Các tin tức tại MEDlatec
Cách phân biệt bệnh bạch hầu với viêm họng, cảm lạnh thông thường
- 28/06/2020 | Bạch hầu là bệnh gì, có nguy hiểm không?
- 24/05/2020 | Bệnh bạch hầu và cách sàng lọc vi khuẩn bạch hầu có khó không?
1. Thế nào là bệnh bạch hầu?
Bệnh bạch hầu còn được gọi bằng tên quốc tế là Diphtheria, đây là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ lây lan nhất hiện nay. Bệnh có đặc trưng xuất hiện một lớp màng dày bên trong họng, mũi hoặc da. Thường thì sẽ gây tình trạng sưng to ở vùng cổ nên còn được ghi nhận như bệnh “cổ bò” trong Đông y.
Lớp màng dày màu trắng xuất hiện bên trong cổ họng của người bị bạch hầu
Con người chính là ổ chứa, đồng thời cũng là vật trung gian truyền bệnh. Khả năng lây nhiễm từ người sang người của bệnh được đánh giá khá cao và nhanh chóng. Theo ghi nhận của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) thì trẻ em thường là cá thể dễ mang mầm bệnh và lây lan hơn cả. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 - 10 ngày tùy xem vi khuẩn đó có phải là dạng mạn tính hay không.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch hầu là do các vi khuẩn cùng tên. Chúng là một dạng trực khuẩn không di động nhưng sẽ sản sinh ra các loại độc tố.
Các vi khuẩn bạch hầu là nguyên nhân gây bệnh chính
Khi các độc tố này xâm nhập vào cơ thể (thường là vị trí họng của bệnh nhân) thì quá trình tổng hợp tế bào cơ thể sẽ bị ức chế. Theo thời gian các tế bào này sẽ tự chết đi và hình thành các màng giả bám vào thành họng. Vi khuẩn lại tiếp tục theo máu đi khắp cơ thể và gây tổn thương cho quá trình tuần hoàn và cung cấp máu của cơ thể, tim, dây thần kinh,...
Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe con người và có thể khiến người mắc tử vong chỉ trong 7 - 10 ngày.
Bệnh chủ yếu lây lan trong cộng đồng thông qua đường hô hấp. Cũng có một số trường hợp người bị lây nhiễm do dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người bệnh, do vi khuẩn bám vào bề mặt da đang bị tổn thương,... Tuy nhiên các trường hợp này chỉ là cá biệt, chủ yếu vẫn cần đề phòng bệnh lây qua đường hô hấp.
2. Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Một người bình thường sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh sau khi đã nhiễm vi khuẩn từ 2 - 5 ngày. Các triệu chứng ban đầu được cho là khá tương đồng với triệu chứng cảm lạnh thông thường. Sau khi theo dõi bệnh nhân trong vòng 3 - 7 ngày sẽ thấy xuất hiện các lớp màng dày, màu trắng đục hoặc xám tại cổ họng hoặc amidan.
Triệu chứng khi bệnh khởi phát
Ngoài ra, khi mới mắc, người bệnh cũng có thể có một số triệu chứng đi kèm như:
-
Người có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, uể oải.
-
Bệnh nhân thường cảm thấy bồn chồn, lo lắng và hay ớn lạnh sống lưng.
-
Có dấu hiệu viêm họng nhẹ hoặc ho tần suất dày đặc, khi ho thì tiếng hơi khàn.
-
Sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc dưới cằm.
-
Người bệnh cảm thấy háo nước và bị chảy dãi thường xuyên.
-
Bệnh diễn biến càng lâu thì bệnh nhân càng xanh xao, nhợt nhạt.
Tuy nhiên cũng xin lưu ý rằng không phải người mắc bệnh bạch hầu nào cũng xuất hiện các triệu chứng cụ thể trong thời gian bệnh khởi phát. Theo đó, các bệnh nhân này hoàn toàn có sức khỏe bình thường, ổn định, chỉ xuất hiện mảng bám tại họng hoặc amidan nhưng không gây đau đớn. Đây chính là lý do mà chúng ta không thể chủ quan khi nhận diện căn bệnh này.
Sốt nhẹ chính là một trong các biểu hiện phổ biến của bệnh bạch hầu
Triệu chứng khi bệnh trở nặng
Đối với người đã mắc bệnh bạch hầu kéo dài thì các triệu chứng xuất hiện có thể là:
-
Thường xuyên cảm thấy cổ họng bị vướng, không thông, khó nuốt thức ăn hoặc thậm chí khó thở.
-
Bệnh nhân bị tật nói lắp dù trước đó hoàn toàn không mắc tật này.
-
Thị lực bị thay đổi, thường theo hướng bị mờ dần tầm nhìn xa.
-
Có thể xuất hiện thêm một số biểu hiện của chứng sốc nhiệt như người tím tái, thường xuyên đổ mồ hôi lạnh và mạch đập nhanh bất thường.
3. Phân biệt bệnh bạch hầu với các chứng viêm họng, amidan và cảm lạnh
Các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh bạch hầu cơ bản tương tự như triệu chứng của viêm họng, viêm amidan và cảm lạnh. Để có thể phân biệt nhằm có hướng phòng tránh kịp thời thì bạn nên chú ý đến các tập triệu chứng bệnh lý riêng biệt như sau:
-
Dấu hiệu sốt nhẹ. Tuy nhiên đối với người bị viêm họng hay viêm amidan thì thường nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sốt cao. Phổ biến nhất là sốt cao về đêm.
-
Khó chịu ở khu vực cổ họng. Viêm họng khiến người bệnh khô môi và lưỡi, khoang miệng có mùi khó chịu, mất giọng, rát họng và có cảm giác đau rát khi nuốt thức ăn rắn. Ngoài ra, thường chỉ bệnh nhân viêm họng mới có triệu chứng đi kèm như tắc mũi hoặc chảy nước mũi.
-
Sưng hạch bạch huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân viêm họng hoặc amidan lại sưng thành các hạch quanh cổ, dưới tai hoặc ở góc hàm.
-
Một trong những triệu chứng riêng của bệnh bạch hầu là phần giả mạc xuất hiện tại họng rất dày, bám chắc, gần như không tách ra khỏi niêm mạc họng được. Nếu bệnh nhân cố tách thì sẽ gây ra chảy máu. Trong khi đó, bệnh nhân viêm họng hay amidan thông thường nếu có xuất hiện giả mạc thì cũng lấy ra rất dễ dàng. Giả mạc này cũng không dày hay sẫm màu như bạch hầu.
Bạn cần kiểm tra kỹ phần giả mạc nếu muốn phân biệt bệnh bạch hầu
Việc tự phân biệt bệnh bạch hầu thông qua việc quan sát giả mạc hoặc theo dõi các triệu chứng có thể không chính xác 100%. Vì vậy nếu bạn đang nghi ngờ bản thân mắc bệnh thì vẫn nên đến cơ sở y tế để thăm khám. Các bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra chẩn đoán chính xác nhất cũng như có phác đồ điều trị phù hợp.
Trên đây là một số tư vấn của MEDLATEC về kinh nghiệm giúp bệnh nhân tự phân biệt bệnh bạch hầu với các chứng viêm họng, viêm amidan tại nhà. Tuy nhiên, để tự phòng bệnh tốt nhất thì các bạn hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế cũng như tiêm vắc xin phòng bệnh. Mọi yêu cầu liên quan đến dịch vụ tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu xin hãy liên lạc với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!