Các tin tức tại MEDlatec
Rối loạn giấc ngủ: nguyên nhân, phân loại, điều trị và cách phòng ngừa
- 23/07/2021 | Tất tần tật thông tin cần biết về rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
- 27/02/2022 | Gợi ý những phương pháp cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ hiệu quả nhất
- 22/09/2022 | Chuyên gia phân tích nguyên nhân rối loạn giấc ngủ và cách điều trị thích hợp
1. Rối loạn giấc ngủ là gì?
Rối loạn giấc ngủ là khi chất lượng giấc ngủ cũng như thời gian ngủ thay đổi không như bình thường, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần.
Rối loạn giấc ngủ tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần
Những người bị rối loạn giấc ngủ thường sẽ có những biểu hiện đặc trưng như:
● Khó đi vào giấc ngủ.
● Bị tỉnh giấc bất thình lình giữa đêm.
● Cảm thấy mệt mỏi khi làm việc ban ngày và thường xuyên buồn ngủ.
● Không có thời gian biểu đi ngủ và thức giấc cụ thể.
● Khó tập trung, luôn cáu gắt và có cảm giác lo lắng bất thường.
● Năng suất làm việc bị suy giảm.
● Tăng cân nhanh chóng.
● Có dấu hiệu bị trầm cảm.
● Khi đi ngủ thường có những hành vi bất thường,...
Nhìn chung, không phải ai bị rối loạn giấc ngủ cũng gặp phải các triệu chứng trên. Hơn nữa, đây cũng là dấu hiệu khá phổ biến đối với một số bệnh lý khác. Vì vậy, người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ để có chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng sức khỏe của mình.
2. Nguyên nhân phổ biến
Những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ có thể là:
Giấc ngủ bị rối loạn do nhiều nguyên nhân khác nhau
● Do các bệnh lý như dị ứng, cảm lạnh hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp,...
● Các bệnh lý về tim mạch, phổi hay dạ dày,... cũng khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hơn bình thường.
● Thường xuyên đi tiểu vào ban đêm: Nguyên nhân là vì bạn uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ. Việc đi tiểu quá nhiều lần vào ban đêm cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Những người bị mất cân bằng nội tiết hoặc mắc phải các bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu hay thận đều khiến bệnh nhân đi tiểu đêm nhiều hơn.
● Những cơn đau mạn tính không chỉ gây khó ngủ mà còn có thể khiến bạn bất chợt tỉnh giấc, ngay cả khi bạn đã ngủ sâu. Với một số trường hợp nhất định, những cơn đau mạn tính có thể nặng hơn vì hội chứng rối loạn giấc ngủ.
● Căng thẳng, lo âu cũng khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp còn gặp ác mộng khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
● Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc khiến giấc ngủ bị rối loạn như ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn so với bình thường.
● Tính di truyền: Nếu trong gia đình có người đã bị rối loạn về giấc ngủ thì tỷ lệ bạn mắc phải hội chứng này cũng cao hơn so với người khác.
● Hội chứng Jet Lag: Thường xuất hiện ở người phải di chuyển nhiều qua các múi giờ khiến cơ thể chưa thể thích nghi kịp thời.
● Giờ giấc sinh hoạt kém lành mạnh, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ,...
3. Phân loại rối loạn giấc ngủ phổ biến
Những dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp là:
3.1. Mất ngủ
Đây là một dạng khó để đi vào giấc ngủ và thường diễn ra trong nhiều ngày. Những bệnh nhân bị mất ngủ thường có xu hướng buồn ngủ nhiều vào ban ngày. Đồng thời, họ cũng dễ bị mắc phải các chứng suy giảm nhận thức khác.
Nếu tình trạng này kéo dài (tần suất ít nhất 3 lần/tuần trong 3 tháng liên tiếp) thì được liệt vào dạng mất ngủ mạn tính.
Mất ngủ cũng là một dạng rối loạn giấc ngủ khá phổ biến
3.2. Ngưng thở khi ngủ
Đây cũng là một dạng khác của bệnh lý rối loạn giấc ngủ. Những người mắc phải hội chứng này sẽ bị tắc nghẽn đường thở trên khi đang trong giấc ngủ. Ngưng thở khi ngủ được phân làm hai nhóm gồm ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp bị mắc cả hai loại trên và được gọi là ngưng thở hỗn hợp.
Người bệnh khi vào giấc ngủ, phần thanh quản sẽ bị hẹp lại và làm cho lượng không khí đi qua hầu họng khó khăn hơn, gây nên tình trạng ngáy. Một số trường hợp, bệnh nhân sẽ ngưng thở trong khoảng 10 giây.
Hội chứng ngưng thở khi đang ngủ có thể tái diễn nhiều lần trong một đêm. Khi thức giấc, người bệnh sẽ không nhớ gì về hiện tượng này và thường có cảm giác mệt mỏi.
3.3. Chứng ngủ rũ Narcolepsy
Những người mắc phải dạng rối loạn giấc ngủ này thường cảm thấy rất mệt mỏi vào ban ngày. Họ luôn trong trạng thái buồn ngủ và có thể ngủ gật bất cứ lúc nào.
Đây là một dạng bệnh lý mạn tính, có thể khiến trương lực cơ biến mất trong một khoảng thời gian ngắn. Chứng ngủ rũ có thể xuất hiện ở những trường hợp như: u vùng não thất ba, bệnh lý Niemann - Pick, bệnh lý viêm não,...
3.4. Hội chứng chân không yên
Đây là một dạng bệnh lý rối loạn vận động có liên quan đến giấc ngủ. Những người bị mắc hội chứng này thường cảm thấy chân bị ngứa, đau và khó chịu, chân luôn muốn di chuyển ngay cả khi đang ngủ.
Cũng có những trường hợp, bệnh nhân mắc phải hội chứng này còn cảm thấy khó chịu ở nhiều bộ phận khác. Và chỉ đến khi chân được di chuyển thì mới cảm thấy dễ chịu hơn. Dạng rối loạn giấc ngủ do hội chứng chân không yên thường nhẹ hơn vào buổi sáng và trở nặng hơn vào buổi tối.
3.5. Chứng mất ngủ giả
Chứng mất ngủ giả (Parasomnias) là một dạng khác của bệnh rối loạn giấc ngủ. Những người bị mắc chứng bệnh này hay có các hành vi bất thường trước hoặc khi đang ngủ.
Bệnh nhân mất ngủ giả có thể bị mộng du, nói chuyện hoặc rên rỉ khi đang ngủ,... Những biểu hiện này thường phổ biến hơn ở bệnh nhi và ít gặp hơn ở người lớn.
3.6. Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học
Những người bị mắc phải dạng rối loạn giấc ngủ này thường rất khó đi vào giấc ngủ. Bệnh nhân có xu hướng thức giấc quá sớm nhưng không thể ngủ lại. Dạng rối loạn này bao gồm nhiều kiểu như: rối loạn ở giai đoạn ngủ muộn, rối loạn khi giấc ngủ nâng cao, rối loạn khung giờ ngủ và thức,...
Bên cạnh những dạng rối loạn giấc ngủ được đề cập ở trên thì bệnh nhân còn có thể mắc phải các dạng rối loạn khác ví dụ như: ngủ quá mức vô căn cứ, tê liệt khi đang ngủ, hội chứng Kleine-Levin,...
4. Các biện pháp phòng ngừa và điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ
4.1. Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa bị rối loạn giấc ngủ, bạn nên áp dụng một thời gian biểu khoa học và lưu ý một vài vấn đề như sau:
Bạn nên tạo thói quen đi ngủ và thức giấc vào chung khung giờ
● Tạo thói quen ngủ và thức giấc vào khung giờ cố định.
● Không nên xem các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
● Hạn chế các yếu tố có thể khiến bạn bị căng thẳng hoặc gây kích thích thần kinh.
● Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý và bổ sung đều đặn những dưỡng chất cần thiết.
● Nói không hoặc hạn chế với các chất kích thích, đồ ăn nhiều đường,... vào chiều tối.
● Không nên ăn quá nhiều các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ và khó tiêu trước khi đi ngủ.
● Có thói quen tập luyện đều đặn.
● Trước khi đi ngủ chỉ nên uống ít nước.
4.2. Phương pháp điều trị
Để điều trị hội chứng bị rối loạn giấc ngủ thì trước hết bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Thần kinh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám, kiểm tra và tìm ra nguyên nhân cụ thể. Sau đó, các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị và sử dụng thuốc phù hợp với từng tình trạng riêng.
Bên cạnh đó, để các phương pháp điều trị y tế đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên áp dụng một vài mẹo để giúp giấc ngủ được ngon hơn và sâu hơn như:
● Trước khi ngủ 30 phút có thể ngâm chân nước ấm hoặc nước muối hồng cùng thảo dược; tập luyện thể dục nhẹ nhàng,...
● Thư giãn và sử dụng thêm những loại trà thảo dược với tác dụng chính hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn.
● Massage nhẹ nhàng ở vùng cổ - vai - gáy.
● Luôn giữ cho phòng ngủ được sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh và hạn chế ánh sáng nhiều nhất có thể.
● Nhiệt độ trong phòng ngủ ở mức vừa phải, không nên quá lạnh hoặc quá nóng
Bạn nên tạo cho mình một không gian đi ngủ thoải mái nhất
Nhìn chung, rối loạn giấc ngủ sẽ khiến bạn thường xuyên mệt mỏi và làm ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động hàng ngày. Chính vì vậy, bạn cần tìm rõ nguyên nhân và khắc phục vấn đề này để đảm bảo sức khỏe của mình ở trạng thái tốt nhất. Nếu có nhu cầu thăm khám tại MEDLATEC, Quý khách có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch và được hỗ trợ nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!