Các tin tức tại MEDlatec
Biểu hiện của thiếu sắt: nhận biết và khắc phục
- 17/06/2021 | Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em: nguyên nhân và cách bổ sung
- 13/06/2023 | Thiếu máu do thiếu sắt: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
- 17/06/2024 | Chỉ số sắt trong máu qua xét nghiệm sắt huyết thanh: những vấn đề cần biết
1. Tầm quan trọng của sắt đối với trẻ nhỏ
1.1. Vai trò của sắt đối với cơ thể trẻ nhỏ
Sắt là một khoáng chất thiết yếu có vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh học của cơ thể. Đặc biệt, sắt tham gia vào quá trình hình thành hemoglobin - protein đảm nhận chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và cơ quan. Khi cơ thể không được cung cấp đủ sắt, việc sản xuất hemoglobin bị suy giảm nên dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
Các lợi ích cơ bản của sắt đối với trẻ nhỏ
Sắt cũng rất cần đối với sự phát triển và chức năng của não bộ. Sắt tham gia vào quá trình tổng hợp và duy trì các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và norepinephrine, các chất này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, hành vi và khả năng nhận thức.
Đối với hệ miễn dịch, sắt giúp chống lại các tác nhân gây bệnh bằng cách tham gia vào quá trình sản xuất và khả năng hoạt động của tế bào miễn dịch. Trẻ em bị thiếu sắt thường có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
1.2. Nhu cầu sắt ở trẻ nhỏ
Nhu cầu sắt của trẻ nhỏ thay đổi tùy theo từng giai đoạn phát triển, đặc biệt tăng cao trong những năm đầu đời do tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng.
- Giai đoạn 0 - 6 tháng
Đây là thời điểm cơ thể trẻ cơ thể trẻ được nhận lượng sắt dự trữ từ mẹ trong giai đoạn bào thai và sữa mẹ trong quá trình cho con bú, hoặc từ sữa công thức. Vì thế, hầu như trẻ sơ sinh không cần bổ sung thêm sắt. Trẻ sinh non hoặc có mẹ bị thiếu máu sẽ có lượng sắt dự trữ thấp nên có thể cần bổ sung sắt theo liều chỉ định từ bác sĩ.
- Giai đoạn 6 - 24 tháng
Đây là thời kỳ trẻ bắt đầu ăn dặm, nhu cầu sắt tăng lên đáng kể vì sắt từ sữa mẹ không còn đủ. Trẻ cần khoảng 11mg sắt/ngày từ các thực phẩm như thịt đỏ, cá, đậu, rau xanh, ngũ cốc,... Việc bổ sung thực phẩm giàu sắt là cần thiết để tránh xuất hiện biểu hiện của thiếu sắt trong giai đoạn này.
- Giai đoạn 2 - 5 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ cần khoảng 7 - 10 mg sắt/ ngày. Chế độ ăn của trẻ cần được tiếp tục cung cấp các thực phẩm giàu sắt. Hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn này cũng bắt đầu hoàn thiện để hấp thu sắt hiệu quả hơn.
Nhu cầu sắt của trẻ nhỏ theo các mốc tuổi
2. Các biểu hiện của thiếu sắt thường gặp ở trẻ nhỏ
2.1. Yếu và mệt
Đây là một trong các biểu hiện của thiếu sắt phổ biến nhất. Trẻ thiếu sắt thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng để tham gia các hoạt động vui chơi hay học tập. Thậm chí, trẻ còn cảm thấy yếu và mệt khi thực hiện các hoạt động thường ngày.
2.2. Da dẻ xanh xao
Thiếu sắt dẫn đến giảm số lượng hồng cầu nên da của trẻ trở nên xanh xao, nhất là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, và niêm mạc miệng. Đây là biểu hiện của thiếu sắt rõ ràng nhất và thường khiến cha mẹ lo lắng.
2.3. Hành vi thay đổi
Trẻ thiếu sắt thường có những thay đổi về hành vi như cáu kỉnh, khó chịu, kém tập trung,... Những biểu hiện này là kết quả của tình trạng thiếu oxy lên não gây ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và tâm trạng của trẻ. Trẻ có thể khó ngủ và dễ quấy khóc hơn bình thường.
2.4. Rối loạn ăn uống
Thiếu sắt cũng ảnh hưởng đến khẩu vị của trẻ. Trẻ có thể chán ăn, ăn kém hoặc thay đổi thói quen ăn uống,... dẫn đến suy dinh dưỡng. Cũng vì suy dinh dưỡng mà tình trạng thiếu sắt ở trẻ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
2.5. Chậm phát triển
Biểu hiện của thiếu sắt không thể bỏ qua nữa là trẻ chậm lớn, chậm biết đi, gặp khó khăn trong việc học tập và ghi nhớ. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, có thể để lại hậu quả lâu dài nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2.6. Dễ bị nhiễm trùng
Thiếu sắt làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn. Trẻ có thể thường xuyên bị ốm, cảm cúm, mắc các bệnh nhiễm trùng khác do khả năng đề kháng giảm.
2.7. Các biểu hiện khác
Ngoài các biểu hiện của thiếu sắt phổ biến trên đây thì trẻ cũng có thể gặp các biểu hiện khác như:
- Tóc mỏng, dễ rụng, dễ gãy.
- Móng tay giòn, dễ gãy.
- Khó thở, nhịp tim nhanh hơn do cơ thể cố gắng bù đắp cho việc thiếu oxy.
- Vết thương khó lành.
Biểu hiện của thiếu sắt phổ biến nhất ở trẻ nhỏ
3. Cách khắc phục thiếu sắt ở trẻ nhỏ
3.1. Ăn uống cân bằng
Đảm bảo cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng là biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ xuất hiện biểu hiện của thiếu sắt. Để làm được điều này mẹ cần chú ý bổ sung cho con:
- Thực phẩm giàu sắt
+ Các loại thịt: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu,... chứa hàm lượng sắt cao, dễ hấp thu.
+ Cá biển và hải sản: cá hồi, cá thu, tôm, cua,...
+ Gan động vật là nguồn cung cấp sắt phong phú nhưng nên sử dụng ở mức độ vừa phải.
+ Đậu, hạt chia, hạt bí,...
+ Rau xanh lá: cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh,... đều là rau giàu sắt.
+ Các loại ngũ cốc nguyên hạt.
- Kết hợp nhóm thực phẩm giàu C
Vitamin C là yếu tố thúc đẩy hấp thu sắt. Vì thế, để cải thiện biểu hiện của thiếu sắt ở trẻ, mẹ cũng cần bổ sung các nguồn vitamin C tốt cho con như: cam, quýt, dâu tây, kiwi, xoài, ớt chuông, bông cải xanh, cà chua, rau cải,...
3.2. Sử dụng thực phẩm bổ sung
Nếu chế độ ăn uống có thể không cung cấp đủ sắt cho nhu cầu cơ thể, nhất là trẻ có nhu cầu sắt cao hoặc có vấn đề về hấp thu sắt; thì bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn bổ sung sắt từ dược phẩm cho trẻ.
Thiếu sắt ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhận biết sớm các biểu hiện của thiếu sắt và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời từ bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe, xét nghiệm vi chất cho trẻ có thể liên hệ đặt lịch cùng Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!