Các tin tức tại MEDlatec

MCV là gì và bác sĩ hướng dẫn cách đọc chỉ số MCV

Ngày 13/01/2021
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
MCV là một chỉ số xét nghiệm máu thường thấy, tuy nhiên hầu hết chúng ta đều không hiểu rõ MCV là gì? Chỉ số MCV cao hay thấp như thế nào, cảnh báo nguy cơ bệnh lý gì? Để giải quyết những thắc mắc này, bạn có thể tham khảo bài viết tổng hợp chi tiết dưới đây của MEDLATEC.

1. MCV là gì?

MCV là viết tắt của thuật ngữ y học Mean Corpuscular Volume, cho thấy thể tích trung bình của hồng cầu - loại tế bào chiếm lượng lớn nhất trong máu con người. Cũng chính hồng cầu chứa huyết sắc tố khiến máu người có màu đỏ tươi.

MCV là chỉ số thường thấy trong kết quả xét nghiệm máu

Hồng cầu trong máu có vai trò vận chuyển oxy từ phổi tới các mô trong cơ thể, sau đó tiếp nhận CO2 do mô đào thải quay trở về phổi trao đổi khí. Như vậy, hồng cầu giữ vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể.

Chỉ số MCV là chỉ số đánh giá thường có trong xét nghiệm máu thường quy. Ở người bình thường, chỉ số MCV trong máu nằm trong khoảng từ 80 - 100 femtoliter (đơn vị 1 femtoliter = 1/1 triệu lít).

Như vậy chỉ số MCV bất thường khi:

MCV < 80 fl: thiếu máu hồng cầu nhỏ

MCV thấp, nghĩa là thể tích trung bình của hồng cầu thấp cho thấy hồng cầu của bạn đang bị teo nhỏ lại.

MCV >100 fl: thiếu máu hồng cầu đại

MCV cao, nghĩa là thể tích trung bình của hồng cầu cao cho thấy vì nguyên nhân nào đó, hồng cầu của bạn bị phì ra.

MCV bất thường cảnh báo nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng hoặc bệnh lý

2. MCV bất thường cảnh báo nguy cơ bệnh lý gì?

Ngoài nắm được MCV là gì, việc hiểu ý nghĩa của các chỉ số này sẽ giúp bạn chủ động hơn với các vấn đề sức khỏe của bản thân. MCV không nằm trong mức 80 - 100 fl đều thuộc nhóm bất thường, nó cảnh báo tình trạng thiếu hụt dưỡng chất hoặc bệnh lý. Cụ thể như sau:

2.1. MCV trong máu thấp

Hồng cầu máu bị teo lại có thể do các nguyên nhân như:

Thiếu hụt sắt: Đây là nguyên nhân phổ biến

Theo khuyến cáo của RDI - Mỹ, nhu cầu sắt hàng ngày của con người như sau:

- Trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi: 6.6 mg/ngày.

- Trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi: 8.8 mg/ngày

- Trẻ từ 1 - 10 tuổi 10 mg/ngày.

- Người từ 10 - 19 tuổi: 12 mg/ngày.

- Người trên 18 tuổi: liều lượng với nam và nữ khác nhau, cụ thể: nam 10 mg/ngày, nữ 15 mg/ngày.

Phụ nữ có thai cần nhiều sắt hơn, khoảng 45 mg/ngày, phụ nữ sau mãn kinh cần ít sắt hơn, chỉ 10 mg/ngày.

Việc bổ sung thiếu sắt từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày là nguyên nhân khiến MCV giảm thấp.

Hội chứng Thalassemia: người mắc hội chứng tan máu bẩm sinh thalassemia thường bị hồng cầu teo.

Bệnh Hemoglobin: rối loạn máu, một trong các vấn đề gây ra là teo hồng cầu, dẫn tới MCV thấp.

Phụ nữ mang thai: đối tượng này có nhu cầu sử dụng sắt rất lớn, gấp tới 4 - 5 lần người bình thường nên nếu không bổ sung đủ, thai phụ kiểm tra sẽ có chỉ số MCV thấp.

Bệnh lý mạn tính: Thiếu máu trong các bệnh lý mạn tính, suy thận mạn tính, nhiễm độc chì, thiếu máu nguyên hồng cầu khiến MCV máu giảm rất thấp

Phụ nữ mang thai thường có chỉ số MCV thấp do thiếu sắt

Khi kết quả MCV xét nghiệm máu thấp, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ thiếu hụt cũng như nguyên nhân để đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất.

2.2. MCV trong máu cao

MCV trong máu cao chỉ ra tình trạng hồng cầu của bạn bị phì ra do thiếu máu hồng cầu lớn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này do:

Thiếu hụt Vitamin B12: Vitamin B12 thường được cơ thể hấp thu qua thực phẩm hàng ngày, tuy nhiên chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng, không cung cấp đủ Vitamin B12 sẽ gây tình trạng thiếu máu hồng cầu lớn. Các thực phẩm giàu Vitamin B12 gồm: cá, trứng, gan, sữa, ngũ cốc dinh dưỡng.

Thiếu hụt acid folic: Phụ nữ mang thai cũng có nhu cầu sử dụng acid folic cao hơn người bình thường. Chế độ dinh dưỡng không bổ sung đủ dưỡng chất này cũng là nguyên nhân gây MCV trong máu cao.

Thông thường, MCV cao do thiếu hụt dinh dưỡng nên thường có thể khắc phục hiệu quả, không để lại biến chứng nguy hiểm bằng thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất, tập luyện hoặc bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm chức năng.

Chỉ số MCV cung cấp thông tin giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe

Ngoài chỉ số MCV, xét nghiệm máu còn chỉ ra các chỉ số tế bào hồng cầu khác là: Số lượng hemoglobin trung bình trong một hồng cầu (MCH) và Nồng độ hemoglobin trung bình trong một hồng cầu (MCHC). Các chỉ số tế bào hồng cầu này đều có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá mức độ, tình trạng hồng cầu trong máu cũng như các vấn đề sức khỏe, bệnh lý liên quan.

3. Xét nghiệm MCV cần lưu ý gì?

Xét nghiệm máu nói chung và xét nghiệm chỉ số MCV trong máu nói riêng đều là những xét nghiệm quan trọng. Kết quả xét nghiệm máu cho phép bác sĩ có đánh giá, chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nhất là khi MCV trong máu cao hoặc thấp bất thường phản ánh chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý hoặc bệnh lý máu nguy hiểm.

Khi đó, bác sĩ có thể tư vấn thay đổi dinh dưỡng, sinh hoạt hoặc phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Thông thường xét nghiệm máu nói chung và xét nghiệm MCV nói riêng sẽ được chỉ định khi cần kiểm tra: thiếu máu, chẩn đoán bệnh đa hồng cầu, kiểm tra nhiễm trùng, chẩn đoán các bệnh về máu, sàng lọc trước phẫu thuật,…

Hãy yên tâm nếu được chỉ định xét nghiệm máu trong khám sức khỏe tổng quát hoặc chẩn đoán bệnh nhé, quy trình lấy máu tiêu chuẩn sử dụng lượng máu vừa đủ, hoàn toàn an toàn cho sức khỏe của bạn.

Nếu khi nhận kết quả xét nghiệm máu, ngoài MCV còn rất nhiều kí hiệu, chỉ số hoặc kết quả phân tích mà bạn không hiểu, hãy yên tâm vì bác sĩ sẽ giải thích chi tiết và kết luận đầy đủ cho người bệnh. Đôi khi để đánh giá chính xác tình trạng bệnh, tìm nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Các chỉ số xét nghiệm máu đều có ý nghĩa trong khám sức khỏe và chẩn đoán bệnh

Có thể nói, xét nghiệm máu là một trong các xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá tình hình sức khỏe, sàng lọc nguy cơ bệnh lý. Vì thế hãy lựa chọn thực hiện xét nghiệm tại các địa chỉ y tế uy tín, chất lượng để có kết quả chính xác nhất, bác sĩ tư vấn nhiệt tình cùng bạn giải quyết các vấn đề sức khỏe gặp phải nhé.

Hi vọng những thông tin bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ MCV là gì và ý nghĩa kết quả xét nghiệm MCV. Nếu có thắc mắc cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với các chuyên gia MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 hoặc hệ thống Y tế MEDLATEC trên toàn quốc.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.