Các tin tức tại MEDlatec
Thủy đậu uống thuốc gì để mau khỏi và không để lại biến chứng?
- 10/05/2022 | Thủy đậu tắm lá gì nhanh khỏi - 5 mẹo chữa trị từ dân gian ít người biết
- 10/05/2022 | Bác sĩ giải đáp: Vắc xin thủy đậu tiêm khi nào?
- 10/05/2022 | Khám thủy đậu cho trẻ và cách chữa trị hiệu quả
1. Tìm hiểu bệnh thủy đậu
Trước khi trả lời câu hỏi bị thủy đậu uống thuốc gì, hãy cùng sơ lược về bệnh thủy đậu. Theo đó, đây là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella gây ra. Virus này còn được gọi là virus thủy đậu, xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp.
Cơ chế gây bệnh như sau: Đầu tiên, virus thủy đậu nhân lên tại chỗ gây nhiễm trùng tiên phát. Sau đó, chúng tiếp tục nhân lên ở tế bào liên võng nội mô rồi lan ra da và niêm mạc, gây nhiễm trùng thứ phát.
Thời điểm bùng phát bệnh thủy đậu là mùa đông và mùa xuân, trong điều kiện khí hậu ẩm ướt. Vì là bệnh truyền nhiễm nên khi tiếp xúc với người bệnh, nguy cơ bị lây bệnh thủy đậu là rất cao. Tiếp xúc ở đây có thể là nói chuyện trực tiếp hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn lau, chén dĩa, bàn chải,…
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella gây ra với dấu hiệu điển hình là xuất hiện mụn nước khắp người
2. Biến chứng của bệnh thủy đậu
Câu hỏi bị thủy đậu uống thuốc gì để mau khỏi, tránh nguy hiểm được nhiều người quan tâm. Đặc biệt là với phụ nữ có thai, trẻ em sinh non, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm hệ miễn dịch,… Vì đây là những đối tượng dễ gặp biến chứng khi mắc thủy đậu.
Nhiễm trùng, lở loét da
Các mụn nước trên da gây ngứa ngáy, khó chịu. Nếu gãi mạnh hay làm chúng vỡ ra thì sẽ gây nhiễm trùng và lở loét da. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ em vì các bé có xu hướng cứ ngứa là sẽ gãi để giảm bớt cảm giác khó chịu.
Viêm phổi do thủy đậu
Những người mắc bệnh về hô hấp, bệnh về phổi khi mắc thủy đậu có thể gặp biến chứng ho nhiều, tức ngực, khó thở. Nghiêm trọng hơn, một số người còn bị ho ra máu.
Hình ảnh bé trai bị nhiễm khuẩn huyết do biến chứng của thủy đậu, gây ngứa ngáy, đau đớn, khó chịu và mất thẩm mỹ
Viêm não, viêm màng não
Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể xảy ra với cả trẻ em lẫn người lớn. Dấu hiệu điển hình của viêm não, viêm màng não là sốt cao, rung giật nhãn cầu. Tiếp đến là rối loạn tri giác và hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Mẹ bị thủy đậu lây truyền sang con
Nếu bị thủy đậu trong thời điểm trước sinh 5 ngày và sau sinh 2 ngày, mẹ có thể lây truyền bệnh thủy đậu sang con, khiến bé gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hội chứng thủy đậu bẩm sinh
Nếu mẹ bị thủy đậu khi mang thai dễ biến chứng viêm phổi. Mẹ bị thủy đậu trong 3 tháng đầu dễ gây dị tật cho thai, sảy thai.
3. Bị thủy đậu uống thuốc gì?
Mặc dù là bệnh truyền nhiễm lành tính với người khỏe mạnh nhưng thủy đậu lại nguy hiểm với người có bệnh nền, trẻ em và phụ nữ mang thai. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vậy bị thủy đậu uống thuốc gì để ngăn ngừa bội nhiễm?
Thuốc hạ sốt
Khi bị nhiễm virus thủy đậu, thân nhiệt người bệnh sẽ tăng lên. Đây là cách để cơ thể “chiến đấu” với bệnh, cụ thể là kháng lại tình trạng nhiễm trùng. Sốt là dấu hiệu “tiên phong” trong những ngày đầu phát bệnh. Vì thế, bị thủy đậu uống thuốc gì thì câu trả lời đầu tiên là thuốc hạ sốt.
Tuy nhiên, lưu ý là thuốc hạ sốt chỉ được dùng khi bị sốt trên 38,5 độ C. Mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ. Không uống liên tục trong 5 - 7 ngày.
Bị thủy đậu và sốt cao nên uống thuốc hạ sốt để tránh biến chứng co giật, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em
Thuốc giảm ngứa
Người bị thủy đậu có thể ngứa ngáy và khó chịu. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp bị ngứa nhiều và người bệnh gãi mạnh có thể để lại sẹo và gây nhiễm trùng thứ phát. Lúc này, có thể sử dụng thuốc kháng histamin có tác dụng giảm ngứa.
Thuốc kháng virus
Trong điều trị thủy đậu, bệnh nhân sẽ được bác sĩ sử dụng thuốc kháng virus có tên là Acyclovir. Công dụng của thuốc Acyclovir là làm thuyên giảm tình trạng nhiễm trùng thứ phát, từ đó, ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng.
Thuốc kháng virus chủ yếu sử dụng cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ có thai,… Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc kháng virus Acyclovir là một trong các thuốc được sử dụng nhiều trong điều trị thủy đậu
Thuốc kháng sinh
Người bị thủy đậu có dấu hiệu nhiễm trùng, các vết loét trên da bị sưng, đau và có mủ thì sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Tương tự như thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng khi có đơn kê của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Thuốc bôi/sát trùng ngoài da
Khi bị thủy đậu, trên da sẽ xuất hiện những mụn nước. Mụn nước này có thể vỡ bất cứ lúc nào, và nếu không được chăm sóc cẩn thận có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây viêm và loét da. Do đó, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, người bị thủy đậu có thể dùng thêm thuốc bôi/sát trùng ngoài da.
Lưu ý là thuốc có thể gây ngứa với một số người cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng. Và khi bôi trên diện rộng thì có thể gây mất thẩm mỹ.
Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh thủy đậu, hy vọng giúp bạn đọc trả lời được câu hỏi bị thủy đậu uống thuốc gì. Và hãy luôn ghi nhớ một điều, tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng đã có vắc xin phòng ngừa thủy đậu. Vì vậy, hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng cách tiêm ngừa vắc xin theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu bị thủy đậu và gặp những triệu chứng bất thường, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, mọi người có thể đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng cơ sở vật chất hiện đại sẽ giúp phát hiện, chẩn đoán những bất thường và có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Mọi thắc mắc hay nhu cầu về khám chữa bệnh, có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được nhân viên y tế của bệnh viện hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng, chính xác.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!