Nhà xuất bản Y học. 2004.

3. Xét nghiệm sử dụng trong lâm sàng. Tác giả: GS. Nguyễn Thế Khánh và GS. Phạm Tử Dương. Nhà xuất bản Y học. 2003.

4. Automated Blood Counts and Differentials. J.D. Bessman, Trường đại học tổng hợp Hopkins. 1986.

5. Hematology: basic principles and practice. 2nd edition (1995). R. Hoffmann. NXB Churchill Livingstone. NewYork.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.