Tin tức

Chỉ số sắt trong máu qua xét nghiệm sắt huyết thanh: những vấn đề cần biết

Ngày 16/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Sắt đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể nên bất cứ sự thay đổi nào về chỉ số sắt trong máu đều tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe. Để biết được chỉ số sắt có bình thường hay không thì nên làm xét nghiệm sắt huyết thanh. Xét nghiệm này được chỉ định khi nào, có ý nghĩa ra sao,... Những thông tin về xét nghiệm này sẽ được đề cập trong bài viết sau.

1. Sắt và vai trò đối với cơ thể

Sắt là khoáng chất rất cần với huyết sắc tố và protein trong tế bào hồng cầu chứa oxy, cơ bắp và chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Sắt đảm nhận chức năng vận chuyển oxy đến các mô và gián tiếp tham gia vào quá trình hô hấp.

Mô phỏng vai trò của sắt đối với cơ thể

Mô phỏng vai trò của sắt đối với cơ thể

Khi cơ thể dư thừa quá nhiều hoặc bị thiếu sắt có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như:

- Thiếu sắt

Ở giai đoạn đầu của thiếu sắt, kho dự trữ sắt trong cơ thể cạn kiệt dần, tuy vẫn có đủ sắt để tạo ra các tế bào màu đỏ nhưng dần dần dự trữ máu sẽ hết, chỉ số sắt trong máu ở mức thấp.

Nếu thiếu sắt kéo dài, cơ thể sẽ bị hết lượng sắt dự trữ nên phải sản xuất nhiều transferrin hơn để tăng vận chuyển sắt bù đắp lượng sắt thiếu hụt. Kết quả của tình trạng này chính là nồng độ sắt trong huyết thanh cứ thế giảm xuống, liên kết sắt không bão hòa và transferrin tăng, tế bào hồng cầu ít được tạo ra và cuối cùng là thiếu máu do thiếu sắt.

- Thừa sắt

Dư thừa lượng lớn sắt trong một thời gian ngắn hay khi uống một lượng sắt quá lớn sẽ gây ngộ độc sắt. Một số trường hợp ngộ độc sắt cấp tính dẫn đến tử vong. Thừa sắt cũng có thể gặp phải ở người bị bệnh hemosiderosis và nhóm người đã truyền máu nhiều lần. Lượng sắt được truyền vào cơ thể tích tụ dần trong các mô, khi quá dư thừa sẽ gây ứ sắt.

2. Chỉ số sắt trong máu qua xét nghiệm sắt huyết thanh

2.1. Xét nghiệm sắt huyết thanh là như thế nào?

Để biết chỉ số sắt trong máu có nằm trong phạm vi cho phép hay không cần thực hiện xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh. Xét nghiệm này cho biết nồng độ sắt trong máu  ở thời điểm hiện tại từ đó bác sĩ sẽ có căn cứ để chẩn đoán cơ thể có bị thiếu sắt hay không  và điều trị phù hợp.

Xét nghiệm sắt huyết thanh thường được chỉ định với các trường hợp có dấu hiệu thiếu máu hoặc đi kèm với xét nghiệm khác có kết quả bất thường.

Xét nghiệm sắt huyết thanh giúp xác định chỉ số sắt trong máu

Xét nghiệm sắt huyết thanh giúp xác định chỉ số sắt trong máu

2.2. Chỉ định của xét nghiệm sắt huyết thanh

Xét nghiệm sắt huyết thanh được chỉ định với các trường hợp:

- Xét nghiệm tổng phân tích máu có chỉ số huyết sắc tố giảm ( thiếu máu nghi do thiếu sắt). 

- Có triệu chứng nghi ngờ bị thiếu sắt như: niêm mạc nhợt nhạt, da xanh, lưỡi nhợt và nhẵn do gai lưỡi bị mòn hoặc bị mất, móng bị khô và dễ gãy, thường xuyên cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, khả năng hoạt động thể lực và trí lực suy giảm, tức ngực,...

2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của xét nghiệm sắt huyết thanh

Chỉ số sắt trong máu của kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh sẽ không đảm bảo tính chính xác khi:

- Thời gian gần trước khi xét nghiệm người bệnh thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu chất sắt, truyền máu, uống thuốc sắt.

- Dùng thuốc tránh thai, ma túy, rượu bia.

- Sử dụng một số loại thuốc trước khi làm xét nghiệm sắt huyết thanh như: aspirin liều cao, testosterone, metformin,...

- Trước ngày xét nghiệm người bệnh thường xuyên thiếu ngủ, căng thẳng.

Để đảm bảo tính chính xác cao nhất, bác sĩ thường khuyến cáo thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh cùng với xét nghiệm khác.

2.4. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh

Như vậy, có thể hiểu rằng, xét nghiệm sắt huyết thanh giúp đưa ra chỉ số sắt trong máu nhờ đó bác sĩ có thể đánh giá được về khả năng chuyển hóa sắt trong cơ thể.

- Chỉ số xét nghiệm máu huyết thanh bình thường

+ Chỉ số sắt huyết thanh ở nam giới: 70 - 175 mcg/dL (12.5 - 31.3 mcmol/L).

+ Chỉ số huyết thanh ở nữ giới: 50 - 150 mcg/dL (8.9 - 26,8 mcmol/L).

Giá trị tham chiếu này sẽ có sự khác nhau tùy theo đơn vị đo và phương pháp thử nghiệm được áp dụng ở các phòng thí nghiệm.

Một số thông số tham khảo trong kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh

Một số thông số tham khảo trong kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh

- Kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh cho chỉ số cao khi:

+ Bị nhiễm sắc tố sắt.

+ Dư thừa sắt.

+ Mắc bệnh gan cấp tính, viêm thận, viêm gan, thiếu máu tăng sắc.

+ Tế bào gan bị hoại tử.

- Kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh cho chỉ số thấp khi:

+ Bị thiếu máu xuất phát từ thiếu sắt.

+ Bệnh Kwashiorkor.

+ Suy dinh dưỡng.

+ Gặp vấn đề về giảm hấp thụ: tiêu chảy mạn, hội chứng giảm hấp thụ, bệnh dạ dày, sau cắt dạ dày, dịch vị thiếu acid,...

+ Bị mất máu sau phẫu thuật, quá trình sản phụ khoa, qua đường tiêu hóa hoặc tiết niệu.

+ Nhu cầu về sắt của cơ thể tăng nhưng chế độ ăn không cung cấp đủ.

+ Cơ thể trong giai đoạn sinh trưởng, kinh nguyệt, mang thai, sau phẫu thuật.

+ Bị nhiễm trùng.

+ Cơ thể mắc hội chứng viêm.

+ Ung thư biểu mô.

+ Một số nguyên nhân khác: hội chứng thận hư, suy giáp, tăng urê máu, bị bỏng trên diện rộng,...

2.5. Lưu ý khi xét nghiệm sắt huyết thanh

Với xét nghiệm sắt huyết thanh, người bệnh sẽ được lấy máu tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay để bảo quản đúng quy định và đưa đến phòng thí nghiệm. Quy trình này thực hiện tương đối đơn giản, an toàn và nhanh chóng, người bệnh chỉ có cảm giác châm chích trong giây lát và hoàn toàn không phải chịu ảnh hưởng bất lợi nào cho sức khỏe.

Chỉ số sắt trong máu thường thay đổi theo các thời điểm trong ngày, chủ yếu cao vào buổi sáng và thấp hơn ở buổi chiều. Vì thế, để đảm bảo có kết quả xét nghiệm chính xác thì nên lấy mẫu vào buổi sáng.

Do có nhiều yếu tố tác động đến sự thiếu chính xác của kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh như đã kể ra ở trên nên trước khi làm xét nghiệm người bệnh nên nhịn ăn ít nhất 12 giờ, 1 - 2 ngày trước khi làm xét nghiệm không nên uống thuốc bổ sung sắt.

Quý khách hàng còn băn khoăn nào khác liên quan đến xét nghiệm sắt huyết thanh hoặc có nhu cầu xét nghiệm sắt huyết thanh tại nhà để xác định chỉ số sắt trong máu có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để nhận được những thông tin chính xác. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ