Các tin tức tại MEDlatec

Bụng đói uống thuốc hạ sốt được không, nên uống khi nào để đảm bảo an toàn?

Ngày 28/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Khi bị sốt, nhiều người có thói quen uống thuốc ngay mà không để ý tới tình trạng dạ dày lúc đó. Vậy nên, bụng đói uống thuốc hạ sốt được không là câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không nắm rõ câu trả lời thì việc uống thuốc sai cách sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người bệnh. Chia sẻ dưới đây sẽ giải đáp chi tiết thắc mắc này đến bạn đọc.

1. Thuốc hạ sốt là gì? Có những thành phần nào?

Thuốc hạ sốt, hay còn gọi là thuốc giảm sốt, là nhóm dược phẩm có khả năng làm giảm thân nhiệt khi cơ thể bị sốt do nhiễm trùng, viêm hoặc rối loạn miễn dịch. Thuốc đóng vai trò điều hòa thân nhiệt khi thân nhiệt người bệnh tăng quá cao và kéo dài do sốt.

Cơ chế hoạt động chính của thuốc hạ sốt là ức chế tổng hợp prostaglandin tại vùng dưới đồi, nơi điều hòa thân nhiệt trung tâm. Prostaglandin là chất trung gian hóa học có vai trò kích hoạt phản ứng viêm và gây sốt. Khi lượng prostaglandin bị giảm, cơ thể sẽ hạ nhiệt.

Trong thuốc hạ sốt thường sẽ có những thành phần như:

Thuốc hạ sốt là nhóm dược phẩm có khả năng làm giảm thân nhiệt khi cơ thể bị sốt

  • Paracetamol: Đây là hoạt chất hạ sốt, giảm đau thông dụng nhất hiện nay, thường được ưu tiên trong điều trị sốt ở cả người lớn và trẻ em. Thuốc có hiệu lực tốt trong việc giảm thân nhiệt mà không gây ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch hay hệ hô hấp.
  • Ibuprofen: Thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), vừa giúp hạ sốt, vừa giảm đau và chống viêm. Thuốc thường được sử dụng khi sốt đi kèm với viêm, đau nhức cơ thể hoặc đau họng.
  • Aspirin: Thuộc nhóm NSAID, có tác dụng tương tự như Ibuprofen. Tuy nhiên, do nguy cơ gây hội chứng Reye ở trẻ em nên Aspirin không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 16 tuổi.
  • Metamizol: Là thuốc hạ sốt, giảm đau thuộc nhóm pyrazolone, ít phổ biến hơn nhưng có hiệu quả mạnh mẽ.

2. Bụng đói uống thuốc hạ sốt được không và nên uống khi nào thì an toàn?

Câu hỏi bụng đói uống thuốc hạ sốt được không là thắc mắc khá phổ biến, nhất là khi người bệnh sốt cao nhưng lại không ăn được do mệt mỏi hoặc buồn nôn. Trên thực tế, việc dùng thuốc khi bụng đói phụ thuộc rất nhiều vào loại thuốc hạ sốt đang sử dụng. Cụ thể:

2.1. Một số loại thuốc hạ sốt và mức độ gây kích ứng dạ dày nếu uống lúc đói

Phần lớn các loại thuốc hạ sốt đều được khuyến cáo nên dùng sau khi ăn để đạt hiệu quả tốt nhất. Một số loại thuốc có thể dùng khi đói trong trường hợp khẩn cấp mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào. Nhưng ngược lại, một số loại thuốc hạ sốt uống khi đói có thể khiến tình trạng sức khỏe của người bệnh tệ đi. Thông tin chi tiết như sau:

2.1.1. Paracetamol (Acetaminophen)

Paracetamol là hoạt chất hạ sốt phổ biến nhất hiện nay. Ưu điểm lớn của loại thuốc này là ít gây kích ứng dạ dày, do đó có thể uống khi bụng đói trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, bệnh nhân vẫn nên ăn nhẹ trước khi dùng để hỗ trợ chuyển hóa thuốc hiệu quả hơn.

Câu trả lời cho thắc mắc bụng đói uống thuốc hạ sốt được không là nên ăn trước khi uống để thuốc phát huy tốt nhất

2.1.2. Ibuprofen và Aspirin

Khác với Paracetamol, Ibuprofen và Aspirin thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Việc dùng những loại thuốc này khi bụng đói làm tăng nguy cơ đau dạ dày, viêm loét hoặc thậm chí xuất huyết tiêu hóa.

Nếu sử dụng NSAID trong tình trạng không ăn được, nên ưu tiên dạng thuốc uống có bao phim hoặc dạng viên sủi để giảm tác động lên dạ dày. Nhưng tốt nhất vẫn là ăn nhẹ hoặc uống một ly sữa trước khi dùng thuốc.

Lưu ý: Nếu người bệnh đang trong tình trạng sốt cao kèm theo buồn nôn, nôn liên tục và không thể ăn, việc uống thuốc hạ sốt (dù là Paracetamol) cũng nên thận trọng và được hướng dẫn bởi bác sĩ. Trong trường hợp này, có thể cân nhắc các phương pháp hạ sốt khác như thuốc đặt hậu môn, truyền dịch, hoặc biện pháp vật lý như lau mát theo chỉ định của bác sĩ.

2.2. Nên uống thuốc hạ sốt khi nào?

Hiểu rõ thời điểm cần dùng thuốc hạ sốt sẽ giúp điều trị hiệu quả mà không gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là những tình huống nên cân nhắc sử dụng thuốc:

  • Khi sốt từ 38.5 độ C trở lên: Nhiệt độ cơ thể tăng trên 38.5 độ C được xem là sốt cao. Đây là ngưỡng mà nhiệt độ có thể gây khó chịu, đau đầu, mệt mỏi và ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan, đặc biệt ở trẻ em, người già và người có bệnh nền.
  • Khi sốt gây khó chịu, ảnh hưởng giấc ngủ hoặc sinh hoạt: Ngay cả khi chưa sốt đến 38.5 độ C, nhưng nếu cơ thể có biểu hiện run lạnh, đau nhức, không ngủ được hoặc quá mệt mỏi, có thể cân nhắc dùng thuốc để cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Khi sốt kéo dài liên tục trên 6 giờ không hạ: Trong trường hợp sốt kéo dài dù đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ như lau mát, uống nước, nghỉ ngơi,… thì nên dùng thuốc hạ sốt, kết hợp theo dõi sát nhiệt độ và biểu hiện toàn thân. Nếu sốt không thuyên giảm, cần đi khám để xác định nguyên nhân.

Nên dùng thuốc khi sốt kéo dài liên tục

3. Dùng thuốc hạ sốt cần lưu ý những gì?

Bên cạnh câu hỏi “bụng đói uống thuốc hạ sốt được không”, còn rất nhiều kiến thức căn bản xoay quanh việc dùng thuốc mà nhiều người chưa nắm rõ. Để giảm triệu chứng hiệu quả, không gây hại đến sức khỏe cũng như chức năng hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

3.1. Chỉ uống thuốc hạ sốt khi cần thiết

Thuốc hạ sốt không phải lúc nào cũng cần dùng ngay khi sốt. Sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thường là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại virus, vi khuẩn. Trường hợp này, chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, chườm ấm là đủ.

Theo đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi có những biểu hiện đã nêu phía trên của bài viết. 

3.2. Tránh dùng kết hợp các loại thuốc hạ sốt với nhau

Rất nhiều người có thói quen dùng nhiều loại thuốc cùng lúc để hạ sốt nhanh hơn. Tuy nhiên, một số thuốc có thể chứa thành phần giống nhau, điển hình là Paracetamol.

Người bệnh không dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc vì có thể gây tương tác thuốc

Tự ý kết hợp các loại thuốc hạ sốt có thể dẫn đến tình trạng bị quá liều, đặc biệt nguy hiểm cho gan. Đối với người lớn, liều Paracetamol tối đa trong 24 giờ không vượt quá 4.000 mg. Với trẻ em, liều tính theo cân nặng và phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ.

3.4. Dùng đúng liều lượng và khoảng cách giữa các lần dùng thuốc

Mỗi loại thuốc hạ sốt đều có hướng dẫn cụ thể về liều dùng và khoảng cách giữa các liều. Vậy nên bạn cần đọc kỹ thông tin hướng dẫn sử dụng và tham vấn từ bác sĩ để dùng thuốc hiệu quả nhất. Theo đó, liều lượng và khoảng cách thời gian khuyến cáo cho từng loại là:

  • Paracetamol: Khuyến cáo 10 - 15 mg/kg mỗi lần, mỗi lần uống cách nhau 4 - 6 giờ
  • Ibuprofen: Khuyến cáo dùng 5 - 10 mg/kg mỗi lần, mỗi lần uống cách nhau 6 - 8 giờ

Lưu ý: Không được uống hạ sốt sát giờ hoặc uống quá liều trong thời gian ngắn vì có thể gây ngộ độc gan, suy thận, loét dạ dày. Khi dùng thuốc, người bệnh nên tham khảo tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc giảm liều. 

3.5. Theo dõi dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc

Cần theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi sử dụng thuốc. Nếu có những dấu hiệu bất thường dưới đây, bạn cần ngưng sử dụng thuốc và đi kiểm tra ngay lập tức:

  • Phát ban, ngứa, khó thở.
  • Đau bụng dữ dội, tiểu ít.
  • Vẫn sốt cao không giảm sau 2 - 3 ngày dùng thuốc 

Ngưng dùng thuốc nếu có dấu hiệu phát ban

Qua những chia sẻ trên, chắc hẳn bạn đọc đã có câu trả lời cho thắc mắc “bụng đói uống thuốc hạ sốt được không?”. Tùy vào loại thuốc mà mức độ ảnh hưởng là khác nhau, nhưng sau cùng, các chuyên gia, bác sĩ vẫn khuyến cáo người bệnh nên uống thuốc sau khi ăn để đảm bảo an toàn. 

Tốt nhất, nếu cơ thể có triệu chứng bất thường, bạn nên đi thăm khám tại các địa chỉ y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để bác sĩ kiểm tra cụ thể hơn. Quý khách có thể liên hệ với MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch khám trước và được tư vấn chi tiết. 

Từ khoá: mệt mỏi huyết áp

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.