Các tin tức tại MEDlatec
Có đến 60% người dân hiện nay chưa biết cách bảo vệ lá gan từ sớm
Mùa hè năm 2014, chị Nguyễn Thị L. (46 tuổi, Hà Nội) bị ngứa râm ran khắp người, môi khô bong tróc. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của chị. Lo lắng mình có thể bị vấn đề gì nghiêm trọng, chị đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm virus viêm gan C.
Chị L. bất ngờ trước kết luận của bác sĩ, bởi cả gia đình chị không ai viêm gan C cả. Sau khi được điều trị liên tục trong gần 1 năm, bệnh của chị đã có dấu hiệu thuyên giảm. Từ đó tới nay, cứ 6 tháng chị tái khám 1 lần.
Nhân Ngày Thế giới phòng chống viêm gan (28/7), Gia Đình Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên. Thưa bà, tỷ lệ mắc bệnh lý về gan ở Việt Nam đang có xu hướng như thế nào?
- Tỷ lệ mắc các bệnh lý về gan ở Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhiều trường hợp phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng, cơ hội sống cho người bệnh rất ít.
Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư là từ 6 - 20% đối với virus viêm gan B và khoảng 2 - 4% với virus viêm gan C. Tỷ lệ người khỏe mạnh mang virus viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 - 25%. Số người nhiễm virus viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 - 20%.
Vì vậy, nếu không tiêm phòng để giảm tỷ lệ truyền nhiễm thì không biết đến bao giờ chúng ta mới giảm được tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B, C.
Theo bà, nguyên nhân gia tăng là do đâu?
- Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B gia tăng là do người dân dè dặt trong việc dùng vắc-xin phòng bệnh. Một nguyên nhân khác là do phần lớn người dân thiếu kiến thức về bệnh nên chưa có khái niệm về tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan. Rất nhiều người bệnh chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ nhiễm virus này nên không tiến hành các xét nghiệm sớm, vô tình lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh.
Bà chia sẻ, nhiều người đang dè dặt trong việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Tại sao vậy?
- Bệnh viêm gan B hoàn toàn có thể phòng ngừa chủ động bằng vắc-xin và có thuốc điều trị hiệu quả, làm chậm quá trình tiến triển đến xơ gan và giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỷ lệ sống sót lâu dài. Có thể nói, vắc-xin viêm gan B là phương pháp tốt nhất để phòng chống bệnh viêm gan B.
Nhiều người lo ngại bởi tác dụng phụ do tiêm vắc-xin viêm gan B gây ra. Tôi hay nói với người bệnh của mình, tất cả loại thuốc gì cũng có phản ứng phụ hết. Khi tiêm vắc-xin viêm gan B thì tác dụng phụ thường gặp nhất chính là đau nhức, sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Những tác dụng phụ này sẽ khỏi trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 ngày mà không cần chữa trị.
Do vậy, tác dụng phụ mà vắc-xin mang đến không có gì là tác hại, chỉ là bị ngoài da và biết cách chăm sóc để cho vết thương nhanh lành hơn.
Trong lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia được ban hành vào năm 2015, trẻ em sẽ được tiêm mũi đầu tiên vắc-xin viêm gan B ngay lúc mới sinh (hoặc trong vòng 48 giờ sau khi sinh), mũi thứ hai của bé sẽ là vào lúc một tháng tuổi, bé sẽ tiêm tiếp mũi thứ ba lúc tròn 2 tháng tuổi, sau đó một năm sẽ tiêm nhắc mũi thứ tư, đến 8 năm sau sẽ tiêm nhắc lại mũi thứ năm. Còn với người lớn, tiêm vắc-xin viêm gan B được tiến hành như thế nào, thưa bà?
- Liều tiêm phòng viêm gan B cho người lớn đầy đủ gồm 3 mũi tiêm. Trong đó, mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên 2 tháng, mũi thứ 3 cách mũi đầu tiên 3 tháng. Sau 5 - 10 năm sau hãy tiêm nhắc lại lần nữa. Nếu tiêm đủ liều và đúng thời gian, khả năng tạo được kháng thể bảo vệ lên đến hơn 90%.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, lượng kháng thể sẽ giảm đi và không còn khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus viêm gan B. Vì vậy, chúng ta nên tiêm nhắc lại sau 15 năm để đảm bảo phòng chống bệnh một cách hiệu quả.
Vậy còn phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B thì thế nào, thưa bà?
- Ở các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là lớn nhất. Sau đó đến lây truyền qua đường máu và đường tình dục. 10 người bị nhiễm viêm gan B phải có đến 6 người bị nhiễm từ mẹ.
Phụ nữ bị nhiễm viêm gan B trước hoặc trong khi mang thai có thể truyền bệnh sang con trong quá trình sinh nở với tỷ lệ lên đến 90% nếu trẻ không được bảo vệ bằng bất kỳ biện pháp nào.
Vì vậy, người mẹ mang virus viêm gan B thì cần quan tâm virus đó phát triển ở mức độ như thế nào bằng cách định lượng ADN HBV - là một xét nghiệm kiểm tra viêm gan B tiên tiến nhất tại nước ta, đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra viêm gan B.
Tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con như thế nào?
- Tỉ lệ lây bệnh của virus viêm gan B từ mẹ có thai sang em bé tùy thuộc tình trạng nhiễm viêm gan B của mẹ. Nếu virus đang phát triển và sinh sản mạnh, tỷ lệ lây sang em bé từ trên 50% đến 90%. Nếu virus phát triển và sinh sản kém thì tỉ lệ lây không cao, khoảng 30%. Nếu virus ở dạng không hoạt động thì tỉ lệ lây nhiễm thấp đi rất nhiều, có thể dưới 10%.
Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% - 95% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
HbsAg (kháng nguyên e của virus Viêm Gan B – PV) có trong sữa mẹ nhưng lây truyền chủ yếu là khi trẻ bú thường cắn đầu vú mẹ và làm trầy xước da nên phải điều trị ngay những chỗ trầy xước. Ngoài ra, còn cần điều trị sớm tưa miệng và các chứng đau miệng của trẻ.
Làm thế nào để giảm tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con?
- Trong 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ nên được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật khám và tư vấn để được xét nghiệm theo dõi và quyết định dùng thuốc ngắn hạn để giảm lượng siêu vi trong máu, nhằm giảm khả năng lây cho thai khi chuyển dạ và sinh đẻ.
Trong vòng 12 giờ sau sinh, trẻ cần được tiêm liều vắc-xin phòng ngừa viêm gan B đầu tiên. Sau đó tiếp tục tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B liều thứ 2 khi bé được 1-2 tháng tuổi và liều thứ 3 khi bé được 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, cần tiêm phòng huyết thanh viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Điều này có tác dụng nhất định trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con.
Mẹ vẫn cho con bú mẹ bình thường nếu trẻ được chích ngừa đủ trừ phi đầu vú của mẹ bị nứt nẻ, lở loét, dễ chảy máu.
Bà chia sẻ, người dân thiếu kiến thức trong việc tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?
- 50% người khi bị xơ gan và ung thư gan mới phát hiện mình đã bị viêm gan virus B hoặc C từ bao giờ. Thời gian ủ bệnh xơ gan và ung thư gan do viêm gan B đến xơ gan và ung thư gan kéo dài từ 10-25 năm. Nếu người bệnh bị viêm gan B, C và đồng nhiễm các chất khác thì chỉ vài ba năm là dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan. Người bệnh bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Tỷ lệ người mắc viêm gan B, C chuyển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan tương đối cao vì xuất hiện hiện tượng người bệnh tự ý bỏ điều trị.
Có đến 60% người dân hiện nay chưa biết cách bảo vệ tế bào gan từ sớm. Điều này sẽ rất đáng lo ngại khi các bệnh lý về gan ngày một nghiêm trọng như hiện nay.
Phục hồi chức năng gan ở giai đoạn nặng gần như là không thể bởi gan đã chịu quá nhiều tổn thương. Muốn gan khoẻ mạnh và lâu dài cần có biện pháp hỗ trợ bảo vệ tế bào gan ngay lập tức, ngay từ ban đầu. Tuy nhiên ở Việt Nam, phần nhiều người dân vẫn chưa ý thức được việc cần phải bảo vệ và phục hồi tế bào gan từ sớm.
Vậy cách phòng ngừa là gì, thưa bà?
- Người bị bệnh gan thường có biểu hiện không rõ ràng, khiến người bệnh dễ bỏ qua, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh dễ tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Ý nghĩa của việc tầm soát, điều trị không chỉ mang tính chất cá nhân chữa cho từng người bệnh, ngăn ngừa xơ gan, ung thư gan và tử vong mà còn để ngăn ngừa lây truyền viêm gan B và C trong cộng đồng.
Do vậy, chúng ta nên kiểm tra định kỳ 3-6 tháng/ lần. Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ cao nên đi kiểm tra như:
Người sống trong gia đình có người bị viêm gan virus B, C hay ung thư gan cần chú ý phòng lây nhiễm. Nếu xét nghiệm HBsAg âm tính cần xét nghiệm anti HBs, nếu kết quả âm tính cần tiêm phòng vắc-xin viêm gan B.
Hiện nay chưa có vắc-xin cho viêm gan C nên người có anti HCV dương tính cần xét nghiệm xem virus có phát triển không để có hướng điều trị kịp thời.
Bệnh nhân mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, tiểu vàng… thì nên kiểm tra sức năng gan gồm HBsAg, Anti HCV, để có hướng xử lý kịp thời.
Bà có thể khuyến cáo chế độ ăn uống với người mắc viêm gan B, C để giảm thiểu ung thư?
- Người bệnh viêm gan cần có chế độ ăn phù hợp. Cụ thể, giai đoạn viêm gan cấp tính, người bệnh nên ăn nhẹ, uống nhẹ, chia thành nhiều bữa và sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu; cần tránh ăn các thức ăn nhiều gia vị, dầu, mỡ; cần ăn nhiều các loại protein được nấu nhừ, bên cạnh đó cũng cần ăn các chất có xơ như cam, cà rốt, chuối, gạo lứt, đậu đỏ, các loại rau xanh...
Trong giai đoạn này, người bệnh cũng nên uống nhiều nước, đặc biệt nước cam, nước chanh. Điều này vừa tăng lượng sinh tố vừa tăng lượng nước trong cơ thể.
Người bệnh tuyệt đối không được sử dụng rượu bia trong giai đoạn này dưới mọi hình thức vì chúng là các chất rất có hại cho tế bào gan. Tuyệt đối bỏ rượu để bảo vệ tế bào gan và giúp gan chóng bình phục, giảm thiếu tối đa các chất quá béo, quá ngọt. Trong trường hợp viêm gan cấp tính mức độ nặng, người bệnh cần được điều trị tại bệnh viện để có được chế độ điều trị và chăm sóc hợp lý.
Đối với người viêm gan mạn tính, người bệnh cần ăn đa dạng các nhóm như rau, củ, quả, ngũ cốc, sữa và chế phẩm từ sữa, thịt cá hay trứng. Thức ăn cần cung cấp đủ năng lượng, cho người bệnh, phù hợp với trọng lượng chiều cao và hoạt động của cơ thể; cần cung cấp đủ lượng protein cần thiết để tấn công bệnh tật, tái tạo gan và không thất thoát các chất cơ.
Như vậy, bệnh nhân viêm gan B nên tầm soát ung thư?
- Đúng vậy! Bệnh nhân viêm gan B mãn tính nên xem việc tầm soát ung thư gan như một cách để giữ lấy sức khỏe và sinh mạng. Việc điều trị sớm và kiểm soát tốt khi mắc viêm gan B mạn tính sẽ giúp giảm thiểu tổn thương cho gan, ngăn chặn nguy cơ tiến triển thành những biến chứng xơ gan, ung thư gan.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
PGS. TS Trịnh Thị Ngọc - nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội với 41 năm kinh nghiệm; hiện là Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội, Ủy viên thường vụ Hội truyền nhiễm Việt Nam, Ủy viên thường vụ Hội Gan mật Việt Nam đang hàng ngày tham gia khám, điều trị và tư vấn các bệnh lý bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Đa khoa MEDLATEC.
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 1977, PGS. TS Trịnh Thị Ngọc tiếp tục học nội trú khóa 4, chuyên ngành Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1980, bà tốt nghiệp bác sỹ nội trú và được phân vào Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, sau là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Bệnh viện Bạch Mai.
Liên tiếp 35 năm công tác (từ năm 1981 đến 2015), PGS. TS Trịnh Thị Ngọc đều là thầy thuốc giỏi của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, bà đã tích cực tham gia quản lý Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.
Năm 1995, với đề tài “Ảnh hưởng nhiễm HIV trên bệnh nhân viêm gan C mạn tính và kết quả điều trị viêm gan C bằng IFN”, bà đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ. Tiếp đó, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ năm 2001 với đề tài “Trình trạng nhiễm virus viêm gan A, B, C, D, E tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”. Năm 2009, bà được phong hàm Phó Giáo sư.
Nguồn: giadinhmoi.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!