Các tin tức tại MEDlatec
Kỳ vọng mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi: Chuyên gia MEDLATEC cập nhật các phương pháp tối ưu nhất hiện nay
- 24/12/2024 | Đau tức ngực phải, đi khám phát hiện tổn thương giai đoạn tiền ung thư phổi
- 22/01/2025 | Ung thư phổi di căn não sống được bao lâu và cách kéo dài tuổi thọ cho người bệnh
- 14/04/2025 | Ung thư phổi có chữa được không? Giải đáp chi tiết từ bác sĩ
Ung thư phổi - “kẻ giết người” thầm lặng
Mở đầu chương trình hội thảo trực tuyến, PGS.TS Lê Chính Đại trình bày những nét tổng quan về thực trạng đáng báo động của Ung thư phổi trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Chuyên gia cho biết, ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Theo Globocan năm 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và 22.597 ca tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư phổi cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư ở cả hai giới.
Có hai loại ung thư phổi chính được chuyên gia chỉ ra là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 20%) và ung thư không tế bào nhỏ (chiếm khoảng 80%), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh hơn.
Đây là con số đáng báo động đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là người có nguy cơ mắc bệnh cao. Ung thư phổi là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nguyên nhân chính là do thuốc lá, chiếm đến 90% trường hợp, trong đó gồm cả hút chủ động và thụ động.
Việt Nam là nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trong đó nam giới chiếm 56,1%. Bởi thế tình trạng hút thuốc thụ động cũng rất cao, ước tính có đến 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49,0% phơi nhiễm tại nơi làm việc.
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi
Theo thống kê, 30% tỷ lệ mắc khối u phổi đều liên quan tới hút thuốc dài hạn. Ngoài ra, do các chất gây Ung thư có thể hấp thụ dễ dàng qua phổi, dẫn đến tổn hại hệ thống, gây ra các loại ung thư như thanh quản, thực quản, vòm họng và nhiều loại ung thư khác.
“Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào chẩn đoán sớm”
Chuyên gia nhấn mạnh, tiên lượng của bệnh ung thư phổi phụ thuộc phần lớn vào thời điểm được chẩn đoán. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn tăng đáng kể tỷ lệ sống sót và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Trong khuôn khổ bài báo cáo, những thông tin cần chú ý trong quá trình chẩn đoán ung thư phổi được PGS. Đại trình bày chi tiết bao gồm:
1/ Chẩn đoán lâm sàng:
Biểu hiện tùy theo vị trí và mức độ lan rộng của tổn thương, tuy nhiên, biểu hiện theo 3 mức độ:
Các triệu chứng xâm lấn tại chỗ:
- Ho (80%), khan hoặc có đờm, đôi khi có vẩn máu;
- Khó thở, đau ngực (đau vai, hội chứng Horner);
- Khàn tiếng, khó nuốt, phù áo khoác.
Các triệu chứng do di căn:
- Di căn não: đau đầu, buồn nôn;
- Di căn xương: đau tăng tại 1 vị trí;
- Chèn ép tủy khiến liệt vận động, rối loạn cơ tròn.
Các hội chứng cận ung thư:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Hội chứng tăng tiết kháng lợi niệu (SIADH);
- Hội chứng tăng tiết ACTH;
- Hội chứng phì đại khớp xương do phổi;
- Hội chứng carcinoide, hội chứng huyết học…
2/ Chẩn đoán cận lâm sàng:
Chuyên gia cho biết, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mang lại nhiều ứng dụng quan trọng trong quá trình chẩn đoán ung thư phổi bao gồm: X-quang ngực thẳng và nghiêng; chụp CT Scan ngực, bụng; chụp MRI: não, cột sống, xạ hình xương; chụp PET/CT, siêu âm hệ thống hạch trên đòn…
Bên cạnh đó, một bước tiến quan trọng được các chuyên gia y tế đánh giá cao là các chất chỉ điểm u. Trong đó, các chỉ số được sử dụng rộng rãi nhất cho ung thư phổi đó là SCC, CEA, Cyfra 21-1, NSE… Ngoài ra, các marker được sử dụng trong phân biệt ung thư phổi nguyên phát và thứ phát đó là CA125, CA15-3, CA19-9, PSA…
Các chất chỉ điểm u được coi là bước tiến mới trong chẩn đoán ung thư phổi
Sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để xác định ung thư phổi. Mẫu mô có thể lấy qua sinh thiết kim nhỏ (FNA), dịch màng phổi, dịch rửa PQ, qua đờm…
Thời gian gần đây, các kỹ thuật sinh học phân tử đã tạo ra đột phá trong điều trị ung thư phổi nói riêng và ung thư nói chung. Kết quả cho biết tình trạng đột biến gen của người bệnh, trên cơ sở đó quyết định các bước điều trị tiếp theo. Một số kỹ thuật phổ biến như: Giải trình tự gen trực tiếp, PCR kỹ thuật số, Realtime PCR, giải trình tự chọn lọc, giải trình tự thế hệ mới…
Nói tóm lại, chẩn đoán xác định ung thư phổi đòi hỏi một quy trình đồng bộ, chính xác, phối hợp giữa các chuyên khoa: hô hấp, ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh và sinh học phân tử. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng sống.
Điều trị ung thư phổi - tập trung xu thế cá thể hóa và đa mô thức
Chuyên gia cho biết, nguyên tắc chung của việc điều trị ung thư phổi dựa vào nguyên tắc cá thể hóa cho từng bệnh nhân, cụ thể như sau:
- Thể mô bệnh học, sinh học phân tử, giai đoạn;
- Tuổi, thể trạng người bệnh;
- Hoàn cảnh kinh tế - xã hội;
- Trang thiết bị y tế, nguồn lực;
- Điều trị triệt căn cho giai đoạn khu trú và giảm nhẹ cho giai đoạn lan tràn;
- Điều trị đa mô thức kết hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch và triệu chứng.
Việc điều trị ung thư phổi được tiến hành theo nguyên tắc cá thể hóa và đa mô thức
Theo đó, các phương pháp điều trị được ứng dụng bao gồm:
1/ Phẫu thuật:
- Chỉ định cho các ung thư ở giai đoạn khu trú, nhất là ung thư tế bào vảy; giai đoạn lan tràn: chủ yếu điều trị giảm nhẹ, tăng chất lượng, kéo dài được thời gian sống;
- Hiệu phẫu thuật nội soi được áp dụng tương đối rộng;
- Sau phẫu thuật phải phối hợp điều trị bổ trợ bằng hóa chất, xạ trị, miễn dịch và điều trị triệu chứng.
2/ Xạ trị:
- Xạ trị triệt căn là phương pháp thay thế các phương pháp điều trị khác, bao gồm các kỹ thuật: xạ quy ước (3D), xạ (4D), xạ định vị thân (SBRT), xạ trị điều biến liều (IMRT);
- Xạ trị phối hợp hỗ trợ sau phẫu thuật, vùng mổ, hạch M;
- Xạ trị triệu chứng giúp chống chèn ép, chống đau (khi di căn xương).
3/ Hóa trị:
Chỉ định cho nhiều giai đoạn bệnh với nhiều mục đích khác nhau:
- Hóa chất tân bổ trợ: Giai đoạn khu trú -> III;
- Hóa chất bổ trợ: Chỉ định sau phẫu thuật (4CR);
- Hóa chất triệu chứng giảm nhẹ: Các giai đoạn muộn;
- Hóa xạ phối hợp đồng thời.
4/ Điều trị đích và miễn dịch:
Áp dụng đối với các trường hợp bệnh nhân có các đột biến qua xét nghiệm gen:
- EGFR (+): Erlotinib, Gefitinib, Afatinib, Osimertinib;
- ALK (+): Crizotinib, Ceritinib, Alectinib;
- PD-L1 (+): Pembrolizumab (Keytruda), Atezolizumab, Nivolumab.
5/ Các tình huống đặc biệt:
- Di căn xương: Xạ trị, P32 kết hợp thuốc chống hủy xương a.Zoledronic (4 tuần/lần);
- Di căn não: Xạ phẫu + xạ trị;
- Chống đau: Kết hợp nhiều phương pháp + nhiều loại thuốc (giảm đau bậc 3).
Như vậy, ung thư phổi là bệnh lý thường gặp, có tiên lượng rất xấu. Hiện có nhiều tiến bộ lớn trong chẩn đoán và điều trị nên tiên lượng đã được cải thiện nhiều, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Từ đó, chuyên gia nhấn mạnh vai trò của việc thăm khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ.
“Trên thực tế, có nhiều trường hợp được tình cờ phát hiện mắc ung thư phổi trong quá trình thăm khám sức khỏe định kỳ. Do đó, việc chủ động tầm soát, đặc biệt đối với những người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiếp xúc hóa chất độc hại hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát hiện sớm và nâng cao hiệu quả điều trị” - chuyên gia khuyến cáo.
Chuyên gia khuyến cáo người dân nên chủ động tầm soát ung thư định kỳ
Với năng lực chuyên môn vững mạnh, hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, MEDLATEC hiện là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu trong lĩnh vực tầm soát và phát hiện sớm ung thư tại Việt Nam. Mọi nhu cầu thực hiện tầm soát ung thư nói riêng và thăm khám sức khỏe định kỳ nói chung, người dân hãy liên hệ tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!