Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh đậu mùa khỉ có tự khỏi được không? Phòng ngừa bệnh bằng cách nào?
- 22/06/2022 | Góc tư vấn: Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ bằng cách nào?
- 21/06/2022 | Góc giải đáp: bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?
- 21/06/2022 | Con đường lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và 1 số dấu hiệu nhận biết bệnh
1. Bệnh đậu mùa khỉ có biểu hiện ra sao và lây truyền qua những đường nào?
- Một số biểu hiện của bệnh:
Khi nhiễm virus đậu mùa khỉ, nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng sốt cao, cơ thể mệt mỏi, đau nhức đầu và đau nhức các khớp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có cảm giác ớn lạnh, kiệt sức, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, sưng hạch bạch huyết và tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi giống như bệnh cảm lạnh.
Nổi ban do nhiễm virus đậu mùa khỉ
Phần lớn, bệnh nhân còn có hiện tượng nổi ban sau từ 1 đến 3 ngày tính từ sau khi khởi phát cơn sốt. Ban đầu, những nốt ban này có chứa mủ và tập trung chủ yếu ở một số vùng da như da mặt, chân, tay,… nhưng sau đó, có thể lan ra khắp cơ thể.
- Con đường lây nhiễm của bệnh:
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm qua những con đường dưới đây:
+ Qua những vết xước trên da.
+ Qua vết cắn, cào của những loại động vật đang mang mầm bệnh.
+ Ăn thịt động vật đã nhiễm virus.
+ Tiếp xúc gần, sử dụng chung đồ với người bệnh đậu mùa khỉ. Lưu ý, tuy rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua đường giọt bắn nhưng chỉ trong một khoảng cách rất ngắn, do đó, nếu bạn không tiếp xúc gần bệnh nhân thì cũng không dễ bị lây nhiễm bệnh.
Đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ các quốc gia châu Phi
Bệnh đậu mùa khỉ thường gặp ở các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây số ca nhiễm bệnh đang có xu hướng tăng nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới và có nguy cơ bùng phát dịch. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để làm rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
2. Bệnh đậu mùa khỉ có tự khỏi được không?
Với thắc mắc “bệnh đậu mùa khỉ có tự khỏi được không”, các chuyên gia giải thích như sau: Thông thường, các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đều có thể tự khỏi. Sau khoảng 2 đến 4 tuần, những triệu chứng của bệnh sẽ dần thuyên giảm và sức khỏe của người bệnh sẽ dần được phục hồi.
Nhiều trường hợp khỏi bệnh sau vài tuần
Bệnh nhân được xác định là đã khỏi đậu mùa khỉ cần phải được kiểm tra một số vấn đề sau:
+ Có sốt cao trong vòng 72 giờ qua hay không?
+ Các mụn mủ và một số tổn thương trên da đã khô và đóng vảy hay chưa
+ Trên da người bệnh cần đảm bảo không hình thành những tổn thương mới trong vòng 48 giờ trở lại.
+ Đánh giá về tình trạng tổn thương trong miệng bệnh nhân.
Trong quá trình nhiễm virus, bệnh nhân cần được chăm sóc đúng cách, cần bảo vệ những vùng bị tổn thương và để cho những nốt ban tự khô. Lưu ý, bệnh nhân không được chạm vào những tổn thương ở vùng miệng và mắt. Đối với những ca bệnh nghiêm trọng, có thể sử dụng Globulin miễn dịch ở người. Bên cạnh đó, một số trường hợp cũng có thể được sử dụng các loại thuốc kháng virus đậu mùa khỉ, chẳng hạn như tecovirimat.
Tuy rằng, một số ca bệnh đậu mùa khỉ có thể khỏi chỉ trong một vài tuần và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh nhưng bên cạnh đó, nhiều trường hợp bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng nghiêm trọng. Trẻ em và những trường hợp suy giảm hệ miễn dịch có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn những đối tượng khác.
Một số biến chứng nghiêm trọng của đậu mùa khỉ có thể kể đến như viêm phổi, tổn thương hệ thần kinh, nhiễm trùng da và mắt,… thậm chí là đe dọa tính mạng người bệnh.
3. Phương pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Trong bối cảnh đậu mùa khỉ đang có những diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch, việc phòng ngừa bệnh luôn là điều cần thiết. Dưới đây là một số phương pháp phòng bệnh hiệu quả và dễ thực hiện:
Rửa tay thường xuyên để phòng ngừa đậu mùa khỉ
- Không tiếp xúc với những loại động vật nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc đang mắc bệnh.
- Không nên ăn đồ tái sống. Uống nước đã đun sôi và ăn thịt đã nấu chín, tránh ăn các loại thịt động vật không rõ nguồn gốc.
- Không tiếp xúc với những đối tượng đang có nguy cơ mắc bệnh hoặc những trường hợp bị bệnh.
- Thường xuyên rửa tay với dung dịch sát khuẩn để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ và nhiều căn bệnh lây nhiễm khác.
- Trong trường hợp có người thân bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh, cần thực hiện cách ly càng sớm càng tốt. Trong quá trình chăm sóc người bệnh hoặc trong thời gian chờ đợi để kiểm tra xác định bệnh, cần lưu ý những điều sau:
+ Đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người bệnh. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
+ Nên để bệnh nhân sử dụng riêng nhà vệ sinh.
+ Người bệnh nên che những tổn thương trên da trong trường hợp tiếp xúc với người khác.
+ Tránh chạm vào những vật dụng của người bệnh hoặc những bề mặt mà người bệnh thường xuyên tiếp xúc.
Về vắc xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ: Trong năm 2019 đã có một loại vắc xin phòng bệnh này được phê duyệt nhưng chưa được sử dụng rộng rãi. Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi chúng ta nên có ý thức phòng ngừa căn bệnh này, thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về bệnh và đồng thời thực hiện đúng theo khuyến cáo được đưa ra bởi ngành Y tế. Đó chính là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và sức khỏe cộng đồng.
Hi vọng với những thông tin trên, bạn đã tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi “Bệnh đậu mùa khỉ có tự khỏi được không” và tham khảo một số phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu thêm về đậu mùa khỉ. Những thông tin tiếp theo sẽ được Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC liên tục cập nhật để gửi tới quý khách hàng.
Để được tư vấn trực tiếp các vấn đề về sức khỏe nói chung và căn bệnh đậu mùa khỉ nói riêng, quý khách có thể gọi đến đường dây nóng 1900 56 56 56 của MEDLATEC, các tổng đài viên luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!