Các tin tức tại MEDlatec

Cơ thể mất nước nên uống gì - Danh sách tham khảo chi tiết

Ngày 15/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Mất nước là tình trạng xảy ra khi cơ thể tiêu hao nhiều nước hơn lượng nước được bổ sung. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, mất nước có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Bài viết sau đây sẽ thông tin đến bạn cơ thể mất nước nên uống gì để phục hồi nhanh chóng?

1. Nguyên nhân khiến cơ thể bị mất nước

Mất nước (dehydration) là tình trạng lượng nước trong cơ thể bị thiếu hụt so với mức cần thiết để duy trì các hoạt động sinh lý bình thường. Nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể người, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ, vận chuyển chất dinh dưỡng, thải độc, bôi trơn khớp và hỗ trợ tiêu hóa.

Có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến tình trạng mất nước, bao gồm:

  • Hoạt động thể chất cường độ cao: Khi tập luyện, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng bức, cơ thể đổ mồ hôi nhiều để làm mát, dẫn đến mất một lượng lớn nước và điện giải;

Tập luyện cường độ cao là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất nước 

  • Thời tiết nắng nóng: Nhiệt độ môi trường cao làm tăng tiết mồ hôi, ngay cả khi không vận động nhiều;
  • Bệnh tiêu chảy và nôn mửa: Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây mất nước cấp tính do mất một lượng lớn chất lỏng và điện giải qua đường tiêu hóa;
  • Sốt cao: Nhiệt độ cơ thể tăng cao khiến cơ thể mất nước qua da và hơi thở;
  • Không uống đủ nước: Thói quen ít uống nước, nhất là trong thời tiết nóng bức, dễ khiến cơ thể mất cân bằng nước;
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu: Một số loại thuốc có tác dụng lợi tiểu, làm tăng lượng nước tiểu đào thải ra ngoài cơ thể;
  • Mắc các bệnh lý nền: Một số bệnh như tiểu đường không kiểm soát, bệnh thận có thể làm tăng nguy cơ mất nước.

Tùy theo mức độ mất nước, cơ thể có thể xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Khát nước dữ dội;
  • Miệng khô, lưỡi dính;
  • Da khô, nhăn nheo;
  • Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu;
  • Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi;
  • Tim đập nhanh, huyết áp tụt (mất nước nặng).

Ở trẻ em, dấu hiệu mất nước có thể bao gồm khóc không ra nước mắt, thóp lõm, quấy khóc, da nhăn, không tiểu trong nhiều giờ.

2. Cơ thể mất nước nên uống gì?

Vậy khi cơ thể mất nước nên uống gì? Dưới đây là một số đồ uống giúp cơ thể được bù nước và bổ sung năng lượng đã mất một cách nhanh chóng

Nước lọc

Nước lọc luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Trong các trường hợp mất nước nhẹ (do vận động, quên uống nước), chỉ cần bổ sung từ từ nước lọc sẽ giúp tái cân bằng lượng nước trong cơ thể. Nên uống từng ngụm nhỏ, tránh uống quá nhanh vì có thể gây khó chịu đường tiêu hóa.

Oresol (dung dịch bù điện giải)

Đây là giải pháp tối ưu khi cơ thể mất nước do tiêu chảy, nôn mửa hoặc hoạt động thể chất cường độ cao. Oresol chứa các chất điện giải quan trọng như natri, kali, clo, giúp cân bằng lại lượng điện giải bị mất. Lưu ý cần pha dung dịch Oresol đúng theo hướng dẫn trên bao bì để đảm bảo hiệu quả và tránh gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Nước dừa

Nước dừa tươi là nguồn cung cấp nước, kali, magiê và đường tự nhiên giúp bù nước và điện giải hiệu quả. Đây là lựa chọn giải khát tự nhiên an toàn và dễ uống, đặc biệt thích hợp trong trường hợp mất nước do hoạt động thể thao, thời tiết nắng nóng.

Nước dừa là lựa chọn tốt khi trong trường hợp băn khoăn cơ thể mất nước nên uống gì

Nước điện giải thể thao

Các loại nước uống thể thao chứa điện giải như natri, kali, clorua và một lượng đường nhỏ giúp bổ sung nhanh chóng lượng nước và muối khoáng đã mất. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vì một số sản phẩm có lượng đường khá cao, không phù hợp với người tiểu đường hoặc người cần kiểm soát cân nặng.

Nước cháo loãng, nước canh

Khi cơ thể yếu, đặc biệt là trẻ nhỏ hoặc người già, nước cháo loãng hoặc nước canh rau củ có thể cung cấp nước, muối và một số dưỡng chất cần thiết, hỗ trợ bù nước một cách nhẹ nhàng và dễ hấp thu.

Nước ép trái cây loãng

Một số loại nước ép trái cây pha loãng như cam, táo, dưa hấu có thể giúp bổ sung nước, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, cần tránh các loại nước ép đóng chai nhiều đường hoặc uống nước ép nguyên chất, vì có thể gây kích ứng tiêu hóa nếu người bệnh đang bị tiêu chảy.

3. Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng mất nước?

Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, bạn cần lưu ý những điều quan trọng sau đây:

Uống nước đều đặn mỗi ngày

Hãy tập thói quen uống nước đều đặn trong suốt cả ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát. Lượng nước cần thiết cho mỗi người khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động và điều kiện thời tiết. Cần uống khoảng 2-2.5 lít nước mỗi ngày.

Bổ sung thêm nước khi vận động hoặc trời nắng

Khi chơi thể thao, lao động ngoài trời hoặc đi dưới trời nắng lâu, cần uống nước trước, trong và sau hoạt động để bù nước kịp thời. Có thể sử dụng thêm nước điện giải nếu vận động kéo dài trên 1 giờ.

Chú ý bù nước kịp thời khi hoạt động thể lực với cường độ mạnh 

Ăn nhiều rau xanh và trái cây

Rau củ và trái cây như dưa hấu, dưa leo, cam, bưởi… chứa lượng nước tự nhiên lớn, đồng thời cung cấp thêm vitamin và chất xơ, hỗ trợ quá trình thải độc và điều hòa nước trong cơ thể.

Hạn chế đồ uống gây mất nước

Tránh uống quá nhiều cà phê, rượu, bia vì chúng có thể làm tăng lượng nước tiểu và gây mất nước. 

Theo dõi các dấu hiệu của mất nước

Hãy chú ý đến các biểu hiện như khô miệng, tiểu ít, mệt mỏi để kịp thời bổ sung nước. Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ, cần quan sát kỹ vì các đối tượng này thường không cảm nhận rõ cơn khát hoặc không thể diễn đạt.

Hy vọng thông tin giải đáp chi tiết cho thắc mắc cơ thể mất nước nên uống gì đã giúp bạn đọc có thêm cẩm nang bổ ích trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Nếu có thêm thắc mắc liên quan hoặc cần đặt lịch thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, bạn đọc hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.