Các tin tức tại MEDlatec
Nguyên nhân dẫn đến loãng xương ở trẻ em và phương pháp điều trị
- 12/12/2021 | Chăm sóc, dự phòng tình trạng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh
- 17/12/2021 | Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh như thế nào?
- 03/02/2022 | Phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương hiệu quả
1. Nguyên nhân nào dẫn đến loãng xương ở trẻ em?
Loãng xương là bệnh lý của xương do giảm mật độ xương dẫn đến giảm sức khỏe và độ rắn chắc của xương, vì thế xương dễ gãy hơn dưới các tác động lực. Loãng xương ở trẻ em khá khó nhận biết, nhất là ở giai đoạn đầu do triệu chứng không rõ ràng song ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tương lai sau này của trẻ.
Loãng xương là bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe xương và sự phát triển của trẻ
Khác với người cao tuổi, loãng xương ở trẻ em chủ yếu do những nguyên nhân sau:
1.1. Do di truyền
Đây là nguyên nhân chiếm đến 70% trường hợp loãng xương ở trẻ em, liên quan đến bất thường ở 1 vài đặc điểm di truyền ảnh hưởng đến sự tổng hợp và phát triển xương. Do vậy nếu trong gia đình có người bị loãng xương sớm, cần lưu ý theo dõi và kiểm tra ở trẻ.
1.2. Do dinh dưỡng
Nguyên nhân phổ biến thứ hai khiến trẻ bị loãng xương là do yếu tố dinh dưỡng, khi chế độ ăn của trẻ không đầy đủ dưỡng chất. Đặc biệt là sự thiếu hụt nhóm chất canxi và Vitamin D, mật độ xương của trẻ thấp và nguy cơ loãng xương cao. Ngoài ra, thói quen ăn nhiều muối, ít chất đạm, ít phosphor, protid,… cũng góp phần dẫn đến loãng xương ở trẻ nhỏ.
Loãng xương ở trẻ thường do dinh dưỡng kém
Ngoài nguyên nhân do dinh dưỡng kém, nhiều trẻ có chế độ ăn đầy đủ nhưng do không hấp thu tốt cũng khiến xương phát triển bất thường, loãng và yếu hơn khi trưởng thành.
1.3. Do bệnh về đường tiêu hóa
Nếu trẻ mắc sớm các rối loạn tiêu hóa hay bệnh lý về dạ dày, ruột non,… làm cản trở việc hấp thu Vitamin D, canxi và protein thì nguy cơ xương cũng cao hơn. Lúc này, dù cha mẹ cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh về xương, cần đưa trẻ đi khám và điều trị bệnh về đường tiêu hóa mắc phải.
1.4. Do lười vận động
Trẻ nhỏ cần thường xuyên vận động, đặc biệt là luyện tập thể thao mới có thể giúp khối xương phát triển tốt, mật độ xương chắc khỏe hơn. Nhất là khi tham gia các hoạt động ngoài trời, cơ thể trẻ sẽ hấp thu tốt Vitamin D để cấu tạo nên xương.
1.5. Các nguyên nhân khác
Trẻ mắc các bệnh mạn tính như: rối loạn mô liên kết trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp, bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp hoặc vỏ thượng thận, bệnh về khớp, suy thận mạn,… cũng dẫn đến tình trạng kém hấp thu Canxi. Ngoài ra, nếu trẻ bị viêm xương, đang chạy thận nhân tạo hoặc chấn thương phải nằm lâu ngày cũng dễ gặp tình trạng loãng xương hơn các trẻ khác.
Bệnh lý tuyến giáp cũng có thể dẫn đến loãng xương
Có thể thấy, nguyên nhân gây loãng xương ở trẻ nhỏ khá phức tạp, nhiều trường hợp nhiều nguyên nhân kết hợp gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.
2. Điều trị loãng xương ở trẻ như thế nào?
Mục đích điều trị:
-
Chế độ tập luyện và dinh dưỡng phù hợp.
-
Cung cấp calcium và vitamin D.
-
Ngăn ngừa tình trạng hủy xương bằng thuốc bisphosphonate.
Cần điều trị bệnh lý nguyên nhân kết hợp với điều trị khắc phục tình trạng loãng xương. Dưới đây là một số phương pháp điều trị loãng xương ở trẻ:
2.1. Dùng thuốc
Calcium nguyên tố: liều khuyến cáo dành cho mọi trẻ
-
Trẻ 0 - 6 tháng: 210 mg/ ngày.
-
Trẻ 6 - 12 tháng: 270 mg/ ngày.
-
Trẻ 1 - 3 tuổi: 500 mg/ ngày.
-
Trẻ 4 - 8 tuổi: 800 mg/ ngày.
-
Trẻ 9 - 15 tuổi: 1300 mg/ ngày.
Vitamin D2: Liều cơ bản: 400 UI/ ngày
Mục tiêu: giữ nồng độ 25 - OH vitamin D > 32 ng/ml.
Bisphosphonate: Ví dụ Pamidronate, Zoledronic acid.
2.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp
Để phòng ngừa và khắc phục loãng xương ở trẻ nhỏ, cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh kể từ khi mẹ mang bầu cho đến khi trẻ sinh ra và lớn lên như sau:
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp ngăn ngừa loãng xương
-
Thường xuyên tắm nắng với khoảng 30 phút giờ nắng trực tiếp mỗi ngày, ánh nắng tốt nhất là ánh nắng vào sáng sớm hoặc chiều tà.
-
Tăng cường ăn thức ăn giàu Vitamin D và canxi như: gan, cua, cá, trứng, sữa, bơ,… kể từ khi mẹ bầu mang thai, cho con bú hay trẻ lớn hơn đã có thể tự ăn uống.
-
Mẹ bầu nên nghỉ ngơi hợp lý trong thời gian mang thai và sinh con, bổ sung Vitamin D nếu thai phụ bị sinh non.
-
Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên bởi đây là nguồn dinh dưỡng đầy đủ nhất, giàu canxi và vitamin D cho trẻ sơ sinh.
-
Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm khi chỉ 3 - 4 tháng tuổi do lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa phát triển đầy đủ, tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng kém.
-
Chọn thực phẩm giàu Vitamin D, Canxi cho trẻ bắt đầu ăn dặm như: cua, cá, sữa, trứng, các loại rau xanh, gan động vật,…
-
Cho trẻ tắm nắng mặt trời thường xuyên 10 - 15 phút mỗi ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều khi ánh nắng không quá gắt. Đây là cách để cơ thể trẻ hấp thu Vitamin D tự nhiên bổ sung cho xương chắc khỏe, mật độ xương tốt.
-
Trẻ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh về xương khớp cao hơn trẻ bình thường, do vậy cha mẹ cũng cần chú ý kiểm soát cân nặng hợp ý cho trẻ. Nếu trẻ bị thừa cân béo phì, nên cho trẻ tập luyện và giảm cân phù hợp.
Trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh về xương cao hơn
Như vậy, không chỉ người lớn hay người già mới bị loãng xương, loãng xương ở trẻ em hoàn toàn có thể xảy ra nếu chế độ dinh dưỡng, tập luyện và sinh hoạt của trẻ không tốt. Cha mẹ cần chú ý đến sự phát triển chiều cao và thể chất khác của trẻ để phát hiện sớm chứng loãng xương cũng như các dấu hiệu bệnh lý về xương khớp khác.
Nếu cần tư vấn thêm về chăm sóc cho trẻ loãng xương, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!