Các tin tức tại MEDlatec
Trẻ bao tuổi có thể tẩy giun và dấu hiệu trẻ bị nhiễm giun là gì?
- 11/03/2021 | Điểm danh các loại giun có thể ký sinh trong cơ thể người phổ biến nhất
- 16/06/2020 | Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo
- 01/11/2020 | Giun móc: Triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả
1. Dấu hiệu trẻ bị nhiễm giun cha mẹ cần biết
Đến nay, y học đã xác định được rất nhiều loại giun có thể sống ký sinh trong đường ruột của con người bao gồm: giun đũa, giun kim, giun móc, sán,… Những loại giun này ký sinh và phát triển trong đường ruột do trẻ nuốt phải trứng giun từ đồ vật bẩn hoặc thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Đường ruột ở trẻ nhỏ còn khá yếu nên là môi trường thuận lợi cho giun ký sinh và gây hại.
Trẻ nhỏ dễ bị giun sán ký sinh dẫn đến sụt cân, kém ăn
Do đó, cha mẹ cần lưu ý kiểm tra trẻ có những dấu hiệu bất thường sau đây không, nếu có khả năng cao trẻ đã bị nhiễm giun và cần được tẩy giun.
-
Thường xuyên đau bụng ở vùng rốn, trẻ gầy yếu, bụng ỏng.
-
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc lúc lỏng bất thường, thậm chí có thể nôn ra giun, ỉa ra giun hoặc quan sát thấy giun ở hậu môn của trẻ.
-
Trẻ khó ngủ, hay quấy khóc, đái dầm, có triệu chứng ngứa hậu môn vào ban đêm.
-
Trẻ có triệu chứng thiếu máu, thiếu dinh dưỡng mặc dù ăn uống đầy đủ.
-
Có dấu hiệu thiếu hụt Vitamin và khoáng chất: da xanh xao, hay mệt mỏi, thiếu linh hoạt, sức đề kháng kém.
-
Bé gái bị nhiễm giun có thể bị ngứa, mẩn đỏ quanh vùng âm đạo.
Trẻ từ 2 tuổi nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng
Khi có những triệu chứng nghi ngờ này, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng phân, xét nghiệm tìm trứng giun hoặc giun. Trong một số trường hợp có thể phải siêu âm kiểm tra mức độ nhiễm giun, từ có chỉ định tẩy giun hoặc phương pháp can thiệp thích hợp.
Nhiễm giun trong thời gian càng dài thì triệu chứng càng nặng, các vấn đề sức khỏe cũng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cha mẹ không nên chủ quan trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn cho trẻ, tẩy giun và đưa trẻ đi khám bệnh khi có dấu hiệu nhiễm giun.
2. Trẻ bao tuổi có thể tẩy giun?
Với trẻ nhỏ, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên tẩy giun khi trẻ 2 tuổi trở lên, các trường hợp trẻ nhỏ tuổi hơn không tự ý cho trẻ dùng thuốc tẩy giun. Thay vào đó, cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ xét nghiệm, xác định chính xác tình trạng nhiễm giun. Nếu xác định trẻ bị nhiễm giun, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tẩy giun và theo dõi để đảm bảo không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi bị nhiễm giun cần đi khám bác sĩ
Các chuyên gia khuyến cáo trẻ trong độ tuổi nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần để đảm bảo sức khỏe cũng như ngăn ngừa nguy cơ nhiễm giun gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
Trên thị trường có nhiều loại thuốc tẩy giun khác nhau, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để lựa chọn loại thuốc phù hợp với độ tuổi và tình trạng của trẻ. Đa phần các loại thuốc tẩy giun được khuyến cáo sử dụng vào buổi sáng trước khi ăn sáng.
Tuy nhiên, 1 số bác sĩ chuyên khoa Nhi cũng khuyên khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ.
Sau khi dùng thuốc, trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ bất thường như: buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,… Các tình trạng này thường tự hết sau một vài ngày, sau tẩy giun trẻ cũng sẽ khỏe mạnh và ăn uống tốt hơn.
Nhưng cần lưu ý khi trẻ sau khi dùng thuốc tẩy giun có những triệu chứng dị ứng như: ngứa, nổi mề đay, phát ban,… Nếu phản ứng dị ứng nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
3. Hướng dẫn chăm sóc để phòng ngừa nhiễm giun ở trẻ
Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm giun ký sinh, thậm chí tái phát nhiều lần do trẻ nhỏ chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe, đảm bảo vệ sinh tốt, hay có thói quen mút tay và lê la sàn nhà. Việc đưa tay lên miệng mút hoặc bò chơi lê la trên sàn nhà khiến trẻ dễ nuốt phải trứng các loại giun như: giun tóc, giun đũa, giun kim,… Nguy cơ này cao hơn ở những trẻ sống ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện y tế còn kém.
Trẻ nhỏ được đảm bảo vệ sinh tốt có nguy cơ nhiễm giun thấp hơn
Nhiễm giun gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí còn dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Do đó, nên chủ động phòng ngừa nhiễm giun ở trẻ nhỏ kết hợp với tẩy giun định kỳ bằng cách sau:
3.1. Vệ sinh ăn uống
Thực phẩm của trẻ cần được nấu chín, trái cây rửa sạch và gọt vỏ, nước đun sôi để nguội đảm bảo vệ sinh.
3.2. Vệ sinh cơ thể
Cần tập cho trẻ từ sớm thói quen rửa tay với xà phòng sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người chăm sóc cũng cần đeo găng tay, vệ sinh tay sạch sẽ khi chuẩn bị thức ăn và chăm sóc cho trẻ. Ngoài vệ sinh tay chân, cha mẹ cần thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi, ở chuồng hoặc mặc quần thủng đít.
3.3. Vệ sinh đồ chơi
Đồ chơi cho trẻ cần thường xuyên được rửa sạch, quần áo và chăm màn giặt sạch phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên. Khu vực vui chơi của bé cha mẹ cũng cần thường xuyên dọn dẹp, lau rửa sạch sẽ.
Nếu gia đình sống ở khu vực nông thôn, trồng rau màu, cần lưu ý xử lý phân đúng cách, xa nơi ở và giếng nước. Với trẻ nhỏ, nên hạn chế cho trẻ vui chơi, bò la trên đất cát gần khu vực nuôi trồng.
Cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh đồ chơi và vật dụng cho trẻ
Với thắc mắc trẻ bao tuổi có thể tẩy giun, chuyên gia cho biết nên chủ động tẩy giun cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Những trẻ nhỏ tuổi hơn bị nhiễm giun sẽ cần đi khám và dùng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!