Tin tức
Ý nghĩa lâm sàng của các lipid, lipoprotein và các tỷ số của chúng
Tóm tắt
1) Lipid là một nhóm chất béo và các chất giống như chất béo, là thành phần quan trọng của tế bào và nguồn năng lượng. Mỗi hạt chứa sự kết hợp của các phân tử protein, cholesterol, triglyceride và phospholipid.
2) Các xét nghiệm lipid tiêu chuẩn bao gồm triglyceride (TG), cholesterol toàn phần (TC), cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) và cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C). Cholesterol không phải HDL (non-DHL-C) là một dấu ấn mới của bệnh tim mạch (CVD). Các tỷ số lipid và lipoprotein như TG/ HDL-C, TC/ HDL-C, LDL-C/ HDL-C, và non- HDL-C/ HDL-C cũng được sử dụng để đánh giá nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch.
3) Sử dụng: các xét nghiệm lipid, lipoprotein được sử dụng để phát hiện, chẩn đoán, theo dõi điều trị và tiên lượng các rối loạn chuyển hóa lipid trong nhiều bệnh, chẳng hạn như bệnh tim mạch (CHD), đái tháo đường (DM), hội chứng chuyển hóa (MS), bệnh thận mạn (CKD), ...
4) Chỉ định: việc sàng lọc ban đầu có thể chỉ liên quan đến một bảng lipid tiêu chuẩn. Nếu có các yếu tố nguy cơ khác xuất hiện hoặc nếu các xét nghiệm trước đó cho thấy mức độ nguy cơ cao trong quá khứ, thì non-HDL-C và các tỷ lệ lipid cần được đánh giá. Các xét nghiệm lipid cũng có thể được chỉ định định kỳ để đánh giá sự thành công của việc thay đổi lối sống hạ lipid như chế độ ăn uống và tập thể dục hoặc để xác định hiệu quả của điều trị bằng thuốc như statin.
5) Ý nghĩa lâm sàng: các thông số lipid, lipoprotein và các tỷ số của chúng có thể giúp phát hiện, chẩn đoán, theo dõi điều trị và tiên lượng các rối loạn chuyển hóa lipid trong nhiều bệnh, chẳng hạn như bệnh tim mạch, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh thận mạn, … Nói chung, các tỷ số của lipid và lipoprotein có thể được tính toán dễ dàng và tốt hơn các thông số lipid và lipoprotein thông thường.
Clinical Significance of Lipids, Lipoproteins, and Their Ratios
Luat Nghiem Nguyen
MEDLATEC General Hospital
Abstract
1) Lipids are a group of fats and fat-like substances that are important constituents of cells and sources of energy. Each particle contains a combination of protein, cholesterol, triglyceride, and phospholipid molecules.
2) A standard lipid panel includes triglycerides (TG), total cholesterol (TC), high-density lipoprotein cholesterol (HDL-C), and low-density lipoprotein cholesterol (LDL-C). Non-HDL cholesterol is a new marker of cardiovascular disease (CVD). Lipids and lipoprotein ratios, such as TG/ HDL-C, TC/HDL-C, LDL-C/HDL-C, and non-HDL-C/HDL-C, have been used to assess the risk of the development of atherosclerosis and cardiovascular disease.
3) The use: lipid and lipoprotein tests can be used to detect, diagnose, monitor treatment and predict lipid metabolism disorders in many diseases, such as cardiovascular disease (CVD), diabetes mellitus (DM), metabolic syndrome (MS), chronic kidney disease (CKD), etc.
4) Indications: initial screening may involve only a standard lipid panel. If other risk factors are present or if previous tests revealed a high risk levels in the past, non-HDL-C, and the lipid ratios have been recommended. A lipid panel may also be ordered at regular intervals to evaluate the success of lipid-lowering lifestyle changes such as diet and exercise or to determine the effectiveness of drug therapy such as statins.
5) Clinical significance: lipid and lipoprotein parameters and their ratios can help detect, diagnose, monitor treatment and predict lipid metabolism disorders in many diseases, such as cardiovascular disease, diabetes mellitus, metabolic syndrome, chronic kidney disease, etc. In general, lipid and lipoprotein ratios can be easily calculated and better than conventional lipid and lipoprotein parameters.
*
Bệnh tim mạch (cardiovascular disease: CVD) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới và đóng góp của nó vào gánh nặng bệnh tật dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân cơ bản của cơn đau tim (heart attack) và đột quỵ (stroke).
Lipid là một nhóm chất béo và các chất giống như chất béo, là thành phần quan trọng của tế bào và nguồn năng lượng. Hai lipid quan trọng là cholesterol và triglyceride, được vận chuyển trong máu bởi các hạt lipoprotein. Các hạt lipid được cấu tạo bởi các phân tử protein, cholesterol, triglyceride và phospholipid và được phân loại theo tỷ trọng thành các lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL).
Cholesterol có thể được tổng hợp trong cơ thể từ các mẩu 2C (nội sinh) hoặc được đưa từ ngoài vào qua đường ăn uống (ngoại sinh). Lượng cholesterol dư thừa có thể được lắng đọng trong các mảng bám trên thành mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, gồm bệnh tim mạch và đột quỵ. Một mức độ triglyceride cao trong máu cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch (CVD).
Các xét nghiệm lipid cơ bản (lipid panel hoặc lipid profile) thường bao gồm: triglyceride (TG), cholesterol toàn phần (total cholesterol: TC), cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (high-density lipoprotein cholesterol: HDL-C), cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (low-density lipoprotein cholesterol: LDL-C). Gần đây, người ta đã tính ra loại cholesterol không phải HDL (non-HDL cholesterol: non-HDL-C) bằng cách lấy TC trừ đi HDL-C. Người ta cũng sử dụng các tỷ số TG/HDL-C, TC/HDL-C, LDL-C/HDL-C và non-HDL/HDL-C, có giá trị lâm sàng tốt hơn so với các thông số lipid thông thường.
Mẫu máu để xét nghiệm lipid máu thường được lấy ở tĩnh mạch hoặc mao mạch trong điều kiện đói, nghĩa là bệnh nhân cần được nhịn ăn khoảng 9-12 giờ trước khi lấy máu.
1. Sinh học của lipid và lipoprotein
Lipid là một nhóm chất béo và các chất giống như chất béo, là thành phần quan trọng của tế bào và nguồn năng lượng. Hai lipid quan trọng là cholesterol và triglyceride, được vận chuyển trong máu bởi các hạt lipoprotein. Các hạt lipid được cấu tạo bới các phân tử protein, cholesterol, triglyceride và phospholipid và được phân loại theo tỷ trọng thành các lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL).
Cholesterol có thể được tổng hợp trong cơ thể từ các mẩu 2C (nội sinh) hoặc được đưa từ ngoài và qua đường ăn uống. Việc ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc yếu tố di truyền có thể làm tăng mức độ cholesterol trong máu.
Lượng cholesterol dư thừa có thể được lắng đọng trong các mảng bám trên thành mạch máu, có thể gây hẹp lòng mạch, ngăn cản sự lưu thông của máu, dẫn đến xơ cứng động mạch (xơ vữa động mạch) và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, gồm bệnh tim mạch và đột quỵ. Một mức độ triglyceride cao trong máu cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch (CVD).
2. Sử dụng
Các xét nghiệm lipid, lipoprotein được sử dụng để phát hiện, chẩn đoán, theo dõi điều trị và tiên lượng các rối loạn chuyển hóa lipid trong nhiều bệnh, chẳng hạn như bệnh tim mạch (CHD), đái tháo đường (DM), hội chứng chuyển hóa (MS), bệnh thận mạn (CKD), ...
Các thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng được sử dụng trong lâm sàng gồm: 1) Triglycerides (TG); 2) Cholesterol toàn phần (total cholesterol: TC); 3) Cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C); 4) Cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C); 5) Non-HDL-C; 6) Tỷ số TG/HDL-C; 7) Tỷ số TC/HDL-C; 8) Tỷ số LDL/HDL-C; 9) Tỷ số non-HDL/HDL-C.
3. Chỉ định xét nghiệm lipid máu
3.1. Chỉ định ở người lớn
Người trưởng thành khỏe mạnh không có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim khác nên được chỉ định các xét nghiệm lipid lúc đói mỗi 4 đến 6 năm một lần. Nếu kết quả kiểm tra lipid máu bất thường, cần được quản lý, xét nghiệm thường xuyên hơn với bệnh án đầy đủ. Nếu một người có các yếu tố nguy cơ gây rối loạn lipid máu hoặc trước đó có rối loạn lipid máu, thì nên chỉ định xét nghiệm lipid máu thường xuyên hơn với hồ sơ lipid đầy đủ để hướng dẫn chế độ ăn, tập luyện thể dục hoặc theo dõi điều trị.
Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn lipid máu có thể gồm: hút thuốc lá, thừa cân hoặc béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh, không hoạt động thể chất, không tập thể dục, tuổi cao (nam từ 45 tuổi trở lên hoặc nữ từ 50-55 tuổi trở lên), tăng huyết áp (huyết áp từ 140/90 trở lên), tiền sử gia đình mắc bệnh tim, bệnh tim cũ, đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường.
3.2. Chỉ định ở thanh thiếu niên
Đối với thanh thiếu niên, chỉ định xét nghiệm lipid thường quy được khuyến nghị ở tất cả trẻ em một lần trong độ tuổi từ 9 đến 11 và một lần nữa trong khoảng từ 17 đến 21.
Một số yếu tố nguy cơ ở thanh thiếu niên cũng tương tự như ở người lớn, gồm tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, huyết áp cao hoặc thừa cân. Các thanh thiếu niên có nguy cơ rối loạn lipid máu cao nên được chỉ định xét nghiệm lipid máu từ 2 đến 8 tuổi để đánh giá sự thành công của việc thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập thể dục hoặc để đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc (như statin).
4. Giá trị tham chiếu của các thông số lipid, lipoprotein và các tỷ số
4.1. Triglyceride (TG): TG là tất cả các chất béo trung tính trong tất cả các hạt lipoprotein; hầu hết TG có trong các lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL).
Lý tưởng là: < 1,70 mmol / L (150 mg/ dL)
Giới hạn cao: 1,7-2,2 mmol / L (150-199 mg/ dL)
Cao: 2,3-5,6 mmol / L (200-499 mg/ dL)
Rất cao: >5,6 mmol / L (500 mg/ dL)
4.2. Total Cholesterol (TC): TC là tổng số cholesterol tự do và este hóa trong tất cả các hạt lipoprotein.
Lý tưởng là: < 5,18 mmol / L (200 mg/ dL)
Giới hạn cao: 5,18 đến 6,18 mmol/ L (200-239 mg/ dL)
Cao: >6,22 mmol/ L (240 mg/ dL)
4.3. HDL-C: HDL-C là lượng cholesterol có trong các hạt HDL; thường được gọi là "cholesterol tốt" vì nó có vai trò vận chuyển cholesterol từ tế bào ngoại vi về gan để loại bỏ.
Mức độ thấp, nguy cơ tăng: <1,0 mmol/ L (40 mg/ dL) đối với nam và <1,3 mmol/ L (50 mg/ dL) đối với nữ.
Mức trung bình, nguy cơ trung bình: 1,0-1,3 mmol/ L (40-50 mg/ dL) đối với nam và từ 1,3-1,5 mmol/ L (50-59 mg/ dL) đối với nữ .
Mức độ cao, ít hơn nguy cơ: 1,55 mmol/ L (60 mg/ dL) hoặc cao hơn cho cả nam và nữ.
4.4. LDL-C: LDL-C là lượng cholesterol có trong các hạt LDL; thường được gọi là "cholesterol xấu" vì nó làm lắng đọng cholesterol trong thành mạch, góp phần gây xơ vữa động mạch. Lượng LDL-C có thể được đo trực tiếp hoặc được tính bằng công thức Friedewald (1972):
Tính theo mmol/L là LDL-C=TC-(HDL-C) –TG/2,2
Tính theo mg/mL là LDL-C=TC-(HDL-C) –TG/5
Tối ưu: <2,59 mmol/ L (100 mg/ dL), đối với tiểu đường là <1,81 mmol/ L (70 mg/ dL).
Gần/ trên tối ưu: 2,59-3,34 mmol/ L (100-129 mg/ dL)
Giới hạn cao: 3,37-4,12 mmol/ L (130-159 mg/ dL)
Cao: 4,15-4,90 mmol/ L (160-189 mg/ dL)
Rất cao: >4,90 mmol/ L (190 mg/ dL)
4.5. Non-HDL-cholesterol (không phải HDL-C): non-HDL-C được tính bằng công thức:
Non-HDL-C = TC – (HDL-C).
Như vậy, non-HDL-C là mức độ của tất cả các cholesterol “xấu”.
Lý tưởng là: <3,37 mmol/ L (130 mg/ dL)
Gần / trên tối ưu: 3,37-4,12 mmol/ L (130-159 mg/ dL)
Đường biên giới cao: 4,15-4,90 mmol/ L (160-189 mg/ dL)
Cao: 4,9-5,7 mmol/ L (190-219 mg/ dL)
Rất cao: >5,7 mmol/ L (220 mg/ dL)
4.6. Tỷ số TG/HDL-C
Lý tưởng là <0,87; >1,74 là cao; >2,62 là quá cao (nếu TG và HDL-C tính theo mmol/L).
Lý tưởng là <2; >4 là cao; >6 là quá cao (nếu TG và HDL-C tính theo mg/dL).
4.7. Tỷ số TC/HDL-C
Bình thường: <4,5 (nếu tính bằng mmol/L) và <4,4 (nếu tính bằng mg/mL)
4.8. Tỷ số LDL/HDL-C
Bình thường: <3,0 (nếu tính bằng mmol/L) và <2,9 (nếu tính bằng mg/mL)
4.9. Tỷ số non-HDL/HDL-C
Bình thường: <3,6 (nếu tính bằng mmol/L) và <3,5 (nếu tính bằng mg/mL)
5.Ý nghĩa lâm sàng
Trong thực hành lâm sàng, các rối loạn lipid được phân loại theo Fredrickson (Bảng 1).
Bảng 1. Sự phân loại các rối loạn lipid theo Fredrickson (Hegele RA, 2009) [2].
Chẩn đoán |
|
|
|
|
|
Phân loại Fredrickson |
Các Lipid |
Các Lipoprotein |
Di truyền |
Tăng Chylomicron máu gia đình |
Type 1 |
TG |
Chylomicron |
Sự lặn tự phát do 2 allen đột biến của các gen LPL, ApoC2, ApoA-V, LMF-1, GPIHBP1. |
Tăng Chylomicron máu gia đình |
Type 2A |
TC |
LDL |
Đồng trội tự phát; dạng dị hợp tử do 1 allen đột biến của LDL receptor, ApoB hoặc PCSK9; dạng đồng hợp tử do 2 allen đột biến của các gen này. |
Tăng Lipoprotein máu hỗn hợp gia đình |
Type 2B |
TC, TG |
VLDL, LDL |
Đa gen |
Rối loạn Beta Lipoprotein máu |
Type 3 |
TC, TG |
IDL |
ApoE2/E2 đồng hợp tử hoặc các đột biến dị hợp tử hiếm ở ApoE. |
Tăng Triglyceride máu nguyên phát |
Type 4 |
TG |
VLDL |
Chưa biết. |
Tăng Triglyceride máu hỗn hợp |
Type 5 |
TC, TG |
VLDL, Chylomicron |
Đa gen |
Các giá trị lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng có thể thay đổi trong một số bệnh có liên quan đến rối loạn lipid máu.
Ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim (ischemic heart disease: IHD), trong một nghiên cứu trên 114 nam giới bị thiếu máu cục bộ cơ tim so với 1989 người không thếu máu cục bộ cơ tim, Lemieux I và cộng sự, 2001 [5] thấy rằng các thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng đều tăng một cách có ý nghĩa thống kê rất rõ rệt, riêng HDL-C giảm rõ rệt (Bảng 2).
Bảng 2. So sánh một số thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng ở nam giới thiếu máu cục bộ cơ tim và không thiếu máu cục bộ cơ tim, theo dõi trong 5 năm (Lemieux I, 2001) [5]
TT |
Các thông số |
Nam, không thiếu máu cục bộ cơ tim (n=1989) |
Nam, thiếu máu cục bộ cơ tim (n=114) |
P |
1 |
TG (mg/dL) |
154 ± 66 |
177 ± 66 |
<0,001 |
2 |
TC (mg/dL) |
220 ± 38 |
235 ± 41 |
<0,001 |
3 |
HDL-C (mg/dL) |
40 ± 10 |
37 ± 9 |
<0,001 |
4 |
LDL-C (mg/dL) |
149 ± 35 |
162 ± 37 |
<0,001 |
5 |
TC / HDL-C |
5,81 ± 1,68 |
6,67 ± 1,91 |
<0,001 |
6 |
LDL-C/ HDL-C |
3,96 ± 1,35 |
4,60 ± 1,51 |
<0,001 |
Ghi chú: các thông số về chỉ số khối cơ thể (BMI), hút thuốc lá, huyết tâm trương không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm này.
Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp (acute myocardial infarction: AMI), trong một nghiên cứu trên 400 nam giới bị nhồi máu cơ tim cấp so với 150 người không bị nhồi máu cơ tim, Shrivastava AK và cộng sự, 2015 [6] đã thấy rằng các thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng đều tăng một cách có ý nghĩa thống kê rất rõ rệt, riêng HDL-C giảm rất rõ rệt (Bảng 3).
Bảng 3. So sánh một số thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng giữa nhồi máu cơ tim cấp và đối chứng khỏe mạnh (Shrivastava AK, 2015) [6]
TT |
Các thông số |
Đối chứng (n=150) |
Nhồi máu cơ tim cấp (n=400) |
P |
1 |
TG (mg/dL) |
149,65 ± 27,18 |
157,51 ± 45,67 |
<0,014 |
2 |
TC (mg/dL) |
169,35 ± 16,34 |
174,81 ± 24,14 |
<0,003 |
3 |
HDL-C (mg/dL) |
49,21 ± 9,14 |
43,14 ± 11,34 |
<0,001 |
4 |
LDL-C (mg/dL) |
105,55 ± 30,39 |
111,35 ± 25,81 |
<0,039 |
5 |
TC / HDL-C |
3,57 ± 0,79 |
4,38 ± 1,42 |
<0,001 |
6 |
LDL-C/ HDL-C |
2,26 ± 0,83 |
2,82 ± 1,12 |
<0,001 |
Các thông số này đều tăng một cách có ý nghĩa thống kê rất rõ rệt khi bệnh nhân nhồi máu cơ tim được theo dõi theo thời gian 1, 2 và 7 ngày, riêng HDL-C giảm rất rõ rệt (Bảng 4).
Bảng 4. So sánh một số thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng ở các thời gian khác nhau sau nhồi máu cơ tim cấp (Shrivastava AK, 2015) [6]
TT |
Các thông số |
Ngày 1 |
Ngày 2 |
Ngày 7 |
1 |
TG (mg/dL) |
157,51 ± 45,67 |
173,30 ± 48,79*** |
167,86 ± 48,84b |
2 |
TC (mg/dL) |
174,81 ± 24,14 |
161,68 ± 30,77*** |
165,35 ± 32,25c |
3 |
HDL-C (mg/dL) |
43,14 ± 11,34 |
36,78 ± 10,31*** |
38,59 ± 11,48c |
4 |
LDL-C (mg/dL) |
111,35 ± 25,81 |
102,28 ± 23,23*** |
103,26 ± 23,14c |
5 |
TC / HDL-C |
4,38 ± 1,42 |
4,79 ± 1,72** |
4,71 ± 1,76a |
6 |
LDL-C/ HDL-C |
2,82 ± 1,12 |
3,03 ± 1,15* |
2,94 ± 1,16 |
Ghi chú: so sánh giữa ngày 2 và ngày 1; *P<0,05, **P<0,01. ***P<0,001; so sánh giữa ngày 3 và ngày 1: aP<0,05, bP<0,01, cP<0,001.
Ở các bệnh nhân bị bệnh tim mạch (cardiovascular disease: CVD), theo dõi sự thay đổi các thông số lipid, lipoprotein và các tỷ số của chúng trong quá trình điều trị bằng statin trong 12 tháng, Kastelein JJP và cộng sự, 2008 [3] đã thấy rằng, các thông số lipid đều có xu hướng giảm theo thời gian điều trị ở cả bệnh nhân bắt đầu được điều trị và đã được điều trị (Bảng 5).
Bảng 5. So sánh các thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng giữa nhóm các bệnh nhân bị bệnh tim mạch mới được điều trị và đã được điều trị cũ bằng Statin ở các liều thuốc khác nhau trong 12 tháng (Kastelein JJP, 2008) [3]
TT |
Các thông số |
Điều trị mới |
Điều trị cũ |
||
Atorvastatin 10 mg (n=4665) |
Atorvastatin 80 mg (n=4654) |
Atorvastatin 20-40 mg (n=4369) |
Atorvastatin 80 mg (n=4330) |
||
1 |
TG (mg/dL) |
156,0 ± 86,5 |
131,3 ± 76,8 |
139,4 ± 83,8 |
116,6 ± 66,3 |
2 |
TC (mg/dL) |
178,1 ± 28,5 |
147,5 ± 29,5 |
176,1 ± 29,9 |
147,9 ± 34,1 |
3 |
HDL-C (mg/dL) |
46,2 ± 10,9 |
46,1 ± 11,2 |
47,1 ± 12,7 |
45,7 ± 12,5 |
4 |
LDL-C (mg/dL) |
101,0 ± 22,3 |
75,3 ± 22,6 |
102,2 ± 25,2 |
79,5 ± 28,0 |
5 |
Non-HDL-C (mg/dL/L) |
131,9 ± 27,9 |
101,4 ± 28,0 |
129,0 ± 29,5 |
45,7 ± 12,5 |
6 |
TC / HDL-C |
4,0 ± 1,0 |
3,3 ± 0,9 |
4,0 ± 1,2 |
3,4 ± 1,1 |
7 |
LDL/ HDL-C |
2,3 ± 0,7 |
1,7 ± 0,6 |
2,3 ± 0,8 |
1,9 ± 0,8 |
Điều đặc biệt là, khi nghiên cứu các thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng ở những bệnh nhân đau thắt ngực (chest pain), Khan HA và cộng sự, 2013 [4] đã thấy rằng các thông số này không thay đổi có ý nghĩa ở các bệnh nhân đau thắt ngực.
Nghiên cứu trên 130 bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome: MS) ở mức độ vừa (MS) và nặng (severe MS) theo mức độ của 5 tiêu chuẩn (vòng bụng, huyết áp, TG, HDL-C, và đái tháo đường), Bhagyashree N và cộng sự 2018 [1] đã thấy rằng các thông số lipid, lipoprotein và các tỷ số của chúng tăng một cách rất rõ rệt theo mức độ nặng của bệnh so với nhóm đối chứng, riêng HDL-C giảm rất rõ rệt và LDL-C không thay đổi (Bảng 6).
Bảng 6. So sánh các thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng giữa nhóm các bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa (MS) ở mức độ khác nhau (Bhagyashree N, 2018 [1])
TT |
Các thông số |
Đối chứng, n=65 |
MS, n=65 |
MS nặng, n=65 |
P |
1 |
TG (mg/dL) |
132,8 ± 2,5 |
145,9 ± 4,5 |
174,3 ± 5,9 |
<0,001 |
2 |
TC (mg/dL) |
150,7 ± 2,9 |
161,8 ± 2,6 |
164,2 ± 2,3 |
0,004 |
3 |
HDL-C (mg/dL) |
49,1 ± 0,5 |
47,4 ± 0,6 |
41,5 ±0,6 |
<0,001 |
4 |
LDL-C (mg/dL) |
74,4 ± 2,8 |
78,3 ± 2,1 |
79,7 ±2,7 |
0,315 |
5 |
TG/HDL-C |
2,7 ± 0,1 |
3,1 ± 0,1 |
4,2 ± 0,1 |
<0,001 |
6 |
TC/ HDL-C |
3,1 ± 0,1 |
3,4 ± 0,1 |
4,0 ± 0,1 |
<0,001 |
7 |
LDL/ HDL-C |
1,5 ± 0,1 |
1,6 ± 0,05 |
1,9 ± 0,08 |
<0,001 |
Ghi chú: các số liệu nhóm MS nặng được so sánh với đối chứng hoặc so với nhóm MS.
Ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn (chronic kidney disease: CKD), các thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng đều tăng một cách có ý nghĩa rất rõ rệt, riêng HDL-C giảm và LDL-C không thay đổi (Bảng 7).
Bảng 7. So sánh các thông số lipid, lipoprotein và tỷ số của chúng giữa nhóm các bệnh nhân bệnh thận mạn và nhóm đối chứng (Wen J, 2017) [7]
TT |
Các thông số |
Nhóm đối chứng (n=46.255) |
Nhóm bệnh thận mạn (n=1.799) |
P |
1 |
TG (mmol/L) |
1,2 (0,8-1,9) |
1,6 (1,1-2,4) |
<0,001 |
2 |
TC (mmol/L) |
5,1 ± 1,0 |
5,2 ± 1,3 |
<0,001 |
3 |
HDL-C (mmol/L) |
1,27 (1,09-1,48) |
(1,22 1,07-1,43) |
<0,001 |
4 |
LDL-C (mmol/L) |
2,8 ± 0,8 |
2,8 ± 0,9 |
0,644 |
5 |
Non-HDL-C (mmol/L) |
3,5 ± 1,0 |
3,8 ± 1,3 |
<0,001 |
6 |
TG/ HDL-C |
0,78 (0,47-1,34) |
1,14 (0,67-1,94) |
<0,001 |
7 |
LDL/ HDL-C |
1,8 ± 0,7 |
2,0 ± 0,8 |
0,004 |
9 |
Non-HDL/ HDL-C |
2,3 ± 1,0 |
2,7 ±1,1 |
<0,001 |
Tóm lại, các thông số lipid, lipoprotein và các tỷ số của chúng có thể giúp phát hiện, chẩn đoán, theo dõi điều trị và tiên lượng các rối loạn chuyển hóa lipid trong nhiều bệnh, chẳng hạn như bệnh tim mạch (CHD), đái tháo đường (DM), hội chứng chuyển hóa (MS), bệnh thận mạn (CKD), … Nói chung, các tỷ số của lipid và lipoprotein có thể được tính toán dễ dàng và tốt hơn các thông số lipid và lipoprotein thông thường.
Tài liệu tham khảo
1. Bhagyashree N, Ramaswamy C, Ganesh M. Importance of lipid-lipoprotein ratios as a diagnostic tool in metabolic syndrome population. Natl J Physiol Pharm Pharmacol 2018; 8(12): 1668-1671.
2. Hegele RA. Plasma lipoproteins: genetic influences and clinical implications. Nat Rev Genet 2009; 10: 109-121.
3. Kastelein JJP, van der Steeg WA, Holme I, et al. Lipids, apolipoproteins, and their ratios in relation to cardiovascular events with statin treatment. Circulation 2008 Jun 10; 117(23): 3002-3009.
4. Khan HA, Alhomida AS, and Sobki SH. Lipid Profile of Patients with Acute Myocardial Infarction and its Correlation with Systemic Inflammation. Biomark Insight 2013; 8: 1-7.
5. Lemieux I, Lamarche B, Couillard C, et al. Total Cholesterol/HDL Cholesterol Ratio vs LDL Cholesterol/HDL Cholesterol Ratio as Indices of Ischemic Heart Disease Risk in Men. Arch Intern Med 2001; 161: 2685-2692.
6. Shrivastava AK, Singh HV, Raizada A, and Singh SK. Serial measurement of lipid profile and inflammatory markers in patients with acute myocardial infarction. Excli J 2015; 14: 517-526.
7. Wen J, Chen Y, Huang Y, et al. Association of the TG/HDL-C and Non-HDL-C/HDL-C Ratios with Chronic Kidney Disease in an Adult Chinese Population. Kidney Blood Press Res 2017; 42: 1141-1154.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!