Các tin tức tại MEDlatec

Mách mẹ cách điều trị viêm nang lông ở trẻ

Ngày 02/07/2022
Bệnh viêm nang lông không chỉ gặp ở người lớn mà còn xảy ra ở đối tượng trẻ nhỏ. Khi thời tiết thay đổi, trời quá nóng hoặc quá lạnh thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Tuy nhiên, cha mẹ không nên lo lắng quá về tình trạng viêm nang lông ở trẻ, nếu biết chăm sóc trẻ đúng cách, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị y tế. 

1. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nang lông ở trẻ

Viêm nang lông ở trẻ thường xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:

- Do di truyền: Những trẻ có cha mẹ mắc bệnh viêm nang lông sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn những trẻ không có cha mẹ bị bệnh.

Viêm nang lông có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn

- Do trẻ không được vệ sinh cơ thể sạch sẽ: Việc vệ sinh cơ thể hàng ngày là một thói quen đặc biệt quan trọng đối với cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu không vệ sinh da sạch sẽ, những bụi bẩn sẽ có nguy cơ tích tụ trên lỗ chân lông, gây tắc nghẽn và từ đó gây ra phản ứng viêm nang lông.

Đối với những trẻ còn nhỏ, chưa có ý thức cao trong chuyện tắm rửa, vệ sinh da hàng ngày. Các bậc phụ huynh cần quan tâm, để ý đến con nhiều hơn và hướng dẫn con cách vệ sinh cơ thể.

Mùa hè là thời điểm trẻ em thường xuyên đi bơi tại công viên nước, hồ bơi công cộng. Nếu hồ bơi không được thường xuyên vệ sinh theo đúng quy định thì những trẻ tắm hồ bơi này có thể mắc phải một số bệnh lý về da, trong đó có tình trạng viêm nang lông.

- Nếu thường xuyên mặc những bộ đồ quá chật và chất liệu không thấm hút tốt sẽ khiến trẻ thường xuyên bị chảy mồ hôi. Khi quần áo cọ xát vào da, kết hợp với tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trên da và gây ra tình trạng viêm nang lông ở trẻ.

- Do sử dụng một số loại thuốc mỡ khiến cho các nang lông của trẻ bị tắc nghẽn.

- Rối loạn tuyến dầu: Đối với những trẻ còn quá nhỏ, hoạt động của tuyến dầu chưa ổn định, bởi vậy khi bã nhờn tiết ra quá nhiều khiến cho lỗ chân lông bị tắc lại và gây viêm.

Lưu ý, một số trẻ sẽ có nguy cơ bị viêm nang lông cao hơn những trẻ khác là những trường hợp sau: Trẻ bị bệnh chàm hoặc bị mụn trứng cá, trẻ phải sử dụng thuốc kháng sinh quá lâu, trẻ có những vết thương hở, bị nhiễm khuẩn da, trẻ bị tiểu đường, suy yếu miễn dịch, bị bạch cầu,…

2. Những triệu chứng của bệnh viêm nang lông ở trẻ

Khi mắc phải tình trạng viêm nang lông, trẻ sẽ có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:

- Các nang lông bị viêm, nổi mẩn nhỏ, thường có màu đỏ hoặc có đầu trắng. Trong những nốt mẩn này có thể chứa mủ, dễ vỡ và sau đó sẽ đóng vảy.

Viêm nang lông thường gây ngứa, đau nhức

- Tình trạng viêm nang lông thường gây ngứa, thậm chí là đau nhức. Nhất là khi bệnh đã gây ra nhiễm trùng thì biểu hiện này lại càng rõ ràng.

- Mọi vùng da trên cơ thể để có thể xuất hiện tình trạng viêm nang lông, nhưng các vùng da ẩm ướt thì nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn, nhất là vùng nách, bẹn, hậu môn, bộ phận sinh dục.

- Lông cuộn dưới da: Đây cũng là một trong những triệu chứng của bệnh viêm nang lông. Những sợi lông không mọc thẳng trên da như bình thường mà cuộn tròn ngược vào bên trong.

Cha mẹ cần lưu ý quan sát trẻ nhiều hơn, đặc biệt là những trường hợp trẻ còn nhỏ và chưa biết nói, để nhận biết sớm những triệu chứng bất thường của trẻ, từ đó kịp thời phát hiện và chữa trị bệnh.

3. Phương pháp điều trị viêm nang lông ở trẻ

Phần lớn trẻ bị viêm nang lông đều có thể tự khỏi, chỉ cần chăm sóc đúng cách. Do đó, bố mẹ không cần lo lắng quá. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ có thể tự khỏi bệnh trong vòng 2 tuần.

Nên tắm rửa vệ sinh thường xuyên cho trẻ

Dưới đây là một số gợi ý cho các bậc phụ huynh về cách chăm sóc trẻ:

- Nên làm sạch vùng da bị tổn thương bằng các loại xà phòng diệt khuẩn. Cha mẹ cần lưu ý không nên chà xà phòng quá lâu hoặc quá mạnh vào da của bé để tránh khiến cho tình trạng tổn thương da ngày càng nghiêm trọng hơn.

Lưu ý, sau khi làm sạch da, mẹ nên dùng khăn sạch để thấm khô da, sau đó mới mặc quần áo cho con.

- Có thể dùng kem corticosteroid loại không kê đơn để cải thiện triệu chứng ngứa da của trẻ.

Trong trường hợp các triệu chứng viêm nang lông của trẻ không được cải thiện trong vòng 10 ngày, đồng thời những nốt mụn mủ ngày nhiều và lan rộng ra các vùng da, trẻ có hiện tượng sốt,… nên cho trẻ đi khám sớm. Với một số trường hợp, trẻ cần được điều trị kháng sinh đường uống.

Để phòng ngừa viêm nang lông ở trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

- Mẹ nên cho con mặc những bộ đồ rộng rãi, có chất liệu thấm hút tốt, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng bức.

- Mẹ thường xuyên vệ sinh tắm rửa, thay quần áo và ga trải giường cho bé.

- Sau khi cho trẻ đi bơi cần cho trẻ tắm lại bằng nước sạch và xà phòng. Với những trường hợp trẻ đang có vết thương hở, không nên cho trẻ đi bơi ở công viên hoặc các hồ bơi hoặc tắm nước nóng.

Cho trẻ mặc đồ thoáng mát

- Áp dụng một chế độ ăn khoa học, lành mạnh cho trẻ. Đảm bảo cho trẻ uống nhiều nước và ưu tiên bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều vitamin.

Trong dân gian có một số bài thuốc có tác dụng làm mát da từ một số loại lá như mướp đắng, chè xanh, lá khế chua, sài đất, lá nhọ nồi. Đồng thời, những bài thuốc này còn có thể phòng ngừa các bệnh về da liễu, trong đó bao gồm viêm nang lông. Tuy nhiên, đây chỉ là bài thuốc theo kinh nghiệm, truyền miệng trong dân gian, chưa được chứng minh khoa học. Trong trường hợp trẻ bị dị ứng hoặc mẹ sử dụng không đúng theo bài thuốc, có thể gây phản tác dụng.

Để tìm hiểu thêm về bệnh viêm nang lông ở trẻ hoặc có nhu cầu thăm khám cho trẻ, mẹ có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.