Các tin tức tại MEDlatec

Chỉ số điện giải Clo: Vai trò đối với sức khỏe và cách duy trì ổn định

Ngày 09/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Chỉ số điện giải Clo là một thành phần luôn có mặt trong kết quả xét nghiệm điện giải đồ. Chỉ số này giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng cân bằng điện giải và một số chức năng của cơ thể, nhất là thận. Để hiểu hơn về vai trò của chỉ số Clo và các vấn đề liên quan bạn có thể tìm hiểu những thông tin được cung cấp sau đây.

1. Về khái niệm Clo

Clo (Chloride) là ion âm tồn tại chủ yếu trong dịch ngoại bào của cơ thể. Đây là ion có vai trò điều hòa áp suất thẩm thấu, cân bằng axit-bazơ, hỗ trợ chức năng hệ cơ và thần kinh.

Đối với cơ thể, Clo có vai trò:

- Điều hòa cân bằng nước và điện giải

Clo phối hợp với ion Na+ (Natri) và K+ (Kali) để duy trì áp suất thẩm thấu, giúp cơ thể giữ nước và phân bố đều các chất dinh dưỡng.

- Tham gia điều chỉnh cân bằng axit-bazơ

Clo là thành phần trong cơ chế trao đổi ion bicarbonate, giúp duy trì pH máu ổn định.

- Hỗ trợ chức năng tiêu hóa

Trong dịch vị dạ dày, Clo là nguyên liệu tạo thành acid hydrochloric (HCl), giúp tiêu hóa thức ăn và tiêu diệt vi khuẩn.

- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hệ cơ 

Clo tham gia vào sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh và co giãn cơ, đảm bảo hoạt động bình thường của cơ thể.

Clo là một trong các ion có vai trò cân bằng điện giải trong cơ thể

2. Ý nghĩa của chỉ số điện giải Clo trong kết quả xét nghiệm điện giải đồ

2.1. Mục đích và chỉ định xét nghiệm 

- Nồng độ Clo máu: Xét nghiệm định lượng các ion chính có trong huyết tương (xét nghiệm điện giải đồ) để đánh giá tình trạng cân bằng nước trong cơ thể để đánh giá cân bằng toan kiềm. Giá trị bình thường: 96 - 110 mmol/L. 

- Nồng độ Clo trong nước tiểu: Đánh giá tình trạng thể tích, khẩu phần muối và nguyên nhân gây hạ kali máu. Đánh giá tình trạng toan ống thận và thăm dò thăng bằng kiềm - toan. Giá trị bình thường : 110-250 nmol/L.

2.2. Chỉ số Clo bất thường

2.2.1. Clo thấp (giảm nồng độ Clo máu)

Clo thấp do các nguyên nhân chính:

- Mất nước nghiêm trọng: Dễ gặp nhất ở người bị nôn mửa, tiêu chảy kéo dài hoặc đổ mồ hôi quá nhiều trong hoạt động thể thao.

- Bệnh thận gây mất muối.

- Nhiễm kiềm chuyển hóa: Khi cơ thể mất đi lượng axit lớn (H⁺) do nôn mửa hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu, nồng độ Cl- cũng giảm theo.

- Mất axit HCl dịch dạ dày: Hút dịch dạ dày qua sonde, nôn, hẹp môn vị.

- Thiếu hụt hormone vỏ thượng thận: Các bệnh nhiễm trùng cấp tính, bệnh addison, suy vỏ thượng thận.

- Cường aldosteron tiên phát.

- Tăng dịch ngoài tế bào: Do suy thận, suy tim ứ huyết, hạ natri máu, ngộ độc nước.

- Bỏng.

Chỉ số điện giải Clo thấp không được phát hiện để điều trị ngay có thể dẫn đến: rối loạn chức năng cơ tim, nhiễm kiềm nặng,...

Nôn mửa quá nhiều dễ gây mất nước làm giảm chỉ số điện giải Clo

2.2.2. Clo cao (tăng nồng độ Clo máu)

Chỉ số điện giải Clo cao khi nồng độ ion Clo > 110 mmol/l. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp tình trạng rối loạn điện giải hoặc chuyển hóa do:

- Mất nước nghiêm trọng nhưng lượng Clo không được đào thải đúng cách nên bị tăng Clo trong máu.

- Nhiễm toan chuyển hóa khiến cơ thể không thể đào thải axit, dẫn đến Clo tăng để bù đắp, thường gặp ở người bị suy thận hoặc bệnh tiểu đường.

- Dùng quá nhiều thuốc muối (muối natri hoặc kali) hoặc truyền dịch có chứa Clo.

- Chế độ ăn uống quá mặn làm tích tụ ion Clo.

- Bệnh lý ống thận với giảm bài xuất ion H và giảm tái hấp thu HC03-.

- Kiềm hô hấp (tổn thương thần kinh trung ương).

Bệnh nhân bị tăng chỉ số điện giải Clo thường có biểu hiện: Thường xuyên cảm thấy khát nước, huyết áp thấp, tăng nhịp tim, lú lẫn, mơ hồ, khó thở,... Nếu không được điều trị ngày rất dễ bị rối loạn chức năng thận, tăng áp lực thẩm thấu máu, nguy cơ rối loạn nhịp tim,...

3. Duy trì chỉ số điện giải Clo ổn định bằng cách nào?

3.1. Chú ý bổ sung đủ nước

Để cân bằng điện giải trong đó có ion Clo, không thể thiếu nước. Vì thế, muốn ổn định chỉ số này cần chú ý đảm bảo cơ thể được bổ sung đủ 1.5 - 2 lít nước/ngày hoặc nhiều hơn nếu vận động mạnh, làm việc dưới trời nắng, hay mất nước do tiêu chảy, nôn mửa. Nếu mất nước nghiêm trọng cần bổ sung dung dịch điện giải.

Tuy nhiên, khi bổ sung nước cần lưu ý không uống một lúc quá nhiều nước vì dễ gây mất cân bằng điện giải làm ảnh hưởng đến nồng độ Clo.

3.2. Đảm bảo dinh dưỡng lành mạnh

Cải thiện một số vấn đề về dinh dưỡng có thể giúp ổn định chỉ số điện giải Clo:

- Ưu tiên thực phẩm cung cấp Clo tự nhiên như: Muối ăn, hải sản, rong biển, cần tây, cải bó xôi, sữa, phô mai,... 

- Kiểm soát lượng muối tiêu thụ vì quá nhiều muối dễ làm tăng Clo trong máu. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chỉ nên tiêu thụ tối đa 5g muối/ngày.

3.3. Chú ý kiểm tra định kỳ

Khám sức khỏe, nhất là thực hiện xét nghiệm điện giải đồ định kỳ giúp theo dõi chỉ số điện giải Clo và phát hiện sớm các bất thường, đặc biệt cần thiết với:

- Người đang mắc bệnh thận, đái tháo đường, huyết áp cao.

- Đã dùng thuốc corticosteroid hoặc thuốc lợi tiểu lâu dài.

- Người đang gặp các tình trạng:

+ Luôn cảm thấy khát nước, đi tiểu ít.

+ Yếu cơ.

+ Chóng mặt, mệt mỏi.

+ Rối loạn nhịp tim, không ổn định chỉ số huyết áp.

+ Buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa kéo dài.

Các trường hợp có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chỉ số Clo cần thông báo với bác sĩ để được kiểm tra theo chỉ định.

Khách hàng xét nghiệm định kỳ theo theo dõi chỉ số Clo tại MEDLATEC

Chỉ số điện giải Clo không chỉ duy trì cân bằng điện giải, pH máu mà còn đảm nhận nhiều chức năng khác đối với sức khỏe. Việc theo dõi Clo qua xét nghiệm điện giải đồ và thực hiện các biện pháp cân bằng được khuyến nghị sẽ giúp bạn được bảo vệ trước các nguy cơ liên quan đến chỉ số này.

Để kiểm tra các vấn đề sức khỏe liên quan đến chỉ số điện giải Clo, quý khách hàng có thể liên hệ tư vấn hoặc đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.