Các tin tức tại MEDlatec

Đường kính lưỡng đỉnh và những thông tin hữu ích cho mẹ bầu

Ngày 18/04/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Đường kính lưỡng đỉnh là một chỉ số rất quan trọng trong kết quả siêu âm thai kỳ. Thông qua chỉ số này, quá trình phát triển của bé được đánh giá chính xác, cũng như các yếu tố như cân nặng khi chào đời cũng được dự đoán. Hãy cùng tìm hiểu ngay những thông tin hữu ích về chỉ số này thông qua bài viết dưới đây.

1. Đường kính lưỡng đỉnh là gì? 

Đường kính lưỡng đỉnh (viết tắt là BPD), dùng để biểu thị số đo đường kính mặt cắt ngang của hộp sọ thai nhi, đo từ trán ra sau gáy. Ngoài ra, chỉ số này còn mang lại ý nghĩa trong việc dự đoán cân nặng cũng như đánh giá tổng quan sự phát triển của thai nhi trên hình ảnh siêu âm. Do đó, y bác sĩ đánh giá đây là một trong những chỉ số quan trọng nhất khi thực hiện siêu âm thai. 

Đường kính lưỡng đỉnh là chỉ số quan trọng hàng đầu trong siêu âm trong thai kỳ 

Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm để đo chỉ số đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi. Để đo được đường kính lưỡng đỉnh BPD, trên siêu âm mặt cắt đường kính lưỡng đỉnh đúng phải đáp ứng các tiêu chí sau: vách trong suốt, não thất 3, đồi não, đám rối mạch mạc và sừng sau. 

Đường kính lưỡng đỉnh được đo là đường thẳng từ bờ ngoài bản sọ gần (ngang mức đồi thị) đến bờ trong bản sọ xa, chú ý đường nối 2 điểm đó vuông góc với đường giữa liềm não và đảm bảo sao cho đường kính lưỡng đỉnh là lớn nhất và vuông góc với đường giữa liềm não. Đường kính lưỡng đỉnh được bắt đầu đo từ tuần thai 11 tuần 6 ngày.

Nhiều người nhầm lẫn giữa đường kính lưỡng đỉnh và chu vi vòng đầu thai nhi, tuy nhiên trên thực tế đây là hai chỉ số hoàn toàn khác nhau. 

2. Chỉ số đường kính lưỡng đỉnh bao nhiêu là bình thường?

Theo các nghiên cứu, từ thời điểm thai nhi được 40 tuần, đường kính lưỡng đỉnh trung bình khoảng 94mm. Dưới đây là bảng tham khảo về chỉ số BPD của thai nhi trong từng giai đoạn cha mẹ nên tìm hiểu và tham khảo:

  • Tuần thai thứ 13 đến 15: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 21 đến 29 mm.
  • Tuần thai thứ 16 đến 18: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 32 đến 39 mm.
  • Tuần thai thứ 19 đến 21: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 43 đến 50 mm.
  • Tuần thai thứ 22 đến 25: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 53 đến 62 mm.
  • Tuần thai thứ 26 đến 28: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 65 đến 71 mm.
  • Tuần thai thứ 29 đến 31: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 73 đến 78 mm.
  • Tuần thai thứ 32 đến 34: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 81 đến 85 mm.
  • Tuần thai thứ 35 đến 37: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 87 đến 90 mm.
  • Tuần thai thứ 38 đến 40: Đường kính lưỡng đỉnh khoảng 92 đến 94 mm.

Tham khảo các chỉ số của đường kính lưỡng ở từng giai đoạn của thai kỳ 

Khi chỉ số BPD của thai nhi không nằm trong mức chuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm nhiều lần kết hợp với kiểm tra chuyên sâu để xác định rõ tình trạng sức khỏe của em bé.

Nếu chỉ số BPD nhỏ hơn mức bình thường, có thể thai nhi đang bị chậm phát triển hoặc phần đầu của bé có hình dạng phẳng hơn so với những thai nhi khác. Ngược lại, nếu chỉ số này vượt ngưỡng chuẩn, thai nhi có thể có phần đầu lớn hơn bình thường, gây khó khăn cho mẹ trong quá trình sinh thường, đặc biệt là đối với những phụ nữ sinh con đầu lòng. Ngoài ra, nếu chỉ số BPD và các chỉ số khác vượt quá mức bình thường, mẹ bầu có thể đang gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ

3. Cách để thai nhi có chỉ số đường kính lưỡng đỉnh đạt chuẩn? 

Làm thế nào để thai nhi có chỉ số đường kính lưỡng đỉnh đạt chuẩn là mối quan tâm chung của nhiều mẹ bầu. Điều này cần phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể như sau:

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Mẹ bầu cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất thiết yếu như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, bổ sung sắt, kẽm, canxi và các dưỡng chất khác theo chỉ dẫn của bác sĩ để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi;

Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ bầu trong thai kỳ đóng vai trò quan trọng 

  • Vận động nhẹ nhàng: Mỗi ngày, mẹ bầu nên dành khoảng 15-30 phút cho các bài tập thể dục nhẹ nhàng, giúp cải thiện sức khỏe chung, giảm tình trạng táo bón, phù chân và thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó tăng cường sức khỏe tổng thể cho cả mẹ và bé một cách hiệu quả;
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Bên cạnh việc vận động vừa sức, mẹ bầu cần ngủ đủ giấc, đi ngủ sớm và tránh căng thẳng để có sức khỏe tốt trong suốt thai kỳ;
  • Tiêm phòng uốn ván: Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn khi sinh, tiêm phòng uốn ván đúng lịch - đủ liều theo khuyến cáo là rất cần thiết. Theo các chuyên gia y tế, mẹ bầu nên tiêm phòng khi thai đủ 20 tuần tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi, với khoảng cách giữa các mũi ít nhất 1 tháng. Mũi tiêm thứ hai cần được thực hiện trước ngày sinh ít nhất 1 tháng;
  • Thăm khám thai định kỳ: Để theo dõi sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, mẹ bầu cần thăm khám sức khỏe định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Những mốc khám thai quan trọng cần lưu ý bao gồm khi thai nhi được 12-14 tuần tuổi, tuần thai thứ 20-24 và tuần thai thứ 30-32.

Mẹ bầu hãy lưu ý và áp dụng những biện pháp nêu trên để thai nhi có chỉ số đường kính lưỡng đỉnh đạt chuẩn cũng như đảm bảo sức khỏe tổng thể một cách tốt nhất. 

Hy vọng rằng những thông tin về đường kính lưỡng đỉnh được trình bày trên đây đã mang đến cho mẹ bầu kiến thức hữu ích, từ đó có những theo dõi phù hợp trong suốt thai kỳ. Nếu có thắc mắc liên quan cần tư vấn hoặc nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ chuyên gia, bác sĩ Sản khoa hỗ trợ một cách nhanh chóng và kịp thời. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.