Các tin tức tại MEDlatec
Những thông tin cần biết khi tiêm vacxin ComBe Five cho con
- 15/04/2020 | Những thông tin cần biết về vắc xin Synflorix phòng phế cầu
- 15/04/2020 | Những đối tượng nào cần tiêm vắc xin uốn ván?
- 17/04/2020 | Giá tiền tiêm vắc xin uốn ván là bao nhiêu và tiêm ở đâu uy tín?
1. Vacxin ComBe Five là gì?
Vacxin ComBe Five là loại vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm như ho gà,uốn ván, bạch hầu, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ Hib. Đây đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà trẻ nhỏ dễ mắc phải, làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển và sức khỏe.
Vì vậy khi sử dụng vacxin ComBe Five sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho cha mẹ, giảm số mũi tiêm cho trẻ và đặc biệt giúp trẻ phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm kể trên. So với vắc-xin Quinvaxem được sử dụng trước đó, vacxin ComBe Five cũng có thành phần tương tự.
Vacxin ComBe Five là vacxin phòng bệnh dành cho trẻ nhỏ
Đây là thuộc vacxin của Ấn Độ được triển khai áp dụng đồng loạt trên toàn quốc từ tháng 12/2018 thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trước khi được nhập về và triển khai trên phạm vi toàn quốc, vacxin này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu. Đồng thời thực hiện các thủ tục đăng ký để được lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và WHO. Vacxin này chỉ được áp dụng khi đã vượt qua các khâu kiểm định theo yêu cầu và làm thủ tục cần thiết.
Ngoài ra mỗi lô vacxin nhập về Việt Nam đều phải qua kiểm tra của Viện Kiểm định Quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế kiểm định.
2. Những thông tin cần biết khi tiêm vacxin ComBe Five cho trẻ
Vacxin ComBe Five có an toàn không?
Sau khi triển khai trên toàn quốc, đã ghi nhận một số phản ứng thông thường sau tiêm. Điều này đã khiến cho không ít cha mẹ hoang mang, lo lắng không biết nên cho con em mình tiêm loại vacxin này hay không. Tuy nhiên các bậc phụ huynh có thể yên tâm khi tiêm vacxin này vì đây thực chất là loại vacxin có tính an toàn tốt, sau khi tiêm vacxin các phản ứng xảy ra đều là thông thường hoặc nhẹ.
Tại Ấn Độ - đất nước sản xuất ra loại vacxin này cũng đang sử dụng trong tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra theo báo cáo của một số quốc gia đã sử dụng loại vacxin này đều có đánh giá tốt, chủ yếu sau khi tiêm trẻ có một số phản ứng nhẹ. Vì vậy cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm về độ an toàn của loại vacxin này và tiêm cho con.
Trước khi được triển khai áp dụng, vacxin 5 trong 1 này đã được kiểm tra nghiêm ngặt nên cha mẹ có thể yên tâm
Không tiêm và tạm hoãn vacxin ComBe Five trong những trường hợp nào?
Để tránh xảy ra rủi ro, cha mẹ nên nắm được thông tin cần thiết về trường hợp nào nên tạm hoãn và không tiêm vacxin ComBe Five cho trẻ.
Tạm hoãn trong các trường hợp sau:
-
Khi trẻ bị mắc các bệnh cấp tính nguy hiểm, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng.
-
Khi đo nhiệt độ tai nách thấy trẻ có nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 37,5 độ C hoặc thân nhiệt hạ thấp hơn hoặc bằng 35,5 độ C.
-
Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ miễn dịch điều trị viêm gan B) và mới truyền máu.
-
Trẻ mới kết thúc trong vòng 14 ngày hoặc đang trong giai đoạn điều trị corticoid cả dạng uống và tiêm.
-
Trẻ có cân nặng dưới 2 kilogam.
Không tiêm trong các trường hợp sau:
Sau khi tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib ở lần tiêm chủng trước hoặc vắc xin có thành phần DPT, viêm gan B, Hib trẻ có phản ứng nặng hoặc sốc, cụ thể:
-
Tiêm về trẻ sốt cao từ 1 đến 2 ngày với nhiệt độ trên 39 độ C.
-
Co giật không sốt hoặc kèm theo sốt trong khoảng thời gian 3 ngày sau khi tiêm vacxin.
-
Khóc dai dẳng liên tục sau 3 giờ hoặc 1 ngày tiêm vacxin.
-
Trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái trong vòng 2 ngày sau khi tiêm vacxin.
-
Ngoài ra không tiêm vacxin ComBe Five cho trẻ bị suy hô hấp, suy tim, suy thận, suy tuần hoàn, suy gan,…
Các bậc cha mẹ nên nắm được các trường hợp tạm hoãn và không nên tiêm vacxin ComBe Five
3. Một số lưu ý cho cha mẹ khi cho con tiêm vacxin ComBe Five
Trước khi đi tiêm
-
Chủ động thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của con em mình trong thời gian 7 ngày gần nhất trước tiêm như đã uống thuốc gì, có ho sốt không,… Đồng thời đề cập tới tiền sử sức khỏe của trẻ ví dụ như dị ứng thuốc gì, sinh non, có mẫn cảm với vacxin ở lần tiêm phòng trước hay không.
-
Ghi lại lịch tiêm phòng của đơn vị tiêm để kịp thời liên hệ nếu có vấn đề gì xảy ra.
-
Lưu giữ đầy đủ và cẩn thận sổ, phiếu tiêm chủng và sổ theo dõi sức khỏe của trẻ.
Sau khi đi tiêm
Sau khi tiêm vacxin ComBe Five trẻ sẽ có một số biểu hiện sốt, quấy khóc, đau, sưng tấy tại chỗ tiêm. Cha mẹ có thể chăm sóc con tại nhà như sau:
-
Thường xuyên cặp nhiệt độ để kiểm tra thân nhiệt của trẻ sau khi tiêm về. Nếu thấy trẻ có biểu hiện nóng sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cha mẹ có thể hạ sốt bằng cách chườm khăn ấm, để trẻ nằm phòng thoáng khí, cho mặc quần áo rộng rãi,…
-
Sau tiêm có thể trẻ sốt cao sẽ bị mất nước, cha mẹ có thể bù nước bằng cách cho ăn cháo loãng cho thêm muối và uống oresol.
-
Với trẻ nhỏ cho bé bú đầy đủ để bổ sung dinh dưỡng, với trẻ lớn cho ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt và tiêu hóa.
-
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C hãy cho uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi khi cho uống hạ sốt hãy thận trọng hoặc có sự theo dõi của bác sĩ.
-
Trong trường hợp trẻ có biểu hiện co giật, sốt cao, bỏ ăn và quấy khóc sau 24 giờ tiêm vacxin cha mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất đề được kiểm tra kịp thời, tránh tự ý điều trị tại nhà.
Sau khi tiêm về cha mẹ cần quan sát, theo dõi biểu hiện của trẻ
Để có được hiệu quả như mong muốn, cha mẹ nên tìm hiểu thật kỹ trước khi tiêm vacxin ComBe Five cho trẻ. Đồng thời thực hiện đúng theo những hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế bởi chỉ cần bất kỳ sơ sẩy nào cũng có thể gây ra tử vong cho trẻ.
Với những thông tin trên đây hy vọng đã giúp cha mẹ có thể hiểu hơn về vacxin ComBe Five khi tiêm phòng cho trẻ. Để được tư vấn chi tiết hơn, các bạn có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số điện thoại hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!