Các tin tức tại MEDlatec
Làm gì khi trẻ bị chó cắn?
Cách xử trí khi trẻ bị chó cắn
- Đầu tiên, người lớn nên an ủi trẻ, nhẹ nhàng trấn an trẻ nhằm tránh cho trẻ bị hoảng loạn.
- Sau khi trẻ trấn tĩnh, cần phải xem xét ngay vết thương của trẻ (Vết thương xước da hay chảy máu? Vết thương có sâu và rộng hay không? Có bao nhiêu vết thương? Vết thương ở vị trí nào trên cơ thể của bé…) rồi tiến hành rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút, kể cả vết thương chỉ trầy xước da. Chú ý rửa tay thật sạch trước và sau khi sơ cứu cho trẻ.
- Dùng dung dịch sát khuẩn (có thể là cồn 70o hoặc dung dịch iod) để sát trùng vết thương.
- Dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Tránh băng kín vết thương.
Sau khi đã thực hiện các bước trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ kiểm tra và có chỉ định thích hợp.
Lưu ý: Nếu vết thương chảy máu nhiều, trẻ xanh tái, mệt,… phải đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Tiêm phòng cho trẻ
Nói chung, mọi trẻ bị chó cắn đều nên được tiêm phòng càng sớm càng tốt. Trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng dại và tùy theo tình trạng vết thương cùng với tiền sử tiêm phòng uốn ván trước đây mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm phòng uốn ván cho trẻ. Ngoài ra, trẻ có thể được tiêm huyết thanh kháng dại nếu vết cắn nằm ở đầu, mặt, cổ, vết thương ở các vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu ngón tay, đầu ngón chân, bộ phận sinh dục, vết thương sâu và nhiều.
Phòng ngừa trẻ bị chó cắn
Để đề phòng trường hợp bị chó cắn, cha mẹ cần để mắt trông chừng trẻ, nhất là những bé ở độ tuổi chập chững biết đi. Không để trẻ đùa giỡn, kéo đuôi chó mèo. Đối với trẻ lớn, nên giáo dục trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, không đến gần súc vật lạ, không chọc phá súc vật nhất là khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ. Cần tiêm phòng bệnh dại cho những vật nuôi thường tiếp xúc với trẻ như chó, mèo.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!