Các tin tức tại MEDlatec

Benzocaine: Công dụng, liều lượng áp dụng và lưu ý khi dùng

Ngày 17/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Benzocaine là một loại thuốc gây tê cục bộ, được sử dụng để giảm đau trong nhiều trường hợp. Dạng bào chế của loại thuốc này tương đối phong phú như xịt, gel, ngậm hoặc bôi ngoài da,... Tùy dạng bào chế cụ thể, bạn cần dùng thuốc đúng cách, đúng liều theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.

1. Tìm hiểu tác dụng của Benzocaine 

Thuốc Benzocaine được tổng hợp từ hoạt chất Benzocaine với những tác dụng nổi bật như: 

  • Giảm đau do kích ứng niêm mạc miệng, họng, nướu răng,... 
  • Giảm kích ứng da ở mức độ nhẹ.
  • Giảm ngứa hoặc rát ở tại vùng âm đạo. 
  • Hỗ trợ kiểm soát triệu chứng của một số bệnh lý như viêm tai ngoài, viêm tai giữa cấp tính.
  • Ngăn chặn hiện tượng xuất tinh sớm khi giao hợp. 
  • Hỗ trợ gây tê tại vùng niêm mạc tai mũi họng, âm đạo, ngoài da,... trong trường hợp cần thực hiện các thủ thuật để thăm khám hay điều trị. 

Một số sản phẩm Benzocaine giúp gây tê tại chỗ 

2. Benzocaine được chỉ định sử dụng trong trường hợp nào? 

Với tác dụng giảm đau và gây tê tại chỗ, Benzocaine thường được chỉ định trong những trường hợp dưới đây: 

  • Điều trị giảm đau và giảm cảm giác khó chịu cho người bị đau răng, đau họng, kích ứng da (như ong đốt, mụn nhọt hay cháy nắng), người bị kích ứng vùng âm đạo, hậu môn (như bệnh trĩ),... 
  • Hỗ trợ điều trị phòng ngừa xuất tinh sớm khi giao hợp. 
  • Hỗ trợ gây tê tại chỗ để thực hiện thủ thuật cần thiết: ngoài da hoặc gây tê niêm mạc miệng, mũi họng. 
  • Hỗ trợ gây tê âm đạo, trực tràng trong quá trình đưa thiết bị vào cơ thể phục vụ thăm khám. 

Benzocaine có tác dụng giảm đau, giảm kích ứng da khi bị côn trùng đốt 

3. Chống chỉ định 

Trường hợp chống chỉ định, không nên dùng Benzocaine gồm có: 

  • Người bị mẫn cảm với Benzocaine hoặc thuốc gây tê tại chỗ khác thuộc nhóm Butacaine và Procaine. 
  • Người có tiền sử hoặc đang bị methemoglobinemia - một rối loạn máu hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể làm giảm khả năng vận chuyển oxy. 
  • Người sử dụng thuốc ức chế men Cholinesterase hoặc những loại thuốc thuộc nhóm Sulfonamide. 
  • Người có nhiễm trùng da đang tiến triển hoặc vết thương hở. 
  • Trẻ em dưới 2 tuổi. 

Người bị nhiễm trùng da không nên dùng Benzocaine 

4. Cách sử dụng 

Các dạng bào chế của Benzocaine tương đối đa dạng. Trong đó, phổ biến hơn cả là:

  • Dạng viên nén ngậm phối hợp. 
  • Dạng kem, gel, thuốc mỡ. 
  • Dung dịch nhỏ tai. 
  • Dạng dung dịch xịt miệng. 

Như vậy, cách dùng thuốc sẽ phụ thuộc theo từng dạng bào chế. Trước khi dùng thuốc, bạn cần chú ý tham khảo tư vấn của bác sĩ. 

5. Liều dùng Benzocaine 

Thuốc Benzocaine có thể được chỉ định cho người lớn và trẻ nhỏ trên 4 tuổi trong điều trị kích ứng ngoài da, đau họng, bệnh trĩ,... Liều lượng áp dụng cho từng đối tượng sẽ thay đổi theo tình trạng bệnh lý cụ thể. 

5.1. Đối với người trưởng thành

Sau đây là liều lượng sử dụng Benzocaine cho người trưởng thành trong từng trường hợp:

  • Trị ong đốt, côn trùng cắn, bỏng hoặc cháy nắng nhẹ: Thoa một lượng nhỏ Benzocaine 5% đến 20% vào vùng da bị tổn thương, hai lần dùng thuốc cách nhau 6 đến 8 tiếng. 
  • Điều trị kích ứng miệng hoặc nướu răng: Sử dụng gel Benzocaine 10% đến 20% thoa vào vùng kích ứng.
  • Trị đau họng: Dùng Benzocaine dạng viên ngậm, hai lần ngậm thuốc cách nhau 2 tiếng, thời gian dùng thuốc tối đa không quá 2 ngày. 
  • Điều trị bệnh trĩ: Thoa một lượng nhỏ Benzocaine 5% đến 20% vào vùng bị tổn thương, hai lần bôi thuốc cách nhau 4 tiếng. 
  • Trị mụn nhọt: Thoa một lượng Benzocaine 20% vào vùng bị mụn, hai lần bôi thuốc cách nhau 12 tiếng. 
  • Trị đau răng: Sử dụng Benzocaine 2.5% đến 20% điều chế theo dạng dung dịch. 
  • Điều trị xuất tinh sớm: Dùng Benzocaine điều chế theo dạng gel 7.5%. Nam giới có thể thoa thuốc vào dương vật trước thời điểm quan hệ 15 đến 20 phút. Sau khi quan hệ, bạn nên vệ sinh sạch vùng kín. 
  • Điều trị viêm tai giữa hoặc viêm tai ngoài cấp tính: Nhỏ 4 đến 5 giọt Benzocaine 20% vào bên tai bị viêm, hai lần nhỏ thuốc cách nhau 1 đến 2 tiếng. 

5.2. Đối với trẻ em

Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể sử dụng Benzocaine để điều trị một số dạng kích ứng nhẹ. Sau đây là liều lượng tham khảo cho từng trường hợp: 

  • Điều trị kích ứng nướu răng: Thoa một lượng nhỏ Benzocaine 7.5% đến 10% vào khu vực nướu bị đau. 
  • Trị ong đốt và côn trùng đốt, cháy nắng, bỏng nhẹ: Thoa một lượng nhỏ Benzocaine 5% đến 20% vào vùng da bị tổn thương, hai lần dùng thuốc cách nhau 6 đến 8 tiếng. 
  • Điều trị kích ứng miệng hoặc nướu răng: Dùng gel Benzocaine 10% đến 20%. 
  • Điều trị đau họng cho trẻ trên 5 tuổi: Sử dụng Benzocaine dạng viên ngậm, hai lần ngậm thuốc cách nhau 2 tiếng, thời gian dùng thuốc tối đa không quá 2 ngày. 
  • Điều trị trĩ cho trẻ trên 12 tuổi: Thoa một lượng vừa đủ Benzocaine 5% đến 20% vào vùng bị tổn thương, hai lần bôi thuốc cách nhau 4 tiếng.

6. Tác dụng có thể xuất hiện ở người được điều trị bằng Benzocaine 

Ngoài tác dụng gây tê tại chỗ, giảm kích ứng, Benzocaine đôi khi vẫn khiến người dùng gặp phải một vài tác dụng phụ như: 

  • Da bị bỏng rát, ngứa ngáy, nổi phát ban, có cảm giác như bị châm chích. 
  • Đau nhức đầu. 
  • Mất tập trung. 
  • Khó thở, chóng mặt. 
  • Nhịp tim tăng nhanh. 
  • Phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng (phản ứng dị ứng nghiêm trọng). 
  • Nước tiểu chuyển sang màu đậm. 
  • Cơ thể lên cơn sốt cao. 
  • Buồn nôn. 
  • Đau họng. 
  • Chảy máu hoặc xuất hiện vết bầm tím bất thường trên da.
  • Môi, móng tay hoặc da chuyển xanh tím - dấu hiệu của methemoglobinemia.
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược,...

Benzocaine đôi khi có thể khiến người dùng cảm thấy chóng mặt

7. Một vài lưu ý khi dùng thuốc

Những lưu ý quan trọng bạn cần ghi nhớ thực hiện trong quá trình điều trị bằng thuốc Benzocaine bao gồm:

  • Không dùng thuốc liên tục quá 7 ngày. 
  • Không tăng hoặc giảm liều lượng khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Nếu dùng Benzocaine trực tiếp vào vùng miệng, nướu, bạn không nên ăn uống trong vòng ít nhất 1 tiếng. 
  • Benzocaine có khả năng tương tác với một số loại thuốc như Sulfonamide, Hyaluronidase, Dapsone, Phenytoine,... Do đó, bạn không nên tự ý kết hợp các loại thuốc với nhau nếu chưa tham khảo tư vấn của bác sĩ. 
  • Theo dõi kỹ các thay đổi tại vùng dùng thuốc hoặc triệu chứng khác lạ trên cơ thể. Trường hợp nhận thấy tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn không nên tiếp tục sử dụng.

Bạn không nên tự ý kết hợp các loại thuốc với nhau nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ 

Lưu ý: 

  • Liều dùng Benzocaine cho người trưởng thành và trẻ nhỏ được đề cập trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. 
  • Bạn không nên tự ý dùng thuốc nếu chưa được bác sĩ thăm khám, kê đơn hướng dẫn cụ thể. 

Benzocaine được sử dụng phổ biến trong điều trị kích ứng ngoài da, gây tê trong trường hợp cần đưa dụng cụ y tế vào cơ thể thăm khám. Loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu dùng không đúng cách. Vì vậy, bạn hãy đi thăm khám khi cơ thể có biểu hiện bất thường để bác sĩ tư vấn và có đơn thuốc phù hợp, tránh tự ý sử dụng thuốc tại nhà. Một địa chỉ y tế uy tín bạn có thể lựa chọn là Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu cần đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.