Các tin tức tại MEDlatec

Betamethasone là thuốc gì? Công dụng và liều dùng

Ngày 09/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Betamethasone là một corticosteroid tổng hợp, thường được dùng trong việc điều trị nhiều tình trạng viêm và dị ứng. Việc sử dụng betamethasone phải theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ tiềm ẩn. Những thông tin chi tiết về loại thuốc này sẽ có ngay trong bài viết sau, cùng tìm hiểu nhé!

1. Thông tin khái quát về betamethasone

Betamethasone là một loại thuốc thuộc nhóm glucocorticoid – một nhóm corticosteroid tổng hợp. Betamethasone hoạt động bằng cách ngăn chặn cơ thể sản xuất các chất gây viêm đồng thời ức chế hoạt động của các tế bào bạch cầu, qua đó làm giảm các triệu chứng viêm, sưng, dị ứng.

Bên cạnh đó, thuốc còn ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể trong các bệnh tự miễn như lupus và viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc liều cao hoặc kéo dài có thể gây suy giảm hệ miễn dịch có thể gây ra nhiễm trùng.

Betamethasone dạng viên nén

Betamethasone có sẵn dưới nhiều dạng bào chế khác nhau, phù hợp với các nhu cầu điều trị khác nhau:

  • Viên nén: Hàm lượng phổ biến là 0,5 mg và 0,6 mg.
  • Dạng thuốc tiêm: Với hàm lượng 4 mg/ml.
  • Thuốc bôi ngoài da: Betamethasone có dạng cream, mỡ, gel với hàm lượng 0,05% và 0,1%.
  • Sirô: Dạng lỏng với hàm lượng 0,6 mg/5 ml.
  • Dung dịch thụt: Hàm lượng 5 mg/100 ml.

2. Tác dụng của betamethasone

Betamethasone là loại thuốc đa năng, được ứng dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh lý như liên quan đến viêm, dị ứng, và các rối loạn tự miễn. Một số tác dụng chính của thuốc gồm: 

  • Điều trị các bệnh lý về xương khớp và cơ: Betamethasone thường được chỉ định cho các bệnh lý về khớp và cơ, bao gồm:

- Viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch, và viêm khớp vảy nến.

- Viêm mỏm lồi cầu và viêm bao gân cấp.

- Viêm cơ và mô xơ, các tình trạng viêm đau nhức do tổn thương mô liên kết.

  • Điều trị các bệnh hệ thống tạo keo: Thuốc giúp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng của những bệnh lý thuộc nhóm này như:

- Lupus ban đỏ hệ thống.

- Xơ cứng bì và viêm da cơ.

  • Điều trị dị ứng và các bệnh về da: Betamethasone giúp làm giảm các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và các bệnh lý về da như:

- Hen phế quản và viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm.

- Dị ứng da, viêm da bong tróc, viêm da do tiếp xúc, cùng các tình trạng da mạn tính như vảy nến, sẹo lồi, và phát ban đỏ.

  • Các bệnh nội tiết: Thuốc còn được dùng trong điều trị các bệnh lý nội tiết như 

- Suy vỏ thượng thận tiên phát và thứ phát.

- Tăng sản thượng thận bẩm sinh và tăng calci huyết do ung thư.

Ngoài ra, betamethasone còn được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác như: Viêm kết mạc dị ứng, viêm giác mạc, viêm tuyến giáp không mưng mủ, bệnh lý về đường hô hấp, các bệnh về máu, tiêu hóa và cả các bệnh ung thư.

Thuốc có tác dụng trong việc điều trị viêm khớp

3. Chỉ định và Chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh khớp và mô mềm: Điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp vảy nến, viêm gân, viêm cơ và các bệnh viêm thấp khớp khác.
  • Bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ, xơ cứng bì và các bệnh mô liên kết.
  • Các bệnh lý liên quan đến dị ứng: Viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc kéo dài, hen suyễn, viêm da cơ địa, nổi mề đay, và các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ.
  • Bệnh da liễu: Điều trị các tình trạng như vảy nến, chàm, viêm da do tiếp xúc, sẹo lồi, lupus ban dạng đĩa, và viêm da bong tróc.
  • Bệnh nội tiết: Suy vỏ thượng thận nguyên phát hoặc thứ phát, viêm tuyến giáp không sinh mủ, và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
  • Bệnh về mắt: Viêm kết mạc do dị ứng, viêm giác mạc, và các bệnh lý viêm khác liên quan đến mắt.
  • Bệnh đường hô hấp: Hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, và viêm phổi dị ứng.
  • Các bệnh về máu: Giảm tiểu cầu miễn dịch thứ phát, thiếu máu tán huyết, phản ứng sau truyền máu.

Viêm mũi dị ứng do thời tiết, môi trường

Chống chỉ định:

  • Quá nhạy cảm với các thành phần của thuốc: Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc nhạy cảm với betamethasone, các corticosteroid khác, hoặc bất kỳ thành phần nào trong công thức thuốc.
  • Nhiễm trùng toàn thân chưa kiểm soát: Betamethasone không nên sử dụng khi bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc nhiễm virus toàn thân, vì thuốc có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đái tháo đường: Sử dụng betamethasone có thể làm tăng mức đường huyết, do đó bệnh nhân bị tiểu đường cần tránh hoặc cẩn trọng khi sử dụng thuốc này.
  • Bệnh tâm thần: Bệnh nhân có tiền sử rối loạn tâm thần hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể bị ảnh hưởng bởi corticosteroid, vì thuốc có thể làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

4. Cách dùng betamethasone

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, đối tượng khác nhau mà bác sĩ chỉ định sử dụng betamethasone theo các phương pháp khác nhau. Trong đó bao gồm các phương pháp chính là: 

  • Đường uống: Betamethasone được dùng dưới dạng viên nén hoặc dung dịch uống. Phổ biến nhất là betamethasone hoặc betamethasone phosphat.
  • Đường tiêm: Thuốc có thể được tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp dưới dạng ester natri phosphat. Hoặc sử dụng tiêm tại chỗ vào các mô mềm.
  • Đường hít: Betamethasone valerat được sử dụng để dự phòng cơn hen suyễn bằng cách hít qua đường mũi.
  • Bôi ngoài da: Với các bệnh về da liễu sẽ sử dụng betamethasone được bào chế dưới dạng kem, mỡ, gel hoặc lotion bôi trực tiếp lên vùng da bị viêm.

Kem bôi betamethasone

Liều dùng betamethasone

Betamethasone là loại thuốc không tự ý sử dụng, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Tùy thuộc vào phác đồ điều trị, tình trạng bệnh cũng như đối tượng, bác sĩ sẽ kê liều lượng betamethasone phù hợp. Tham khảo:

  • Người lớn:

- Đường uống: Thường sử dụng với liều từ 0,5 mg - 5 mg mỗi ngày.

- Tiêm tĩnh mạch, bắp: Liều dùng từ 4mg - 20mg betamethasone.

- Tiêm tại chỗ mô mềm: 4mg - 8mg betamethasone.

- Betamethasone dạng bôi điều trị dị ứng, viêm với nồng độ 0,1%. Còn điều trị các bệnh ngoài da khác nồng độ betamethasone là 0,05% - 0,1%.

- Đường hít: mới bắt đầu dùng với liều 200 microgam, 4 lần/ ngày.

  • Trẻ em:

- Tiêm tĩnh mạch chậm cho trẻ dưới 1 tuổi: 1mg

- Tiêm tĩnh mạch chậm cho trẻ từ 1 - 5 tuổi: 2mg

- Tiêm tĩnh mạch chậm cho trẻ từ 6-12 tuổi: 4mg

- Liều có thể nhắc lại từ 3 - 4 lần/ ngày tùy theo chỉ định của bác sĩ.

5. Tác dụng phụ của betamethasone 

Như nhiều loại corticosteroid khác, betamethasone có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách hoặc kéo dài quá lâu. Bao gồm:

  • Rối loạn điện giải, mất nước và kali, khiến da phù nề.
  • Rối loạn kinh nguyệt, có thể không đều, hoặc các triệu chứng tương tự hội chứng Cushing do việc dùng corticosteroid trong thời gian dài.
  • Rối loạn chuyển hóa đường, tăng nguy cơ tiểu đường tiềm ẩn.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.
  • Ảnh hưởng đến cơ xương, có thể bị yếu cơ, hoặc loãng xương, hay bị teo da và mô dưới da.
  • Rối loạn tâm trạng, gây mất ngủ nghiêm trọng.
  • Gặp các vấn đề về thị lực, hay đục thủy tinh thể.
  • Có thể tác động đến dạ dày bị viêm loét, với nguy cơ thủng dạ dày và xuất huyết. 
  • Phản ứng dị ứng như viêm da dị ứng, nổi mề đay, hoặc phù mạch. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể xuất hiện phản ứng phản vệ, dẫn đến tăng huyết áp.

Sử dụng betamethasone trong thời gian dài có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.

6. Lưu ý khi dùng betamethasone

  • Sử dụng liều thấp nhất để kiểm soát được bệnh điều trị. Khi giảm liều, cần thực hiện từ từ để tránh nguy cơ suy thượng thận cấp tính.
  • Cần thận trọng khi sử dụng cho những người có tiền sử suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, động kinh, glaucoma, suy gan, suy thận, loãng xương, suy giáp, loét dạ dày, và rối loạn tâm thần.
  • Trẻ em và người cao tuổi cần thận trọng khi sử dụng bởi dễ gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc, đặc biệt là chậm tăng trưởng ở trẻ.
  • Nguy cơ nhiễm trùng tăng do ức chế miễn dịch, không dùng khi chưa kiểm soát nhiễm khuẩn.
  • Không dùng cho người bị lao tiến triển hoặc nghi lao trừ khi kết hợp với thuốc chống lao.
  • Tránh tiếp xúc với người mắc thủy đậu hoặc herpes zoster.
  • Không tiêm vaccine sống trong vòng 3 tháng sau khi dùng betamethasone liều cao.
  • Bôi thuốc tại chỗ cần cẩn thận trên vùng da tổn thương rộng, trẻ em cần giám sát kỹ để tránh tác dụng phụ toàn thân.
  • Không dùng cho trẻ sơ sinh vì thuốc chứa natri benzoate có thể gây hại cho tim, hô hấp và thần kinh.

Betamethasone là một loại thuốc corticosteroid mạnh, được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm viêm nhiễm và dị ứng. Mọi thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân không được tự ý sự dụng thuốc nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu được kê đơn dùng thuốc này, người dùng cần phải cẩn trọng khi sử dụng và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng betamethasone hoặc cần thăm khám, bạn hãy đến ngay Hệ thống y tế MEDLATEC để được các bác sĩ tư vấn và chăm sóc tận tình. Bạn có thể đặt lịch nhanh chóng qua số Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.