Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh thần kinh tiểu đường và những biến chứng nguy hiểm
- 29/03/2021 | Tình trạng mất ngủ có phải là triệu chứng suy nhược thần kinh?
- 31/03/2021 | Tìm hiểu về u thần kinh nội tiết - căn bệnh ít người biết
- 29/03/2021 | Dấu hiệu nhận biết và các biến chứng nguy hiểm của bệnh suy nhược thần kinh
1. Bệnh thần kinh tiểu đường là gì?
Bệnh thần kinh tiểu đường còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Với những người bị tiểu đường, lượng đường trong máu cao sẽ khiến các dây thần kinh bị tổn thương, đặc biệt là những dây thần kinh ở chi trên và chi dưới. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau, tê ở bộ phận này.
Bệnh được chia thành hai nhóm chính:
-
Bệnh lý thần kinh ngoại biên: gây ra những ảnh hưởng đến dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể như: thần kinh ở tay, chân, thần kinh sọ não.
-
Bệnh lý thần kinh tự chủ: là thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quan như dạ dày, ruột, tim mạch, hệ tiết niệu.
Bệnh thần kinh tiểu đường phổ biến ở những người có bệnh sử tiểu đường
2. Nguyên nhân gây bệnh thần kinh tiểu đường
Nguyên nhân chính
Bệnh thần kinh tiểu đường do nhiều nguyên nhân, trong đó, lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao, không được kiểm soát trong thời gian dài khiến các dây thần kinh bị tổn thương được cho là nguyên nhân chính.
Cụ thể, khi lượng đường trong máu cao thì các thành mao mạch (mạch máu nhỏ) bị suy yếu, quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh bị cản trở và thuyên giảm, gây ra tổn thương nặng nề cho những dây thần kinh này.
Một vài nguyên nhân khác
Ngoài lượng đường huyết cao như nói trên, một số yếu tố dưới đây cũng là nguyên nhân gây ra bệnh:
-
Hệ thống miễn dịch “nghi ngờ” những dây thần kinh là vật thể lạ và tự xảy ra các phản ứng để bảo vệ cơ thể. Hậu quả là gây viêm dây thần kinh.
-
Sử dụng bia, rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác. Đây được cho là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, không loại trừ bệnh thần kinh tiểu đường.
-
Những người bị thừa cân, béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI > 24) hoặc mắc các bệnh về thận. Bởi khi thận bị tổn thương thì các chất độc sẽ không được đào thải ra khỏi cơ thể mà nhiễm ngược vào máu, ảnh hưởng nặng nề đến các dây thần kinh.
-
Các yếu tố di truyền, không liên quan đến bệnh tiểu đường.
-
Thời gian bị bệnh đái tháo đường: bị bệnh càng lâu (nhất là khi glucose huyết không được ổn định tốt) càng tăng nguy cơ bị bệnh thần kinh.
-
Bệnh thận mạn.
Bệnh thần kinh tiểu đường do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
3. Những biến chứng của bệnh thần kinh tiểu đường
Mất ngón chân, bàn chân hoặc chân
Đây là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh thần kinh tiểu đường. Theo đó, các dây thần kinh bị tổn thương sẽ gây mất cảm giác ở chân, vì thế mà những vết hở, vết cắt hay vết lở dù rất nhỏ cũng sẽ không gây đau đớn. Và vô tình điều này khiến bạn bỏ qua những vết thương này, “tạo điều kiện” để chúng nhiễm trùng và lở loét.
Nếu không được chữa lành, những vết loét sẽ nhiễm trùng nặng, lan đến xương, làm chết mô. Và hậu quả là phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hay nghiêm trọng hơn là phần chân dưới.
Tổn thương khớp
Song song với tê chân, bạn sẽ cảm thấy chân bị mất cảm giác và sưng lên hoặc bị biến dạng. Lúc này, rất có thể những dây thần kinh đã bị tổn thương nặng nề và gây ra bệnh khớp Charcot ở các khớp nhỏ của bàn chân. Để ngăn ngừa các khớp bị tổn thương nặng hơn, cần được khám và điều trị kịp thời.
Bệnh thần kinh tiểu đường gây tổn thương khớp ngón chân nặng nề
Hạ đường huyết, tụt huyết áp
Các biểu hiện cho thấy cơ thể đang bị tụt đường huyết là đổ mồ hôi, tim mạch nhanh, run,... Tuy nhiên, bệnh thần kinh tiểu đường có thể làm mất các dấu hiệu này, khiến bạn không thể nhận ra. Lúc này, huyết áp giảm mạnh, nếu không được can thiệp y tế sẽ rất nguy hiểm (ngất xỉu, hôn mê,…).
Tăng hoặc giảm mồ hôi
Khi các dây thần kinh bị tổn thương thì các tuyến mồ hôi cũng sẽ bị ảnh hưởng với các dấu hiệu như toát mồ hôi quá nhiều (nhất là vào ban đêm hoặc khi đang ăn) hay thuyên giảm hoạt động tiết mồ hôi. Dù là tình trạng nào thì cũng gây khó chịu cho người bệnh, thậm chí là nguy hiểm bởi cơ thể không thể kiểm soát được nhiệt độ.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Trường hợp các dây thần kinh kiểm soát bàng quang bị tổn thương sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hệ tiết niệu. Người bệnh sẽ cảm thấy đau tức bụng hoặc rát buốt mỗi khi đi tiểu. Đó là do vi khuẩn và chất độc không được bàng quang đào thải ra ngoài mà tích tụ lại, gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bên cạnh đó, dây thần kinh tổn thương còn khiến các cơ giải phóng nước tiểu bị mất kiểm soát, dẫn đến hiện tượng rò rỉ nước tiểu, đi tiểu không tự chủ, gây mất vệ sinh cũng như bất tiện cho người bệnh.
Đau bụng, rát buốt hay đi tiểu không tự chủ cũng là biến chứng của bệnh
Hệ tiêu hóa gặp vấn đề
Một số biến chứng mà bệnh thần kinh liên quan đến tiểu đường có thể gây ra với hệ tiêu hóa đó là buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy,… hay nghiêm trọng hơn là liệt dạ dày.
Rối loạn chức năng tình dục
Các dây thần kinh liên quan đến cơ quan sinh dục bị tổn thương có thể gây ra những rối loạn trong hoạt động tình dục như rối loạn cương dương ở nam giới, giảm ham muốn ở nữ giới do gặp khó khăn trong việc bôi trơn và kích thích âm đạo.
Có thể thấy bệnh thần kinh tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng. Có những biến chứng gây khó chịu và bất tiện cho người bệnh, nhưng cũng có những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
Vì thế, người bệnh - nhất là những người có bệnh sử tiểu đường hay cao huyết áp cần theo dõi và kiểm soát huyết áp chặt chẽ. Cùng với đó là xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các chất kích thích và ăn uống, luyện tập theo chế độ khoa học để ngăn ngừa các biến chứng.
Đặc biệt, khi thấy xuất hiện một trong các dấu hiệu như tê đau ngón chân hoặc bàn chân, vết thương ở chân khó lành, thói quen tiểu tiện và nhu cầu tình dục thay đổi,… cần đến bệnh viện để khám và có biện pháp điều trị phù hợp. Bởi dù có phải là bệnh thần kinh tiểu đường hay không thì việc điều trị sớm bao giờ cũng có lợi, giúp ngăn ngừa kịp thời các nguy hiểm với sức khỏe.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!