Các tin tức tại MEDlatec
Đũa mốc - nguyên nhân gây ung thư không ngờ
Chỉ thay khi đũa gẫy, hỏng
Thói quen sử dụng đũa trong nhiều gia đình hiện nay là chỉ thay khi đũa bị gẫy, cong, vênh... chứ ít người thay đũa ăn khi chúng vẫn còn dùng được. Có những gia đình sử dụng đũa trong nhiều năm mà không thay. Bà Nguyễn Thị Lan (phố Hoàng Sâm, Nghĩa Đô, Hà Nội) cho biết, từ lâu bà không nghĩ đũa ăn lại có thể gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, chỉ là nó có tiện dụng hay không, dùng có vừa tay, có dễ gắp hay không thôi. Khi nào đũa gãy, cong, bị cháy hoặc thất lạc mất thì mới mua đũa mới. Có khi đũa mới mua để lâu ngày bị mốc, bà đem ra rửa sạch phơi khô rồi lại dùng, chứ bỏ đi thì rất phí. Cũng không thấy ai nói có thể sinh bệnh vì dùng đũa nên bà cũng không quan tâm nhiều đến việc này.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đũa thường làm bằng tre, gỗ, lại thường xuyên trong môi trường ẩm ướt, tích nước, đây là môi trường thuận lợi để các vi khuẩn như cầu tụ vàng và E.coli phát triển. Bảo quản không tốt, đũa sau khi sử dụng thời gian dài sẽ biến chất, gây ngộ độc mạn tính vì đũa mốc tiết ra chất độc gây ung thư là aflatoxin. Aflatoxin là loại chất độc gây ung thư gan và mang tới nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Cũng theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, từ năm 1988, Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã liệt Aflatoxin B1 vào nhóm độc chất gây ung thư với những bằng chứng cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa chất độc này trong cơ thể với bệnh ung thư gan. Theo nghiên cứu của Đại học Cornell (Hoa Kỳ) thì loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm, dù với hàm lượng cực thấp. Những hội chứng ngộ độc cấp có thể nhận thấy là nôn ói, đau bụng, sưng phổi, co giật, hôn mê, và tử vong do phù não và tim, gan, thận tích mỡ.
|
Đũa mốc là một trong những nguyên nhân gây ung thư ít người biết. |
Giữ đũa sạch, an toàn
TS Trần Mạnh Thắng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho hay, đa số các loại đũa trên thị trường là đũa gỗ, được làm từ tre, trúc, gỗ qua công đoạn xử lý, sơn phủ và bán ra ngoài thị trường. Để sử dụng đũa an toàn, tốt nhất là với đũa mới mua về thì phải rửa sạch, luộc qua nước sôi rồi phơi nắng vì trong quá trình chế tạo, đũa rất dễ bị nhiễm khuẩn. Khi phơi khô, toàn bộ vi khuẩn trên đũa sẽ bị tiêu diệt. Trong quá trình sử dụng, nên rửa nhẹ tay để tránh bào mòn lớp vỏ bên ngoài đũa. Nhiều người thích sử dụng các loại đũa có màu trầm gần với màu gỗ để đảm bảo đó là gỗ thật, nhưng thực ra đa phần các loại đũa đều được xử lý, lớp vỏ không phải là lớp màu thật của đũa.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng cũng cho rằng, khi đũa đã mốc thì nhất thiết phải bỏ, dù có rửa sạch thì vi khuẩn nấm mốc cũng vẫn sẽ xâm nhập, sản sinh ra chất aflatoxin là mầm mống của bệnh ung thư. Độc tố này bền với nhiệt nên dù có luộc, phơi cũng không xử lý hết được.
Theo các chuyên gia, đặc biệt, không nên sử dụng đũa ăn để xào nấu. Bởi khi nấu ở nhiệt độ cao, các hóa chất ở bên ngoài đũa dễ bị phân hủy, gây ngộ độc kim loại. Các kim loại nặng như chì, benzen và các chất gây ung thư hay dung mỗi hữu cơ khác có thể xâm nhập vào cơ thể con người, gây ngộ độc và thậm chí ung thư sau thời gian dài sử dụng. Làm khô đũa rồi mới cho vào ngăn chạn, nếu không, độ ẩm và kín của chạn bát sẽ khiến đũa dễ bị mốc. Chỉ sau một ngày sử dụng, các vi sinh vật có hại xâm nhập, nấm mốc sinh sôi.
Lời khuyên cho người tiêu dùng là đừng để bát đũa ăn xong không rửa ngay. Rửa đũa bằng cách lấy khăn vuốt nhẹ nhàng, không chà xát mạnh để đũa không mất đi lớp sơn phủ bảo vệ.
Theo các chuyên gia, đũa cũng có hạn sử dụng như bất kỳ vật dụng gia đình nào khác. Dù là đũa có chất lượng tốt đến đâu thì cũng nên thay sau khi sử dụng 3-6 tháng. Sử dụng đũa xào nấu riêng, khi đũa có dấu hiệu mốc, mòn vẹt, nứt, cong, xơ gỗ bong ra... thì nhất định không dùng để ăn cơm hoặc xào nấu mà phải loại bỏ ngay. |
Nguồn: kienthuc.net.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!