Các tin tức tại MEDlatec
Khống chế cơn đau do thoái hóa cột sống
Nguyên nhân phổ biến nhất là sau chấn thương như sau ngã, tai nạn, do nghề nghiệp phải sử dụng nhiều cột sống như mang vác, bưng bê, nhấc, xách các đồ vật, trong lao động hay trong công việc hằng ngày tại gia đình. Một số bệnh cột sống mắc phải như viêm đốt sống đĩa đệm, đau thần kinh tọa, dị dạng phát triển cột sống (gai đôi cột sống, quá phát mỏm ngang đốt sống), khuyết tật di truyền, béo phì, đái tháo đường, suy giáp, cường cận giáp, gút... cũng để lại biến chứng THCS. Ngoài ra, thiếu dinh dưỡng có thể gây nên THCS. Đặc điểm của THCS là gây những cơn đau lưng. Vậy làm thế nào để khống chế và phòng ngừa?
 
Khống chế những cơn đau lưng khi bị THCS
Mục tiêu của điều trị THCS là sớm loại bỏ các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán sớm, điều trị giảm đau thích hợp. Giúp bệnh nhân phục hồi khả năng vận động cũng rất quan trọng. Điều trị THCS kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như dùng thuốc, đông y, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và cả can thiệp ngoại khoa, do các bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm. Khi bị đau lưng, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ để chẩn đoán chắc chắn và có biện pháp điều trị thích hợp. Tránh trường hợp tự chữa hay chữa mò, chỉ làm mất triệu chứng bệnh, chuốc vào nhiều tai biến hay biến chứng của bệnh khi bệnh tiến triển vào giai đoạn muộn, nói tóm lại là tiền mất tật mang. Khi đau thắt lưng cấp thì bệnh nhân cần nằm nghỉ tại giường trong vài ngày. Điều trị dùng thuốc bao gồm: dùng các thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, celebrex, thuốc tăng cường sụn khớp như glucosamin sulfat chondroitin, artrodar... Chú ý nên uống thuốc khớp sau khi ăn, uống thuốc với nhiều nước để tránh tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Có thể  xoa bóp, bấm huyệt nhẹ nhàng vùng cột sống bị tổn thương hay tác động cột sống. Một số biện pháp vật lý trị liệu có ích như  đắp paraffin, hồng ngoại, dùng túi chườm, điện di thuốc giảm đau, dùng sóng siêu âm. Khi đi lại, bệnh nhân cần sử dụng dụng cụ hỗ trợ như gậy, khung chống, đai lưng. Khi đau nhiều mà chưa có điều kiện đi khám bác sĩ thì nên nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động nặng, dùng kem bôi thuốc kháng viêm non-steroid hoặc uống thuốc giảm đau như paracetamol. Khi cơn đau đã giảm, có thể tập thể dục nhẹ nhàng. Khi đi khám bác sĩ và đã có chỉ định điều trị thì nên kiên trì và chịu khó uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần xác định đây là dạng bệnh mạn tính và phải điều trị lâu dài.  
Phòng bệnh và hạn chế các hậu quả của bệnh THCS
Cần phòng bệnh THCS ngay từ khi còn nhỏ. Đầu tiên là có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Cần ăn nhiều thức ăn giàu các chất chống oxy hóa như vitamin C và E (có nhiều trong các loại rau, quả). Vitamin D và canxi cần thiết cho sức khỏe khung xương, cần dùng 1.000 - 1.200mg canxi và 400 UI vitamin D mỗi ngày. Cần giảm cân nếu béo phì. Trong sinh hoạt hằng ngày, cần luôn giữ tư thế đúng ngay cả khi nằm ngủ, ngồi, đứng. Người làm việc ở văn phòng không nên ngồi quá lâu. Khi ngồi làm việc 1 giờ, phải đứng dậy, vươn vai, làm động tác thể dục thư giãn hay đi lại trong khoảng 5 -10 phút. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, giúp cho sụn khớp phát triển.
Để dự phòng THCS thắt lưng, có thể tập một số động tác làm mạnh các cơ vùng thắt lưng như tập nghiêng xương chậu, tập cơ bụng, tập khối cơ cạnh sống. Có thể đi bộ, bơi lội, thái cực quyền, tập thể dục nhịp điệu. Cần tránh các môn thể thao đối kháng mạnh. Đối với người phải mang vác, lao động nặng thì không nên mang vác quá sức hay ở tư thế xấu.
Khi đã bị THCS cổ thì cách điều trị tốt nhất là tuân thủ các chế độ điều trị do bác sĩ chuyên khoa đưa ra, đồng thời giảm tải các tác động có hại lên cột sống cổ. Cần có tư thế ngồi, làm việc thẳng. Không mang vác, xách đồ nặng. Khi ngủ không nên kê gối quá cao. Cần nghỉ ngơi giữa giờ làm việc. Có thể xoa bóp, bấm huyệt vùng cổ để giảm co thắt cơ.
PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!