Các tin tức tại MEDlatec

Áp xe vú sau sinh: Tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp khắc phục

Ngày 08/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Áp xe vú sau sinh là nỗi ám ảnh đối với phụ nữ sau sinh hoặc đang trong thời kỳ cho con bú. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin quan trọng giúp bạn phòng ngừa và điều trị hiệu quả tình trạng áp xe vú sau sinh.

1. Áp xe vú sau sinh là hiện tượng gì?

Áp xe vú sau sinh là một tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở mô vú, thường gặp ở phụ nữ sau sinh hoặc đang cho con bú do tình trạng nhiễm trùng ở vú không được điều trị sớm hoặc điều trị đúng. Tình trạng này xảy ra khi có sự tích tụ mủ do vi khuẩn xâm nhập vào mô vú, thường là qua các khe nứt trên đầu vú hoặc do tắc ống dẫn sữa.

Áp xe vú sau sinh là tình trạng viêm nhiễm ở mô vú, phổ biến ở phụ nữ đang cho con bú 

Thông thường, một ổ áp xe thường trải qua 03 giai đoạn chính bao gồm:

  • Viêm nhiễm;
  • Hình thành ổ áp xe;
  • Hoại tử. 

Tương tự đối với áp xe vú sau sinh, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sau: 

  • Nhiễm trùng lan rộng: Vi khuẩn có thể lây lan từ áp xe vào máu hoặc các mô lân cận, gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết;
  • Mất sữa: Việc điều trị áp xe có thể ảnh hưởng đến khả năng cho con bú và trong một số trường hợp, có thể dẫn đến việc phải ngừng cho con bú;
  • Hoại tử mô mỡ vú: Nếu không giải quyết kịp thời, tình trạng áp xe vú có thể khiến hoại tử mô mỡ vú, thậm chí đe dọa tính mạng. 

2. Dấu hiệu nhận biết áp xe sau sinh

Để nhận biết tình trạng áp xe vú sau sinh, chị em cần lưu ý những dấu hiệu sau đây: 

  • Vú có thể bị đau, sưng và cảm giác nóng tại khu vực bị viêm;
  • Xuất hiện một khối u mềm hoặc cứng, thường nằm ở vùng bị viêm;
  • Có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, kèm theo cảm giác mệt mỏi, ăn uống kém; 

Áp xe vú sau sinh có thể gây ra tình trạng sốt cao, cơ thể mệt mỏi 

  • Có thể thấy mủ hoặc dịch từ đầu vú, thường có màu vàng hoặc xanh, có thể có mùi hôi;
  • Cảm giác đau khi cho con bú;
  • Lượng sữa giảm dần;
  • Da xung quanh vùng vú có thể đỏ và ấm.

Chị em không nên chủ quan khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số đã kể trên, bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng áp xe vú. Điều quan trọng là cần thực hiện thăm khám để có phương án điều trị kịp thời.

3. Nguyên nhân gây nên áp xe vú sau sinh

Hầu hết các mẹ có chung một thắc mắc áp xe vú sau sinh do đâu? Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng áp xe vú sau sinh: 

  • Nhiễm trùng: Vi khuẩn Staphylococcus aureus có thể xâm nhập vào mô vú qua các vết nứt hoặc tổn thương ở đầu vú, từ đó gây ra tình trạng viêm;
  • Tắc ống dẫn sữa: Khi ống dẫn sữa bị tắc, sữa không thể thoát ra, dẫn đến việc tích tụ sữa và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển;
  • Ứ đọng sữa: Mẹ không thực hiện vắt sữa hoặc hút sữa dư thừa sau khi con bú dẫn đến hiện tượng ứ đọng sữa;
  • Bé bú mẹ không đúng cách: Bé ngậm đầu vú mẹ quá lâu, bú kém, lực hút không đủ mạnh hoặc cắn trầy xước vú mẹ tạo điều kiện vi khuẩn có hại xâm nhập; 

Tắc ống dẫn sữa là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng áp xe vú sau sinh 

  • Vệ sinh vú kém: Không giữ gìn vệ sinh đúng cách khi cho con bú khiến vi khuẩn xâm nhập;
  • Sức đề kháng kém: Tình trạng căng thẳng và thiếu ngủ sau sinh có thể làm giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Thay đổi hormone: Những thay đổi hormone sau sinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mô vú. 

Việc nắm rõ được những nguyên nhân gây ra tình trạng áp xe vú sau sinh kể trên sẽ giúp chị em có biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này. 

4. Biện pháp khắc phục tình trạng áp xe vú 

Nếu tình trạng áp xe vú ở mức độ nhẹ có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như sau: 

  • Chườm ấm: Sử dụng khăn ấm hoặc túi chườm ấm đặt lên vùng vú trong khoảng 15 - 20 phút để giảm đau và kích thích lưu thông máu;
  • Massage: Việc kết hợp massage nhẹ nhàng sẽ giúp máu lưu thông và cải thiện tình trạng tắc sữa gây đau đớn; 

Chườm ấm kết hợp massage giúp máu lưu thông, cải thiện tình trạng viêm tại vùng vú 

  • Sử dụng kháng sinh: Bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh để điều trị tại nhà để giúp hỗ trợ giảm tình trạng nhiễm trùng;
  • Chú ý vệ sinh: Giữ vệ sinh vú sạch sẽ, tránh để vết nứt hoặc tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn;
  • Cho con bú: Mẹ chỉ nên cho con bú ở bên vú không bị viêm và không sử dụng đến những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ. 

Trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà không có hiệu quả, người bệnh cần áp dụng một số biện pháp can thiệp y khoa như sau: 

  • Dẫn lưu mủ: Nếu việc sử dụng kháng sinh không giúp tình trạng viêm cải thiện, bác sĩ có thể cần rạch và dẫn lưu mủ ra ngoài để giảm áp lực và giúp vùng vú hồi phục;
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp áp xe lớn cần áp dụng phương pháp phẫu thuật để dẫn lưu mủ, kết hợp sử dụng kháng sinh.

Luôn tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và không tự ý sử dụng thuốc hay áp dụng các biện pháp điều trị mà không có sự hướng dẫn là lưu ý quan trọng giúp việc điều trị áp xe vú sau sinh đảm bảo an toàn và hiệu quả. 

Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC - đơn vị y tế với gần 30 năm kinh nghiệm sở hữu năng lực chuyên môn vượt trội, đáp ứng đầy đủ các kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị tình trạng áp xe vú sau sinh bằng dịch vụ y khoa chất lượng cao, được nhiều chị em tin tưởng lựa chọn. 

Chị em xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc áp xe vú cần chẩn đoán, điều trị kịp thời hoặc có thắc mắc về bệnh lý cần giải đáp hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.