Các tin tức tại MEDlatec

Bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt là hiện tượng gì? Có đáng lo ngại không?

Ngày 21/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI.BSNT Phạm Văn Quang
Tình trạng bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt là triệu chứng không còn xa lạ, nhưng lại khiến nhiều người lo lắng vì không rõ nguyên nhân đến từ đâu. Liệu đây chỉ là dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thông thường, hay là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về hiện tượng này, nguyên nhân gây ra và khi nào cần đi khám để tránh biến chứng không mong muốn.

1. Nguyên nhân của tình trạng bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt

Hiện tượng bụng sôi kèm đi ngoài lỏng có bọt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả nguyên nhân tạm thời do ăn uống và các vấn đề liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa:

Rối loạn tiêu hóa do ăn uống

Ăn phải thực phẩm ôi thiu, không hợp vệ sinh, hoặc quá nhiều thực phẩm lạ có thể khiến hệ tiêu hóa phản ứng, dẫn đến đầy hơi, sôi bụng và đi ngoài phân lỏng có bọt. 

Không dung nạp đường lactose

Những người không tiêu hóa được lactose trong sữa và các sản phẩm từ sữa dễ gặp tình trạng đầy bụng, sôi bụng, tiêu chảy có bọt sau khi sử dụng các thực phẩm này.

Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus đường ruột

Một số vi khuẩn hoặc virus như E.coli, Rotavirus có thể gây tiêu chảy cấp kèm theo sôi bụng, phân lỏng và có bọt, đôi khi kèm theo đau quặn bụng hoặc sốt. 

Tình trạng bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt có thể do tình trạng nhiễm khuẩn hoặc virus đường ruột 

Nhiễm ký sinh trùng

Một số ký sinh trùng như Giardia lamblia có thể gây tiêu chảy mạn, phân lỏng có bọt.

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột

Khi hệ vi sinh bị mất cân bằng (do dùng kháng sinh kéo dài, chế độ ăn thiếu chất xơ…), các vi khuẩn “có hại” phát triển, gây lên men thức ăn bất thường trong ruột, sinh khí và tạo bọt trong phân.

Hội chứng ruột kích thích 

Đây là rối loạn mạn tính ở đại tràng, gây đau bụng, thay đổi thói quen đi tiêu (lúc tiêu chảy, lúc táo bón), kèm theo hiện tượng bụng sôi, đầy hơi.

2. Người bị bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt cần làm gì? 

Tình trạng bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là những việc bạn nên làm để cải thiện tình trạng và ngăn ngừa diễn tiến xấu hơn:

Tạm thời điều chỉnh chế độ ăn uống

  • Tránh các thực phẩm dễ gây kích thích như sữa, đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị mạnh hoặc có tính axit cao;
  • Ăn nhẹ nhàng với cháo loãng, cơm mềm, chuối, bánh mì nướng để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa;
  • Uống đủ nước, có thể bổ sung oresol (nếu đi ngoài nhiều lần) để bù điện giải.

Điều chỉnh lại chế độ ăn uống khi xuất hiện tình trạng bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt

Theo dõi biểu hiện đi kèm

  • Ghi nhận tần suất đi ngoài, màu sắc, mùi và tính chất phân (có nhầy, máu không...);
  • Chú ý các triệu chứng khác như sốt, đau quặn bụng, đầy hơi kéo dài hoặc mệt mỏi, mất nước.

Nghỉ ngơi và tránh căng thẳng

Căng thẳng tâm lý có thể làm Rối loạn tiêu hóa nặng hơn, nhất là với người mắc hội chứng ruột kích thích.

Không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy

  • Một số thuốc cầm tiêu chảy có thể gây hại nếu nguyên nhân tiêu chảy là nhiễm trùng đường ruột, do cơ thể cần đào thải vi khuẩn ra ngoài;
  • Nên dùng men vi sinh hoặc theo chỉ định của bác sĩ nếu tình trạng kéo dài.

Thời điểm cần đi khám 

  • Nếu tình trạng không cải thiện sau 2–3 ngày điều chỉnh ăn uống;
  • Có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy kéo dài trên 3 lần/ngày, phân có nhầy, máu hoặc cơ thể có dấu hiệu mất nước (mắt trũng, khô miệng, tiểu ít...);
  • Người có bệnh lý nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận...) cần đi khám sớm hơn để tránh biến chứng.

3. Những câu hỏi phổ biến về tình trạng bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt

Tình trạng bụng sôi kèm đi ngoài phân lỏng có bọt thường gây hoang mang cho người bệnh, đặc biệt khi triệu chứng kéo dài hoặc tái phát. Dưới đây là những thắc mắc thường gặp và giải đáp ngắn gọn giúp bạn hiểu rõ hơn để chủ động chăm sóc sức khỏe: 

Bụng sôi kèm đi ngoài lỏng có bọt có nguy hiểm không?

Không phải lúc nào tình trạng này cũng nguy hiểm. Nếu nguyên nhân là do ăn uống hoặc rối loạn tiêu hóa tạm thời, triệu chứng thường tự cải thiện sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu kéo dài, tái phát hoặc kèm theo sốt, đau bụng dữ dội, mất nước… thì cần đi khám sớm.

Có cần kiêng ăn hoàn toàn khi bị đi ngoài không?

Tuyệt đối không nên nhịn ăn. Việc nhịn ăn có thể khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mất sức, đặc biệt nếu tiêu chảy kéo dài. Thay vào đó, hãy duy trì chế độ ăn nhẹ với những thực phẩm dễ tiêu như cháo loãng, cơm mềm, bánh mì nướng… Đồng thời, cần uống đủ nước hoặc dung dịch bù điện giải để tránh mất nước.

Trẻ nhỏ bị bụng sôi, đi ngoài lỏng có bọt có đáng lo?

Trẻ nhỏ gặp tình trạng bụng sôi, đi ngoài lỏng có bọt có thể là điều đáng lo nếu kéo dài. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, dễ mất nước và rối loạn điện giải khi tiêu chảy nhiều lần. Cha mẹ cần theo dõi kỹ các dấu hiệu như: môi khô, mắt trũng, tiểu ít, lười bú hoặc quấy khóc bất thường. Nếu sau 1–2 ngày, tình trạng không cải thiện hoặc kèm theo các biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Cha mẹ cần cẩn trọng nếu trẻ xuất hiện tình trạng bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt 

Men vi sinh có giúp cải thiện tình trạng này không?

Trong nhiều trường hợp, men vi sinh giúp khôi phục sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó giảm đầy bụng, sôi bụng và cải thiện tiêu hóa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, bạn nên lựa chọn sản phẩm phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia nếu cần dùng lâu dài hoặc dùng cho trẻ nhỏ.

Như vậy, nguyên nhân và cách xử trí của tình trạng bụng sôi đi ngoài lỏng có bọt đã được làm rõ. Nếu bạn đọc có thêm thắc mắc liên quan cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe tổng quát nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng, có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.